Nỗi buồn Bắc Lệ Là một trong những đền thờ Mẫu nổi tiếng khắp đất nước, đền Bắc Lệ được rất nhiều du khách thập phương mến mộ. Chính vì thế mà đền ngày càng được tu chỉnh nghiêm trang hoành tráng. Càng tu bổ lượng du khách càng tăng bấy nhiêu và du khách đông bao nhiêu thì tệ ăn xin cũng tăng không kém, trong đó đáng buồn hơn là tệ trẻ em bỏ học đi ăn xin.
Ăn xin kiểu Bắc Lệ
Mới đây thôi tôi được anh bạn ở một tờ báo điện hỏi về tệ ăn xin ở đền Bắc Lệ, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng. Ăn xin nơi cửa đền thì có gì lạ? Câu chuyện của anh bạn khiến tôi chẳng mảy may quan tâm, thế nhưng ngay sau Tết anh lại điện, chính cú điện đó làm tôi nổi tính tò mò cố hữu của nhà báo, quyết tâm làm chuyến xuôi Bắc Lệ. Con đường Mẹt- Tân Thành 12 km, trước đây lầm bụi, mưa thì trơn trượt đã có lần chính tôi phải lội bộ bì bõm trong bùn, men theo bờ ruộng, gậy tre dò đá như người ta đuổi tà, cứ đi như thế tầm 6 tiếng thì đến Tân Thành. Con đường giờ đây đã khác, rộng hơn, phẳng hơn, bớt dốc hơn vì thế chỉ có trên 30 phút đã đến nơi. Xe vừa dừng thì có đến mấy người ăn xin xúm lại, họ nhìn dáo dác rồi cất giọng ề à; “chú làm ơn..”, chưa kịp phản ứng gì thì mấy đứa trẻ xô đến, nhưng chúng dạt ra ngay vì anh dân quân xã đeo tòng teng cái biển lễ hội lừ mắt. Bắc Lệ càng về chiều càng đông, người xe như nêm, anh dân quân quan tâm đến bãi xe hơn là xua đám ăn xin, vì vậy cánh ăn xin bắt đầu được mùa, không khách du lịch nào là không bị bám theo, tuy không bị làm khó, nhưng ai cũng ái ngại khi có người kè kè bên cạnh, cách tự do nhanh nhất là đưa ra mấy ngàn lẻ. Ăn xin Bắc Lệ hình như họ chia lãnh địa làm 4 vùng, bãi xe chuyên dành cho người cao tuổi thuộc hai xã Tân Thành, khu cầu thì khách xin vãng lai, còn khu ga thì thập cẩm đủ loại. Càng xa đền khả năng khách cho càng ít nên không phải ai cũng vào được. Đáng quan tâm nhất là lũ trẻ, đếm sơ sơ cũng được 3 chục đứa. Lành Văn Phương học sinh lớp 4 trường Tân Thành có vẻ thích chụp ảnh nên cậu cứ bám theo tôi suốt, được chụp ảnh đứa nào cũng khanh khách cười, đám bạn của Phương thấy cái chú đeo kính hay cho chúng kẹo cũng men theo làm quen. Qua câu chuyện của chúng thì cứ ngày nghỉ học đám trẻ ăn xin tăng gấp nhiều lần, có khi cả vài chục đứa, thấy được nhiều tiền nên chúng cũng ham. Có nhà cả nhà đi ăn xin. Lương Thị Kết và Lương Văn Đoàn là như vậy, có ngày Kết xin được 3 trăm ngàn, cứ thế đứa nọ truyền đứa kia làm đội quân ăn xin mỗi ngày một đông. Xung quanh câu chuyện bọn trẻ kể về các “bài” ăn xin, bài hay nhất vẫn là xách hộ đồ, chỉ đường, nhìn thấy các đôi nam thanh nữ tú thì xúm lại, có nhóm họp thành tổ xin xong chiều chia đều, cách này của bọn trẻ được cả các “cụ” học theo vì thế ăn xin Bắc Lệ xếp thành hàng tầm chục đứa, thế là không đứa này được thì đứa khác cũng được cho và 1 đứa được coi như “mưa khắp”. Lành Văn Phương với nét cười rất con trẻ: “Chú ạ! Cháu đi xin lúc đầu chỉ mua kẹo, nhưng giờ không thích kẹo nữa, mỗi ngày ít cũng được cài chục, ngày nhiều vài trăm, có lúc bỏ cả học đi xin”. Để sát hạch, tôi lấy giấy phép lái xe đố chúng đọc, lớp 4 như Phương, như Kết mà đánh vần ậm ọe; “giấy phe lai xe được điêu…” đến chữ khiển thì nó chịu không đọc nổi, thấy nó tẽn tò trước đám bạn nhìn vừa buồn cười vừa thương. Bác Phương Nga, một người bán hàng tại cổng đền cho biết, bọn trẻ chủ yếu là ở trường tiểu học Tân Thành, lúc đông khách chúng bỏ học là thường, nhắc học thì chúng ráo hoảnh: “học cũng để kiếm tiền”, nghĩ mà buồn. Nghe câu nói của Bác lòng chúng tôi như trĩu nặng, con trẻ là vậy nhưng còn người lớn? không lẽ đám trẻ có thể ăn xin mãi, với cái cách đánh vần như của Phương, Kết không biết chúng sẽ ra sao? Chẳng hiểu nổi tâm trạng của tôi, Phương phá tan im lặng: “Máy ảnh chú bao nhiêu tiền?” – Cậu hỏi đầy tự tin.
Trẻ ăn xin người lớn ăn theo và nỗi lo hậu thế
Chị Nguyễn Thị Hằng từ Hưng Yên lên ở nhà người chị dâu khu Bắc đền làm “nghề” phục vụ bọn trẻ ăn xin, việc của chị là chúng xin được bao nhiều thì chị đổi từ tiền lẻ sang tiền chẵn, rồi sử dụng tiền lẻ để đổi tiếp cho những người cần tiền lễ, trả tiền điện, điện thoại thậm chí đổi gửi vào các ngân hàng. Mỗi ngày 2 lần có khoảng chục hộ với tầm vài chục nhân lực đổi tiền. Cách đổi cứ 100 ngàn ăn 80 nghĩa là 100 ngàn tiền lẻ thì đổi được 80 ngàn tiền chẵn, sơ sơ thế mà có ngày chị cũng thu được cả vài triệu tiền lẻ, nhân một cách cơ học thì mỗi ngày đám trẻ cũng xin được vài chục triệu, những người già ăn xin khác cộng lại nữa thì riêng tiền xin ở Bắc Lệ cũng không ít, thế nên có thông tin có người xin vài năm xây được nhà. Còn dịch vụ bán đồ cho trẻ xin thì từ đồ ăn, đồ chơi cứ nhan nhản chỉ tiếc ngay ở Bắc Lệ một cuốn sách giới thiệu, một cuốn chuyện cho trẻ cũng không có. Tha thẩn cả buổi chiều với Phương, Kết, Đoàn, Minh, tôi như sống lại nững nét thơ ngây của con trẻ, chỉ khác xưa thế hệ chúng tôi khờ quá, còn giờ đây Phương, Kết đọc vanh vách các loại tiền từ Nhân dân tệ, đến Đô la. Kết còn khoe đã có lần em xin được 2 đô của khách ngoại quốc, chúng thuộc mặt tiền đến mức chỉ nhìn đống tiền đã áng ra bao nhiêu vì vậy đố nhà đổi nào gian được 1 đồng. Có tiền chúng xông xênh vào hàng phở, mua kẹo, mua đồ chơi, cầm cả bọc tiền lẻ để chơi, nhưng chúng không cần biết mai học gì. Mấy đứa e ngại chụp ảnh nhưng chỉ cho 10 ngàn thì “chú cứ vô tư” làm chính tôi bối rối. Xế chiều Bắc Lệ người ta bắt đầu dọn dẹp thì nhóm ăn xin cũng tập trung đếm chia tiền. Đằng sau những khuôn mặt rạng rỡ của bọn trẻ, chúng tôi như phảng phất nỗi buồn. Chia tay Bắc Lệ, Phương lớp 4 vẫy tay chào tôi đầy hào hứng, còn tôi cứ vấn vương một nỗi buồn thầm. đã đến lúc cần có sự quan tâm đến các em đừng cho là muộn vì các em còn quá non nớt để hiểu được những gì chúng đang làm, sự quan tâm ấy ít ra để lần sau gặp lại chúng đánh vần trọn chữ: “Giấy phép lái xe”.