Những bài báo hay: Đằng sau mạng lưới thủy lợi nghìn tỷ của ông lớn Tự Lập ở Phú Thọ

Thứ tư - 04/03/2020 11:36
Là nhà đầu tư, thi công của hệ thống trạm bơm tiêu, hồ chứa nước hàng nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp lớn nhất nhì tỉnh Phú Thọ đang khiến người dân bức xúc.
111
Đầu tư hơn 400 tỷ đồng nhưng dự án Trạm bơm tiêu Sơn Tình hiện đang bỏ hoang. Ảnh: LAT
Dự án tiêu úng 400 tỷ đồng thành rốn lũ

Theo tài liệu thống kê, từ nhiều năm trước, Sở NN-PTNT Phú Thọ được UBND tỉnh Phú Thọ giao làm chủ đầu tư một số dự án trạm bơm tiêu trên địa bàn tỉnh gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu Ngòi Hiêng, huyện Hạ Hòa, Dự án trạm bơm tiêu Sơn Tình (huyện Cẩm Khê), Trạm bơm tiêu Đoan Hạ (huyện Thanh Thủy), trạm bơm tiêu Dậu Dương (huyện Tam Nông), Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tưới tiêu và sản xuất nông nghiệp thoát nước đô thị, nước thải công nghiệp, sinh hoạt vùng Đông Nam Việt Trì, Dự án trạm bơm tiêu Bình Bộ (huyện Phù Ninh)...

Tổng cộng hàng nghìn tỷ đồng được tỉnh Phú Thọ bố trí để đầu tư vào mạng lưới thủy lợi được cho là cần thiết, cấp bách, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có hai dự án thi công hoàn thành, bàn giao và đưa vào khai thác là dự án Trạm bơm tiêu Bình Bộ và dự án tưới tiêu Đông Nam Việt Trì.

Hầu hết những dự án còn lại liên chục chậm tiến độ, khiến người dân vô cùng bức xúc, thậm chí có những địa phương, người dân phải gửi đơn cầu cứu các cơ quan chức năng.

Đã có những thông tin cho rằng, tỉnh Phú Thọ đang đặt dự án nhầm chỗ (Bình Bộ, Dậu Dương), lãng phí, chậm tiến độ tại các dự án Sơn Tình, Ngòi Hiêng...

Đặc biệt là những nghi vấn, lo ngại khi hệ thống thủy lợi hàng nghìn tỷ ở tỉnh này đều rơi vào tay một doanh nghiệp xây dựng khá lớn trên địa bàn là Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập.

Có mặt tại dự án Trạm bơm tiêu Sơn Tình (huyện Cẩm Khê) mới thấy sự thê thảm của một dự án có tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng tiền ngân sách do Công ty TNHH Tự Lập thi công.

Dự án này được Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ ký phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình từ tháng 3/2016 và giao cho Sở NN-PTNT Phú Thọ làm chủ đầu tư.

Chính quyền Phú Thọ cho rằng, dự án sẽ tháo gỡ nút thắt tình trạng ngập úng hàng chục xã trên địa bàn huyện Cẩm Khê và việc đầu tư dự án là cần thiết, tuy nhiên, sau gần 5 năm khởi công, công trình trọng điểm này hiện chỉ mang lại bức xúc cho người dân sở tại.

Với nguồn tiền ngân sách, dự án trạm bơm tiêu Sơn Tình gồm nhà trạm kết hợp nhà quản lý vận hành, lắp đặt 10 tổ máy bơm chìm trục đứng, công suất mỗi tổ máy 3,33 m3/s, lưu lượng tiêu thiết kế Qtk=33,33 m3/s; cải tạo tuyến kênh tiêu dài 5,9km; trạm biến áp cấp điện cho trạm bơm gồm ba máy biến áp...

Trong đó, chi phí xây dựng hơn 165 tỷ đồng, chi phí thiết bị hơn 170 tỷ đồng, còn lại là chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí dự phòng...

Sau khi gia hạn, Sở NN-PTNT Phú Thọ khẳng định dự án sẽ hoàn thành vào năm 2020, nhưng có mặt tại các xã Yên Tập và Phú Khê, địa điểm thực hiện dự án, người dân đang vô cùng bức xúc vì mất đất canh tác, nhà cửa bị nứt, sụt lún trong khi công trình thi công gần như bỏ hoang.

“Cấp bách” và “trọng điểm” nhưng hàng đống tiền ngân sách đầu tư vào đang nằm phơi nắng, phơi mưa. Đất đai canh tác thu hồi của người dân sau đó bỏ hoang. Khu vực hạng mục chính của dự án nhếch nhác, dang dở, khu vực nhà thầu thi công luôn trong trạng thái đóng im ỉm.

Ông Nguyễn Mạnh Phong (60 tuổi), người dân địa phương đang được thuê trông coi dự án bức xúc: Nói là dự án tiêu nước nhưng bây giờ lại đang làm khổ người dân, cứ mưa là ngập hết ruộng vườn, nhà cửa.

Người dân phải đi lại bằng thuyền trong khi dự án bỏ hoang hai năm trời, giáp Tết vừa rồi mới quay lại làm được mấy ngày, trát một vài thứ, bây giờ lại bỏ hoang tiếp. Người dân chúng tôi đến khổ sở vì dự án này, công trình hàng trăm tỷ
đồng nhưng chỉ đền bù cho dân được mấy đồng bạc, thậm chí, nhiều hộ còn chưa nhận được tiền đền bù.

Những người dân ở các xã Yên Tập và Phú Khê đang tố cáo dự án Trạm bơm tiêu Sơn Tình đều là những đảng viên, cán bộ nhà nước về hưu, họ cho rằng cả chính quyền địa phương lẫn doanh nghiệp đang xem thường người dân, đang diễn hài tại dự án này. Sở NN-PTNT Phú Thọ nói 2020 sẽ hoàn thành dự án nhưng theo người dân, với đà này, vài năm nữa chưa chắc đã xong.

Ông Lê Ngọc Bích, nguyên cán bộ Công an huyện Cẩm Khê là hộ dân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dự án bơm tiêu Sơn Tình. Nhà cửa sụt lún, vườn tược đổ xuống ngòi, cây trái, trang trại chăn nuôi cũng bị đánh sập kể từ khi dự án triển khai.

“Hết lần này đến lần khác, lúc thì họ đổ cho cắm sai mốc giới, lúc họ lại kiểm kê thiệt hại nhưng không đền bù gì.

Khi dự án vào nhân dân chúng tôi rất ủng hộ vì là công trình của nhà nước, còn bây giờ các chú xem, tan hoang hết, có ra thể thống gì đâu. Người dân chúng tôi đang làm đơn tố cáo lên cấp trên chứ để thế này thì nguy hiểm lắm”, ông Bích nói.
Ông Vũ Xuân Trịnh, Chủ tịch UBND xã Yên Tập xác nhận: Theo cấp trên, mục tiêu của dự án là tiêu úng cho 16 xã trên địa bàn huyện Cẩm Khê nhưng bây giờ thì chưa thấy hiệu quả gì vì dự án chưa làm xong. Còn với riêng xã Yên Tập thì trước giờ chúng tôi vẫn tự tiêu úng được.

Chưa bàn giao đã gặp sự cố

Tương tự dự án Trạm bơm tiêu Sơn Tình, một loạt dự án bơm tiêu khác, cũng do Sở NN-PTNT đầu tư, cũng do Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập thực hiện tại Dậu Dương, huyện Tam Nông  hay Ngòi Hiêng (huyện Hạ Hòa)  cũng đang khiến người dân vô cùng bức xúc.
111
Dự án Sơn Tình khiến người dân vô cùng bức xúc. Ảnh: LAT.
Trước đó Báo NNVN đã phản ánh dự án Trạm bơm tiêu Bình Bộ được đầu tư tới 258 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA và vốn đối ứng của Phú Thọ nhưng 5 năm mới chạy được 72 giờ.
Theo thông tin từ chính quyền Phú Thọ, hiện trên địa bàn tỉnh này đang có 3 dự án trạm bơm tiêu từ nguồn vay ODA gồm Bình Bộ, Dậu Dương và Đoan Hạ...
Trong lúc hiệu quả chưa thực sự rõ ràng thì Phú Thọ vẫn đang phải gánh khoản nợ khổng lồ từ những dự án này. 

Sở NN-PTNT Phú Thọ cho biết, dự án Trạm bơm tiêu Dậu Dương (trước đây thuộc xã Dậu Dương, sau khi sáp nhập thành xã Dân Quyền) được đầu tư từ năm 2014 với nguồn vốn khoảng hơn 120 tỷ đồng, đến thời điểm hiện tại đã “cơ bản hoàn thành, chuẩn bị bàn giao và đưa vào sử dụng”, để tiêu cho lưu vực khoảng 7.162ha (gồm tiêu cho các xã: Cổ Tiết, Hương Nộn, Thọ Văn, Dị Nậu, Thượng Nông, Dậu Dương, Đào Xá và thị trấn Hưng Hóa); lưu lượng thiết kế cho trạm bơm là (15 - 30)m3/s; hướng tiêu từ trong đồng trực tiếp ra sông Thao...

Tuy nhiên, trái với thông tin từ Sở NN-PTNT, người dân xung quanh trạm bơm Dậu Dương vẫn đang miệt mài khiếu nại. Toàn bộ hệ thống đường, kênh dẫn nước vào trạm bơm đều chưa thực hiện, thậm chí công tác giải phóng mặt bằng đến thời điểm hiện tại cũng chưa xong.

Bà Đinh Thị Thắng (71 tuổi), sống ngay cạnh trạm bơm tiêu Dậu Dương nói, người dân quá bức xúc với dự án này luôn, nhiều đơn thư kêu cứu đã gửi đi rồi nhưng chẳng ai giải quyết cho cả.

“Hệ thống đường, kênh dở dang khiến người dân đi lại lao cả xuống kênh, tí chết. Họ hứa lên hứa xuống nhiều lần nhưng không thấy làm gì”.

Trao đổi với NNVN, một cán bộ xã Dân Quyền cho biết, thực ra dự án này nói là tiêu úng nhưng trước giờ hệ thống bơm tiêu cũ vẫn hoạt động bình thường.

Còn tại dự án ngòi Trang, ngòi Hiêng (huyện Hạ Hòa), theo Sở NN-PTNT, những dự án này được quyết định đầu tư vào năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 238 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án là chủ động tiêu úng cho 3044 ha đất tự nhiên, trong đó có 710 ha đất lúa, 108 ha đất ao hồ và 2.226 ha đất khác, cung cấp nước tưới cho 140 ha đất trồng lúa... Sau 5 năm, dự án này vẫn chưa hoàn thiện.

Trong khi đó, tại dự án ngòi Hiêng, với mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 187 tỷ đồng, trong quá trình vận hành bơm đã xảy ra hiện tượng nứt gãy hệ thống khung đỡ mái và nâng hạ lưới chắn rác của trạm vớt rác, vị trí nứt gãy tại các chân cột, đỉnh cột, vị trí liên kết xi lanh thủy lực với cột. Theo Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Phú Thọ, nguyên nhân là do quá trình vận hành không đúng quy định gây ra.

Với những dự án thực hiện kiểu như vậy nên mặc dù tỉnh Phú Thọ đổ hàng nghìn tỷ đồng để cải tạo hệ thống thủy lợi nhưng theo ông Nguyễn Hùng Sơn, Chủ tịch – Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ, về cơ bản tỉnh này vẫn sử dụng hệ thống bơm dã chiến.

Không chỉ trúng thầu và thực hiện hàng loạt dự án trạm bơm tiêu, Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập còn được lựa chọn thực hiện dự án hồ chứa nước Ngòi Giành (huyện Yên Lập) với tổng mức đầu tư 1.279 tỷ đồng, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ là 759 tỷ đồng, còn lại là vốn địa phương và các nguồn khác.
Năm 2018, Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ có Quyết định số 966/QĐ-SNN về việc duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 14/XL-TB: Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Hồ chứa nước Ngòi Giành tỉnh Phú Thọ.
Theo quyết định này, liên danh Công ty TNHH xây dựng Tự Lập và Công ty cổ phần xây dựng 47 đã trúng thầu với thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng. Một thời gian ngắn sau khi trúng thầu, đơn vị thi công đã đưa máy móc, trang thiết bị đến để triển khai thực hiện dự án. Quá trình thực hiện dự án này, chính quyền và doanh nghiệp bị người dân tố cáo thu hồi đất khi chưa bố trí đất tái định cư. 
Nhóm PVTS
  •  
 

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây