Những con nợ của nền kinh tế

Thứ năm - 17/01/2019 16:45
LTS: Người làm báo Hưng Yên xin đăng lại loạt bài “Những con nợ của nền kinh tế”, của nhóm tác giả: Thu Hà, Quang Hưng, Hoàng Anh, Đặng Giang, Thanh Phong, Ngọc Long, Liên Chi hội Báo Nhân dân. Tác phẩm đoạt Giải A, Giải báo chí Quốc gia năm 2016. Đăng lại trên cuốn “Tác phẩm đoạt giải Báo chí Quốc gia lần thứ XI năm 2016” của Hội Nhà báo Việt Nam xuất bản năm 2017.



Loạt bài: Những con nợ của nền kinh tế
Bài 1: Xác xơ… xơ sợi
Bài 2: Dòng đàm “đắng”
Bài 3: Bi đát những bio-ethanol
Bài 4. Nhức nhối “khối u” hàng nghìn tỷ…
Bài 5: “Đống sắt gỉ” Gang thép Thái Nguyên
Bài 6: DQS – “con tàu”chở nặng nợ
Bài 7. Thà một lần đau!

Một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn có vai trò trụ cột của nền kinh tế, đang phải “è lưng” gánh những khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng, do hệ lụy từ những dự án có vốn đầu tư “khủng” nhưng chưa xác định rõ hiệu quả đi đến đâu. Trở thành con nợ của nền kinh tế, các đơn vị này chỉ biết tiếp tục đồng thanh kiến nghị Chính phủ “bơm vốn” xin cơ chế để giải cứu…

 
BÀI 1: XÁC XƠ…XƠ SỢI
 
Năm 2008 , khi hạ bút phê duyệt đầu tư xây dựng Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty Cổ phần hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) ôm tham vọng sẽ đáp ứng 40% thị phần sản phẩm xơ và 12% thị phần sợi trong nước. Qua đó, hỗ trợ ngành dệt may tự chủ nguồn nguyên liệu trong nước, giảm dần tỷ lệ nhập khẩu. Tuy nhiên, khi bước vào vận hành thương mại, nhà máy liên tục thua lỗ, mất khả năng cân đối tài chính và hiện đang đứng bên bờ phá sản.
Thua lỗ triền miên
Có mặt tại Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến công trình được đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng, với các trang thiết bị, công nghệ hiện đại thuộc hàng tiên tiến nhất thế giới đang “đắp chiếu” và ngày càng trở nên xác xơ, xuống cấp. Toàn bộ nhà máy luôn trong tình trang cửa đóng then cài, chỉ lác đác 1 vài công nhân lo điện nước, bảo dưỡng thiết bị… phần nào cho thấy tình trạng bi đát ở đây. Theo đại diện lãnh đạo PVTex (đơn vị quản lý nhà máy), việc dừng sản xuất là do biến động bất lợi của thị trường xơ sợi trong nước và quốc tế. Sự biến động giá này xuất phát từ một số nguyên nhân như: Giá dầu thế giới liên tục giảm sâu, thấp nhất trong vòng 10 năm; sự trượt giá của đồng Việt Nam so với USD ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất của PVTex và PVTex phải nhập nguyên liệu để sản xuất và bán hàng nội địa; sản phẩm khó cạnh tranh được với hàng ngoại…Do đó, nếu không dừng hoạt động PVTex sẽ ngày càng thua lỗ và khó có cơ hội vực dậy thị trường “ấm” lên.
Những con nợ của nền kinh tế (Kỳ 1)
Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đang dừng hoạt động vì thua lỗ.
Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ được xây dựng với tham vọng trở thành nhà sản xuất, cung cấp nguồn nguyên liệu xơ sợi lớn nhất Việt Nam, đáp ứng 40% thị phần sản phẩm xơ và 12% thị phần sợi trong nước, hỗ trợ ngành dệt may giảm nhập khẩu, chủ động  về nguyên liệu…Thế nhưng, mục tiêu đó đến nay vẫn chỉ là mong ước xa vời. Bởi trên thực tế, các Doanh nghiệp (DN) dệt may trong nước không mua, không sử dụng xơ sợi của PVTex do chất lượng thấp và giá bán không cạnh tranh so với hàng ngoại nhập. Theo đánh giá của các chuyên gia, với công suất 500 tấn sản phẩm / ngày (175 nghìn tấn/ năm), nhà máy sẽ tạo điều kiện thúc đẩy ngành dệt may phát triển, từng bước giảm dần tỷ lệ nhập khẩu và giúp ngành tránh phụ thuộc từ nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Thế nhưng, sự kỳ vọng đã không như mong muốn. Điều đó thể hiện trong quá trình đầu tư xây dựng, chạy thử, vận hành khi nhà máy liên tục gặp trục trặc và chậm tiến độ, kể cả khi nhà thầu hoàn thành thay thế thiết bị bị hỏng và lúc duy trì hoạt động ở mức 50% công suất thiết kế (từ ngày 29-8-2013) nhưng sau đó PVTex lại quyết định dừng nhà máy do hết nguyên liệu và không tiêu thụ được sản phẩm. tiếp đến, sau nhiều lần vận hành rồi lại tạm dừng hoạt động, nhà máy đã “sản xuất” ra khoản lỗ hơn 1.085 tỷ đồng năm 2014, chính thức phải dừng hoạt động từ ngày 19-7-2015 đến nay, khiến gần 1.000 cán bộ, nhân viên không có việc.
Theo báo cáo của PVN, tổng tài sản của PVTex tại thời điểm 31-12-2015 là hơn 6.456 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu bị âm hơn 528 tỷ đồng do PVTex bị lỗ trong năm 2015. Trong khi đó, nợ phải trả là hơn 6.984 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay dài hạn để đầu tư dự án, nợ vay vốn lưu động để vận hành nhà máy… Chính vì vậy, xét hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn cho thấy, PVTex đã rơi và tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, cạn kiệt nguồn vốn, nợ phải trả lớn hơn và không bảo đảm khả năng thanh toán nợ đến hạn, không bảo toàn được vốn chủ sở hữu. Trong bản báo cáo nghiên cứu khả thi, nhiều số liệu chứng minh dự án có hiệu quả, cần phải xây dự nhà máy, nhưng thực tế vận hành đều cho kết quả ngược lại. Trong đó, nhiều dự liệu tính toán trong nghiên cứu khả thi “phi thực tế” khiến khoản chênh lệch phát sinh rất lớn so với tính toán. Cụ thể, chi phí điện cả năm theo báo cáo nghiên cứu khoảng 4,69 triệu USD nhưng thực tế vọt lên tới12 triệu USD; chi phí hóa chất, phụ liệu khác theo tính toán 500 nghìn USD song thực tế lên tới 11 triệu USD. Dự kiến nhà máy khi  hoàn thành chỉ cần khoản 500 nhân viên, nhưng đến lúc hoạt động cần tới 1.000 cán bộ, công nhân viên vận hành… Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương cho biết, năm tháng đầu năm 2015, PVTex sản xuất hơn 32 nghìn tấn sản phẩm nhưng chỉ tiêu thụ được 23 nghìn tấn, chưa kể còn một phần hàng tồn của năm 2014. Có nghĩa vừa tiêu thụ hết hàng tồn năm 2014 thì tiếp tục tồn kho sản phẩm năm 2015. Trong khi đó, mỗi tấn sản phẩm PVTex lỗ ít nhất 3,3 triệu đồng và đến thời điểm 31-12-2015 tổng lỗ của PVTex lên tới gần 3.000 tỷ đồng.
Tìm kiếm đối tác tiềm năng
Để gỡ khó cho PVTex, thời gian quan PVN đã đề nghị nhà nước hỗ trợ bằng cơ chế đặc thù nhằm đưa nhà máy “nghìn tỷ” này hoạt động ổn định, có thể thu hồi vốn đầu tư. Cụ thể, dù ảnh hưởng đến các DN ngành dệt may nhưng để DN trong nước tăng mua sản phẩm của Pvtex, PVN đề nghị Bộ Tài chính áp thuế nhập khẩu và hạn ngạch đối với sản phẩm xơ sợi pô-li-e-xte nhập khẩu (Bộ Tài chính đã nâng thuế từ 0% lên 2%). PVN cũng đề nghị miễn giảm thuế giá trị gia tăng; chi phí điện nước, tiền thuê đất, chi phí quản lý, xử lý nước thải của khu công nghiệp Đình Vũ với PVTex trong hai năm … Đáng chú ý, dù hoạt động theo cơ chế thị trường nhưng PVN đề nghị cho phép xây dựng cơ chế tiêu thụ sản phẩm trong nước theo hướng yêu cầu các DN dệt may “phải sử dụng các sản phẩm của PVTex”. Tuy nhiên, hiện PVTex vẫn thua lỗ và chưa cho thấy tín hiệu ngày hoạt động trở lại. Thậm chí, để “đổi vận đen”, mới đây lãnh đạo PVN đã điều động và bổ nhiệm nhân sự mới vào chức Chủ tịch HĐQT kiêm tổng Giám đốc của PVTex với mong muốn nhà máy sẽ được vực dậy, sớm chấm dứt lỗ và trở lại hoạt động kinh doanh có hiệu quả.
Đánh giá về thực trạng hoạt động của nhà máy, một chuyên gia trong lĩnh vực xơ sợi cho biết, xơ sợi Đình Vũ phải trả giá, không bán được hàng xuất phát từ việc đầu tư thiếu tầm nhìn chiến lược. Việc đầu tư sản xuất xơ sợi đòi hỏi công nghệ cao, kinh nghiệm và độ ổn định rất lớn về chất lượng sản phẩm. Ngay ở các nước phát triển và đi đầu trong lĩnh vực này, họ cũng phải trả giá rất nhiều mới nắm giữ được bí quyết, sở  hữu được công nghệ và kiểm soát được chất lượng sản phẩm sản xuất ra. Mặc dù PVTex có thiết bị hiện đại nhưng việc không có kinh nghiệm, cùng với quy mô đầu tư nhỏ, giá cả khó cạnh tranh được với những đối thủ như Trung Quốc… thì chuyện “chết yểu” là điều khó tránh. Theo đánh giá của PVN, nguyên nhân gây ra thu lỗ của Pvtex là do doanh thu không đủ bù đắp biến phí, một số khoản định phí trong giai đoạn đầu nhà máy đi vào vận hành thương mại lớn; giá dầu thô và giá bông (sản phẩm cạnh tranh, thay thế xơ sợi) trên thị trường thế giới liên tục giảm mạnh trong vài năm gần đây, đã dẫn đến giá các sản phẩm xơ sợi tổng hợp xuống rất thấp. Vị trí nhà máy không thuận lợi, xã vùng nguyên liệu, xa thị trường tiêu thụ dẫn đến chi phí phát sinh cao; dự án chậm tiến độ hai năm; chất lượng sản phẩm chưa hoàn toàn ổn định…Do đó, việc thu xếp vốn lưu động để vận hành lại nhà máy là rất khó khăn, bên cạnh đó, phương án PVTex tự vận hành lại, tiếp tục sản xuất, kinh doanh dài hạn chưa thể khẳng định được tính khả thi và hiệu quả. Chính vì vậy, PVTex phải tìm kiếm, hợp tác với các đối tác khác để cùng sản xuất và trường hợp cuối cùng, nếu không tìm được sẽ xem xét thực hiện phá sản theo quy định.
Dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ có tổng mức đầu tư hơn 324 triệu USD ( hơn 7.200 tỷ đồng); cổ đông tham gia góp vốn hiện tại gồm PVN (75%) và PVFCCo (25%); công suất thiết kế 175 nghìn tấn/ năm với các sản phẩm như xơ ngắn, sợi filament, hạt chip… Ngày 29-5-2014, nhà máy chính thức vận hành thương mại và ngày 17-9-2015 phải dừng hoạt động cho đến nay.







 
BÀI 2: DÒNG ĐẠM “ĐẮNG”
 
Mới đây, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) công bố báo cáo tài chính hợp nhất sáu tháng đầu năm 2016 với kết quả bất thường nhưng không gây bất ngờ: Toàn tập đoàn lỗ sau thuế tới 203,5 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm 2015 lãi hơn 998 tỷ đồng); công ty mẹ lỗ gần 477 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2015 lãi hơn 535 tỷ đồng). Chuyện lỗ dường như được coi là tất yếu, khi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phân đạm thuộc Vinachem lao dốc không phanh… Hạt đạm trắng mà “đắng”, tương lai của các nhà máy đạm đang phủ một màu xám xịt!
Lỗ triền miên
          Theo các số liệu báo cáo, ngay từ năm 2015, đã có 4 trong số 24 đơn vị của Vinachem sản xuất, kinh doanh bị lỗ, bao gồm Đạm Hà Bắc, DAP số 2- Vinachem (DAP Lào Cai), Đạm Ninh Bình và Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội (haso) với tổng lỗ phát sinh 1.460 tỷ đồng. Trong đó, Đạm Hà Bắc và DAP Lào Cai lỗ kế hoạch do dự án mới đi vào hoạt động từ Quý II-2015. Nhưng năm nay, lợi nhuận từ các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả vẫn không thể bù nổi cho những khoản lỗ “khủng” từ “bộ tứ” ngành phân bón của Vinachem, bao gồm DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai, Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình, theo đó, nửa đầu năm 2016, Đạm Ninh Bình lỗ 457 tỷ đồng, DAP Lào Cai lỗ 281 tỷ đồng, DAP Đình Vũ lỗ 212 tỷ đồng, còn Đạm Hà Bắc trong chín tháng qua lỗ 701 tỷ đồng, dự kiến cả năm lỗ gần 1.000 tỷ đồng. Việc sản xuất u- rê và DAP của Vinachem ngày càng khó khăn khi các dự án có chi phí khấu hao và lãi vay rất lớn. Hơn nữa, cả hai nhà máy sản xuất u-rê của tập đoàn sử dụng công nghệ khí hóa than cho nên giá thành cao hơn nhiều so với sản xuất phân đạm từ khí (do giá khí giảm và đang duy trì ở mức thấp). Sáu tháng qua, các doanh nghiệp của Vinachem sản xuất 160 nghìn tấn u-rê, giảm 44,3% so với cùng kỳ năm 2015, tồn kho 31 nghìn tấn, tăng 767%; DAP sản xuất 142 nghìn tấn, giảm 33%, tồn kho 229 nghìn tấn, tăng 1,5%,… Do chịu tác động của sản lượng tiêu thụ và giá bán giảm, số đơn vị lỗ và số lỗ đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, ba đơn vị doanh thu giảm mạnh là DAP Đình Vũ (giảm 50,8%), Đạm Ninh Bình (giảm 51,8%), các đơn vị còn lại giảm từ 0,9% đến 24%.
111
Nhà máy Đạm Ninh Bình trong sáu tháng đầu năm nay lỗ 457 tỷ đồng.
Theo dự báo, năm nay, với đà lao dốc nêu trên, Vinachem sẽ lỗ hơn 800 tỷ đồng. Tính đến cuối quý II-2016, nợ phải trả của Vinachem lên tới hơn 38.800 tỷ đồng, tương đương 65,9% tổng tài sản tại cùng thời điểm. Tại thời điểm cuối năm 2015, Vinachem có số dư vay nợ ngắn và dài hạn hơn 30 nghìn tỷ đồng, bao gồm nợ vay của các công ty con. Trong đó, bốn công ty thua lỗ nêu trên “đóng góp” 13.223 tỷ đồng nợ vay của Vinachem.
Nhà máy Đạm Ninh Bình là dự án có quy mô lớn của Vinachem, khởi công năm 2008 với công suất 560 nghìn tấn/năm, vốn đầu tư khoảng 647 triệu USD, theo dạng “Công nghệ châu Âu, tổng thầu Trung Quốc”. Vì thế, “điệp khúc lỗ” kéo dài suốt từ khi nhà máy đi vào hoạt động đến nay: Năm 2012 lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ 759 tỷ đồng, năm 2014 lỗ 500 tỷ đồng, năm 2015 lỗ 370 tỷ đồng. Tích lũy kế đến cuối tháng 6 vừa qua, Đạm Ninh Bình lỗ tổng cộng gần 2.700 tỷ đồng và hiện nhà máy đang “đắp chiếu”. Tổng  giám đốc Vinachem Nguyễn Gia Tường cho biết, đến  nay vẫn chưa quyết toán được gói thầu EPC, dẫn đến chưa quyết toán được dự án hoàn thành. Từ đầu năm 2014 đến nay, Vinachem và nhà thầu Tập đoàn Hoàn Cầu (Trung Quốc) trải qua 11 lần đàm phán nhằm giải quyết các tồn tại của hợp đồng EPC và bồi thường thiệt hại của nhà thầu do không đạt yêu cầu. Hồ sơ dự án, tài liệu hoàn công, báo các cuối cùng, nhà thầu cam kết sẽ cung cấp cho chủ đầu tư trước ngày 25-6 vừa qua, tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa nhận được.
Còn Đạm Hà Bắc từng là một trong những nhà máy sản xuất phân đạm lớn nhất và lâu đời nhất miền bắc. Năm 2010, nhà máy khởi công dự án cải tạo và mở rộng với tổng mức đầu tư hơn 568 triệu USD (tương đương 12.500 tỷ đồng, trong đó vốn tự có khoảng 1.815 tỷ đồng, còn lại vay ngân hàng). Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, năm đầu đi vào hoạt dộng, công ty sẽ lỗ khoảng 596 tỷ đồng, năm sau lỗ khoảng 127 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay năm 2015, công ty đã lỗ tới 669 tỷ đồng, cao hơn cả Đạm Ninh Bình. Lý giải nguyên nhân thua lỗ, Phó Tổng giám đốc công ty Phạm Văn Trung cho biết: Sau khi vận hành, công ty phải chịu thêm chi phí 136 tỷ đồng ngừng chạy máy và đấu nối hệ thống không có sản phẩm, chi phí khấu hao và lãi vay phát sinh 864 tỷ đồng, chênh lệch tỷ giá 145 tỷ đồng… Chỉ tính tiền ba khoản phát sinh là tăng thuế giá trị gia tăng, chênh lệch tỷ giá và giá than cho sản xuất tăng 620 tỷ đồng, công ty đã phải chịu lỗ lên đến 908 tỷ đồng.
Giải pháp là xin ưu đãi, bảo hộ
Ông Trung khẳng định, việc thua lỗ của công ty hoàn toàn do khách quan mạng lại, bộ máy lãnh đạo của công ty đã và đang đoàn kết, thống nhất đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm vực công ty vượt qua khó khăn. Công ty đã kiến nghị Vinachem báo cáo Chính Phủ, các Bộ; Tài chính, Công thương  xem xét khoanh nợ gốc và lãi vay của công ty tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDP)  trong 5 năm; gia hạn thời hạn hợp đồng vay tiền đến hết năm 2028; điều chỉnh giảm lãi xuất với các dư nợ gốc vay từ 10,8%/ năm trở lên về lãi xuất 8,55%/ năm. Đồng thời, công ty được giãn thời gian trích khấu hao trong ba năm  và ưu đãi giảm 20% giá bán than…Nếu như không được Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét, có chính sách ưu đãi bằng các cơ chế nêu trên, công ty sẽ phải ngừng sản xuất vào đầu năm 2017. Lãnh đạo công ty cho rằng , nếu Đạm Hà Bắc bị đóng cửa, nghĩa là Việt Nam sẽ không còn khả năng chủ động nguồn u-rê sản xuất trong nước, thương hiệu Đạm Hà Bắc trị giá gần 200 tỷ đồng có nguy cơ biến mất, hơn 1.500 người lao động mất việc không giữ được đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề…
Mới đây, Vinachem đề xuất Bộ Công thương (đơn vị chủ quản ) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ “gói giải pháp tổng thể hơn” gồm 14 “hạng mục để cứu doanh nghiệp, âm hưởng chủ đạo là xin cơ chế ưu đãi, bảo hộ. Theo đó, Vinachem đề nghị được bổ sung đủ vốn điều lệ từ nguồn Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp T.Ư; Kiến nghị Thủ tướng ban hành cơ chế bán than của TKV cho sản xuất phân bón bằng 80% so với giá than hiện nay trong thời gian 36 tháng (từ ngày 1-7-2016). Đồng thời, cho phép chuyển nợ vay tại VDB cho Đạm Ninh Bình thành vốn đầu tư của Nhà nước tại tập đoàn, với số tiền 2.708 tỷ đồng. Đây là số dư nợ gốc đến thời điểm 29-2-2016 tại VDB, gồm 2.669 tỷ đồng và 1,7 triệu USD. Trong trường hợp không được chuyển nợ thành vốn góp, Vinachem đề nghị cho phép khoanh nợ khoản vay tại VDB trong thời gian 5 năm (2016-2020), không trả nợ gốc và không tính lãi phát sinh trong 5 năm. Vinachem cũng đề nghị như vậy đối với Đạm Ninh Bình tại ngân hàng Eximbank Trung Quốc. Tương tự Vinachem đề nghị khoanh nợ khoản vay của dự án cải tạo – mở rộng nhà máy Đạm Hà Bắc tại VDB, dư nợ tính đến ngày 29-2-2016 làm 3.957 tỷ đồng trong thời gian 5 năm. Về lãi suất, Vinachem đề nghị giảm lãi suất đối với toàn bộ dư nợ gốc vay tại VDB cho dự án Đạm Ninh Bình (gần 372 tỷ đồng) và dự án cải tạo – mở rộng Đàm Hà Bắc (gần 3,044 tỷ đồng) có lãi suất hơn 8,55%/ năm về mức 8,55%. Riêng Đạm Hà Bắc được giãn trích khấu hao 50% trong hai năm 2016, 2017 và 30% cho năm 2018 (tương tự cơ chế đã được áp dụng tại Đạm Ninh Bình). Ngoài ra, Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo người đại diện vốn tại các ngân hàng thương mại tiếp tục cho Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc vay vốn để bảo đảm hoạt động cho sản xuất, kinh doanh. Vinachem còn kiến nghị Bộ Công thương đưa việc khai thác, chế biến quặng a-pa-tít vào một đầu mối, các đơn vị đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thăm dò hoặc chủ trương cho thăm dò phải hợp tác với Vinachem từ khâu khai thác, tuyển đến sử dụng a-pa-tít; không xem xét, cấp phép đầu tư dự án sản xuất phân bón cho các doanh nghiệp, nhất là u-rê, lân, NPK. Về phía chính quyền sở tại, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Ninh Bình cũng có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có cơ chế ưu đãi đối với hai nhà máy đạm đang “ngắc ngoải” trên địa bàn.
Việc đầu tư mở rộng sản xuất là điều bình thường của doanh nghiệp nếu xác định phương án đó phù hợp với năng lực và nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, đối với Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình, có thể thấy rõ việc đầu tư của hai nhà máy đã “không gặp thời”. Ra đời khi thị trường bão hòa, sản phẩm u-rê trong nước của Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình bị cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm u-rê nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc- quốc gia cung cấp tới 49% tổng sản lượng phân bón nhập khẩu của Việt Nam, với giá thấp hơn nhiều so với giá sản xuất trong nước. Nhiều chuyên gia nhận định, kể cả đổ thêm tiền cũng khó có thể cứu vớt các nhà máy đạm của Vinachem do nguồn cung phân bón dư thừa hơn 400 nghìn tấn/ năm.
Theo báo cáo về quỹ tiền lương, thưởng của Vinachem năm 2015, mặc dù lợi nhuận sụt giảm hơn 20% trong năm 2015 và báo lỗ hơn 200 tỷ đồng trong sáu tháng đầu năm 2016, song viên chức, quản lý của Vinachem vẫn có mức thu nhập “khủng”. Theo đó, với 13 người quản lý doanh nghiệp trong năm 2015, mức lương (cơ bản) hằng tháng bình quân mà viên chức quản lý tại Vinachem nhận được là 32,31 triệu đồng/người, tiêu tốn quỹ tiền lương 7,56 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2015, thu nhập bình quân hàng tháng của lãnh đạo Vinachem đạt 48,5 triệu đồng/người, tương ứng 582 triệu đồng/năm. Năm 2016, ban lãnh đạo Vinachem đặt kế hoạch nâng thu nhập lên 647 triệu đồng, tương ứng gần 54 triệu đồng/tháng (tăng 11,2% sơ với năm 2015).
Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra về việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi pô-li-e-xte Đình Vũ. Theo đó, sau hai năm đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự án không đạt hiệu quả, thua lỗ lớn. Việc dự án không đạt hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nguyên nhân chủ yếu do công tác chỉ đạo, giám sát hoạt động của PVN, Vinatex với vai trò đại diện chủ sở hữu vốn và người đại diện vốn tại PVTex chưa thường xuyên và kịp thời, có nhiều thiếu sót, vi phạm trong quá trình thực hiện; quản lý đầu tư xây dựng của chủ đầu tư còn nhiều vi phạm quy định của pháp luật, dẫn đến chi phí tăng cao, suất đầu tư lớn.
Trong quá trình thực hiện dự án này, các đơn vị đã không thực hiện hết trách nhiệm được giao, để dự án hiệu quả kém. Theo đó, Vinatex đã thiếu trách nhiệm trong việc góp vốn điều lệ, không thực hiện trách nhiệm của cổ đông mà ủy quyền cho PVN làm chủ đầu tư dự án. PVN trong quá trình chỉ đạo điều hành còn nhiều thiếu sót, vi phạm;  nhận chuyển nhượng vốn từ Vinatex và Tổng công ty cổ phần Phong Phú không đúng quy định, dẫn đến thua lỗ, Bộ Công thương thiếu thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chuyển nhượng vốn. Những thiếu sót, vi phạm trên thuộc Bộ Công thương; Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc PVN và Vinatex từ năm 2007 đến nay.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương chỉ đạo thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức và cá nhân tại Bộ Công thương, PVN và Vinatex thuộc thẩm quyền có liên quan đến các khuyết điểm, sai phạm. Đối với PVN, Vinatex, các đơn vị góp vốn PVTex, chỉ đạo và tổ chức thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định đối với người đại diện vốn tại PVTex và các đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền có liên quan đến các khuyết điểm, sai phạm đã nêu trong kết luận Thanh tra.








 
BÀI 3: BI ĐÁT NHỮNG BIO- ETHANOL
 
          Theo Đề án phát triển nhiên liệu sinh học (bio-ethanol) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hàng loạt nhà máy bio-ethanol đã ra đời nhằm sản xuất, cung cấp nhiên liệu sinh học pha chế xăng E5. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã quyết định chủ trương đầu tư, chỉ đạo các đơn vị thành viên đầu tư ba nhà máy bio-ethanol ở ba miền ( tại Phú Thọ, Quảng Ngãi và Bình Phước), công suất mỗi nhà máy 100 triệu lít/năm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, các nhà máy bio-ethanol được đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng đến nay đều rơi vào tình trạng bi đát…
Niềm vui ngắn chẳng tày gang
          Tính đến tháng 10-2015, cả nước đã có bảy nhà máy bio-ethanol được xây dựng, tổng năng lực sản xuất dự kiến khoảng 502 nghìn tấn/năm, đủ để pha chế 8,46 triệu tấn xăng E5 khi các  nhà máy này hoạt động đủ 100% công suất thiết kế. Trường hợp các nhà máy chỉ hoạt động 65% công suất thiết kế, sản lượng ethanol đạt khoảng 326,250 tấn/ năm, đủ để pha chế 6,46 triệu tấn xăng E5. Tuy nhiên, do diễn biến bất lợi của giá dầu thế giới (liên tục giảm sâu) thời gian qua, cùng với giá thành xăng E5 chưa thực sự hấp dẫn khiến người dân không mặn mà với xăng sinh học. Chính vì vậy, các nhà máy bio-ethanol lần lượt rơi vào cảnh ế ẩm, không tiêu thụ được sản phẩm, hoạt động lay lắt và buộc phải quyết định đóng cửa (hiện nay, chỉ còn Nhà máy bio-ethanol Tùng Lâm hoạt động).
Nhà máy bio-ethanol Phú Thọ (xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông) do Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 6-2009, tổng vốn đầu tư  ban đầu hơn 1,317 tỷ đồng (sau điều chỉnh gấp gần hai lần, lên tới 2,484 tỷ đồng), dự kiến vào vận hành thương mại từ tháng 11-2011. Tuy nhiên, từ tháng 9-2012 cho đến nay, dự án đang tạm dừng, tiến độ mới đạt 79%. Có mặt tại nhà máy, mới thấy hết vẻ hoang tàn của dự án được đánh giá là “cánh chim đầu đàn” trong hệ thống cung cấp nhiên liệu sinh học cho cả nước. Giữa mênh mông đồng ruộng, khung cảnh nhà máy im lìm, hoang lạnh, không có bất cứ dấu hiệu nào của việc thi công hay sản xuất. Các hạng mục quan trọng đã chuẩn bị hoàn thành như nhà điều hành,  kho Sắn, nhà nghiền, nhà sản xuất chính, khu bồn cồn thành phẩm, điện, lò hơi… lâm vào cảnh dang dở đang dầm mưa, dãi nắng nên hoen gỉ, xuống cấp nghiêm trọng. Quanh nhà máy, chỉ có lác đác vài người làm công tác bảo vệ, cánh cổng luôn khép chặt, ở tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Người dân sống quanh khu vực cho biết, chỉ khi nào có đoàn kiểm tra về, họ thuê người cắt cỏ chung quanh để đỡ chướng mắt. Dù cỏ dại, dây leo đã được cắt xén, nhưng vẫn không thể làm tươi mới hàng trăm tấn thiết bị “đắp chiếu” bấy lâu.
          Để dự án được triển khai thuận lợi, tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp như cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng khu nhà ở và các công trình phục vụ cán bộ nhân viên; chuyển mục đích và giao đất cho chủ dự án; phê duyệt đơn giá cho thuê đất cho chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, có văn bản chấp thuận cho chủ đầu tư triển khai quy hoạch vùng nguyên liệu với quy mô 8.000 ha và chủ đầu tư đã đầu tư gần 15 tỷ đồng để đầu tư giống, phân bón, kỹ thuật… Tuy nhiên, kết quả chỉ như muối bỏ bể. Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông Phan Đức Tài ngao ngán: Ngày xưa, đây là cánh đồng lúa bờ xôi ruộng mật, nông dân xót của không chịu trả đất, chính quyền phải cưỡng chế thu hồi. Tưởng rằng sau đó nhà máy sẽ thu hút lao động địa phương, cuối cùng bỏ hoang, nông dân oán thán nhiều lắm. Huyện cũng đã nhiều lần kiến nghị cấp trên nếu không thực hiện được thì sớm chuyển mục đích dự án, tránh bỏ hoang năm này qua năm khác. Liên tiếp từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh Phú Thọ có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và PVN chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, tuy nhiên khả năng tìm cách đưa dự án trở lại hoạt động, nghe ra còn khó hơn tìm đường lên trời.
           Theo PVN, đối với dự án bio-ethanol Phú Thọ  do cổ đông chính góp vốn trong dự án là cổ đông ngoài ngành dầu khí nên PVN/PVOil không có quyền tự quyết định các vấn đề của dự án và hiện các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về kế hoach tiếp theo. Bởi sau khi đánh giá lại, thấy hiệu quả kinh tế không đáp ứng kỳ vọng đầu tư (nguyên nhân chính là do giá nguyên liệu sắn tăng cao, trong khi giá sản phẩm giảm so với dự toán được duyệt). Tình hình tài chính của PVB rất khó khăn, hiện nay đã hết vốn để hoạt động, việc xin ân hạn để trả lãi tiền vay và nợ gốc, cơ cấu lại các khoản vay gặp khó khăn. Các cổ đông chưa có phương án huy động vốn còn thiếu để triển khai tiếp dự án ( các cổ đông ngoài ngành dầu khí không đồng ý góp thêm vốn). Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, PVOil tiếp tục làm việc với các cổ đông khác để xem xét , thống nhất phương án triển khai tiếp theo như thành lập tổ công tác đánh giá rõ hiện trạng máy móc, thiết bị của dự án, khả năng hoàn chỉnh, đưa vào sử dụng; tính toán dự toán chi phí thực hiện các công việc còn lại của dự án để đưa nhà máy vào hoạt động với quan điểm không phát sinh giá trị Hợp đồng EPC…
Cha chung không ai khóc
          Dự án bio-ethanol Dung Quất do Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học dầu khí miền trung (BSR-BF) làm chủ đầu tư, với tổng vốn thực hiện gần 1.887 tỷ đồng, đã vận hành thương mại từ đầu năm 2014. Năm 2015, nhà máy vận hành bốn đợt, tổng số 36 ngày, sản lượng chưa đầy 7.000m3 xăng E100 (khoảng 12% công suất thiết kế), cung cấp gần 90% sản lượng cho Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) để phối trộn xăng E5. Nhà máy đang tạm dừng vận hành từ ngày 21-4-2016 cho đến nay do thiếu vốn lưu động mua nguyên liệu, giá thành sản xuất cao hơn giá bán sản phẩm, không có thị trường tiêu thụ. Theo đánh giá, các chỉ tiêu kinh tế trong thực hiện đầu tư cũng như sau khi nhà  máy đi vào hoạt động đều không đạt theo báo cáo đầu tư dự án. Giá thu mua sắn nguyên liệu khi lập dự án là 1.650đồng/kg, sau đó tăng lên gần 4.500 đồng/kg, trong khi chi phí nguyên liệu chiếm khoảng 60-65% giá thành sản phẩm dẫn đến tăng giá thành sản phẩm. Ngoài ra, giá dầu trên thị trường thế giới giảm sâu, khiến giá ethanol giảm theo, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất; thị trường tiêu thụ xăng E5 trong nước cũng chưa phổ biến, nên hoạt động cầm chừng, tuy ngừng vận hành nhưng vẫn phát sinh chi phí điện, nước, bảo dưỡng, khấu hao tài sản… Báo cáo của chủ đầu tư cho biết, năm 2014, nhà máy bio-ethanol Dung Quất lỗ khoảng 164 tỷ đồng. Chủ đầu tư BSR-BF gặp khó khăn về tài chính, thiếu vốn mua nguyên liệu  phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà máy. Sản lượng tiêu thụ rất thấp so với công suất thiết kế, doanh thu không đủ bù đắp chi phí hoạt động, đặc biệt trong tình hình hiện nay khi giá dầu thô giảm sâu nên giá ethanol không cạnh tranh được so với xăng khoáng. Do đó, Bộ Công thương yêu cầu BSR-BF nghiên cứu áp dụng các giải pháp tối ưu hóa sản xuất để giảm chi phí, giá thành sản phẩm như nâng cao hiệu suất lên men, phối trộn nguyên liệu sắn, phối trộn than, xem xét tận dụng các tiện ích (điện, hơi) từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nhà máy ngừng hoạt động doanh nghiệp đành “động viên” 128 kỹ sư, công nhân nghỉ chờ việc không hưởng lương từ giữa tháng 3-2016. Tháng 7 vừa qua, Ngân hàng nhà nước chi nhánh Quảng Ngãi đã có báo cáo nêu rõ, sản phẩm xăng E5 của nhà máy bio-ethanol Dung Quất không tiêu thụ được nên không có khả năng trả nợ ngân hàng. Nhà máy đang nợ các ngân hàng trên địa bàn hơn 1.300 tỷ đồng, phần nợ của nhà máy bị các ngân hàng đưa vào danh mục nợ xấu.
Nhà máy bio-ethanol Bình Phước có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng (tương đương 80,684 triệu USD); nguồn vốn chủ sở hữu 30%, vay tín dụng 70%. Đầu tháng 4-2010, chủ đầu tư Công ty Phương Đông và liên danh nhà thầu Công ty Toyo- Thai/ Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và Thiết kế dầu khí đã ký hợp đồng EPC với giá trọn gói 58,38 triệu USD. Dự án được thực hiện trong 21 tháng. Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 84,533 triệu USD (tăng gần 3,85 triệu USD). Theo  báo cáo của chủ đầu tư, tính đến tháng 3-2013, nhà máy chỉ hoạt động năm đợt, sản xuất gần 16,3 triệu lít ethanol với giá thành khoảng 21.500đồng/lít, tăng 10.459 đồng/lít (tăng 95%) so với giá thành sản phẩm khi lập dự án đầu tư. Giá thành sản phẩm cao, mức tiêu thụ hạn chế, nên từ tháng 4-2013 đến nay, nhà máy gần như “đắp chiếu”. Do gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp nên đối tác nước ngoài quyết định tạm dừng vận hành nhà máy đến năm 2018, khi thị trường thuận lợi mới hoạt động trở lại. Tính sơ sơ, mỗi năm nhà máy lỗ khoảng 200 tỷ đồng (khấu hào tài sản cố định 86 tỷ đồng, trả lãi vay 96 tỷ đồng…).
          Ngừng thi công, nợ nần chồng chất, ba nhà máy bio-ethanol rơi vào thảm cảnh bi đát, như kiến bò trong chảo nóng. Sau khi thực hiện xong dự án, các nhà máy đi vào hoạt động đều bị thua lỗ lớn và hầu như không vận hành thương mại; toàn bộ vốn đầu tư vào ba dự án với tổng số tiền đã thanh toán tính đến tháng 11-2014 lên tới hơn 5.400 tỷ đồng chưa có hiệu quả.
          Dự án bio-ethanol Phú Thọ có tổng mức đầu tư 1.317,5 tỷ đồng, sau điều chỉnh tăng lên gần 2.485 tỷ đồng (tăng hơn 1.167,4 tỷ đồng). Quá trình thực hiện, nhà máy đầu tư dở dang, mặc dù được khởi công sớm nhất. Nhà thầu PVC dừng thi công từ tháng 11-2011, vi phạm hợp đồng EPC, gây hậu quả nghiêm trọng. Chủ đầu tư PVB, nhà thầu PVC và PVN đều bế tắc, không tìm ra giải pháp để đưa nhà máy vào hoạt động.
          Dự án bio-ethanol Dung Quất có tổng mức đầu tư 1.493 tỷ đồng, điều chỉnh tăng lên gần 1.887 tỷ đồng (tăng gần 394 tỷ đồng). Vốn đầu tư đã sử dụng cho dự án đến tháng 11-2014 là 2.214 tỷ đồng (chưa quyết toán), tăng 631 tỷ đồng (tăng 42% so với tổng mức đầu tư khi phê duyệt). Dự án đã đầu tư xong, nhưng hầu như không vận hành thương mại.
Còn dự án bio-ethanol Bình Phước, có tổng mức đầu tư gần 1.493 tỷ đồng (tương đương 80,684 triệu USD), sau điều chỉnh tăng lên hơn 1.570 tỷ đồng (tương đương 84,533 triệu USD). Vốn đầu tư sử dụng cho dự án tính đến tháng 11-2014 lên gần 1.743 tỷ đồng, tăng hơn 250 tỷ đồng (tăng gần 17% so với tổng mức đầu tư khi phê duyệt). Dự án đã hoàn thành đầu tư, song đến nay tạm dừng hoạt động. 
Cả ba dự án này đều có công suất như nhau (100 triệu lít/năm) cùng công nghệ sản xuất, thực hiện cùng giai đoạn. Dự án Dung Quất và Phú Thọ thực hiện sớm hơn, nhưng chí phí đầu tư cao hơn nhiều so với dự án Bình Phước.









