Thảm họa La Pán Tẩn: Cân quặng, mạng người

Thứ tư - 20/03/2019 14:52
Bài 1: Bất chấp nguy hiểm, dân vẫn mót quặng ở La Pán Tẩn

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Giàng A Vừ, Phó Chủ tịch huyện Mù Cang Chải vừa cho biết, đoàn công tác cứu hộ cứu nạn tại khu mỏ La Pán Tẩn đã lập biên bản đối với một người dân bất chấp nguy hiểm vào mót quặng.

Cụ thể, vào sáng 12/9, trong khi tổ công tác tiếp tục chia nhóm để tìm kiếm thi thể hai nạn nhân vụ sập hầm là Lý A Sinh và Lý A Lềnh thì bất ngờ thấy một nhóm người dân khá đông, chừng gần 20 người vào khu vực hiện trường. Nhóm người này rải rác xung quanh khu vực lòng suối hướng ra phía suối Tú Lệ.


"Lúc này, anh em cắt cử người xuống xem thì người dân đã bỏ chạy. Chúng tôi chỉ giữ được một người," ông Vừ cho hay.

Ngay sau đó, đối tượng được xác định là Sùng A Chinh, sinh năm 1979, trú tại thôn Là Nở, xã Cao Phạ, Mù Cang Chải. Anh Chinh cho biết, sáng 12/9, anh nhận được điện thoại của em ruột là Sùng A Chư, sinh năm 1980, cùng thôn rủ đến địa điểm trên để đào mót quặng. Khi anh Chinh đến nơi thì đã thấy có khoảng 20 người đang mót quặng tại đây.

"Nguy cơ tiếp tục sạt sở tại La Pán Tẩn vấn cao"


Tuy nhiên, ông Giàng A Vừ cũng cho biết, trong nhóm 20 người này, có cả những thân nhân của hai nạn nhân Lý A Sinh và Lý A Lềnh đi tìm kiếm thi thể. Ngoài ra còn có một số người dân đi nương thảo quả.

Riêng Sùng A Chinh được yêu cầu cam kết không vào khu mỏ nhặt quặng. Cơ quan chức năng cũng đã thu giữ khoảng 6kg quặng chì.

Trong một diễn biến khác, sáng nay, 13/9, công tác tìm kiếm hai nạn nhân cuối cùng vẫn tiếp tục được diễn ra khẩn trương. Từ sáng sớm, mưa đã bắt đầu xuất hiện rất dày. Sương mù cũng khiến cho tầm nhìn của đội cứu hộ cứu nạn giảm xuống rất thấp.

Mặc dù vậy, ông Vừ vẫn nhấn mạnh, anh em vẫn tích cực công việc. Cụ thể, hiện đã có 2 đội tìm kiếm đi ngược từ suối Tú Lệ đi lên khu vực mỏ đồng thời 3 đội tìm kiếm khác cũng đã được rải dọc từ khu vực nơi sụt lở kéo dài theo khe chảy của dòng nước.

"Chúng tôi sẽ nỗ lực đến cùng để tìm kiếm," ông Vừ quả quyết.

Mưa dày, sương mù không chỉ khiến cho công tác cứu hộ cứu nạn gặp khó khăn mà còn gây nguy hiểm đến những người tham gia. Ông Vừ cho hay, mặc dù chưa có dấu hiệu sụt lở, nhưng tổ công tác cũng nhắc nhở anh em cẩn thận, tránh 1 số điểm có thể sụt lún bất ngờ.

Vietnam+ sẽ tiếp tục cập nhật những diễn biến mới nhất về sự việc trên./.

Bài 2: Bản mồ côi của các bà mẹ đơn thân ở La Pán Tẩn

 

Sau cơn giật mình của núi mẹ, mấy bản quanh đỉnh Pao Dơ Đê bỗng chốc hóa thành các bản góa bụa và mồ côi trong nỗi đau khôn cùng.

Cách trục đường lên mỏ chỉ trăm mét, 3 căn nhà nằm vắt ngang đỉnh đồi, khói bếp hòa lẫn mây mù khiến cho khung cảnh nơi đây thêm phần cô quạnh. Ngồi chắn ngang lối vào bậc cửa nhà, Lù Thị Dê người con dâu của đại gia đình họ Hảng ngóng đôi mắt thất thần vì nỗi đau mất người thân về khoảng không xa như đang tìm kiếm thứ gì để khỏa lấp nỗi cô độc của miền sơn cước xế chiều.

Khi thảm họa ập đến La Pán Tẩn, Dê cũng như bao người phụ nữ Mông khác ở nơi đây trở thành trụ cột chính trong gia đình, phải sống cảnh bà mẹ đơn thân trong những tháng ngày còn lại.

Buổi sáng định mệnh


Phải nhờ anh Hảng Xáy Chông, Trưởng công an xã La Pán Tẩn phiên dịch, chúng tôi mới có thể tiếp chuyện Dê, để tìm hiểu về cuộc sống nghiệt ngã đã an bài cho những người phụ nữ Mông nơi đây.

Căn nhà Lù Thị Dê nằm chon von trên ngọn đồi nhìn ra ruộng bậc thang La Pán Tẩn đẹp đến nao lòng. Người đàn bà góa bụa, mắt nhìn mãi ra khoảnh ruộng nhấp nhô xanh mướt ấy. Dê khóc. Nước mắt ép dọc theo gò má đen sạm của chị.

21 tuổi, Lù Thị Dê đã về làm dâu nhà họ Hảng được gần 2 năm. Hạnh phúc lứa đôi của chị mới vừa kết trái với đứa con 7 tháng trong bụng. Vậy mà, chỉ một lần núi mẹ giật mình tức giận, chị đã mãi mãi sống trong cảnh cô đơn.

Rót chén nước ngô ngọt lịm, Dê kể với chúng tôi, gia đình chồng Hảng A Giàng có 6 người. Cuộc sống trồng lúa và đi rừng là chủ yếu. Mỗi năm, cả gia đình cật lực làm lụng vất vả cũng chỉ được hơn hai chục bao thóc để ăn. Thế nên, khi mùa lúa chín cận kề cũng là khoảng thời gian cái đói bắt đầu nhen nhóm đến từng hộ dân nơi đây. Cực chẳng đành, 3 người lao động chính trong nhà Dê phải đi mót quặng để mua gạo ăn, mua quần áo và các vật dụng sinh hoạt.

Ngẩn ngơ mãi trong hỗn độn bao nhiêu ký ức, Dê vừa khóc ngất đi, vừa mếu máo kể về buổi sáng định mệnh ấy. Rằng, hôm trước trời mưa thật to. Chồng Dê là Hảng A Giàng thủ thỉ với vợ: Nhà hết tiền, mai Giàng sẽ vào núi nhặt quặng đem bán. 

Dê nghẹn ngào nói: “Tối mùng 6, A Giảng có nói sẽ lên mỏ mót quặng. Em đã nói mưa lắm, đừng đi, lo lắm có ai mà không lo! Nhưng chồng bảo nhà hết gạo rồi, phải đi mót quặng đổi gạo.” 

Nói là làm, sáng ngày 7/9, biết quặng sẽ lộ ra trong cơn mưa to, A Giàng rủ thêm anh trai Dê đi vào rừng mót quặng. Tới đỉnh đèo Pao Dơ Đê, A Giàng gặp bố mẹ đi rừng về nên lại bảo họ đi cùng. Chỉ vài tiếng sau, Dê nhận được tin báo mất người thân do sạt lở núi ở mỏ quặng.
111
Nỗi đau vẫn hằn lên trên gương mặt những người ở lại
Khi tai nạn xảy đến, được mọi người báo tin, Dê đang mang bầu 7 tháng nhưng vẫn một mình leo đèo, vượt dốc dù đường lầy lội trơn trượt với niềm tin chồng chưa chết.

“Đi được nửa đường thì người ta nói chỉ cứu được người khác mà không thấy chồng. Lúc đó, chân tay bủn rủn, mệt mỏi, lo sợ nên phải nghỉ giữa đường để trấn an tinh thần có sức đi tiếp,” Dê ngậm ngùi nói.

Từ lúc tai họa ập đến, mỗi lần nghĩ về lúc nhận thi thể chồng, Dê đều ám ảnh bởi xác chồng bị đá dập nát. Thời gian vừa qua, Dê bảo đêm quá dài do không ngủ được vì lo sợ cho những tháng ngày kế tiếp.

Khi chúng tôi hỏi ước muốn duy nhất lúc này, Dê chỉ lặng im không nói mà sụt sịt khóc.
Chắc chắn rồi đây, kí ức về thảm họa La Pán Tẩn vẫn sẽ đeo đuổi hết quãng đời của Dê và những người phụ nữ Mông-những con người vẫn chưa có lối thoát từ chính hoàn cảnh túng ăn làm liều bán mạng sống mình từ những lần đi mót quặng.

Bố ơi! Bố còn sống


Cách đó không xa, tang tóc vẫn bao trùm trong căn nhà của chị Hờ Thị Chay có chồng là Hảng A Dinh và con trai Hảng A Sùng đều cùng đi mót quặng vào cái buổi sáng định mệnh.

Dưới ánh sáng leo lét của bóng đèn vàng duy nhất trong nhà, mấy đứa trẻ dường như vẫn chưa thể tin bố mất nên thường ngày vẫn ôm ảnh bố Hảng A Dinh ngọng nghịu khóc: “Bố ơi, bố còn sống…”

Về làm dâu nhà họ Hảng, chị Hờ Thị Chay cũng có cuộc sống hạnh phúc thời gian đầu. Chị Chay kể, cưới nhau chưa được hai năm, chồng nói đi học cao đẳng để về làm cán bộ, vậy mà về nhà nghỉ hè chẳng bao lâu Sùng bỏ lại vợ con bơ vơ. Lẽ ra đã đến ngày nhập trường nhưng nhà chẳng còn tiền nộp học nên anh mới đánh liều đi mót quặng. 

Dưới cơn mưa tầm tã, nhận được tin báo mất người thân, ba người phụ nữ Mông dìu nhau lầm lũi từng bước chân nặng trịch đến khu vực sạt lở. Chị Hờ Thị Chay khóc ngất khi nhìn thấy cánh tay bị sẹo của chồng, những gì còn lại chỉ là một vài bộ phận cơ thể rời rạc chưa bị đất đá vùi sâu. Người phụ nữ ấy quỵ ngã trong đớn đau, tê tái..
111
Ánh mắt thất thần của những người thân các nạn nhân
“Chẳng bao giờ mắng chửi con gái đâu, thằng Dinh tốt tính, chỉ biết chăm chỉ làm ăn thôi. Sáng hôm đấy, vợ nó can nhưng chồng bảo nước suối to, nhiều quặng nên cứ đi,” mẹ chị Chay vừa khóc vừa vỗ về bốn đứa cháu ngoại.

Căn nhà nghèo chỉ còn ngô để ăn qua tháng đói. Nhưng hết mùa đói năm nay, ba người phụ nữ và năm đứa trẻ thơ côi cút lại chẳng biết bấu víu tiếp vào đâu… khi những người đàn ông vốn là lao động chính trong gia đình đã vĩnh viễn vùi lấp thân mình trong mỏ quặng.

Trời La Pán Tẩn xế chiều, từng căn nhà trong bản bị che lấp trong sương mù. Nỗi đau mất chồng, cha, anh đã khiến hai bản Trống Pao Sáng và La Pán Tẩn thành những bản mồ côi trong thảm họa kinh hoàng sạt lở núi./.


Bài 3: Đau quặn lòng vì những em bé mất cha ở La Pán Tẩn

Đau xót nhất, đến tận thời điểm hiện tại, ngày 13/9, bất chấp nỗ lực khôn cùng của lực lượng tìm kiếm, cứu nạn, bất chấp cả việc gia tộc họ Lý ở La Pán Tẩn huy động đi khắp suối Tú Lệ, thi thể của A Lềnh và A Sinh vẫn biệt tích.

Thào Thị Sầu, từ ngày chồng mất như sống trong một thực tại khác. Chị ôm A Chua, đứa bé chưa kịp khai sinh, chưa kịp nhớ mặt cha mà khóc. Nhà hết gạo, mấy anh em trong họ phải xúm lại, góp cơm cho cả nhà ăn qua ngày.

Cùng chung cảnh ngộ với Sầu, Giàng Thị Dê, vợ của người em trai, Lý A Sinh cũng ngẩn người vì nỗi đau quá lớn. 

Dê bảo, sáng 7/9, chị đã can không cho A Sinh vào mỏ. Mưa to thế, Dê chẳng thể an tâm. Nhưng Sinh vẫn cứ nằng nặc bỏ đi, để lại Dê và đứa con trai mới 8 tuổi Lý A Hồ ở lại. Mặc dù chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ sinh, nhưng ngày ngày, người đàn bà góa bụa vẫn chân trần cắt rừng, lội bùn đi khắp rừng La Pán Tẩn với hy vọng mong manh anh vẫn sống. Chị bảo, chị không muốn đứa con sắp đẻ ra không biết được mặt cha, không được người đàn ông nuôi nấng.

Đến đây, thì cả hai người phụ nữ đều khóc. Nước mắt chỉ còn ri rỉ ra dưới những cặp mắt đã đỏ hoe và dài dại. Căn nhà trống tuênh, tiếng khóc như hờn dỗi, đau đáu cả một vạt rừng chiều.
111
Những đứa con của A Lềnh vẫn tin bố mình còn sống 
Nơi nỗi đau kéo dài

Câu chuyện chợt rẽ sang một mạch khác khi từ trong bóng tối chập choạng, con gái cả của A Lềnh, Lý Thị Rùa bước về. Mặt Rùa đỏ gay, chân và cả vạt váy Mông hoa lấm bùn. 

Khẽ thở dài, Trưởng Công an xã La Pán Tẩn anh Hảng Xay Chông khẽ bảo: “Từ ngày bố mất tích, nó đi tìm suốt, tới tối mịt mới về.”

Người nhà A Lềnh cũng nghẹn ngào kể, đến nay đã là ngày thứ bảy, Rùa bỏ nhà đi tìm cha. Sáng nào cũng vậy, trời vừa hửng sáng, cô bé con 12 tuổi ấy lại mang theo cơm nắm, xăm xăm vượt dốc, cắt rừng vào Trống Páo Sang. Những ngày đầu, Rùa còn theo chân lực lượng cứu hộ. Nhưng càng về sau, cô bé bản La Pán Tẩn càng đi xa hơn, miết mãi về cuối dòng Tú Lệ, qua cả chân đèo Khau Phạ.

“Có những lúc, tối muộn cháu mới về tới nhà, người hầm hập sốt, không ăn gì mà chui vào chăn khóc,” người nhà A Lềnh nghèn nghẹn.
111
Đau đáu ngóng chồng
Không chỉ có Rùa, gần 1 tuần này, cả đại gia đình họ Lý hàng ngày vẫn mòn mỏi theo chân lực lượng cứu nạn tìm kiếm người thân. Họ bảo, họ phải đợi tìm thấy thi thể A Lềnh và A Sinh rồi mới “làm ma” thắp hương thờ cúng được.

Kể từ cái ngày định mệnh, sáng nào cũng vậy, cả nhà lại dậy sớm, dắt díu nhau vào lại mỏ cùng theo chân lực lượng cứu hộ để mong sớm tìm được chồng, con mình.

Tại hiện trường vụ sạt lở, cứ mỗi khi lực lượng cứu hộ phát hiện thấy điểm nghi vấn có xác người, thì cả Giàng Thị Dê và Thào Thị Sầu lại dìu nhau chạy lại. Hai người đàn bà đứng đầu dốc, mặc gió, mặc nắng, cứ trân trân nhìn lực lượng cứu hộ bới đất. Nhưng rồi khi biết không phải, họ lại ôm nhau mà khóc.

Ngồi ôm đứa con chỉ ngày mai sẽ tròn 1 tháng tuổi, Sầu bảo: “Vẫn muốn hy vọng chồng còn sống, nhưng hôm rồi thấy cái cử đeo [một dụng cụ thường mang theo đi rừng của người Mông-PV của Lềnh bị vỡ nát, tôi cũng chẳng dám mong.”

Nói vậy, nhưng chúng tôi biết, sớm mai, cả Sầu và Dê, cả gần chục đứa con đầu cháy nắng của A Lềnh và A Xinh sẽ lại chân trần, leo dốc vào Trống Páo Sang. Chưa tìm thấy xác người thì vẫn còn phải đi…
 
Luẩn quẩn đời mót quặng

Có mặt tại nhà Thào Thị Sầu chiều nay còn có gần chục người đàn ông Mông vừa đi tìm kiếm vừa trở về. Họ ngồi uống rượu với nhau, bàn bạc với nhau về điểm ngày mai sẽ tới. 

Khi được hỏi, sau này, liệu có lúc nào đói quá, chẳng còn gì ăn, họ có vào lại mỏ mót quặng nữa không, một người lớn tuổi cười cười bảo: “Đói thì vẫn phải đi thôi cán bộ ạ. Không thì lấy gì mà ăn.”

Ngay cả Giàng Thị Dê, vợ của Lý A Lềnh ngồi gần đó cũng bảo, đứa con trai 8 tuổi của chị cũng đã không dưới một lần theo bác vào mỏ nhặt quặng.

Mới đây nhất, ngày 12/9, hàng chục người Mông bất chấp nguy hiểm vẫn vào khu vực mỏ Trống Páo Sang mót quặng. Cái chết của gần 20 con người dưới cơn giận giữ của núi rừng hình như vẫn chưa mở được mắt cho người đang sống?
 

Bài 4: Những chuyện chưa kể về đội tìm kiếm ở La Pán Tẩn

 
8 ngày ròng, cứ mưa xuống, lại nắng lên. Đội cứu hộ cứu nạn tại La Pán Tẩn vẫn cứ lầm lũi, hết mình đến tận ngày được lệnh rút ra.

8 ngày ròng. Mưa xuống, nắng lên. Hơi thở lẫn vào sương rừng. Quần áo ngả sang màu đất đỏ. Giấc ngủ đêm phảng phất những giật mình ám ảnh về những thi thể xấu số vùi lấp dưới hàng trăm mét đất. Đội cứu hộ cứu nạn La Pán Tẩn vẫn cứ lầm lũi, hết mình đến tận ngày được lệnh rút ra.

Những câu chuyện của họ, lặng lẽ nhưng cũng mặn chát nỗi buồn nơi cuối trời Tây Bắc.

Cuốc bộ, chết hụt và những day dứt


Phó trưởng Công an huyện Mù Cang Chải, chân đi ủng, mồ hôi đẫm người vẫn đứng ở đầu dốc đá trượt hôm nào. Gần anh, Phó Chủ tịch huyện Giàng A Vừ cũng đã xắn cao quần, lội hẳn xuống bùn sâu. Nắng lố nhố xiên qua đầu ngọn núi sớm hắt vệt nắng dẻ quạt đã gay gắt lắm xuống đầu hơn chục con người đang đánh vật với hàng chục khối đất đỏ lừ thi thoảng lại lở ra, ì oạp rơi xuống dưới.

Cán bộ A Vừ, thấy có khách vào cười khổ bảo, mấy ngày rồi, anh em chẳng kịp tắm rửa gì đâu, chỉ có đào, đào và di chuyển khắp lòng khe để tìm kiếm. 
"Chúng tôi vào đây làm nhiệm vụ chưa có ngày ra! Ăn ở tại chỗ, hậu cần hết lại tiếp tế, cứ tìm kiếm đến khi nào thấy,”  một chiến sĩ quân đội nói. 


Điều đáng sợ là, đến tận thời điểm này, 8 ngày sau khi thảm họa La Pán Tẩn xảy ra, nguy hiểm vẫn cứ chực chờ trên đầu đoàn cứu hộ. Khả năng “biến mất” của con người dưới hàng vạn khối đất chỉ trong vài phút đá lở chỉ trong vài phút vẫn chẳng thể coi thường.
Bởi nguyên nhân ban đầu theo các cán bộ hiện trường cho biết, núi vẫn còn nứt. Những vết nứt đó chính là nơi nước mưa đổ xuống, ngấm xuống tận chân núi và khi đã no nước, với địa chất yếu chỉ là núi đất cát pha và đá mồ côi trơn nhẵn không hề cố kết vững chắc, sự trượt lở sẽ vô cùng khủng khiếp. Chúng tôi nhìn lên núi. Bốn bề đều thấy những vệt trượt đất đá dài, thâm đỏ như máu. Cả trăm con người cứu hộ cũng đang phải gồng mình lên khi lọt thỏm làm nhiệm vụ trong một thung lũng mà bất cứ lúc nào cũng có thể bị vùi lấp. Không ai biết trong lòng núi đang diễn ra những gì. Mưa nắng vẫn thất thường, ăn ngủ vẫn thất thường..
Thế mới có chuyện, một đêm, Phó Trưởng Công an huyện Mù Cang Chải và anh em bắt đầu đi ngủ bỗng nghe thấy tiếng rầm rầm. Mọi người nghĩ là trời đêm Trống Páo Sang lại sấm. Bỗng từ đâu, đá lách tách lăn rồi rầm rập chạy về phía khe sâu. Đá lở không còn là chuyện hiếm nữa.


Cũng chẳng phải nói đâu xa, ngay trong đoàn cứu hộ cứu nạn cũng không ít người đã phải đối mặt với cái chết vì núi mẹ thêm một lần tức giận.
111
Sức người ném vào đá núi 
Thở phì phò để lại con dốc đứng dẫn xuống khe suối Tú Lệ đằng sau lưng, cán bộ Giàng A Vừ hổn hển. Ngay trước khi chúng tôi vào một ngày, đoàn cứu hộ gồm có anh em bộ đội, dân quân, công an và cả người của phía Thịnh Đạt còn đang loay hoay đào bới phía dưới lán 1. Lúc này trời vẫn mưa. Nước ngấm vào các kẽ nứt, từ từ đẩy cả một mảng đất cỡ mái nhà ầm ầm lao xuống dốc có hơn chục con người ở dưới…
“Lúc này, thấy tiếng nứt lách tách, chỉ kịp ngó lên đã thấy đất trôi rầm rầm xuống. Anh em hò nhau chạy, đất phạt qua ngay lưng mình. Nghĩ lại cũng rợn người,” Giàng A Vừ toát mồ hôi nhớ lại.


Ban chỉ đạo tìm kiếm được bố trí ăn, ở trong 2 lán trại của công ty Thịnh Đạt. Toàn bộ khu vực này, những ngày cao điểm khi vừa xảy ra thảm họa đã có gần 200 người là cán bộ, chiến sĩ, dân quân...đóng quân để cứu hộ và tìm kiếm. Hơn 100 người tập trung chỉ đạo, hậu cần, phục vụ và trực tiếp tìm kiếm 2 người mất tích ròng rã hơn 1 tuần trời vẫn chưa thấy tung tích.

Cho đến tận chiều tối ngày hôm quan, 13/9, tại khu vực khe suối đầu xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, gần 30 cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự huyện và dân quân địa phương do Trung tá Đỗ Xuân Trường, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự huyện Mù Cang Chải chỉ huy vẫn miệt mài men theo dọc hai bên bờ suối để kiếm tìm thi thể nạn nhân. Phạm vi tìm kiếm được mở rộng đến 7 km từ điểm sạt lở.
"Bây giờ chỉ cần tìm thấy dù chỉ một người thôi, anh em sẽ cảm thấy thanh thản đôi chút với người đã khuất,” Thượng tá Lộc Tiến Tình, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Mù Cang Chải cho hay.

Huy động tổng lực


Trong suốt 8 ngày ròng rã dầm mưa, dãi nắng, không chỉ lực lượng quân đội, công an được huy động kiếm người mà ngay cả những đồng bào người Mông sinh sống xung quanh khu vực mỏ Trống Páo Sang cũng được vận động vào cuộc.

Lý A Chù người bản Trống Tông là một trong các dân quân được huy động tìm kiếm những nạn nhân mất tích sau thảm họa kinh hoàng. Ngồi cheo leo trên đỉnh núi, hướng đôi mắt về khu vực sạt lở, A Chù ngẩn người thở dài khi vẫn chưa thể tìm thấy xác những người anh em xấu xố trong cùng dòng họ để thân xác được an tang, hồn ma trở về với tổ tiên.

Chiếc cuốc bị đá ăn lẹm đi một phần, áo ướt đẫm mồ hôi, đôi bàn tay bọng nước phồng rộp lên nhem nhuốc màu đỏ của đất, A Chử thẫn thờ kể về hành trình nhọc nhằn “mò” xác trong những ngày qua.

Được huy động từ những ngày đầu tìm xác khi sạt lở núi, A Chù tay cầm cuốc, lưng đeo dao rừng phăng phăng kiếm từng mảnh đất có dấu tích nạn nhân, lao vào hàng nghìn khối đá với nỗ lực tìm kiếm người xấu số.

Khi chỉ huy đoàn tìm kiếm, cứu nạn phát hiện vị trí, A Chù cùng mọi người phải rà lần từng lớp đất, những nhát búa keng keng gõ đá với hi vọng tung tích nạn nhân hé lộ. Bởi thế, trong những ngày đầu và kế sau đó, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể 16 nạn nhân. 

Núi đá sạt lở nên những người mót quặng bị vùi lấp và lăn dài theo đất đá. Vì thế, có xác tìm được ngay chân dốc khu vực sạt lở nhưng cũng có người bị cuốn đi xa hàng cây số. Dẫu vậy, ngày ngày,  A Chù vẫn phải chạy dọc theo sườn chân núi với tâm niệm, người anh em sẽ sớm được tìm về trao trả cho thân nhân.

Mỗi khi tìm thấy xác, A Chù và các gia đình như ngất lịm khi những người mà anh vốn thường ngày uống nước, rót rượu giờ người bị đá chèn dập nát, thi thể biến dạng, người thì chỉ còn chân tay…
111
Cơ giới cũng được huy động 
Gã trai bản Mông bảo, chưa bao giờ bản gã lại có nhiều người chết đến thế, đau xót nhất vẫn là Lý A Lềnh và Lý A Sinh khi đến giờ xác vẫn nằm trên đỉnh mẹ núi. 

Kể đến đây, A Chù nghẹn ngào, đôi mắt rơm rớm. Gã bảo, những ngày qua, mò xác nơi đây luôn phải đối mặt với nguy cơ sạt lở kép có thể xảy đến do mưa nhiều, địa hình phức tạp nên núi đổ ập xuống là vẫn là điều dễ hiểu.

“Chưa tìm được xác A Sinh, A Lềnh là chưa thể ngủ được. Mỗi đêm nghĩ về xác các nạn nhân tôi không thể nhắm nghiền mắt,” A Chù thành thật.

Tính đến chiều ngày 14/9, thời điểm cuộc tìm kiếm chính thức bị đình lại vì nhiều lý do khác nhau, gần 200 con người đã có hơn 1 tuần trắng mặt cùng núi đá, rừng sâu. Họ đã nỗ lực hết mình để đưa A Sinh và A Lềnh trở về La Pán Tẩn. Nhưng trời chẳng chiều lòng người. Chừng ấy nỗ lực, chừng ấy mồ hôi của họ đổ xuống, hy vọng làm ấm lòng cho các anh, A Sinh và A Lềnh ạ!

Bài 5: Thảm họa La Pán Tẩn tiếp diễn nếu không quyết liệt

 
Thảm họa La Pán Tẩn được khép lại nhưng vòng luẩn quẩn về cái đói nghèo và những thảm kịch tương tự vẫn không thôi ám ảnh những người có trách nhiệm.

Thảm họa La Pán Tẩn chính thức được khép lại chiều 14/9 bằng lệnh rút quân của lực lượng cứu hộ cứu nạn sau gần 8 ngày ròng rã. Mặc dù vậy, vòng luẩn quẩn về cái đói nghèo và những thảm kịch tương tự vẫn không thôi ám ảnh những người có trách nhiệm.
Những đối tượng nào đang lợi dụng bà con người Mông xung quanh khu vực các mỏ La Pán Tẩn để thu mua quặng trục lợi? Chính quyền các cấp tỉnh Yên Bái có động thái gì để ngăn chặn thực trạng này? Đó là những câu hỏi rất cần được giải đáp sớm để ngăn một thảm họa tương tự.

Quặng thẩm lậu không chỉ 1 năm


Trong những ngày lang thang trong các bản của xã La Pán Tẩn, chúng tôi đã được nghe kể rất nhiều câu chuyện đau lòng về đời mót quặng của đồng bào người Mông sống lẩn khuất sau những vạt rừng cao. Do khó khăn về kinh tế, hầu hết các hộ người Mông đều tham gia vào các đội quân cắt rừng vào các khu mỏ xa để nhặt quặng.

Mỗi cân quặng, tùy theo chất lượng mà có giá dao động từ 20.000 đồng-30.000 đồng/kg. Mặc dù khá rẻ mạt nhưng với người La Pán Tẩn thì mỗi cân quặng cũng đổi được nửa yến thóc cho qua tháng đói nghèo. Người may mắn, có khi kiếm được cả bạc triệu cho một lần mót quặng của mình.

Nhiều đồng bào Mông khẳng định, việc họ vào các khu vực mỏ để mót quặng không phải mới chỉ diễn ra trong 1 năm gần đây. 

Giàng Thị Dê, vợ của nạn nhân Lý A Sinh hiện đã mãi mãi nằm lại trong lòng núi kể, ngay cả đứa con mới 8 tuổi của chị cũng đã biết tham gia mót quặng đem ra đường cái bán.

Tại thời điểm sôi động nhất, theo một cán bộ huyện Mù Cang Chải (xin được giấu tên), số người vào các mỏ La Pán Tẩn tìm quặng lên tới hơn 200 người. 

Xác nhận sự kiện này với phóng viên, thậm chí, ông Hảng Xáy Chông, Trưởng Công an xã La Pán Tẩn còn chẳng cần giở sổ sách, kể rành rọt lại. Vào thời điểm ngày mùng 3, mùng 4 tháng 4 năm 2011, mỗi ngày có khoảng 150-200 người Mông từ các bản và các xã lân cận vào các mỏ của La Pán Tẩn để tìm quặng. Trong số này theo khẳng định của ông Hảng Xáy Chông, có cả học sinh lớp 4, lớp 5.
111
Một con đường quặng từ dân thẩm lậu ra ngoài
Sau đó không lâu, đến tháng 4/2011, dân lại kéo khá đông vào bới tại mỏ của công ty Nam Hồng Hà ở bản Kháo Nhà, xã Cao Phạ, giáp ranh khu vực xảy ra vụ sập núi, dù trước đó đất đá trong lò sập xuống làm chết anh Lý A Dờ và bị thương 2 người là Lý A Chu và Hảng A Chua của xã La Pán Tẩn. 

Theo  tìm hiểu, trên địa bàn 3 xã gồm La Pán Tẩn, Cao Phạ và Chế Cu Nha có 4 điểm khai thác quặng. 

Đau xót nhất là ngay cả sau sự cố sập núi làm chết gần 20 người sáng 7/9 vừa qua, tình trạng bất chấp nguy hiểm vào núi nhặt quặng vẫn tiếp diễn. Nhiều đồng bào có người tử vong trong sự việc này vẫn buồn rầu cho hay: “Sau này đói, không có gì ăn thì vẫn phải đi mót quặng.”

Nhãn tiền nhất, sáng 12/9, đoàn tìm kiếm cứu nạn đã phải lập biên bản đối với 1 người dân vì vào mót quặng ở hiện trường vụ sập.

Chính quyền chưa quyết liệt?


Sự việc kéo dài nhiều năm, chính quyền xã, huyện đều nắm được việc dân vào núi mót quặng. Điều này thể hiện rất rõ ở một loạt ý kiến chỉ đạo cũng như văn bản cam kết được ban hành suốt 2 năm qua.

Cụ thể, trước tình trạng người dân thường xuyên vào các mỏ gây nguy hiểm đến tính mạng, gần cuối tháng 4-2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cùng Uỷ ban nhân dân huyện nổ mìn đánh sập cửa hầm lò để bảo vệ tính mạng cho người dân. Nhưng lò bị đánh sập, thậm chí cửa hầm đã được đổ bê tông, nhưng người dân vẫn phá thủng để vào mót, bất chấp lệnh cấm. 

Tiếp đó, mới đây nhất, vào khoảng cuối tháng 8/2012, đại diện xã La Pán Tẩn, công ty Thịnh Đạt và các trưởng bản, các hộ gia đình trên địa bàn xã này tiếp tục cùng nhau ký vào bản cam kết với nội dung dân tự nguyện không vào các mỏ quặng để mót nữa.

Thế nhưng, chừng ấy văn bản, quyết định được đưa ra lại thiếu đi những biện pháp quyết liệt nên sự cố đau lòng vẫn diễn ra vào sáng 7/9. 

Cụ thể, thừa nhận thực trạng dân mót quặng không chỉ mới có, ông Hồ Chờ Sử, Bí thư xã La Pán Tẩn cho hay, các cán bộ huyện, xã đã tiến hành vào các thôn bản…. vận động người dân không tiếp tục đi mót quặng mà nguy hiểm đến tính mạng nữa.
111
Có khi quặng cũng được chở thẳng qua đường liên xã
Ngay cả một số cán bộ huyện Mù Cang Chải cũng nhấn mạnh giải pháp tuyên truyền và vận động nhằm giải quyết vấn đề này.

Trong một diễn biến khác, trước tình trạng dân khai thác quặng lậu trong nhiều năm, chủ doanh nghiệp Thịnh Đạt, ông Đào Xuân Thịnh liên tục khẳng định, doanh nghiệp không thuê dân mót quặng, cũng như không thu mua lại quặng của dân. Vậy câu hỏi đặt ra, quặng sau khi về nằm tại các bản Mông được chuyển đi đâu?

Về vấn đề này, qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, quặng sau khi được mót sẽ được người dân đưa ra Ngã Ba Kim và Tú Lệ để bán. Trong 2 địa điểm này, Ngã Ba Kim chỉ nằm cách Ủy ban nhân dân xã La Pán Tẩn chừng 3km và cách huyện lỵ Mù Căng Chải chưa đầy 20 cây số.

2 nhân vật trực tiếp thu mua quặng của người dân cũng được những người mấy năm nay mưu sinh bằng quặng lậu chỉ tên. Một người là V., biệt danh V. giáo viên. 1 người khác nữa là T. biệt danh T. mượt.

Bản thân chính quyền La Pán Tẩn cũng không lạ mặt những nhân vật này. Bởi theo lời Trưởng Công an xã Hảng Xấy Chông, xã biết việc dân đem quặng bán cho người tên V thời gian trước.

“Chúng tôi cũng liên tục nhắc nhở anh V. mỗi khi gặp,” ông Chông nhấn mạnh.

Ông Chông cho biết thêm, xã đã có ý kiến tại các cuộc họp với huyện và huyện cũng tiếp nhận.

Liên lạc với Chủ tịch huyện Mù Cang Chải, ông Giàng A Tông, chúng tôi được ông Tông xác nhận, huyện này đã nhận được ý kiến chuyển lên từ phía xã. Phía huyện cũng đã chỉ đạo lực lượng công an vào cuộc để xác định rõ các đối tượng tham gia mua quặng.
“Nếu phát hiện được chúng tôi sẽ tiến hành xử lý nghiêm,” ông Tông nhấn mạnh.

Trong khi đợi các cấp chính quyền có trách nhiệm vào cuộc một cách quyết liệt, vòng luẩn quẩn cân quặng-mạng người sẽ vẫn là câu chuyện nhức nhối nơi cuối trời Tây Bắc.
 
Quặng thẩm lậu qua dân như thế nào?
Trong những ngày ở La Pán Tẩn, chúng tôi đã cố công tìm hiểu các con đường quặng thẩm lậu qua dân đến tay các đầu nậu tại khu vực La Pán Tẩn.

Cụ thể, sau khi mót được quặng, người dân sẽ đưa số quặng này đi qua 3 đường cơ bản.

Thông dụng nhất, người dân trực tiếp chạy theo lối đường liên xã chạy qua Ủy ban nhân dân La Pán Tẩn xuống Ngã Ba Kim bán.

Ngoài ra, người dân cũng có thể đi theo đường mòn qua bản Trống Tông xuống đội 2 xã Púng Luông hoặc đường bê tong từ Tả Chí Lừ xuống Pú Nhu.
Phía Công an xã La Pán Tẩn cũng đã xác nhận với Vietnam+ 3 con đường này nhưng việc xử lý lại “không nằm trong thẩm quyền chúng tôi,” Trưởng công an xã La Pán Tẩn khẳng định.
 
Nhóm tác giả: Trần Sơn Bách, Đỗ Mạnh Hùng
Báo điện tử Vietnam Plus – Liên Chi hội Nhà báo TTXVN
Giải B – Giải báo chí Quốc gia

 

Nguồn tin: Tác phẩm đoạt giải Giải báo chí Quốc gia lần thứ VII - Năm 2012:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
5.jpg 66.jpg 29.jpg 49.jpg 20.jpg 42.jpg 13.jpg 37.jpg 6.jpg 67.jpg 31.jpg 50.jpg 22.jpg 43.jpg 15.jpg 38.jpg 7.jpg 68.jpg 33.jpg 52.jpg 24.jpg 45.jpg 16-1.jpg 39.jpg 40.jpg 9.jpg 71.jpg 34.jpg 63.jpg 27.jpg 48.jpg 19.jpg 41.jpg 12-qn1.jpg a-T.jpg 36.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay318
  • Tháng hiện tại16,569
  • Tổng lượt truy cập3,251,433
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây