Dự án sân Golf Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn được khởi công từ năm 2008. Theo tiến độ nó sẽ đón các tay golf vào năm 2012. Thế nhưng cho đến nay toàn bộ dự án đang dậm chân tại chỗ để lại bao điều nuối tiếc. Một dự án rơi vào cảnh khởi công thì rầm rộ mà hồi kết chưa biết có hậu hay không?
Mấy năm gần đây, người dân Xứ Lạng có dịp đi qua Quốc lộ 1A đoạn Nà Tâm xã Hoàng Đồng chắc ai cũng tò mò vì một khu đô thị mọc lên nhanh như một giấc mơ. Theo thiết kế, khu đô thị này, cộng với khách sạn Hoàng Hậu sẽ trở thành quần thể phụ trợ phục vụ cho sân golf 18 lỗ đầu tiên của Lạng Sơn mà cũng là đầu tiên của các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhìn phía ngoài vào nó như một thành phố hiện đại, tòa ngang dãy dọc. Nó chi tiết đến từng phối cảnh cây xanh đô thị. Nói thật những người yếu bóng vía chắc chẳng dám lại gần. Thế nhưng với tôi ý định “đột nhập” vào khu đô thị càng lớn dần lên khi thấy đô thị ngày càng đổ nát và chẳng thấy một bóng người.
Vừa tháo sợi dây buộc cần barie đầu đô thị, tôi vừa nhìn xung quanh xem nhỡ có ai trông thấy. Mà trông thấy họ nghi trộm là cái chắc bởi chẳng có ông khách nào vào nhà mà lại tự tiện như tôi. Nguyên do là chúng tôi đã lượn đến mấy vòng gọi bảo vệ ồi ồi như gọi đò mà chẳng ai lên tiếng. Thôi thì cứ liều tự ý vào xem sao? Để bạn đọc tiện theo dõi xin được phác lại bức tranh toàn cảnh dự án. Theo chúng tôi biết, công ty liên doanh quốc tế đầu tư sân golf này do một tập đoàn lớn thuộc Đài Loan (Trung Quốc) đứng đầu. Khi mới đi vào hoạt động, tôi đã có dịp làm quen với Tổng Giám đốc ông Ngô Thụy Lâm. Trong nhận xét của tôi ông là người rất năng động, ham học hỏi và ham làm những cái mới. Khâu giải phóng mặt bằng công đầu là của ông. Có lẽ người dân quen với ông, thông cảm với ông vì ông hay đội mũ lá, xuống tận nhà dân, ăn cháo với họ, tán gẫu với công nhân. Lúc ấy chẳng ai nghĩ ông là vị tổng giám đốc lắm của nhiều tiền. Tuy nhiên ngay sau khi khởi công 20 tòa nhà và khách sạn Hoàng Hậu thì ông ra đi bởi một cơn bạo bệnh. Con trai ông nối nghiệp cha tiếp tục thực hiện dự án. Người dân cũng hết sức bất ngờ chỉ trong vòng 7 tháng khởi công, 17 tòa nhà đã hoàn thiện phần thô. Từ mảnh đất cằn xưa đã được khoác lên mình chiếc áo đô thị hiện đại. Trong các dãy nhà tôi tin rằng nếu ai đó vào lần đầu rất dễ bị lạc bởi nó đồ sộ, bởi nó như một khu phố hoang không biển báo chỉ dẫn, những con đường miên man chạy. Tôi cũng tin rằng đội ngũ giám sát làm đường, xây dựng ở đây đã tính toán kỹ đến từng gốc cây mô đá, để khi đi vào sử dụng người ta chỉ việc ở mà không cần cải tạo thêm bất kỳ thứ gì. Thế mà hiện toàn bộ đô thị bị bỏ không.
Khó khăn lắm tôi mới tìm được một ngôi nhà cuối dãy có người ở. Mặc cho tôi chào thật to nhưng họ không thèm đáp lời, cũng chẳng buồn hỏi từ đâu đến. Bí quá tôi đành gào lên đi mua đất, thế là ông bảo vệ khoái quá gọi đến mấy người ra tiếp chuyện. Ông Tích Kỳ Thăng, một nhà thầu Đài Loan cho biết, mong muốn nhất của ông là chủ đầu tư bán được căn hộ để có tiền trả các nhà thầu. Còn như ông hiện nay cứ phải ở lì để trông coi công trình, máy móc mà tiền thì đang cạn dần. Theo ông, khi xây dựng, công ty liên doanh sử dụng đến hơn 10 nhà thầu, các nhà thầu làm theo kiểu chìa khóa trao tay, tính toán theo khối lượng công trình. Thế nhưng lúc đầu tiến độ khá nhanh sau cứ đuối dần, đến năm 2010 thì dừng hẳn. Thế là dự án đắp chiếu suốt từ đó đến nay, nói rồi ông Thăng thở dài đánh “sượt”, nói một câu phương ngôn “Nước xa không cứu được lửa gần”. Không biết ngụ ý gì nhưng xem ra ông buồn lắm.
Theo giới thiệu của ông Thăng, chúng tôi bước vào một căn hộ. Phía trên nước chảy tong tong tạo những âm thanh não nề. Toàn bộ 17 căn nhà, trên 200 phòng im ắng. Ngửi thấy cả mùi cop pha gỗ đang mục dưới mưa. Anh bạn đi cùng tôi tiếc rẻ, nếu cứ thế này mà không khai thác, vài năm tới công trình sẽ xuống cấp. Có thể nói đây cũng là một sự lãng phí tài nguyên khi mà hàng vài chục ha đất đang nằm trong diện giải tỏa phải bỏ không. Suốt 1 giờ dạo trong khu đô thị chẳng ai buồn hỏi chúng tôi, có mấy anh mặc quần áo bảo vệ đi đi lại lại nhưng thậm chí không thèm nhìn khách.
Trao đổi với ông Hoàng Thanh Sơn, Phó tổng Giám đốc phụ trách, ông thở dài rồi phân trần, không biết bao giờ dự án mới tiếp tục. Còn hiện nay mỗi tháng phí điện nước, bảo vệ lên tới 80 triệu đồng. Tiền đó hoàn toàn do công ty phải thắt lưng buộc bụng, còn anh em văn phòng thì hầu như không có lương. Lãng phí tiền bạc, tài nguyên là đương nhiên, nhưng ngại hơn là mất lòng tin của dự án và sự chờ đợi đến hoang hoải của những công nhân khu đô thị. Theo tôi nếu không gắng được đã đến lúc dừng lại thu hẹp dự án, ít nhất để người dân tận dụng đất canh tác. Dừng đúng lúc đôi khi cũng có cái hay của nó.
Nguyễn Đông Bắc
Nguồn tin: Nơi sâu thẳm vùng biên - Phóng sự của Nguyễn Đông Bắc: