Nông dân thời @

Thứ tư - 24/04/2019 08:51
Tác phẩm đoạt giải C Giải báo chí Quốc gia lần thứ VI; giải Đặc biệt Giải báo chí viết về xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Bình – lập công dâng Bác giai đoạn 2012 – 2013; giải Nhất Giải báo chí tỉnh Thái Bình năm 2013.
Những người nông dân biết giao thương qua mạng internet, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, hay những cử nhân trở về làm nông dân có thể thấy ở nhiều nơi chứ không chỉ ở Thái Bình. Những tấm gương về sự tự lực của những người nông dân này đang góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Một lần tình cờ chúng tôi tìm thấy một website bán các mặt hàng từ con hươu của cơ sở Trịnh Thiện ở Vũ Thư, tỉnh Thái bình. Điều làm chúng tôi chú ý là bởi nuôi hươu đối với Thái Bình hiện nay là rất mới mẻ và khó bền lâu. Vậy mà trang web cho biết, cơ sở này có thể cung cấp và bán ra thị trường với khối lượng lớn. Vì thế chúng tôi quyết định đến cơ sở tìm hiểu trực tiếp qua thông tin của trang web cung cấp. Theo trục quốc lộ 10, dò hỏi theo những con ngõ nhỏ chúng tôi cũng đến được trang trại nuôi hươu Trịnh Thiện.
111
Ông Trịnh giới thiệu sản phẩm nhung hươu với phóng viên
Ông Nguyễn Văn Trịnh ở Vũ Thư, tỉnh Thái Bình từng là một “người lính cụ Hồ”, trở về quê hương ông quay lại với công việc nhà nông của mình khi xưa. Công việc vất vả mà gia cảnh vẫn không khá giả là mấy, ông trăn trở và bắt tay vào nghề chăn nuôi. Ông Trịnh đã bắt đầu nghề nuôi hươu từ gần 10 năm nay. Ông có thể cung cấp từ con giống, nhung hươu hay thịt hươu. Song đây là mặt hàng có giá thành cao nên ở vùng nông thôn này nuôi thì dễ chứ bán lại rất khó.

Ấy vậy mà cái khó lại ló cái khôn khi con gái ông Trịnh đã hướng dẫn ông cách giới thiệu mặt hàng lên mạng internet, thế là ông đã có một quầy hàng mà bất cứ ai và ở bất cứ đâu cũng có thể ghé thăm. Ông Trịnh vui vẻ cho biết: “Tôi nuôi hươu từ năm 1994 nhưng mà lúc đó không biết bán cho ai, nhờ có điện thoại, công nghệ thông tin đặc biệt là mạng Internet nên đã bán được rất nhiều và còn đảm bảo tiêu thụ được cho những người chăn nuôi khác ở trong khu xóm này”.

Giờ đây ông Trịnh đã có thể cung cấp sản phẩm của mình từ trong Nam, ngoài Bắc đơn giản qua email hay một cuộc gọi điện thoại đặt hàng. Có được thị trường phân phối, ông đã mở rộng việc chăn nuôi cũng như tạo thêm nhiều vệ tinh nuôi hươu cho cửa hàng trên mạng internet của mình. Do vậy, công việc chăn nuôi và bán sản phẩm trở nên suôn sẻ đối với người nông dân này chính là nhờ vào giao dịch thương mại điện tử.

Thương mại điện tử là điều xa xôi với những người nông dân, song khi được tiếp cận thì không quá khó để họ có thể làm quen và trở thành một người bán hàng chuyên nghiệp. Cái vốn có của người nông dân là cần cù, chịu khó và ham học hỏi, chỉ cần hướng dẫn đúng cách là họ có thể làm được.

Giống như ông Trịnh, anh Đồng Văn Thành ở xã Tân Phong, Vũ Thư cũng là một người chăn nuôi, nhưng sản phẩm lợn thịt của anh thì không cần phải rao bán trên mạng Internet mà quan trọng là làm thế nào để  cho đàn lợn sinh trưởng và phát triển tốt, chất lượng thịt ngon mới là điều quan trọng. Hơn một năm nay anh Thành đã đi học hỏi từ các thông tin trên Internet, rồi qua các trung tâm khuyến nông về cách làm nền chuồng cho lợn bằng “Đệm lót sinh học”. Khi đó, nhiều người trong thôn, trong xã đã chẳng hiểu tại sao anh Thành lại phải thay đổi cái nền chuồng lợn kiên cố bằng xi măng kia bằng một cách khác để làm gì! Thường thì người nông dân vẫn thích làm theo thói quen và tập quán nếu như thói quen ấy cũng không hại gì. Với anh Đồng Văn Thành thì khác, nếu không thử ứng dụng khoa học kỹ thuật thì sẽ không thể có thêm kinh nghiệm hay cơ hội để phát triển. Vậy là anh bắt tay vào thực hiện.

Nền chuồng này được làm từ các thành phần, như: mùn cưa, trấu, bột ngô và men vi sinh sau khi được ủ trộn sẽ trải xuống để làm lớp đệm lót cho chuồng nuôi. Từ lúc bắt tay vào làm anh đã được các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình cùng làm nên cũng thấy yên tâm hơn. Và đến nay thì kết quả của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp anh có nhiều thành công.

Và để chứng minh cho điều đó, anh đã yêu cầu chúng tôi tự mình kiểm chứng. Cùng anh bước vào chuồng lợn, tự tay bốc một vốc nền chuồng đã được lót cách đó 2 tháng, đưa lên ngửi nhưng chúng tôi không hề cảm thấy mùi hôi của chất thải như chuồng nuôi thông thường khác.

Vậy là, việc ứng dụng chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học đã tận dụng được nhiều lợi ích đảm bảo cho vật nuôi phát triển tốt hơn, giảm chi phí và tạo được môi trường không khí trong lành, không ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày cho người dân xung quanh vùng chăn nuôi gia súc, gia cẩm. Nhìn chúng tôi, anh cho biết: “Tôi cũng mới nuôi thôi nhưng mà thấy đảm bảo môi trường vệ sinh, không phải dọn rửa nhiều, mùa hè chuồng nuôi rất thoáng, mà vào mùa đông thì chuồng lại ấm, con lợn được nuôi rất là chóng lớn”.

Có thể không ít người vẫn nghĩ, nông dân thường ít kiến thức, nhưng thực tế khi chúng tôi thực hiện phóng sự “Nông dân thời @” này thì ngày càng gặp nhiều hơn những người nông dân trẻ là những cử nhân, hay đã qua những trường đào tạo có tiếng tăm nhưng lại trở về gắn bó với đồng đất quê hương.

Trần Quang Phước, cái tên không hề xa lạ với người dân xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương. Người thanh niên đó đã biến hơn 2 ha đất chua trũng nhất của xã không thể trồng cấy được thành một trang trại với mô hình vườn – ao – chuồng bền vững. Nếu chỉ có thế thì không thể diễn tả hết về chân dung Trần Quang Phước, một trong 5 nhà nông trẻ xuất sắc của tỉnh Thái Bình được nhận giải thưởng Lương Đình Của lần thứ 6 năm 2011, phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn TNCS HCM tặng thanh niên nông thôn sản xuất, kinh doanh giỏi.

Anh Phước là kỹ sư nông nghiệp, ra trường với tấm bằng loại ưu và được nhận vào làm ở những trung tâm giống cây trồng uy tín của miền Bắc, nhưng càng đi nhiều, tiếp xúc nhiều với người nông dân, với các bạn trẻ, Phước càng trăn trở. Và anh đã quyết định trở về quê hương với câu nói của người thầy dạy là: “hãy làm thí nghiệm trên chính cuộc sống của mình chứ đừng nên làm thí nghiệm trên lưng người nông dân”. Anh cho biết thêm: “Ai cũng biết bà con chúng ta ít có điều kiện đi giao lưu học hỏi, ít có điều kiện đi xa vùng. Để mà giúp bà con hiệu quả nhất, bằng phương pháp mắt nhìn, tay sờ thấy, thế nên mình trực tiếp về làm để họ cảm nhận nó làm đâu có cao siêu gì, đâu có khó khăn gì, đầu tư đâu có lớn, ta cũng làm được, thế thì giúp cho bà con dễ dàng hơn”.

Nói là làm, Phước chọn làm mô hình trang trại. Vì đây là mô hình tốt nhất để đưa cây con, giống cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thực tế.

Không biết bao nhiêu ngày, bao nhiêu lâu Phước một mình phát cỏ mở đất, trong sự ái ngại của những người xung quanh, sự phản đối của người thân vì đến cây lúa cũng không thể sống được thì có cây gì có thể cắm rễ vào mảnh đất đồng chua nước phèn, lại khó khăn đi lại trên cánh đồng của xã Quốc Tuấn, kiến Xương đó.

Với nỗ lực của bản thân, Phước không chỉ dừng lại ở việc cải tạo thành công vùng đất chua trũng nhất của xã. Những mô hình như gieo sạ lúa thay cho cấy bằng tay, hay mô hình trồng đậu tương gốc rạ, cây vụ đông theo phương thức làm đất tối thiểu trên đất 2 lúa và triển khai đưa máy móc cơ giới vào sản xuất như máy gặt đập liên hợp cũng đã được bà con trong xã áp dụng và nhân ra diện rộng trên đồng đất Quốc Tuấn.

Những người nông dân biết giao thương qua mạng internet như ông Trịnh, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật mới như anh Thành hay những cử nhân như anh Phước trở về làm nông dân có thể thấy ở nhiều nơi, chứ không chỉ ở Thái Bình. Những tấm gương về sự tự lực của những người nông dân này đang góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Chủ trương xây dựng nông thôn mới mà Đảng, nhà nước ta hướng tới là đổi mới “nông nghiệp – nông dân – nông thôn”, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người nông dân vẫn rất cần những mô hình thực tế như vậy.

Song số người biết tận dụng cơ hội từ công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật và từ kiến thức được trang bị bài bản lại chưa nhiều. Chỉ khi nào  được tận mắt chứng kiến hiệu quả của những mô hình này, được cầm tận tay để chỉ cách làm thì những người nông dân chân chất mới có thể thay đổi tập quán và làm theo, không còn loay hoay với chuyện thoát nghèo.

Một điều dễ thấy là người nông dân có thể tự lực tạo nên những thành công cho chính bản thân mình và cho quê hương. Những bài học thành công của người nông dân như ông Trịnh, anh Thành, anh Phước cũng là cơ hội thành công cho nhiều người nông dân khác. Vây thì thay vì xây dựng những kế hoạch sản xuất chung chung để người nông dân làm theo, hãy trang bị cho họ những kiến thức về thị trường, về khoa học kỹ thuật để họ đi tới thành công trong thời đại @./.
 
Nhóm tác giả: Nguyên Nhung – Hồng Điệp – Xuân Thủy – Nguyễn Hưng
Chi hội Đài PTTH Thái Bình

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây