Nhóm tác giả: Nguyễn Hoài Phong (Vân Trường), Nguyễn Tri Anh (Lê Nam) Báo Tuổi trẻ, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh Giải A: Giải báo chí Quốc gia năm 2017
Kỳ 1: Tàu chở cát đi đâu?
Suốt hai tháng đầu năm 2017, chúng tôi đã theo dõi 40 chiếc tàu đến vùng biển tỉnh Kiên Giang, Khánh Hòa và Hà Tĩnh chở cát. Bốn doanh nghiệp xuất khẩu cát chỉ biết tàu đi Singapore nhưng không biết chính xác địa chỉ nào.
Từ các nguồn tin ở Singapore và được kiểm chứng qua ứng dụng theo dõi hải trình của tất cả tàu thuyền trên toàn thế giới marinetraffic, chúng tôi xác định được điểm đến của tàu chở cát từ Việt Nam từ năm 2016 đến nay là đảo Tekong và khu Changi Villa nằm cạnh sân bay quốc tế Changi.
Cuối tháng 2-2017, khi chúng tôi có mặt tại Singapore thì tàu mang số hiệu Peterborough đến Phú Quốc chở cát hồi tuần trước đã thả neo tại vùng biển khu vực Tanah Merah, cạnh sân bay Changi. Còn chiếc mang số hiệu Yangtze Harmony thì đang “giao hàng” tại đảo Tekong.
Dập dìu tàu chở cát
Chúng tôi bắt đầu theo dõi tàu chở cát ra nước ngoài từ những ngày đầu tháng 01-2017. Lúc này có tới 5 chiếc tàu vận tải mang quốc tịch nước ngoài gồm: RHL Monica, JS Bandol, Sheng Wang Hai, Great Rainbow và Jin Sui vừa vào vùng biển Phú Quốc chờ nhận hàng.
Đây là tàu do Công ty Singapore Hua Kai Engineering thuê đến để chở cát mà họ ký hợp đồng mua của Công ty TNHH sản xuất xây dựng thương mại Đức Long. Nguồn cát xuất khẩu này được tận thu từ dự án nạo vét quân cảng Vùng 5 hải quân.
5 chiếc tàu này neo đậu ngoài biển, cách cầu cảng An Thới chừng 2-3 hải lý. Liên tục mấy ngày biển động, sà lan chở cát không cập mạn tàu được. Bãi bơm hút cát cạnh mũi Ông Đội có 7 tàu chuyên dụng hút cát và khoảng chục chiếc sà lan chở cát từ bãi ra tàu nước ngoài. Đến sáng 13-1, tàu RHL Monica tải trọng hơn 53.500 tấn (quốc tịch Liberia) nổ máy rời khu vực biển An Thới tiến ra Biển Đông. Trưa, đến lượt tàu JS Bandol tải trọng hơn 57.900 tấn (quốc tịch Malta) cũng nhổ neo sau khi 5 hầm hàng đã đầy cát.
Các ngày sau đó, lần lượt 2 tàu Great Rainbow tải trọng hơn 63.400 tấn và Jin Sui tải trọng gần 57.000 tấn (đều có quốc tịch Hong Kong - Trung Quốc) cũng rời Phú Quốc.
Riêng tàu Sheng Wang Hai tải trọng 33.580 tấn (quốc tịch Trung Quốc) bị hỏng máy phải neo ngoài biển sửa chữa đến ngày 22-1 mới khởi hành được. Các tàu này sau đó đều đến khu vực Changi Villa Tanjung Pengelih - giữa đảo Tekong và sân bay Changi - xếp hàng chờ bốc dỡ cát xuống sà lan.
Cùng thời gian này, tại vùng biển tỉnh Khánh Hòa cũng có 10 chiếc tàu vận tải quốc tịch nước ngoài đến nhận cát chở đi Singapore. Trong đó có tới 9 tàu vào vịnh Cam Ranh gồm: HTC Delta, Pacific Pride, Fu Quan Shan, Zoro, Equinox Glory, Great Vision, Ultra Trust và Wariya Naree. Chiếc còn lại nhận cát tại cửa biển Hòn Rớ, TP Nha Trang.
Những tàu vào Cam Ranh để chở cát cho Công ty Le Tong Resources.
Doanh nghiệp xuất khẩu cát là Công ty CP Đầu tư Cái Mép. Còn tàu vào TP Nha Trang thì chở cát cho Công ty TNS Resources. Doanh nghiệp xuất bán là Công ty CP Đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Sài Gòn - Hà Nội. Điều đặc biệt là trong những ngày nghỉ Tết Đinh Dậu vẫn có nhiều tàu đến Phú Quốc chở cát. Đó là các tàu: Silk Road 03, Jin Xiang, Great Link, Giaovanni Topic, Dubai Galactic. Đây cũng là vùng biển có nhiều tàu nước ngoài đến chở cát đi Singapore nhất trong hai tháng đầu năm 2017.
Đại công trường lấn biển
Tại Changi Villa có một bến tàu du lịch chở du khách qua đảo Ubin và qua Pengerang (Malaysia). Người dân địa phương bảo không có tàu nào qua đảo Tekong vì ở đó không có dân. Để nhìn thấy hoạt động san lấp mở rộng đảo Tekong thì phải mua vé tàu qua Malaysia vì tàu sẽ đi ngang qua đó.
Tuy nhiên sau khi liên lạc với bên Pengerang, nhân viên bán vé người Malaysia từ chối chở chúng tôi đi với lý do biển động và trời sắp tối. Chúng tôi đành thuê tàu qua đảo Ubin rồi tiếp tục thuê xe đi về cuối đảo với hi vọng nhìn thấy được gì đó phía bên đảo Tekong.
Gần tối. Gió mạnh hơn. Sóng biển dội vào đảo ầm ầm. Chúng tôi hỏi ông Teo Gek Hee - tài công lái tàu du lịch loại nhỏ trên đảo Ubin - có dám chạy ra gần đảo Tekong không.
Ông nhìn quanh quất một hồi rồi nói: “Được, nhưng tiền thuê tàu là 150 đôla Singapore (2,4 triệu đồng). Chịu thì đi, không thì thôi”. Chúng tôi gật đầu, bởi vì không còn lựa chọn khác.
Chiếc tàu du lịch nhỏ “vật lộn” với sóng biển hướng về đảo Tekong. Đây là một hòn đảo nằm ngoài khơi bờ biển đông bắc của Singapore. Về mặt địa lý, đảo Pulau Tekong gần với bang Johor (Malaysia) hơn so với đảo chính của Singapore.
Theo một doanh nghiệp nhập khẩu cát của Singapore, chính phủ nước này triển khai dự án lấn biển cả chục năm rồi nhằm tăng diện tích đảo Tekong từ 657ha lên 3.310ha. Tổng chi phí san lấp lên đến gần 6,5 tỉ USD.
Doanh nghiệp này nhập khẩu cát từ Việt Nam và một số nước khác phục vụ dự án tại đảo Tekong suốt từ năm 2009 đến nay.
Tàu chạy được 30 phút thì hình ảnh ba chiếc tàu chở cát khổng lồ neo ở cửa biển, sát đảo Tekong càng rõ dần. Nhưng để đọc được số hiệu chiếc tàu gần nhất, chúng tôi zoom hết cỡ ống kính 70-300mm, sau đó tiếp tục phóng to trên màn hình LCD máy ảnh.
Đó là tàu Yangtze Harmony. Một chiếc cần cẩu to đùng trên tàu chuyển cát từ các hầm hàng xuống một chiếc sà lan cỡ lớn đang cập mạn. Thì ra chiếc tàu trọng tải hơn 56.000 tấn này mới rời Phú Quốc mấy ngày trước.
Giữa trùng điệp tàu vận tải neo đậu trên vùng biển Singapore mà chúng tôi “chạm mặt” nó khi đang bốc dỡ cát san lấp đảo Tekong quả là một thú vị. Xung quanh đảo Tekong đã được xây kè đá kiên cố. Cát nhập từ nước ngoài về sẽ được đổ phía bên trong để không bị sạt xuống biển.
Hôm sau chúng tôi thuê ôtô vào khu vực bên cạnh sân bay quốc tế Changi. Trên bản đồ ghi chỗ này là Singapore General Aviation Park. Dữ liệu từ trang marinetraffic cho biết có rất nhiều tàu chở cát từ Việt Nam neo đậu, giao hàng cạnh khu này.
Tài xế tên Lu Aimin (54 tuổi) nói đây là khu đang lấn biển. Bản thân ông chưa từng đến đây nên không biết có đường đi hay không. Chúng tôi bảo cứ đi, tới đâu tính tới đó.
Hai bên các con đường Changi Coast, Tanah Merah Coast, Aviation Park... là những đồi cát khổng lồ cao hơn 10m, được che chắn kỹ lưỡng. Hàng trăm chiếc xe ben chở cát xuôi ngược, thỉnh thoảng lại có một ôtô con ra vào.
Khi chạy gần đến biển, chúng tôi bị nhân viên gác cổng chặn lại. Người này yêu cầu quay trở ra bởi vì đây là công trình đang xây dựng, không cho phép người lạ vào. Nhìn qua khe rào chắn, bên trong là rất nhiều xe ben, xe ủi, cần cẩu cát... đang hoạt động.
Hơn 900.000m3 cát đã rời Việt Nam chỉ trong hai tháng Theo số liệu chúng tôi nắm được, từ ngày 1-1 đến 23-2-2017 có tổng cộng 40 tàu đến Việt Nam chở cát đi Singapore với tổng khối lượng hơn 905.000m3. Trong đó, Công ty Đức Long xuất nhiều nhất với 19 tàu với khối lượng 603.780m3. Công ty Cái Mép xuất 16 tàu, khối lượng 369.000m3. Còn lại hai công ty Bình Minh Vàng Vina và Sài Gòn - Hà Nội chỉ mới xuất được 5 tàu. Từ cuối năm 2009 Chính phủ Việt Nam cấm xuất khẩu cát. Đến năm 2013 Bộ Xây dựng mới cho phép một số doanh nghiệp được xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ các dự án nạo vét luồng, cửa sông, cửa biển theo hình thức xã hội hóa. Và kể từ đó đến nay cát nhiễm mặn (Singapore gọi là cát biển) từ Việt Nam liên tục được bốc lên tàu chở đi Singapore.
Kỳ 2: Tài nguyên bán giá bao nhiêu?
Một sự thật khó tin: các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cát sang Singapore khai báo giá trung bình 1 USD/m3, thậm chí có khai báo chỉ 0,8 và 0,9 USD/m3. Liệu có đúng giá cát bèo đến mức như vậy?
Trong khi cát là một tài nguyên quý giá, một thành phần quan trọng của hệ sinh thái tự nhiên nên nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á hiện đã cấm khai thác cát thì tại Việt Nam, cát vẫn được khai thác dưới danh nghĩa dự án nạo vét và bán ra nước ngoài.
Nạo vét để... xuất khẩu
Theo tìm hiểu, từ năm 2016 đến nay, cả nước có hơn 10 DN tham gia xuất khẩu cát nhiễm mặn theo giấy phép của Bộ Xây dựng.
Bên cạnh đó, một số DN có giấy phép nhưng không làm thủ tục xuất khẩu, đây là các DN thực hiện dự án nạo vét bằng hình thức xã hội hóa. DN được quyền bán toàn bộ cát thu được để bù chi, sau khi nộp các loại chi phí thì được hưởng phần lợi nhuận thu được.
Phần lớn các dự án nạo vét tận thu có xuất khẩu cát sang Singapore đều tập trung ở vùng biển miền Trung.
Tại khu vực ĐBSCL hiện chỉ có một dự án nạo vét ở Vùng 5 hải quân thuộc huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), do Công ty TNHH sản xuất xây dựng thương mại Đức Long và Công ty CP Hải Việt thực hiện.
Hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên là trọng điểm của các dự án nạo vét và xuất khẩu cát, có tới 8 dự án chia đều cho mỗi tỉnh. Bốn dự án của tỉnh Khánh Hòa nằm ở Cam Ranh, vịnh Vân Phong và TP Nha Trang.
Những dự án này được thực hiện bởi Công ty CP đầu tư Cái Mép, Công ty CP xây dựng và phát triển Môi Trường Xanh, Công ty CP đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Sài Gòn - Hà Nội.
Trong đó dự án tại vịnh Vân Phong được Bộ Xây dựng cấp phép xuất khẩu sản lượng “khủng” nhất: hơn 7,3 triệu m3, dự án đang tạm dừng do vấp phải sự phản ứng gay gắt của người dân địa phương.
Tại tỉnh Phú Yên có bốn dự án nạo vét tận thu cát xuất khẩu ở cửa Đà Diễn (TP Tuy Hòa), cửa sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa), cảng cá Tiên Châu và cửa biển An Hải (huyện Tuy An).
Các dự án này thuộc Công ty CP đầu tư BKG, DN tư nhân Bảo Châu, Công ty CP đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Sài Gòn - Hà Nội, Công ty TNHH xây dựng và tư vấn đầu tư Quốc Bảo.
Năm 2016, các DN nêu trên đều có làm thủ tục xuất khẩu cát sang Singapore. Tuy nhiên, giữa tháng 2-2017, khi PV Tuổi Trẻ có mặt tại bốn dự án nạo vét ở Phú Yên thì không thấy phương tiện nào hoạt động.
Một DN giải thích do thời tiết không thuận lợi, gió mạnh nên tạm dừng. Riêng dự án của Công ty Quốc Bảo tại cảng cá Tiên Châu, lúc đó đang bị người dân phản đối rất gay gắt.
Ngoài ra, tại miền Trung còn có một số dự án nạo vét tận thu cát nhiễm mặn xuất khẩu khác nằm ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận, Ninh Thuận.
Giá 4 USD/m3, có 200 triệu m3 cũng ký liền!
Trong khi nhu cầu nhập khẩu cát của Singapore luôn rất lớn thì giá cát mà DN Việt Nam khai báo xuất khẩu ngày càng giảm đến mức khó tin.
Do hầu hết DN che giấu thông tin và né tránh nói về việc nhập khẩu cát nên chúng tôi tìm hiểu qua “cò” mua bán cát biển Việt Nam với hi vọng tìm được sự thật về giá.
Qua nhiều kênh giới thiệu, chúng tôi được tiếp xúc với “cò” tên Sandy (tên đã được thay đổi). Sandy, một tay “cò” nổi tiếng tại Singapore, anh này nói ở Việt Nam có dự án nạo vét nào, trữ lượng bao nhiêu anh ta đều nắm trong lòng bàn tay.
“Các anh có cát ở đâu, trữ lượng bao nhiêu, mỗi tháng giao được bao nhiêu, cỡ hạt, giao ở cảng nào, giá bao nhiêu?” - Sandy hỏi một lèo.
Chúng tôi đưa hợp đồng nạo vét, giấy phép xuất khẩu của một dự án tại Phú Quốc cho Sandy xem và nói: “Trữ lượng còn lại khoảng 1 triệu m3, giao trong năm nay, modul cát từ 1.2-1.4 tương tự chất lượng cát mà Công ty Đức Long đang bán cho Công ty Hua Kai vậy”. Sandy tỏ ra am hiểu: “Công ty Đức Long của bà T. ở Vũng Tàu phải không? Tôi biết dự án của công ty này”.
Chúng tôi nói có trong tay bản hợp đồng của Công ty Hua Kai mua của Công ty Đức Long giá 4,6 USD/m3, nhưng chỉ bán 4 USD/m3 thôi và cũng giao FOB tại cảng Phú Quốc luôn. Sau khi xem hồ sơ, Sandy nói cần bổ sung một loạt giấy tờ nữa mới đủ.
“OK. Tạm chấp nhận giá 4 USD/m3 đi, dù cát ở Phú Quốc hạt mịn lắm. Chiều nay tôi sẽ gặp công ty mua cát của Singapore để trao đổi rồi trả lời” - Sandy nói.
Sau đó Sandy nhắn tin nói nhu cầu mua cát của Singapore rất lớn. Khối lượng chúng tôi đang có quá ít. Nếu ký hợp đồng mỗi tháng 1 triệu m3 thì quá tốt. Ngay cả 100 triệu m3 cũng mua hết liền.
Nếu chúng tôi có thể đáp ứng tốc độ đưa cát lên tàu 20.000 m3/ngày thì 200 triệu m3 cũng ký liền, đương nhiên là giá 4 USD/m3. Điều kiện kèm theo là tốc độ giao hàng phải đạt 4 ngày/tàu 37.000m3. Khối lượng 1 triệu m3 sẽ giao hết trong vòng 4 tháng.
“Lần gặp kế tiếp bên anh phải cung cấp đủ hồ sơ tôi yêu cầu đấy” - Sandy căn dặn. Trước khi chúng tôi rời Singapore về Việt Nam, Sandy liên tục nhắn tin hỏi thăm thủ tục xuất khẩu 1 triệu m3 cát ở Phú Quốc chuẩn bị tới đâu rồi.
Khoảng 6 tháng nữa Singapore sẽ đấu thầu mua cát. Bây giờ cần đẩy nhanh tốc độ lo thủ tục để nộp cho DN Singapore chuẩn bị hồ sơ dự thầu.
Đặc biệt Sandy tiết lộ một DN ở Việt Nam nhờ anh ta tìm khách hàng bán 4,5 triệu m3 cát tại tỉnh Khánh Hòa, hình thức FOB. Giá bán cát “lòng vòng 4 USD/m3”. Sandy còn nói rõ tên DN Việt Nam bán cát với giá này.
Đối chiếu với hồ sơ, chúng tôi tin Sandy nói thật. Không chỉ hưởng hoa hồng môi giới bán cát, Sandy còn kiếm được một khoản không hề nhỏ từ việc môi giới thuê tàu chở khối lượng cát khổng lồ từ Khánh Hòa về Singapore.
“Trong vụ này tui có thể huy động 200 chiếc tàu loại 50.000 tấn. Cỡ nào tôi cũng làm được” - Sandy khẳng định.
Kỳ 3: “Bán” dự án, “xà xẻo” tài nguyên
Xin dự án nạo vét, tận thu cát để xuất khẩu nhưng không tổ chức khai thác, sau đó đem “bán”. Đó là đường đi nước bước mà các doanh nghiệp khai thác, xuất khẩu cát đang sử dụng để “xà xẻo” nguồn tài nguyên “trời cho” này.
Trong khi đó, hậu quả rõ nhất tại các dự án nạo vét, tận thu cát xuất khẩu sang Singapore là nhà cửa của người dân bị hư hỏng, cuộc mưu sinh của họ khó khăn hơn do nguồn lợi thủy sản suy giảm.
Liên tục “bán” dự án
Theo hồ sơ chúng tôi nắm được, một số doanh nghiệp (DN) xin thực hiện dự án nạo vét, xin phép xuất khẩu nhưng không trực tiếp làm, mà “bán” cho DN khác để hưởng lợi. Ngày 01-10-2014, Công ty CP xây dựng và phát triển Môi Trường Xanh (Hà Nội) ký hợp đồng bán 1 triệu m3 cát cho Công ty TNHH xây dựng XNK Hải Dương KG (Kiên Giang) với giá 31.500 đồng/m3. Tổng giá trị hợp đồng là 31,5 tỉ đồng.
Nguồn cát tại dự án nạo vét thông luồng phục vụ thi công, cải tạo môi trường sinh thái đầm Thủy Triều, TP Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa).
Theo nội dung hợp đồng, các hoạt động khai thác đều do Công ty Hải Dương KG thực hiện. Khi khai thác đủ 1 triệu m3, Công ty Môi Trường Xanh sẽ xin thêm để bán cho Công ty Hải Dương KG xuất khẩu.
Cùng ngày 1-10-2014 Công ty CP Đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Sài Gòn-Hà Nội ký hợp đồng bán cho Công ty Hải Dương KG 1 triệu m3 cát (với giá 31.500 đồng/m3) thuộc dự án nạo vét sông Tắc từ cầu Bình Tân đến biển thuộc TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).
Trong hợp đồng này Công ty Sài Gòn-Hà Nội nói rõ được UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép khai thác 2,8 triệu m3tại dự án này.
Do chưa khai thác hết sản lượng cát này nên Công ty Sài Gòn-Hà Nội xin phép gia hạn khai thác tiếp. Ngày 30-12-2016 Bộ Xây dựng có văn bản cho công ty này gia hạn khai thác xuất khẩu đến ngày 30-6-2017 với khối lượng 1 triệu m3.
Chính vì vậy từ tháng 1-2017 đến nay công ty này đưa phương tiện đến bơm hút cát xuất khẩu cho Công ty TNS Resources của Singapore.
Một DN khác cũng “bán” dự án cho Công ty Hải Dương KG là Công ty CP Hải Việt (Nam Định). Công ty này ký hợp đồng nhận thi công nạo vét vùng nước quân cảng Vùng 5 hải quân tại thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) nhưng không làm gì.
Tháng 1-2015, công ty này ký hợp đồng liên doanh, thực chất là giao cho Công ty Hải Dương KG trực tiếp nạo vét, tận thu cát xuất khẩu.
Đổi lại, Công ty Hải Dương KG phải trả cho Công ty Hải Việt 21.000 đồng/m3cát thu được, đồng thời phải chịu trách nhiệm nộp các loại thuế, phí có liên quan. Khối lượng cát nạo vét theo giấy phép của Bộ Xây dựng là 1 triệu m3.
Người dân “lỗ” nặng
Giữa tháng 2-2017, chúng tôi trở lại xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Tại đây có dự án nạo vét vịnh Vân Phong của Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn. Bộ Xây dựng cho phép công ty này được xuất khẩu hơn 7 triệu m3cát tận thu từ dự án, thời hạn đến tháng 6-2017.
Tuy nhiên, dự án nạo vét này đã tạm ngưng từ năm 2016 do dân phản ứng gay gắt.
Ông Lê Minh Thương ở thôn Đông Nam kể vùng biển Đại Lãnh có nguồn lợi tôm hùm giống rất nhiều. Hàng trăm hộ dân ở hai thôn Đông Nam và Đông Bắc sống bằng nghề thả chà bắt tôm hùm giống từ bao đời nay.
“Khi DN tới nạo vét, nước biển bị đục và có màu đỏ, ngứa ngáy lắm. Tôm hùm giống chết hoặc bỏ đi nơi khác” – ông Thương bày tỏ.
Còn anh Hồ Tấn Phú (32 tuổi, thôn Đông Nam) sống bằng nghề thả chà bắt tôm giống từ nhỏ. Anh kể từ năm 2015 trở về trước, trung bình mỗi ngày đi biển anh kiếm được 1-2 triệu đồng. Khi DN đưa phương tiện tới nạo vét thì không riêng gì anh, mà tất cả ngư dân ở đây đều bị thất thu.
Nguồn tôm giống ngoài biển giảm hơn 50% nên cuộc sống của họ rất chật vật.
Những ngày giữa tháng 2-2017, cửa sông Tắc giáp với biển tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) rền vang tiếng máy bơm hút cát của Công ty Sài Gòn – Hà Nội.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, người dân ở đây, nói rằng dự án nạo vét này đã khiến rất nhiều người dân trắng tay. Bản thân ông đầu tư 40 triệu đồng nuôi ốc hương nhưng chẳng thu hoạch được con nào. Việc bơm hút cát làm nước bị đục, ô nhiễm khiến ốc chết.
Còn theo ông Phạm Văn Thu ở xã Phước Đồng, khu vực cửa sông Tắc trước đây có mấy chục hộ đến đầu tư lồng bè nuôi tôm hùm, nhưng bây giờ chẳng còn người nào.
Tại Phú Yên, chúng tôi tìm đến bốn dự án nạo vét, tận thu cát xuất khẩu của tỉnh gồm: cảng cá Tiên Châu, cửa biển An Hải (huyện Tuy An), cửa sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa) và cửa Đà Diễn (TP Tuy Hòa).
Trong số này “nóng” nhất là dự án nạo vét cảng cá Tiên Châu. Dự án này do Công ty TNHH xây dựng và tư vấn đầu tư Quốc Bảo thi công.
Ông Nguyễn Hiếu ở xã An Ninh Tây kể: “Họ đưa 6-7 sà lan tới hút cát hàng tháng trời cách nhà tôi chừng 150m. Người dân sợ đất đai, nhà cửa bị kéo xuống biển nên phản ứng rất mạnh. Sau đó họ tạm dừng, rút đi. Nghe đâu họ sắp trở lại làm tiếp nữa nên tôi lo lắm”.
Khi qua thôn Phú Hội, xã An Ninh Đông, chúng tôi được người dân mời về nhà họ xem hậu quả của dự án nạo vét. Các bức tường phía sau nhà anh Tôn Ngọc Thạch đều bị nứt. Toàn bộ nền nhà chị Nguyễn Thị Lan gần đó bị sụt lún cả mét so với trước đây.
Theo người dân ở đây, Công ty Quốc Bảo đưa xáng cạp, sà lan tới hút cát rất gần bờ nên đã gây sụt lún, hư hỏng nhà cửa.
Gia hạn xuất khẩu… siêu tốc!
Ngày 4-1-2017, UBND tỉnh Kiên Giang gửi văn bản đề nghị gia hạn cho Công ty Đức Long xuất khẩu hơn 826.000m3 cát nạo vét tại quân cảng Vùng 5 hải quân (Phú Quốc). Hai ngày sau, Bộ Xây dựng có văn bản đồng ý cho gia hạn đến tháng 6-2017. Tương tự, ngày 26-12-2016 UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản đề nghị gia hạn cho Công ty Sài Gòn – Hà Nội xuất khẩu cát từ dự án nạo vét sông Tắc. Bốn ngày sau, 30-12-2016, Bộ Xây dựng đã ký văn bản đồng ý gia hạn cho công ty này đến tháng 6-2017.
Nhập cát từ Campuchia
Ngày 21-6-2016, Bộ Xây dựng có văn bản cho phép Công ty CP sản xuất thương mại xây dựng Nam Đại Việt được nhập khẩu cát xây dựng từ Campuchia. Công ty này cho biết hiện nay nhu cầu cát xây dựng các loại ở các tỉnh phía Nam rất lớn. Trong khi đó nguồn cung cấp giảm rất nhiều. Công ty này đã đăng ký nhiều dự án nạo vét, tận thu cát từ miền Nam ra miền Trung nhưng không cạnh tranh nổi với các DN khác.
Khai giá thấp để né thuế? Công ty Hải Dương KG mua dự án khai thác cát của 3 DN khác và phải chi trả 21.000 – 31.500 đồng/m3 (0,9 – 1,4 USD/m3), nhưng trong tháng 10 và 11-2015 công ty này xuất khẩu cho Công ty JIA DA Investment & Construction chỉ có… 1 USD/m3. Toàn bộ bốn tàu xuất cho công ty này có khối lượng 109.000m3 đều cùng một giá. Tính ra công ty này phải chịu lỗ trên dưới 20.000 đồng/m3khi xuất khẩu, căn cứ vào giá khai báo. Vì sao các DN xuất khẩu cát Việt Nam khai giá xuất khẩu cát chẳng khác gì bán lỗ nhưng lại tranh nhau “xí” dự án rồi đem đi bán? Phải chăng đây là “chiêu” né thuế của các DN? Chỉ riêng việc khai giá thấp đã né được khoản thuế xuất khẩu rất lớn (thuế suất bằng 30% đơn giá khai báo). 1m3 cát giá 1 USD (22.300 đồng) thì nộp thuế xuất khẩu chỉ có 6.690 đồng, nhưng nếu giá 4 USD/m3 thì tiền thuế xuất khẩu lên tới 26.760 đồng.