 
BÀI 4. NHỨC NHỐI “KHỐI U” HÀNG NGHÌN TỶ…
 
          Tháng 3-2006, sau hai năm xây dựng, Nhà máy Bột giấy Phương Nam tại xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa (Long An) đi vào vận hành thử nghiệm và thất bại. Từ bấy đến nay, nhà máy giấy này luôn trong cảnh “trùm mền”. Công nghệ không phù hợp, không thể khắc phục khiếm khuyết, đồng nghĩa với việc hơn 3.400 tỷ đồng đầu tư nhà máy đã bị “đốt” thành tro bụi…
“Đội” vốn, lỗi công nghệ
          Nhà máy Bột giấy Phương Nam có công suất 100 nghìn tấn bột giấy/ năm, do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi- thời điểm đó là Công ty Đầu tư phát triển giao thông vận tải thuộc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 6) làm chủ đầu tư với tổng vốn 1.487 tỷ đồng. Theo đề nghị của Bộ Tài chính, dự án được Chính phủ bảo lãnh khoản vay 67 triệu ơ-rô từ Ngân hàng Societe Generale (CH Pháp).
          Nhà máy sử dụng công nghệ PR-C-APMP, thiết  bị được chế tạo đồng bộ, mới 100% hình thức triển khai là chìa khóa trao tay. Phương án khả thi của dự án tính toán thời gian hòa vốn gần 10 năm 8 tháng. Đây là dự án lớn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, được hy vọng là động lực thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực. Đầu năm 2004, nhà máy được khởi công rình rang, lãnh đạo công ty phát biểu chắc nịch “Nhà máy sẽ sản xuất ra loại bột giấy tốt nhất Việt Nam, tương đương chất lượng châu Âu”. Tuy nhiên cần phải nói thêm rằng, Tracodi là công ty chuyên về xây dựng  các công trình giao thông, xuất khẩu lao động, hoàn toàn “ngoại đạo” với lĩnh vực sản xuất giấy. Tháng 11-2007, Tracodi quyết định điều chỉnh tổng mức vốn đầu tư lên 2.286 tỷ đồng, nhưng dự án vẫn rơi vào cảnh thiếu vốn. Tháng 6-2009, theo Quyết định số 731/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, dự án được chuyển đổi chủ đầu tư Tracodi sang Tổng công ty giấy Việt Nam (Vinapaco), sau đó tiếp tục điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 3.400 tỷ đồng. Tại thời điểm chuyển đổi, Tracodi chỉ mới thực hiện được 35% giá trị xây lắp nhà máy sản xuất chính (38,8 tỷ đồng); Khu xử lý nước thải đạt 40% (36 tỷ đồng); khu nhà ở công nhân 36% (sáu tỷ đồng). Trong khi đó, tiến độ chi tiền thiết bị cho nhà thầu Andritz được thực hiện nhanh kinh ngạc: Thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng mua sắm thiết bị với số tiền 57,1 triệu ơ-rô. Thời điểm đó Bộ Tài chính được yêu cầu tiếp tục cho chủ đầu tư vay từ quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài để thanh toán nợ gốc và lãi vay trong 2 năm 2009-2010, tổng cộng 18,9 triệu ơ-rô. Theo chỉ đạo, Vinapaco phải nhận nợ bắt buộc với Bộ tài chính và trả nợ trong thời gian tối đa 5 năm (thời gian dự kiến từ khi dự án hoàn thành, nhà máy đi vào hoạt động và có nguồn thanh toán). Song dù đã quá thời hạn này, nhà máy vẫn chưa trả nổi một đồng tiền nợ.
          Khi nhà máy chạy thử có tải, nguyện liệu đay không phù hợp công nghệ sản xuất, cả hệ thống dây chuyền luôn trong tình trạng trục trặc. Khâu chế biến nguyên liệu đầu vào cho chu trình sản xuất là công đoạn chặt mảnh bị lỗi, không đạt yêu cầu. Theo lý giải của Bộ Công thương. Nhà máy Bột giấy Phương Nam đầu tư trang thiết bị mới, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhưng được nhà thầu “cải tiến” từ dây chuyền sử dụng nguyên liệu gỗ sang dây chuyền sử dụng đay cho phù hợp vùng nguyên liệu ở Long An. Kiểu dây chuyền “dâu ông nọ, cắm cầm bà kia” lần đầu được lắp đặt sản xuất tại Việt Nam, còn trên thế giới chưa có dây chuyền nào tương tự đã đưa lại hậu quả tai hại. Khi chạy thử có tải, dây chuyền phát sinh sự cố, khiếm khuyết, không thành công. Vinapaco năm lần bảy lượt mời chuyên gia nước ngoài lẫn cầu cứu các đơn vị cơ khí và công nghệ giấy Việt Nam tham gia khắc phục sự cố. Đồng thời, Viện công nghệ giấy và xen-lu-lô (thay cây đay bằng gỗ tràm cừ), tuy nhiên, các chuyên gia trong nước cũng như nước ngoài đều lắc đầu, bó tay trước công nghệ thuộc dạng “độc bảng A” của nhà máy, không có cách nào “chữa trị”. Bản thân chuyên gia của nhà thầu Andritz cũng không cam kết việc dây chuyền sản xuất ra sản phẩm cuối cùng, trong khi máy móc thiết bị theo hợp đồng đã ký không có thiết bị dự phòng, thay thế. Nếu tiếp tục thực hiện dự án, cần phải chuẩn bị hơn 70 tỷ đồng vốn chạy thử; vốn đầu tư còn thiếu ( hơn 636 tỷ đồng trường hợp sử dụng nguyên liệu đay, gần 1.300 tỷ đồng nếu sử dụng gỗ tràm cừ); chưa tính tới 630 tỷ đồng vốn lưu động, các khoản vay bù đắp chi phí phát sinh hằng năm (hơn 450 tỷ đồng nếu trích khấu hao). Với bài toán kinh tế này, nhà máy không có khả năng thu hồi vốn. Bên cạnh đó, nhà máy tiêu hao nguyên liệu lớn và các chỉ tiêu sai lệch quá xa so với khi lập dự án. Đơn cử, giá mua đay thời điểm nhà máy hoạt động ở mức 850 đồng/kg, thay vì mức  180 đồng/kg như khi lập dự án. Chưa kể giống đay được trồng năng suất thấp, lượng đay mua được trong hai năm 2012-2013 thậm chí chưa đủ cho nhà máy chạy trong…14 ngày. Giả dụ trong trường hợp thuận lợi nhất (nguyên liệu đủ 12 tháng vận hành và có vốn lưu động), trên mỗi tấn sản phẩm của dây chuyền vẫn “đè khoản lỗ” 4,6 triệu đồng. Toàn bộ hơn 11 nghìn tấn đay nguyên liệu đã thu mua của nông dân được lưu kho biến thành thức ăn cho chuột, bọ, côn trùng và đã bị mục nát hư hỏng.
Xóa sổ vùng nguyên liệu      
          Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông Long An, sau khi dự án khởi công tỉnh đã phát động nông dân trồng đay, nguyên liệu với diện tích gần 9.000 ha tại ba huyện “bờ xôi ruộng mật” khu vực Đông Tháp Mười gồm Thạnh Hóa, Mộc Hóa và Tân Thạnh, diện tích quy hoạch đến năm 2020 lên tới 15.000ha. Vấn đề phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn được xem là khâu phức tạp, khó khăn nhất đối với dự án nhà máy bột giấy nhưng đã được chính quyền địa phương vận động người dân đầu tư thành công. Tuy nhiên, thật tiếc là dự án gặp trục trặc lên chủ đầu tư thu mua nguyên liệu không theo đúng cam kết ban đầu và giá mua của nhà máy không bảo đảm cuộc sống của người trông đay. Trong năm 2007 và 2008, Tracodi ký hợp đồng trồng đay nguyên liệu với hai huyện Thạnh Hóa và Mộc Hóa khoảng 450ha, chỉ chiếm 5% diện tích đay và cả vùng. Đến ngày thu hoạch, Công ty thu mua hơn 10.600 tấn đay tươi và hơn 655 tấn đay sợi. Địa bàn huyện Thạnh Hóa, do điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, trước đây cây đay phát triển rất nhiều. Năm 2007, diện tích trồng đay của huyện có lúc lên đến hơn 4.900ha. Đến năm 2013, đầu ra thiếu ổn định, diện tích trồng đay giảm chỉ còn 70ha. Chính quyền huyện đành phải vận động người dân chuyển sang trồng lúa 2 vụ hoặc xen canh cá đồng. Từ khi chuyển sang trồng lúa 2 vụ, kinh tế nhiều hộ gia đình phát triển, xóa nghèo bền vững tại địa phương. Bây giờ, nhắc đến chuyện trồng đay xưa kia, bà con nông dân trong vùng ai cũng lắc đầu ngao ngán.
          Nông dân Lê Văn Rồi ở xã Thạnh Phước (huyện Thạnh Hóa) từng có hơn 20 năm trồng đay trên diện tích 15 ha cho biết: “khi nhà máy Bột giấy Phương Nam đầu tư xây dựng, nông dân chúng tôi rất mừng vì có nơi tiêu thụ ổn định, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, hy vọng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu, nhà máy chưa đi vào hoạt động đã ngưng miết, đến giờ đã hơn 8 năm. Chúng tôi chuyển sang trồng lúa, thu hoạch lãi gấp 10 lần trồng đay, mỗi ha lúa đạt 7 đến 8 tấn/vụ, sau khi trừ chi phí thu lãi mỗi ha hơn 15 triệu đồng/ vụ”. Ông Nguyễn Thành Được ngụ cùng xã Thạnh Phước cũng chia sẻ “Nhà máy bột giấy hoạt động không hiệu quả, nhiều người dân trồng đay rơi vào cảnh lao đao. Trong cái khó ló cái khôn, nhà tôi quyết định chuyển 7 ha đất trồng đay sang nuôi cá trê, cá lóc, cuộc sống thay đổi hẳn. Năng suất cá đạt 3 đến 4 tấn/ha, sau khi trừ chi phí bỏ túi 20 đến 25 triệu đồng/ha, khỏe re!”. Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Kiến Tường Đào Văn Hùng nói: “Thấy Nhà máy Bột giấy Phương Nam khởi công xây dựng, người dân trồng đay rất háo hức. Thế nhưng khi vận hàng sản xuất không thành công thì mọi hy vọng cũng tắt ngấm. Để xoay xở cuộc sống, nông dân phải chuyển đổi sang trồng lúa, nuôi thủy sản… Đúng là trong cái rủi có cái may, nhà máy không sản xuất được nên vùng Đồng Tháp Mười cũng khỏi lo ô nhiễm ”.
          Tháng 4-2014, sau nhiều lần rà soát, đánh giá kỹ, Bộ Công thương buộc phải báo cáo Chính phủ, kiến nghị cho phép Vinapaco dừng đầu tư, tiến hành tái cơ cấu toàn bộ dự án do công nghệ thiết bị, nguyên liệu thị trường, hiệu quả kinh tế… không đạt mục tiêu đề ra. Ngày 12-5-2014, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề nghị của Bộ Công thương về việc dừng đầu tư Nhà máy bột giấy Phương Nam, đồng thời giao Bộ Công thương, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Long An xây dựng phương án xử lý dự án (thanh lý, nhượng bán) trình Chính phủ xem xét, quyết định. Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương yêu cầu Vinapaco xây dựng các phương án xử lý gắn với việc cổ phần hóa Vinapaco. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thiết bị công nghệ nhà máy sử dụng quá lạc hậu, nên dứt khoát phải thanh lý dây chuyền cũng như nhà máy này. Không để “cố đấm ăn xôi”, bởi càng làm càng lỗ, không khắc phục nổi ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nhà đầu tư nào quan tâm, mua lại nhà máy này sẽ rất e ngại vì phải tiếp nhận khối nợ ngân hàng nghìn tỷ đồng để lại.
          Theo một số liệu quyết toán đã được kiểm toán, tính đến thời điểm 31-12-2014, dự án đã được giải ngân 3.000 tỷ đồng (vượt gấp hai lần tổng mức đầu tư ban đầu). Dù nhà máy đã dừng hoạt động ba năm, nhưng đang “treo” khoản nợ lên tới gần 2.652 tỷ đồng và không tìm đâu ra nguồn trả. Đến nay, Thủ tướng vẫn chưa phê duyệt phương án xử lý tài chính của nhà máy. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Lê Tấn Dũng cho biết, Nhà máy bột giấy Phương Nam tuy xây dựng trên địa bàn tỉnh Long An nhưng do Bộ Công thương quản lý. Trước tình trạng nhà máy “trùm mền” nhiều năm, tỉnh đã đề nghị Bộ Công thương xem xét, có phương án chuyển đổi công năng dự án. Nhà đầu tư nào đến Long An tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, UBND tỉnh cũng giới thiệu nhưng chưa doanh nghiệp nào chịu “gật đầu”. Thế nên, ở đất phương nam. Nhà máy Bột giấy Phương Nam vẫn đang trong tình trạng “trùm mền” dài dài, chờ thanh lý với khối nợ khổng lồ.
          Một báo cáo của Bộ Công thương cho biết, theo số liệu quyết toán đã được kiểm toán, tại thời điểm 31-12-2015, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam có tới 2.426 tỷ đồng nợ dài hạn và gần 226 tỷ đồng nợ ngắn hạn. Cuối tháng 5-2016, khi xem xét cổ phần hóa Vinapaco, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép kéo dài sáu tháng, tính từ thời điểm định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm báo cổ phần lần đầu của Vinapaco để có thêm thời gian xử lý tồn tại dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam. Dự án này được xem là một trong những thí dụ thất bại của trào lưu doanh nghiệp nhà nước đầu tư tràn lan, đầu tư ngoài ngành thiếu chiến lược, để lại hệ lụy vô cùng khó xử cho Chính phủ và các bộ, ngành.



