Lưu Quý kỳ là một nhà báo xuất sắc của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ông sinh ngày 30/10/1919 tại Quảng Nam. Nhân Hội báo toàn quốc 2019, BBT Người làm báo Hưng Yên trân trọng giới thiệu một số bút ký và tùy bút của ông. Trong số này xin gửi tới bạn đọc bút ký "Tuổi trẻ và... tự do". Đây là bài báo ông viết khi tròn 20 tuổi. Mời các bạn đọc để thấy được sức nghĩ và lực bút của ông.
Tuổi trẻ và … Tự do
Năm 1789, nhà ngục Baxti bị phá đổ. Cả một chế độ phong kiến, tử thủ của Tự do, kết tinh trong nhà ngục Baxti, cũng theo đó mà đổ. Dân chúng reo hò, hoan hô chào đón Tự do đã trở về với họ.
Nhưng, nếu có người đã hoan hô, reo hò vì Tự do đã trở lại thì cũng có người xốn xang, bực tức vì thấy những đặc quyền của mình lui dần đi.
Cho nên, bốn năm qua…
Nhiều cuộc vũ trnag chống nền Cộng hòa đã nổi lên lên và bọn ích kỷ bảo hoàng đã đánh lấy được một vài đô thị nhỏ. Máu nóng của Tự do đã sôi lên trong dân chúng. Người ta đua nhau gia nhập các đội quân tình nguyện.
5-7-1793. Đã về chiều.
Đội quân bảo hoàng đã lấy được thành Macxây rồi dò theo bờ sông Ranh đi dần lên Nô-vê. Họ chỉ còn qua sông Đuyrăngsơ là lấy được Avinhông. Nhưng muốn qua được sông Đuyrăngsơ, bọn ấy phải nhờ một cầu nối bằng ván ghép lại.
Quân bảo hoàng tràn như nước vỡ đê mà quân Cộng hòa thì thưa thớt quá, nên muốn ngăn cản quân bảo hoàng, dân chúng Avinhông chỉ còn một phương kế cuối cùng là chặt cái dây neo cầu nối. Quân Cộng hòa còn đang do dự thì bên kia bờ sông, địch quân bắn xả qua như mưa.
Giữa lúc ấy…
Lưỡi rìu giắt lưng, tay cầm súng, cậu bé Viala – không thấy tử thần mà chỉ thấy Tự do, băng mình qua từng làn đạn của nghịch quân, thẳng thắn đi đến trụ cầu. Rồi với một cử chỉ lanh lẹ, đứa bé rút lưỡi rìu, vung tay định chặt đứt dây neo.
Nhưng trước khi nhìn đến tấn kịch cuối cùng của công việc mình thì đứa bé ấy phải thả rìu buông xuôi tay ngã lịm dưới làn mưa đạn.
Để trong buổi chiều tà còn rung động tiếng ngân của một câu bất tử “Mores par la liberter” (Tôi chết vì tự do).
Sáu tháng sau, bọn bảo hoàng nổi loạn ở Văngđéc và bao vây được quân Cách mạng ở Sôlê.
Những tiếng tung hô nhà vua từ những cổ họng của bọn phản dân nổi lên ồ ạt. Tất cả mọi người đều bị bắt buộc la to: “Hoàng đế vạn tuế”. Người nào không tuân liền bị tử hình. Cho nên tiếng ồ ạt lại càng ồ ạt. Và giữa sự hoan hô ồ ạt ấy, một giọng nói trẻ trung mà khí khái, trong trẻo mà rắn rỏi lan ra, lấn át dư âm của những tiếng vang hô hoàng đế: “Cộng hòa muôn năm!”.
Tiếng lanh lảnh ấy là tiếng nói của đứa bé Bara, mà tên tuổi đã từng làm đầu đề cho bao nhiêu nghệ sĩ tự do, vì liền sau đấy Bara trút hơi thở cuối cùng, lúc đạn của nghịch quân xuyên qua làn phổi.
Bara chết! Viala chết! Chết vì Tự Do!
Rôlexpie trên diễn đàn của Côngvăngsiông còn nhắc lại: “Chính tự do đã sản sinh ra những vị anh hùng 13 tuổi ấy”.
Nhưng các bạn trẻ của tôi ơi! Nếu các bạn còn thấy trong thâm tâm một sự hằn học vì kiềm chế, các bạn còn thấy lòng mình rung động trước Tự do, thì người của Bara và Viala vẫn sống, vì Bara và Viala là hiện thân của tự do trong thế hệ trẻ của chúng ta. Bara và Viala chết để lại những tiếng của Cõi lòng, mãi mãi ngân vang trong tâm hồn của tuổi trẻ.
Và các bạn của tôi ơi! Các bạn có cùng tôi nhận thấy rằng: Trên màn trời đỏ thắm còn biết bao nhiêu bạn trẻ khác đang hăng hái, kiêu hãnh nối gót Bara, Viala để lần lượt tiến lên, đầy một lòng tin mãnh liệt sẽ mang lại cho nhân loại cái mộng đẹp mà họ từng ôm ấp: Tự Do.
Nhà báo, nhà văn Lưu Quý Kỳ (1919-1982) Mới, số 6 ngày 17-7-1939 (Số kỷ niệm Cách mạng Pháp 1789)