Đào núi về xuôi - Phóng sự của Nguyễn Đông Bắc
Thứ năm - 28/02/2019 15:25
Những năm gần đây, nhiều người dân phố thị có thú chơi đào núi Mẫu Sơn, lúc đầu còn chơi cành sau chuyển sang đánh cả gốc lẫn rễ. Gốc càng cỗi bao nhiêu thì càng có giá bấy nhiêu. Và cứ thế những rừng đào Mẫu Sơn cứ mất dần đi, không biết thêm vài cái Tết nữa liệu có còn đào Mẫu Sơn?
Thú chơi đào, đào cả gốc đào
Tự nhiên ông hàng xóm hào phóng mời bằng được tôi sang nhà, chỉ vào gốc đào lòe xòe rễ như tóc rối, chất giọng đầy nghiêm trọng: “Đừng nói là tớ mua gốc đào ngót 1 triệu đấy nhé, tận Mẫu Sơn đấy, tết này dù không ra hoa thì vẫn là hàng độc”. Chơi đào ngày tết đúng là một thú chơi tao nhã, nét văn hóa đào đã ngấm vào từng gia đình Việt Nam, chẳng thế mà đào xuân xuất hiện trong thi ca, trang ảnh. Thời xưa người ta chơi những nhành đào thế; cành mai nho nhỏ góp xuân. Sau đó là những cây đào thế; ngũ long, độc bình, thất thốn, vùng đào tết thì chủ yếu là các tỉnh miền xuôi, còn người dân xứ Lạng bán đào vẫn chủ yếu là chặt cành để gốc. Bắt đầu từ vài năm nay tự nhiên cái thú chơi đào núi trở thành mốt, nên người ta có thể lên Mẫu Sơn mua cả rừng đào rồi thuê người đánh gốc chở về xuôi, có khi người ta chỉ chặt mỗi gốc đào, còn lại thân cành bị vứt lại, năm nay thì người ta đào cả rễ, rễ càng già bao nhiêu càng có giá bấy nhiêu. Nhập vai một người mua đào tôi ngược núi khi bản tin thời tiết báo Mẫu Sơn xuống 60C. Lên Mẫu Sơn không khí như loãng ra, từng hạt sương bụi lạnh như đá như chực chui vào cổ áo khiến cái lạnh như lạnh thêm, khắp bốn bên là sương mù khiến Mẫu Sơn đã vắng lại càng đìu hiu hơn. Đang ngơ ngác thì một chiếc xe máy ì ì xé sương đi đến, anh thanh niên dừng xe hỏi một câu khiến tôi sững sờ: “Mày mua đào không?”. Như buồn ngủ gặp chiếu manh, tôi xoắn lấy tay anh hỏi chuyện, câu chuyện cứ thế nổ như ngô làm chúng tôi quên cả cái lạnh đang như châm vào từng thớ thịt. Theo Triệu Phúc Tiên - tên người thanh niên, nhà có một vườn đào để bán, nhưng phải bán cả vườn. Vườn đào của Tiên do ông bà để lại gần 50 gốc, bán cả vườn, cả công đánh gốc là 10 triệu. Rất hồ hởi Tiên cười khoe: “Cả thôn Khuổi Tầm bán hết rồi, năm nay nhà Hoàng Phúc Trình, Phúc Lý cũng muốn bán nhưng chỉ có nhà Tiên là đẹp”. Nói rồi Tiên hỏi: “Mày có biết sao giờ nó không mua cành, toàn đào cả gốc?”. Người ta lên mua đào rồi đào cả gốc mang về bỏ lại cành làm dân bản cứ thắc mắc sao mua đào lại đào cả gốc? Bản Lầy thuộc Mẫu Sơn có độ 20 nóc nhà, cũng có hơn chục vườn đào, thấy tôi nói chuyện mua đào mấy người dân xúm lại. Hoàng Phúc Lai chủ động mách, anh không mua là tết không còn để mua đâu, đấy nghe thấy không? Nói rồi cậu ra hiệu cho mọi người im lặng thoảng trong gió có tiếng bôm bốp, thậm thịch của những nhát dao cứa vào thân cây mà theo Lai đấy chính là tiếng người ta chặt đào. Thú thật nghe những tiếng ấy tôi cứ mường tượng cây đào cổ bị đốn hạ, mà mỗi cây đào ít nhất cũng phải mất độ 10 năm trồng, có khi còn hơn, bán đi chắc họ cũng xót lắm. Muốn đến tận nơi xem nhưng theo Lai, sang đến bên ấy thì người ta cũng đi mất tồi. Kéo tôi ra sau vườn, Lai chỉ mấy cây đào cổ, mỗi cây 200 ngàn mua thì đào cả gốc, mấy hôm trước chúng nó trả 150 ngàn đã thế lại không cho công đào gốc nên không bán. Lai tính mỗi công đào gốc phải 10 ngàn đồng, dưới chân Lai mấy hốc đào trơ đất và những cành bị chặt thì vươn ra như những cánh tay gầy guộc kêu cứu trong tuyệt vọng.
Đào Mẫu Sơn sẽ chẳng còn để đào?
Trong tiếng bôm bốp, chan chát, những bước chân vô định của tôi dừng trước cửa nhà bác Tăng Phúc, một người Dao nhiều người biết bởi bác được coi là “già làng” của Mẫu Sơn. Lâu ngày gặp lại, bác cháu đang vui nhưng khi tôi động đến chữ đào như cứa vào nỗi đau làm bác lặng im, hình như trong mắt bác có cái gì ươn ướt: “Cháu ạ cứ thế này thì mấy Tết nữa sẽ hết đào, hôm trước có người điện lên đây ra giá rồi nói, đào cả gốc lẫn rễ bao nhiêu cũng mua”. Theo cách tính của bác, hiện đào Mẫu Sơn đang bị thoái hóa, nhiều người chặt đào để trồng cây khác, nên khi có người mua đào rất nhiều người muốn bán, có những vườn đào cổ không còn lại vết tích, cứ nhìn những xe tải có năm thì chở cành, năm nay chở đến cả gốc rồi không xót sao được. Ngồi trong nhà nghe tiếng chí chát vọng lại, bên chén rượu sánh như nước chè tự ngâm tiếng là rất ngon, nhưng chúng tôi chẳng nhấp nổi giọt nào. Bỗng cánh cửa bật mở, hai anh thanh niên ùa vào cùng hơi gió lạnh, chưa kịp chào một người đã oang oang: “Cứ nghỉ đã mai về, đằng nào cũng phải chờ dân đào gốc”. Chỉ mỗi câu nói ấy tôi cũng đoán ra là dân đi mua đào. Trong câu chuyện anh thanh niên cho biết, đào chở về Lạng Sơn cũng có mà chở về xuôi cũng có, riêng chuyến này anh bán sang Bảo Lâm. Rồi cậu thắc mắc, quái sao người ta mua nhiều thế, đào gốc càng mốc bán càng chạy. Câu nói của cậu như lạc lõng trong không gian đầy sương, còn tôi và bác Phúc thì ngồi im như tượng.
Chưa có một con số thống kê chính xác đào Mẫu Sơn có bao nhiêu héc-ta, bao nhiêu cây, nhưng tôi dám chắc sản lượng đào ngày càng giảm, chưa tính đến sâu bệnh mỗi năm có tầm hàng ngàn gốc đào bị chặt cũng cướp đi của Mẫu Sơn hàng chục tấn đào. Con đường xuống núi sao mà dài thế, bởi xe của tôi cứ phải nép sau xe tải chở gốc đào nghênh ngang phía trước, sương thì dày đặc, đã thế không ít xe tải ngược chiều còi inh ỏi, chắc họ cũng ngược Mẫu Sơn mua đào. Tôi thoáng nhớ những cành đào trong vườn nhà Hoàng Phúc Lai vươn ra như những cánh tay kêu cứu gầy guộc mong manh.
Nguyễn Đông Bắc
Nguồn tin: Nguyễn Đông Bắc - Nơi sâu thẳm vùng biên (Nhà xuất bản Văn hóa thông tin)