 





 
BÀI 5. “ĐỐNG SẮT GỈ” GANG THÉP THÁI NGUYÊN
 
Năm 2007, dự án đầu tư mở rộng sản xuất Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 được khởi công, tổng mức đầu tư ban đầu gần 3.850 tỷ đồng, sau tăng lên hơn 8.100 tỷ đồng nhưng bị chậm tiến độ và buộc phải dừng thi công do chưa thu xếp được vốn. Đây có thể coi là điển hình của trào lưu các địa phương hăm hở, sốt sắng xây nhà máy thép quy mô lớn như một “biểu tượng công nghiệp” nhưng hầu hết sử dụng công nghệ lạc hậu, cũ nát của Trung Quốc, sản phẩm làm ra đơn thuần là thép xây dựng, sản lượng thừa mứa, chất lượng chỉ đủ tiêu chuẩn làm nhà cấp 4, đã để lại di chứng nặng nề, trở thành những “đống sắt gỉ” hoang tàn.
Tư duy “trong nôi”
 Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) thành lập từ năm 1959, được coi là “con chim đầu đàn”, cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam. Sau khi dự án cải tạo kỹ thuật nhà máy giai đoạn 1 hoàn thành và đi vào sản xuất bước đầu có hiệu quả, lãnh đạo Tisco “thừa thắng xốc tới”, tính ngay tới việc cải tạo, mở rộng giai đoạn 2. Theo viễn cảnh được lãnh đạo Tisco vẽ ra khi xây dựng dự án, lúc đi vào hoạt động, mỗi năm Tisco sẽ sản xuất hơn một triệu tấn quặng sắt, 543 nghìn tấn gang lỏng, 500 nghìn tấn phôi thép bằng công nghệ lò thổi, đưa tổng sản lượng phôi thép của công ty lên một triệu tấn/năm từ nguyên liệu trong nước. Dự án được kết nối đồng bộ, cung cấp phôi nóng cho Nhà máy cán thép Thái Trung, làm tăng quy mô sản xuất, tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Khi đó, Tisco sẽ là một trong số ít các đơn vị sản xuất thép trong nước có công nghệ sản xuất khép kín từ A đến Z có nguồn quặng, than cốc luyện kim, giúp hạ giá thành sản xuất phôi thép và cán thép thành phẩm. Điều đó sẽ là minh chứng khẳng định dự án này có hiệu quả kinh tế, tầm quan trọng đối với ngành thép cũng như ổn định việc làm cho hơn 7.500 lao động của Tisco.
Năm 2007, dự án được khởi công, nhà thầu Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu gói thầu EPC số 1 dây chuyền công nghệ luyện kim với giá trúng thầu gần 161 triệu USD. Theo tiến độ đề ra, dự án sẽ hoàn thành, đi vào sản xuất trong tháng 5-2011. Tuy nhiên, ngay sau khi triển khai, do khủng hoảng, giá vật tư nguyên liệu tăng cao, ngoài tầm kiểm soát của Tisco và MCC, quá trình thi công bị ngừng trệ 18 tháng. Tổng thầu MCC đề nghị tăng thêm giá trị gói thầu EPC hơn 134 triệu USD, chủ yếu tăng phần C (xây lắp). Để tháo gỡ khó khăn, chủ đầu tư Tisco kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tách phần C khỏi hợp đồng EPC giao cho nhà thầu MCC chịu trách nhiệm phần E (thiết kế), P (cung cấp thiết bị), chịu mọi rủi ro liên quan phần E, P. Kiến nghị được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, tuy nhiên dự án đã bị kéo dài lên 21 tháng. Nhà thầu Vinainco được chọn làm nhà thầu thực hiện phần C, tuy nhiên cũng gặp khó khăn, không thể bảo đảm hoàn thành theo kế hoạch. Theo tiến độ dự án, hằng tháng Tisco phải thanh toán cho nhà thầu, nhưng trên thực tế, ngân hàng không bố trí đủ vốn và giải ngân chậm, không được thu xếp đủ vốn, đến cuối năm 2012, các nhà thầu thi công “tháo chạy” khỏi công trường, nhà thầu Trung Quốc rút hết công nhân và máy móc bỏ về nước, đem theo hơn 90% tiền mà Tisco đã thanh toán phần thiết bị, gói thầu bị ngừng trệ.
Từ dự án mở rộng giai đoạn 2, có thể thấy lãnh đạo Tisco đã nặng kiểu tư duy “trong nôi”, không lường hết các vấn đề phát sinh của thị trường, chưa tính toán đến khả năng tiêu thụ dài lâu sản phẩm. Khi dự án đưa vào vận hành, chỉ tính đến hiệu quả đơn thuần của dự án, không đặt dự án trong bối cảnh chung của đất nước và thị trường thế giới, tác động tới nền kinh tế ra sao. Hiện nay, công suất thép xây dựng mỗi năm đạt tới gần 12 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ thực chỉ đạt chừng khoảng 5-6 triệu tấn. Sức cạnh tranh của thép trong nước “mềm như bún”, vừa phải chật vật đối phó với thép nhập khẩu và cạnh tranh lẫn nhau giữa 500 “anh em” DN ngành thép, vừa phải khốn khổ theo kiện chống bán phá giá ở nước ngoài. Ngay bên cạnh, Trung Quốc dư thừa mỗi năm hàng trăm triệu tấn thép, thỉnh thoảng các DN thép trong nước lại “mếu máo” vì thép Trung Quốc giả danh hợp kim Bo ồ ạt đổ vào. Thép xây dựng quá thừa mứa, trong khi đó, thép hợp kim, thép tấm cán nóng cho các ngành đóng tàu, cơ khí chế tạo bị bỏ trống “trận địa”, mỗi năm các DN sản xuất phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu. Trong tương lai, khi hiệp định Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực DN thép trong nước phải chống chọi thêm với “người khổng lồ” thép Nga, không thể dựng “hàng rào bảo hộ”, không hiểu những sản phẩm thứ cấp đó sẽ bán cho ai?
Có nên “tiếp sức” cho Tisco?
          Tổng Giám đốc Tisco Hoàng Ngọc Diệp cho biết, dự án mở rộng giai đoạn 2 có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự tồn vong của Tisco. Vì thế, để tháo gỡ khó khăn, năm 2015, chủ đầu tư Tisco đã kiến nghị chính phủ và các bộ, ngành xem xét, có cơ chế ưu đãi thuộc “mức khủng” để dự án tiếp tục. Theo đó, đối với Ngân hàng Vietinhank, miễn tối thiểu 50% các khoản lãi vay trong thời gian dự án dừng thi công (từ tháng 7-2012 đến khi dự án khởi động lại); áp dụng lãi suất 8,5% cho các khoản vay nhận nợ bằng đồng Việt Nam, mức 3,5% bằng USD. Đồng thời, cho phép điều chỉnh thời gian vay, thời gian trả nợ, cụ thể: thời gian vay vốn 20 năm (không tính thời gian dừng thi công), trong đó thời gian trả nợ 15 năm, bắt đầu từ năm 2019, kết thúc năm 2034. Đối với ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Tisco cũng đề xuất mức ưu đãi cao hơn; được khoanh nợ gốc, miễn 100% lãi vay thời gian dự án dừng thi công (khoảng 386 tỷ đồng), tiền vay từ VDB chỉ tính lãi 5,5% năm. Với khoản thuế VAT khoảng 330 tỷ đồng Nhà nước đã hoàn lại cho Tisco, đề nghị không đưa vào tổng mức đầu tư dự án. Tisco còn kiến nghị miễn luôn thuế nhà thầu cho phía MCC Trung Quốc (gồm thuế thu nhập doanh nghiệp 2%, VAT 5%, hơn 130 tỷ đồng)…Theo tính toán của Tisco, tổng mức đầu tư của dự án mở rộng giai đoạn 2 vọt lên hơn 9.000 tỷ đồng. Nếu tiếp tục “giải cứu”, nhà nước sẽ phải chi thêm hơn 4.000 tỷ đồng nữa, mà hiệu quả xem ra vẫn rất mông lung. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương cũng phải thừa nhận, với tổng mức đầu tư này, dự án đã “cơ bản không có hiệu quả”, phải cần tới 23 năm mới thu hồi vốn, thế nhưng Bộ vẫn “đồng thanh tương ứng” với Tisco, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết các nội dung trên, để làm cơ sở pháp lý tái khởi động lại dự án. Theo đúng lộ trình, đến ngày 1-4 vừa qua, giai đoạn đoạn 2 của Tisco được tái khởi động, dự kiến hoàn thành đầu năm 2018. Tuy nhiên, thời điểm tái khởi động này chỉ là lời nói đùa của ngày Cá tháng Tư, bởi thời gian đã bị kéo dài đến… vô hạn.
          Trong khi Bộ Công thương ủng hộ việc ưu đãi cho “đứa con” Tisco, thì Bộ Tài chính thẳng tay bác bỏ vì cho rằng những ưu đãi này vượt khung quy định. Với khoản vay tại VDB, Bộ Tài chính chẳng những không đồng ý cho xóa nợ tiền lãi vay, điều chỉnh thời gian cho vay cũng như trả nợ, mà còn yêu cầu chủ đầu tư phải trả nợ theo quy định nhằm bảo đảm an toàn nợ công. Động thái Bộ Tài chính thẳng thừng từ chối được đánh giá là đúng luật, vì trong môi trường cạnh tranh hiện nay, không thể tạo tiền lệ bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Đi khảo sát thực tế tại công trường, chúng tôi hết sức xót xa khi thấy “ đại dự án” này vẫn cơ bản chỉ là “đống sắt gỉ”, dù đã tiêu tốn gần 4.600 tỷ đồng, mỗi tháng dự án còn “ngốn” thêm khoảng 30 tỷ đồng lãi vay và các khoản chi phí khác chưa lường hết được.
          Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Tisco vào cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ trưởng Bộ Công thương thành lập tổ công tác; thuê tư vấn độc lập, đánh giá toàn diện dự án này. Thủ tướng yêu cầu phải đưa ra được giải pháp, trong đó có các phương án bán dự án, phương án bán công ty Tisco và phương án kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư dự án. Các bên cần làm rõ khả năng đàm phán với đối tác Trung Quốc để có thể hoàn thiện nhà máy, vận hành và ra sản phẩm. Trên cơ sở đó, Bộ Công thương đề xuất phương án xử lý đối với dự án, báo các Thủ tướng trước ngày 1-7-2016. Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của chúng tôi, đến ngày 21-6, Bộ Công thương mới thành lập Tổ công tác đánh giá toàn diện dự án, bước đầu tiếp xúc, trao đổi ý kiến với một số chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm, chỉ đạo Tisco tiếp tục đàm phán với nhà thầu Trung Quốc để xử lý các vấn đề còn tồn tại. Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho biết, việc bán hay không bán Tisco vẫn chưa có kế hoạch cụ thể, Bộ mới đang xây dựng và đề xuất Thủ tướng Chính phủ một số phương án, trước mắt hướng đến việc khắc phục khó khăn cho nhà máy này. Hiện nay, Thủ tướng đang xem xét các phương án thoái vốn nhà nước tại Tisco và xử lý các vấn đề liên quan; tiếp tục làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân trong quá trình đầu tư dự án. Dù Bộ Công thương chưa đưa ra phương án “chốt”, song với quan điểm mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần khẳng định. Nhà nước sẽ không bỏ tiền ưu đãi cho các dự án kém hiệu quả, thì vấn đề có nên “tiếp sức” cho Tisco không dường như đã được quyết định.
          Việc đầu tư nhằm vào các dự án bị “khai tử” trước lúc khai sinh như dự án này, chắc chắn sẽ làm đau đầu các ngân hàng và để lại hệ lụy không nhỏ cho các địa phương cũng như nền kinh tế đất nước về sau.
          Dự án khu liên hợp sản xuất thép của Công ty cổ phần Hòa phát tại Kinh Môn (Hải Dương) có tổng công suất gần 2 triệu tấn/năm, chia làm ba giai đoạn. Năm 2008, dự án khởi động giai đoạn 1, vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng, cuối năm 2009 đi vào hoạt động. Giai đoạn 2 đầu tư 3.300 tỷ đồng, hoạt động cuối năm 2012; giai đoạn 3 (công suất 750 nghìn tấn), hiện nay đã hoàn thành. Đầu năm 2016, khu liên hợp đi vào sản xuất đồng bộ ba giai đoạn. Riêng giai đoạn 3 của Hòa Phát đã có công suất lớn hơn gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhưng Hòa Phát chỉ làm trong 18 tháng với mức đầu tư 3.800 tỷ đồng (đơn giá sau năm 2012). Chỉ so suất đầu tư, đã thấy Tisco “đôn” lên rất lớn, trong khi công nghệ dây chuyền chất lượng kém. Với đơn giá từ trước năm 2007, dự án thép Thái Nguyên đã ở mức 3.843 tỷ đồng, bị “đội vốn” lên nhiều lần và hiện tại vẫn chỉ là “đống sắt gỉ”.








