Có lẽ ít người còn nhớ cách đây 48 năm, 11 nữ du kích Quang Lang, huyện Chi Lăng đã cùng quân dân Lạng Sơn bắn hạ máy bay Mỹ góp phần làm nên chiến thắng. Chiến tranh qua đi, họ trở về đời thường với bao nỗi niềm suy tư.
Nhớ một thời đánh Mỹ
Đã có lần tôi hẹn bác Vũ Bách - nguyên phóng viên Báo Lạng Sơn, người đã chụp rất nhiều ảnh về cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Lạng Sơn, cuối tháng 4 sẽ về Quang Lang. Sau cú hẹn tù mù đó chẳng ngờ chưa đợi tôi gọi, ông già đã đòi tôi phải đi cho được. Vậy nên bất chấp cái lạnh đang về, mưa mỗi lúc nặng hạt chúng tôi về Quang Lang. Chuyến đi với tôi nặng trĩu nỗi lo, không biết có gặp lại các nữ du kích không? Giờ họ ai còn ai mất? sau cuộc chiến họ đã yên bề gia thất hay vẫn mỏi mòn chờ đợi ai đó chưa về? Tôi thì vậy, còn ông già xem ra rất hào hứng như sống lại tuổi 20. Và suốt quãng đường ông cứ thao thao về một thời đánh Mỹ.
Sau sự kiện Vịnh Bắc bộ, ngày 5 tháng 8 năm 1964, Đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, cho máy bay bắn phá miền Bắc. Trọng điểm là các công trường, xí nghiệp, cảng tiếp nhận hàng của các nước xã hội chủ nghĩa cho ta. Một trong những trọng điểm tấn công của không quân Mỹ là Ga Đồng Mỏ; nơi được coi là cảng nổi thứ 2 của Lạng Sơn. Và tất nhiên để đánh địch bảo vệ cảng nổi, hàng loạt đội du kích võ trang được thành lập. Các đơn vị pháo phòng không đóng kín các dãy núi đá quanh thị trấn, tua tủa hướng nòng lên bầu trời. Cả những đơn vị pháo binh nước bạn cũng giúp sức lập trận địa đánh máy bay ném bom. Những ngày ấy cả nước lên đường, ai cũng vững một niềm tin chiến thắng. Trong hoàn cảnh ấy đội nữ du kích xã Quang Lang được thành lập. Cả đội du kích 11 người lớn tuổi nhất là bác Nguyễn Thị Thìn mới 18 tuổi, trẻ nhất bác Hiền mới 16 tuổi. Tất cả chưa một lần yêu.
Họ dồn hết sức lực tuổi thanh xuân vào chiến trường. Bác Trần Thị Hiền còn nhớ, ngày tôi ấy được phát một khẩu K44, ngày nắm cơm nhà đi trực chiến tối về sản xuất, cứ thế hàng năm trời. 1/12/1965, khoảng 1 giờ chiều. Nghe kẻng báo động, cả tiểu đội nhìn lên trời đã thấy phía núi đá một tốp 5 chiếc máy bay. Một chiếc F105 tách đội hình và bổ nhào vào trận địa Khau Phục, nơi tiểu đội đóng: “Nó bay rất thấp cháu ạ, thấp hơn cả dãy núi đá nữa, Tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Thìn hô bắn, thế là 11 khẩu súng cùng nhả đạn, súng phòng không các trận địa khác cũng rộ lên. Bay qua trận địa được một lúc thì nó bốc cháy. Cả tiểu đội nhẩy lên hào ôm nhau hô, cháy rồi! Bất chấp tiếng bom, khói đang dậy lên trên Ga Đồng Mỏ”.
Quang Lang thân thương và cảm mến
Con đường xưa về Quang Lang, theo bác Bách cánh nhà báo phải đi mất một ngày. Chưa kể qua các trạm gác bị giữ lại hỏi giấy tờ. Còn giờ đây chưa đầy 40 phút chúng tôi đã có mặt tại Quang Lang. Tiếp chúng tôi là Cựu chiến binh Hoàng Văn Cao, và Chủ tịch xã Vi Văn Sẹc. Biết chúng tôi muốn tìm những nữ du kích Quang Lang bác Cao ngậm ngùi, các chị ấy còn sống, tôi biết 3 chị, nhưng khổ lắm. Không biết bao giờ mới họp được đông đủ, chiến tranh qua rồi. Giọng bác Cao như muốn khóc. Theo đề nghị của bác Bách, anh Chủ tịch mở cho chúng tôi xem nhà cất giữ những hiện vật của Quang Lang, rất nhiệt tình nhưng anh rào trước: “không có điều kiện bảo quản hiện vật, nên ảnh rơi đi nhiều rồi” Gặp lại những bức ảnh xưa, bác Bách như reo lên: “Mấy cái này tôi chụp. Rồi bác chỉ vào ảnh xác máy bay, nữ du kích nấu cơm, đứng gác…”. Chúng tôi như lặng đi trước những kỷ vật đã ố vàng, rơi rụng trong một cái kho chứa đồ ẩm mốc, còn anh chủ tịch thì bần thần như người có lỗi.
Anh Hoàng Trúc, Bí thư Huyện ủy trực tiếp đưa tôi vào nhà bác Trần Thị Hiền. Vượt qua con đường bê tông nhỏ lối rẽ vào nhà bác Hiền đầy cỏ dại, ngai ngái mùi lá mục tựa hồ lâu lắm không có bước chân người. Một bà cụ nhỏ nhắn trong bộ áo chàm sờn bạc nơi tay áo, có giọng nói ấm áp đón khách. Khi hỏi về đội du kích, bác Hiền như vui hẳn lên. Bác kể cho chúng tôi nghe, giờ các thành viên đội du kích hồi ấy đã mất 2 người, một chị từ ngày lấy chồng không gặp lại, còn họ đều sống ở các làng bản quanh đây, đều làm ruộng, chỉ có một chị thoát ly nên phần lớn cuộc sống khó khăn. Đang vui câu chuyện thì gian nhà bên cạnh có tiếng gào thảm thiết, nhìn sang chỉ thấy một khung cửa sổ được gia cố thêm song gỗ, sắt. Bác Hiền cho biết đây là nơi nhốt cô con gái bị điên. Mấy ngày nay trái gió trở trời, cháu cứ kêu gào làm cả nhà, cả xóm mất ngủ. Nói rồi bác quay đi dấu những giọt nước mắt lăn dài. Rời nhà bác Hiền, chúng tôi đến làng Đăng nơi nữ du kích Vi Thị Trong sống. Cúi mặt lên con dốc chênh vênh cuối làng, bác Trong đang lúi húi trong bếp nấu bữa chiều. So với bác Hiền, bác Trong nhỏ và gầy hơn. Vừa trông thấy bác Vũ Bách, bác Trong đã reo lên, đôi mắt quầng thâm mất ngủ như sáng ra: “Anh Bách! Có phải anh Bách nhà báo không”? Họ đã nhận ra nhau, còn tôi thì như người thừa. Rồi họ quấn quýt bên nhau kể chuyện. Chẳng phải hỏi câu nào mà tôi vẫn nghi chép đến mỏi tay.
Sau khi bắn rơi máy bay Mỹ, du kích cùng bộ đội đi tìm xác máy bay, tải thương, đếm bom. Trái bom nào chưa nổ thì phải đánh dấu để công binh gỡ. Bom bi chưa nổ chị em có sáng kiến lấy bùn đắp lại để đánh dấu, và nó có nổ thì cũng không sát thương lớn. Chiến tranh qua đi, các bác lại về với đời thường, giờ thi thoảng gặp lại nhưng các chị vẫn nghèo, vẫn áo chàm năm nào. Bác Vi Thị Tuyết lấy chồng mãi Quảng Ninh nhưng nghe đâu nhà chồng ở nơi hẻo lánh tới mức vài tháng mới đi chợ một lần. Hai bác không xây dựng gia đình. Bác Trong cũng đơn chiếc. Bác Bay, bác Hiền ốm đau liên miên. Mỗi người mỗi cảnh nhưng các bác luôn động viên nhau sống cho xứng đáng với đội du kích năm nào. Có bác khổ quá muốn kiến nghị nhà nước trợ cấp để mỗi ngày được bữa ăn sáng. Thế nhưng chị em nhất quyết không cho đề nghị vì lý do huyện mình còn khó…Cũng theo bác Trong, ước mơ chị em là muốn có bộ đồng phục bộ đội để đi họp đỡ xấu hổ với nam giới vì họ có đồng phục. Mơ ước nhỏ vậy thôi mà chưa thực hiện được vì các bác vẫn là những nông dân nghèo. Đưa bức ảnh chúng tôi mang theo, bác Trong reo lên: “cái Páy với cái Dung đây mà”, rồi nước mắt bác chảy thành hàng. Tôi hỏi: “Sao họ lại biết các bác bắn rơi máy bay”? Bác cười: “Dễ lắm, các bác toàn được phát đạn lửa, vì đạn thường tốt hơn các anh nhận hết rồi, thế là lúc bắn nhìn rõ đạn lửa bay vào máy bay, trinh sát họ biết mà”.
Đã 48 năm qua đi. Những nữ dân quân Quang Lang đã làm nên một kỳ tích: súng bộ binh bắn rơi máy bay phản lực Mỹ. Một kỳ tích rất đỗi lớn lao, còn mơ ước của họ thì quá giản dị. 48 năm qua rồi không biết ai còn nhớ, ai quên?!