 
BÀI 6. DQS “CON TÀU” CHỞ NẶNG NỢ NẦN
 
          Sau khi được chuyển giao nguyên trạng từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) sang Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tháng 7-2010, trong mắt nhiều người, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) đã được “hồi sinh” một cách ngoạn mục, đã hoàn thành, bàn giao các con tàu đang đóng dở dang trước đó. Năm 2015, DQS tiếp tục đóng mới hai tàu dịch vụ AHTS, đóng mới tàu chở dầu thô FSO-Đại Hùng Queen 105 nghìn DWT, tàu Athena 104 DWT, tàu Mercury… Tuy nhiên, ít người biết rằng, “con tàu” DQS vẫn đang chở nặng nợ nần, liên tục phát tín hiệu cấp cứu, bởi số nợ phải trả lên tới gần 7.000 tỷ đồng, có nguy cơ chìm đắm bất cứ lúc nào.
Nhà máy “khủng”…
          Nhà máy đóng tàu Dung Quất được Vinashin khởi công xây dựng tại khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) vào năm 2003. Trong khí thế sục sôi đầu tư phát triển đại nhảy vọt thời “hoàng kim”, cả Vinashin biến thành một đại công trường, với niềm lạc quan chói lóa, lãnh đạo Vinashin đã trình Chính phủ bổ sung danh mục đầu tư hàng loạt các nhà máy đóng tàu rải khắp từ mũi Cà Mau tới địa đầu Móng Cái. Đầu năm 2007, chúng tôi có cuộc đi khảo sát thực tế tại nhiều nhà máy đóng tàu. Thời điểm ấy, khu kinh tế Dung Quất (huyện Bình Sơn) hãy còn rất hoang sơ, chỉ lác đác vài nhà máy quy mô nhỏ. Trên vùng cát trắng khô cằn, Vinashin đã đổ 575 tỷ đồng xây lên “lâu đài” DQS quy mô và hiện đại nhất Việt Nam, một trong những nhà máy đóng tàu lớn nhất Đông Nam Á, có thể đóng các loại tàu trọng tải lên tới 400 nghìn DWT. Với chiếc cầu cổng 450 tấn khổng lồ chuyên dụng của ngành đóng tàu vươn cao sừng sững trên nền cát trắng, DQS lúc đó được xếp vào hàng lớn nhất nhì trong khu kinh tế Dung Quất. Nhà máy với quy mô công suất 600 nghìn tấn tàu/năm, có nghĩa trong một năm, DQS đủ năng lực hoàn thành đóng mới và bàn giao sáu con tàu 104 nghìn DWT. Tuy nhiên, bên trong hàng rào, ngoài chiếc cầu cổng và triền đà loại lớn để đóng tàu 100 nghìn DWT, cơ ngơi của DQS còn rất ngổn ngang. Trên triển đà, tàu chở dầu thô Dung Quất 1, trọng tải 104 nghìn DWT được khởi công đầu tiên tại DQS các đó vài tháng, dự kiến hoàn thành, hạ thủy vào tháng 3-2008. Tuy nhiên do đầu tư không bài bản, nhân lực thiếu, con tàu này đã bị “lỗi hẹn”, không thể hoàn thành đúng hạn. Để giúp DQS đóng tàu Nam Triều, điều động hàng trăm công nhân ở các nhà máy đóng tàu Nam Triệu, Bạch Đằng, Phà Rừng… vào hỗ trợ, do nguồn nhân lực tại chỗ chưa kịp đáp ứng.
          Kể từ khi đưa vào hoạt động năm 2006, cho đến thời điểm về PVN, các con tàu DQS đóng đều dở dang, không hạ thuỷ được chiếc nào. Trong nhà máy, vật tư thiết bị vừa thừa, vừa thiếu. Thép tấm đóng tàu, máy móc thiết bị đặc chủng phục vụ đóng mới tàu được nhập khẩu vô tội vạ, không sử dụng hết, vứt bừa bãi trên cát. Tuy thừa thãi vật tư thiết bị, song DQS lại thiếu hụt các thiết bị cơ khí chuyên dụng, xưởng sửa chữa điện, bộ phận đo lường và tự động hóa…Hai hạng mục thiết yếu nhất là cầu tàu và đê chắn sóng cho ụ khô chưa được làm, sự đầu tư lôm côm này của Vinashin đã bị trả giá đắt ngay sau đó. Cơn bão số 9  đầu tháng 7-2009 gây triều cường sóng lớn tràn vào ụ tàu số 1của nhà máy gây ngập úng, hư hỏng toàn bộ thiết bị, thiệt hại 350 tỷ đồng.
          Gánh nợ hơn 86 nghìn tỷ đồng quá nặng nề đã khiến “người khổng lồ chân đất sét” Vinashin sụp đổ. Theo kế hoạch tái cơ cấu được Chính phủ phê duyệt, cùng nhiều nhà máy đóng tàu khác, DQS đã có cuộc chuyển dời về PVN. Được tiếp thêm “xăng dầu” từ PVN “con tàu” DQS lại lấy đà rẽ sóng ra khơi, song đáng tiếc, những di chứng để lại từ thời Vinashin chưa được chữa trị dứt điểm, khiến DQS không thể “vươn ra biển lớn” như nhiều người lầm tưởng, mà ngày càng ngập trong nợ nần.
…Và nợ “khủng”
          Sau khi chuyển giao nguyên trạng về PVN, được sự hỗ trợ của PVN. Liên doanh Việt- Nga Vietsovpetro (VSP) và Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PVTrans), DQS đã hoàn thành và bàn giao các sản phẩm dang dở trước đó, như tàu chở dầu Dung Quất 1 (cho PVTrans); hoán cải, sửa chữa các tàu Ba Vì, Chí Linh, tàu FSO VSP 01, giàn Tam Đảo 01… Năm 2015, DQS tiếp tục đóng mới hai tàu dịch vụ đa năng (AHTS) 12 nghìn mã lực và sà lan nhà ở VSP 06, đóng mới tàu chở dầu thô FSO Đại Hùng Queen… Năm 2016, DQS triển khai các dự án sà-lan VSP 06, hai tàu AHTS cho VSP, thương thảo với PVTrans về các dự án đóng mới tàu như tàu sản phẩm 13 nghìn DWT, đóng tàu lai dắt cho liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Theo báo cáo đã được kiểm toán, sau khi nhận được hỗ trợ từ PVN về việc khoanh các khoản tính khấu hao trên số tài sản không sử dụng, tổng doanh thu năm 2014 và 2015 của DQS lần lượt đạt gần 917 tỷ đồng và hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tương ứng gần 50 tỷ đồng và khoảng 28 tỷ đồng.
           Tuy nhiên, đó chỉ là “lớp sơn” hào nhoàng được quét vội vã lên vỏ “con tàu” DQS đang mục nát. Tính từ thời điểm chuyển giao đến cuối năm 2014, PVN đã chuyển bổ sung cho DQS hơn 5.000 tỷ đồng (trong đó, gồm 1.990 tỷ đồng vốn điều lệ và hơn 3.000 tỷ đồng thanh toán nợ). Mặc dù đây là nỗ lực hết sức của PVN, song số tiền này xem ra chỉ như muối bỏ bể. Thời điểm cuối năm 2014, DQS đã mất cân đối về tài chính, hoạt động hoàn toàn bằng vốn vay và vốn tài trợ. Đến thời điểm ngày 30-3-2016, nợ phải trả của DQS lên 6.953 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản là 5.912 tỷ đồng. Nếu phá sản, dự DQS có bán thanh lý hết tài sản với giá trị theo giá trị sổ sách, vẫn còn thiếu nợ hơn 1.000 tỷ đồng. Hiện nay, DQS đang nợ PVN hơn 3.100 tỷ đồng, trong trường hợp phá sản, khoản nợ này sẽ bị “bốc hơi” không thể thu hồi, vốn điều lệ 1.990 tỷ đồng do PVN cấp cũng  “bốc hơi” theo. Ngoài ra, chi phí khấu hao tài  sản cố định được khoanh lại trong các năm 2014 và 2015 khoảng 340 tỷ đồng; vốn ngân sách nhà nước cấp đầu tư xây dựng nhà máy 575 tỷ đồng cũng mất, không thể thu hồi. Đó là chưa kể hệ quả về mặt xã hội như 1.300 lao động của DQS đồng thời mất việc làm, không có thu nhập.
          Theo đề án tái cơ cấu PVN giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, DQS sẽ thực hiện cổ phần hóa (PVN giữ 36% vốn điều lệ), song thực tế DQS không đủ điều kiện thực hiện do bị âm vốn chủ sở hữu hơn 1.000 tỷ đồng. Về tài chính, DQS đang là “ông chủ nợ” với khoản phải thu khá lớn (hơn 900 tỷ đồng) song trên thực tế, đây chỉ là khoản nợ trên giấy khó đòi, nhiều con nợ có “đốt đuốc giữa ban ngày” tìm cũng không ra. DQS đã tạm ứng cho các nhà thầu, nhà cung cấp 520 tỷ đồng; trong đó ứng trước công tác xây dựng cơ bản 470 tỷ đồng, nhưng các dự án đã dừng thi công, chưa nghiệm thu, quyết toán. Hiện nay, DQS là con nợ lớn của ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với gần 529 tỷ đồng, VFC (hơn 490 tỷ đồng), Liên danh YMC-Transtech (gần 550 tỷ đồng- cả gốc và lãi), …Những tài sản đã lạc hậu về công nghệ, không có hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hiệu suất sử dụng chỉ đạt khoảng 20-30%, dẫn đến chi phí khấu hao rất lớn. Trước đó, Vinashin ký hợp đồng EPC với nhà thầu YMC-Transtech đầu tư xây dựng nhà máy liên hiệp công nghiệp tàu thủy Dung Quất (giai đoạn1) với giá trị gần 100 triệu USD, giao cho DQS quản lý. Đến nay, tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) vẫn chưa chuyển giao chủ thể pháp lý cho DQS, công trình bị bỏ ngỏ.
          Cuối năm 2015, Bộ Công thương đã xây dựng phương án xử lý các tồn tại của DQS; theo đó đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép DQS tạm dừng trích khấu hao đối với tài sản chưa cần dùng, cái nào không dùng thanh lý, thu hồi vốn. Đối với khoản vay của VDB, cho phép khoanh nợ gốc đến cuối năm 2019 và xóa nợ lãi vay; khoản vay của VFC, cho phép khoanh nợ gốc đến cuối  năm 2017, xóa nợ lãi vay; khoản vay của YMC-Transtech, cho phép PVN hỗ trợ DQS vay không lãi để trả nợ, thời hạn trả nợ từ năm 2020 đến 2025, xóa nợ khoản lãi phạt chậm trả hơn 402 tỷ đồng. Đối với hợp đồng đóng tàu Dung Quất 1, cho phép giá trị bàn giao từ Vinashin sang PVN theo giá trên sổ kế toán (gần 820 tỷ đồng), đồng thời chuyển nhượng cho PVTrans với giá 28 triệu USD… Bộ Công thương hy vọng, nếu các “giải pháp xử lý mang tính cấp bách” này được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, từ năm 2016, DQS sẽ thoát khỏi tình trạng mất cân đối về tài chính và tiến tới đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định. Tuy nhiên, góp ý về  các “cơ chế đặc thù” này, Bộ Tài chính gần như bác bỏ hoàn toàn những đề xuất trên, vì trái quy định, tạo tiền lệ không hay về sau. Thậm chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu còn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương nghiên cứu, xem xét thêm phương án thực hiện phá sản DQS theo quy định Luật phá sản năm 2014.
          Khi chúng tôi hỏi Tổng giám đốc DQS Phan Tử Giang về quan điểm của ông nên để DQS phá sản hay tiếp tục giữ lại, ông cho biết: “không chỉ cá nhân tôi, cả Chính phủ cũng như các bộ, ngành đều rất lúng túng vì DQS tồn tại quá nhiều vấn đề. Đúng ra, DQS đã phá sản từ khi Vinashin đổ vỡ, nhưng lúc đó, Chính phủ đã chấp thuật giữ lại. Từ bấy đến giờ, DQS vẫn phát sinh nhiều vướng mắc, nếu quyết tâm, cho phá sản. Nhà nước sẽ mất rất nhiều tiền, thậm chí phải xử lý các phát sinh chứ không phải buông là đã hết. Nếu như Nhà nước tiếp tục hỗ trợ, thu hẹp mô hình, khi thị trường vận tải biển thuận lợi trở lại, DQS sẽ thoát khỏi tình trạng nguy nan này và đi vào hoạt động ổn định”.
          Kỹ sư Phan Tử Giang là người chèo lái thành công “con thuyền” PVShipyard (Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí), được lãnh đạo PVN tin tưởng điều động kiêm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc DQS với kỳ vọng sẽ vực dậy được DQS. Song những “trọng bệnh” của DQS trở nên quá khó chữa đối với bất kỳ ai, trong khi thị trường vận tải biển lại liên tiếp gặp khó khăn. Vừa qua, hãng tàu Hanjin (Hàn Quốc) đã phải tuyên bố phá sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường vận tải biển, thị trường đóng tàu vì thế cũng lao đao. Bên cạnh đó, giá  dầu mỏ thời gian qua sụt giảm ở mức kỷ lục, các đơn hàng đóng mới thiết bị giàn khoan- thế mạnh của PV Shipyard, bị giảm sút nghiêm trọng. Chúng tôi rất hiểu tâm huyết và những nỗ lực của kỹ sư Phan Tử Giang bỏ ra cho DQS, nhưng trên thực tế, DQS hiện đang trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”, giống như một “cỗ máy đốt tiền”, có thương, có giữ cũng chưa biết được khi nào mới trông thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.
          Mới đây, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã yêu cầu PVN thực hiện việc đánh giá, so sánh chi tiết các phương án tái cơ cấu, đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DQS đối với hai trường hợp trực thuộc PVN; chuyển nhượng công ty; phá sản theo quy định. Cả ba phương án này, PVN cần tính toán, phân tích rõ các số liệu về tài chính, nhất là tổng số vốn nhà nước, vốn PVN phải đầu tư  hoặc mất không thể thu hồi; phân tích các ưu, nhược điểm, khó khăn, vướng mắc của từng phương án.



         





 
BÀI 7. THÀ MỘT LẦM ĐAU
 
Có thể thấy, thời gian qua, hàng trăm nghìn tỷ đồng đầu tư hàng loạt nhà máy, dự án thuộc đủ mọi lĩnh vực đã bị “ném qua cửa sổ”; làm suy kiệt nền kinh tế đất nước. Khi điều tra thực tế và tiếp cận, nghiên cứa hồ sơ tài liệu một số công trình “đắp chiếu”, chúng tôi cũng không kìm nổi nỗi đau nhức nhối, xót xa trước bao mồ hôi, công sức của hàng triệu người dân bị hoang phí một cách tàn nhẫn. Đã đến lúc, cơ quan chức năng cần rà soát, đánh giá và xử lý toàn diện các dự án này, dũng cảm cắt bỏ những “ung nhọt”, xử lý nghiêm minh cá nhân, tổ chức sai phạm để giữ vững niềm tin của nhân dân.
Nối dài những công nghệ “bãi rác”
          Hệ lụy mà các đại dự án, công trình “chết lâm sàng” gây ra cho nền kinh tế là vô cùng nghiêm trọng. Tuy mỗi “xác sống” có một kiểu “chết” khác nhau, song, một số điểm chung nhất là đều sử dụng công nghệ “bãi rác”, lạc hậu, thiếu đồng bộ, nhưng suất đầu tư được đẩy lên với giá “trên trời”. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, xét trên bình diện chung, ngoài yếu tố thị trường không thuận lợi, việc các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu khiến sản phẩm làm ra không có sức cạnh tranh. Suất đầu tư các dự án bị thổi phồng, cho nên ngay khi đầu tư đã nhen nhóm nguy cơ thua lỗ. Để xảy ra những thảm cảnh trên, lỗi do quản lý và quản trị doanh nghiệp (DN) của người đứng đầu yếu kém, có hiện tượng tham nhũng, thất thoát. Ngoài hậu quả nặng nề về tài chính không dễ gì khắc phục trong vài ba năm, những công nghệ cũ nát còn không biết chôn vào đâu, báo động đỏ về nguy cơ ô nhiễm, rất khó xử lý triệt để.
Những con nợ của nền kinh tế (Tiếp theo và hết)
Các thiết bị của Nhà máy bio-ethanol Phú Thọ được lắp đặt dở dang đang bị xuống cấp, hư hỏng

          Quá trình hội nhập, công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. Trong nhiều năm trước, chúng ta đã phải hết sức vất vả mới loại trừ được “bệnh dịch” xi-măng lò đứng. Tưởng chừng đó đã là bài  học quá đắt giá, thì bây giờ, hàng loạt dự án quy mô đầu tư vẫn đi vào “vết xe đổ”, nhập về những dây chuyền “bãi rác” với mức độ thảm hại hơn. Danh sách những dự án sử dụng công nghiệp phế thải ngày càng nối dài, từ Gang thép Thái Nguyên (giai đoạn 2), Đạm Ninh Bình, đến Xơ sợi Đình Vũ, các nhà máy bio-ethanol…Nhà máy Đạm Ninh Bình tuy được “gắn mác” công nghệ châu Âu, G7 tiên tiến, nhưng  toàn bộ dây chuyền, thiết bị là hàng Trung Quốc, nhập từ keo dán, hộp sơn đến dây điện, kết cấu thép…Công nghệ khí hóa than của nhà máy lạc hậu, chất lượng sản phẩm thấp, cho nên sản phẩm làm ra chất đống trong kho. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã phớt lờ lợi ích của những người nông dân nghèo khổ, kiến nghị Chính phủ có chính sách hạn chế nhập khẩu, ưu đãi sản phẩm u-rê trong nước, cố tình đi ngược lại xu thế hội nhập và gây thiệt hại kép cho nông dân vì  phải mua loại u-rê chất lượng thấp với giá cao. Mặc dù được hưởng nhiều hơn cơ chế ưu đãi “vượt khung”, nhưng Đạm Ninh Bình vẫn lỗ tới hơn 2.600 tỷ đồng. Ngoài khoản vay của Ngân hàng Eximbank Trung Quốc, Đạm Ninh Bình còn vay của nhiều ngân hàng với tổng số vốn vay lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh hiện nay, việc thu hồi nợ ra sao, tài sản bảo đảm là gì, các khoản vay đã bị chuyển nhóm nợ xấu hay chưa… đang là “dấu hỏi” không dễ giải đáp đối với các  ngân hàng.
          Quá trình thực hiện dự án với nhà thầu ở các lĩnh vực nhiệt điện, xi măng, gang thép thời gian qua, DN trong nước lãnh đủ những ưu phiền, bị gây khó dễ khi cung cấp thiết bị, bớt xén chủng loại, hạ chuẩn chất lượng, điều chỉnh tăng vốn. Điều hết sức lạ lùng là nhiều bài học đã diễn ra ngay trước mắt, nhưng các DN vẫn cứ “lao đầu vào chỗ chết”. Một số người đứng đầu DN quen thói làm ăn chụp giật, bị lòng tham làm mờ mắt, vì lợi ích nhóm, tầm nhìn ngắn hạn, đã biết rõ hiểm họa nhưng vẫn bất chấp, liều lĩnh nhúng tay vào bùn không cần biết ngày mai. Ngay cả ở vai trò cơ quan quản lý chuyên ngành, cũng thấy đây đó lấp ló hiện tượng một số cá nhân coi việc đầu tư là cơ hội để kiếm chác, vun vén lợi ích bản thân, “tiếp tay” cho những hành vi sai trái, chà đạp lên quyền lợi đất nước.
Trách nhiệm người đứng đầu
          Qua nghiên cứu quá trình đầu tư, tổ chức thực hiện một số dự án quy mô lớn bị đổ vỡ vừa qua, chúng tôi nhận thấy, phần lớn các dự án được quyết định đầu tư trong giai đoạn Chính phủ có chủ trương phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương cấp phép đầu tư, không qua cơ quan chuyên ngành trực tiếp thẩm định, phê duyệt. Thời điểm này nở rộ trào lưu kinh doanh đa ngành nghề, DN kinh doanh xây dựng lao vào đầu tư xi-măng, bất động sản. DN giao thông đi làm giấy, DN dầu khí nhảy vào dệt may… Trong “cơn say” đầu tư, nhiều dự án đã được phê duyệt chỉ “trong một nốt nhạc”, quá trình thực hiện đầy sai lầm do các đơn vị, cá nhân liên quan phần lớn ở dạng “bốn không”: không biết, không bàn, không làm, không kiểm tra.
          Mặc dù Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) chỉ có năng lực thực hiện các công trình thiết kế và xây lắp dầu khí, chưa có kinh nghiệm đối với dự án nhiên liệu sinh học, vẫn được PVN ưu ái giao làm leader (đứng đầu Liên danh) thực hiện gói thầu EPC bio-ethanol Phú Thọ theo hình thức chỉ định thầu. PVC được đảm trách các phẩn “ngon ăn nhất” của dự án, gồm thiết kế, mua sắm, lắp đặt thiết bị nhà máy sản xuất chính và toàn bộ thiết bị các hạng mục phụ trợ. Việc chỉ định thầu này đã vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu. Không có năng lực, khi thấy “khó khăn”, PVC đã đơn phương bỏ ngang, vi phạm quy định của hợp đồng EPC, gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư. Dự án bị ngưng trệ từ tháng 11-2011 cho đến nay (tháng 10-2016), toàn bộ thiết bị máy móc đã han gỉ, hơn 1.500 tỷ đồng ném vào dự án không có lối thoát. Sai phạm nghiêm trọng như vậy, song ông Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC thời đó vẫn không bị ai hỏi đến, trái lại, năm 2013 còn được “hất lên” làm Phó Chánh văn phòng Bộ Công thương, năm 2015 được luân chuyển về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Tại Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, với vai trò chủ đầu tư, nhưng trước khi phê duyệt dự án, PVTex “không thèm” xem xét các yếu tố về hiệu quả, tính khả thi của dự án; ký phên duyệt tăng tổng mức đầu tư  không đúng hơn 38,7 triệu USD… Xơ sợi Đình Vũ đã “dệt” nên bức tranh toàn lỗ: Năm 2014 lỗ hơn 1.000 tỷ đồng, năm 2015 lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, nợ phải trả đến cuối năm 2015 gần 7.000 tỷ đồng. Tuy nhiên ông Vũ Đình Duy, người giữ chức Tổng Giám đốc PVTex, sau khi “lùi một bước” xuống Phó Tổng giám đốc vài tháng, lại “tiến ba bước” một cách “thần tốc bất thường”. Cuối năm 2014 ông Duy được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hải Phòng, sáu tháng sau, được bổ nhiệm giữ chức Phó Cục trưởng An toàn kỹ thuật và Môi trường công nghiệp. Gần một năm sau, một ngày trước khi về hưu, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã ký quyết định điều động và bổ nhiệm ông Duy giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên Vinachem, từ ngày 8-4-2016  cho đến nay.
          Trường hợp cá nhân người đứng đầu để xảy ra sai phạm nhưng vẫn được ưu ái “nhấc” lên các vị trí cao hơn chắc chắn không chỉ có hai trường hợp như ông Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Đình Duy. Dư luận xã hội đòi hỏi cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những cá nhân bất chấp luật pháp, gây thua lỗ, sai phạm, không thể có chuyện “càng làm sai, càng leo cao”. Các “đại dự án” lâm vào cảnh đổ vỡ, nếu để dây dưa kéo dài sẽ làm cạn kiệt nguồn lực đất nước, suy giảm thịnh vượng quốc gia. Về mặt xã hội, đầu tư kém hiệu quả làm tăng nguy cơ thất nghiệp đối với lực lượng lao động đã được đào tạo, nông dân mất ruộng, cuộc sống các vùng nông thôn bị xáo trộn. Tình trạng này đã làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của xã hội. Chính phủ đã ban hành các quy định về quản lý vốn đầu tư công một cách chặt chẽ, đầy đủ, giá như những người đứng đầu DN chịu trách nhiệm đầu tư biết tuân thủ đúng các quy định pháp luật,coi trọng lợi ích của đất nước, thì làm sao những dự án bết bát, góp phần làm nghèo đất nước kia có cơ hội mọc lên? Vì thế, trách nhiệm người đứng đầu, hơn lúc nào hết cần được đặt ra một cách nghiêm túc, quyền hạn phải gắn liền trách nhiệm.
Xử lý toàn diện những “con nợ”
          Gần  như để xứ lý tất cả các con nợ của nền kinh tế bị thua lỗ thời gian qua, phương án đưa ra chỉ duy nhất là xin cơ chế bảo hộ, ưu đãi. Dư luận đang đặt câu hỏi: Liệu có nên tiếp tục sử dụng ngân sách nhà nước để giải cứu, hỗ trợ các dự án bết bát này? Theo PGS, TS Ngô Trí Long, trong nền kinh tế thị trường, yếu tố hiệu quả phải đặt lên hàng đầu. Quy luật cạnh tranh có đào thải cho nên, quan niệm “đâm lao phải theo lao” là hoàn toàn sai lầm. Nếu không quyết tâm “khai trừ” các dự án trên, hậu quả càng tai hại, làm khê đọng vốn, ảnh hướng lớn đến trần nợ công và bội chi ngân sách. Cách hữu hiệu nhất là cho phá sản, thu hồi vốn cho nhà nước. Đồng thời, quy trách nhiệm những tổ chức, cá nhân liên quan và xử lý nghiêm minh. TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tổng rà soát các dự án vốn Nhà nước đầu tư, kiểm điểm lại công tác phân cấp, phân tích rõ mặt được và hạn chế để khắc phục. Dự án nào phải chấm dứt thì xử lý dứt điểm, càng dai dẳng càng gây hệ lụy khó lường”.
          Chúng tôi nhận thấy, các dự án bị “đắp chiếu” phần lớn được thẩm định một chiều, vẽ ra bức tranh rất sáng nhưng thiếu khả thi, phi thực tế. Lâu nay, việc đầu tư dự án theo cơ chế xin- cho, mọi trách nhiệm đều dồn cho tập thể một cách chung chung. Người quyết định đầu tư quyền hạn lớn nhưng trách nhiệm không tương xứng “vung tay quá trán” đối với đồng vốn nhà nước. Khi sự cố xảy ra, người chịu trách nhiệm đã “lặn không sủi tăm”, sự việc dần chìm xuồng theo kiểu hòa cả làng. Vì thế, trong tương lai, ngay từ khi xây dựng dự án, cần thẩm định dựa trên các căn cứ khoa học, nhằm đánh giá một cách chặt chẽ, toàn diện. Với người quyết định đầu tư, phải có trách nhiệm đến cùng với dự án, với chế tài đủ mạnh và nghiêm minh để làm gương và tạo tính răn đe. Thực tế hiện nay, các dự án như Đạm Ninh Bình, Xơ sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên, bio-ethanol và nhiều dự án khác không có hiệu quả, càng đầu tư, càng thua lỗ, là cảnh báo nguy hiểm đối với an toàn nợ công cũng như an ninh tài chính quốc gia.
          Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nêu quan điểm hết sức đúng đắn: “Nhà nước sẽ không tiếp tục đổ tiền cho những dự án thua lỗ, kém hiệu quả”. Đất nước ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, mọi chính sách ưu đãi, bảo hộ đều phải được nghiên cứu lỹ lưỡng, tuân thủ chặt chẽ pháp luật và phù hợp các cam kết quốc tế. Chủ đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cơ chế thị trường, cần phải có trách nhiệm và nguồn lực tài chính để bảo đảm hoạt động, không thể cứ lỗ là đồng thanh kêu cứu lên Chính phủ. Nhà nước chắc chắn không bao giờ bỏ ra hàng trăm nghìn tỷ đồng gánh hộ khoản vay nợ khổng lồ một cách vô lý này. Nếu tiếp tục  đổ tiền vào, ai dám chắc các dự án này sẽ hiệu quả  hay lại tiếp tục nối dài thêm những khối nợ mới, chồng lên đống nợ cũ? Thà đau một lần rồi thôi, dũng cảm cắt bỏ đi những “ung nhọt” để giúp “cơ thể” kinh tế đất nước trở nên khỏe mạnh, phát triển bền vững.
          Việc tách chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước ra khỏi chức năng quản lý nhà nước của bộ và thành lập một cơ quan chuyên trách về quản lý vốn, tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp, thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước với tư cách là nhà đầu tư của Nhà nước có ý nghĩa cấp thiết từng ngày. Nếu có cơ quan này, chắc chắn sẽ giảm được đầu tư Nhà nước kém hiệu quả thời gian qua, khi xảy ra thua lỗ quy được trách nhiệm cụ thể, rõ ràng của các đối tượng liên quan.


 

Nguồn tin: Tác phẩm đoạt giải: Giải báo chí Quốc gia lần thứ XI năm 2016

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây