Thêm một bó hoa…

Thứ năm - 21/03/2019 05:12
111
Giữa năm 1958, Bệnh viện Việt - Xô đã tiếp nhận một bệnh nhân đặc biệt. Hồ sơ bệnh án ghi:
"Trần Thị Nhâm (tức Lý), tuổi 25, quê Miền Nam, cân nặng: 26kg. Tình trạng bệnh nhân:
Suy kiệt, luôn lên cơn co giật, có 42 vết thương trên người liên tục rỉ máu,
đầu vú bị cắt còn loét nham nhở, bộ phận sinh dục chảy máu liên tục".
Một chiếc giường bệnh trên miền Bắc đã trở thành nơi gặp gỡ của hoa.

Hoa trắng. Hoa đỏ. Hoa tím. Hoa vàng. Đủ màu sắc bao quanh một người con yêu Tổ quốc.

Người được tặng hoa: miền Nam

Người đến tặng hoa: Bắc và Nam, trẻ và già, nam và nữ, cả Âu, Á và Phi; từ ruộng đồng, xí nghiệp, cơ quan, đơn vị trên miền Bắc, từ vùng sâu sa mạc cháy nắng đến miền giá băng phủ trên mặt địa cầu.

Người được tặng hoa và người đến tặng hoa lặng nhìn nhau, cần gì nói nhiều? “Đây, hoa này xin tặng chị!”.

Những đóa hoa tươi thay lời nói… (1)

Và hôm nay tập sách nhỏ này cũng là một bó hoa – cũng đủ trắng, đỏ, tím, vàng, thắm thiết – dự vào cuộc họp mặt của hoa quanh chiếc giường Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô.

Hoa về tặng ai?

Từ miền Nam, một người con gái ra miền Bắc.

Chị đi bằng cách gì? Bằng đường nào? Không một ai thấy cần hỏi điều đó. Khi yêu nhau, con người có trăm nghìn cách, có cả vạn con đường để đến với nhau.

Thân thế, hình dáng, đời riêng của người con gái ấy thế nào? Không một ai băn khoăn với chi tiết đó. Người ta chỉ biết một “dấu riêng” của chị là: “Từ miền Nam ra, đầy mình thương tích” thế là đủ cho bao nhiêu hoa thắm bay về.
***
Tuổi 13. Tuổi vừa đủ hiểu nghĩa của hai chữ Tổ quốc một cách đơn sơ. Cách mạng Tháng Tám thành công, bé Nhâm đã ở trong hàng ngũ thiếu nhi cứu nước. Tổ quốc bị xâm lăng. Chưa đến tuổi trưởng thành, bé Nhâm đã trở nên một chị ủy viên chấp hành phụ nữ kiêm phụ trách nhiếu nhi xã, đem sức trẻ góp vào cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Năm 1952, chị bị bắt. Trong cuộc thử thách đầu tiên trực tiếp với quân thù chị đã thắng.

Hòa bình lập lại nhưng quê hương của chị vẫn còn vết chân của quân thù tàn bạo. Chị lại bị bắt nữa vì “tội” đòi cho Tổ quốc hòa bình, thống nhất.

Quân thù xẻ da thịt chị, môi của chị vẫn mím chặt. Quân thù đạp lên bụng, lên ngực chị, vẫn không một lời ra khỏi miệng. Quân thù đem móc sắt xâu cổ tay chị, rút treo chị lên, chân của chị vẫn gắn liền với đất nước. Quân thù muốn chị chết, chị vẫn sống với dân tộc. Thoát khỏi nhà ngục đen tối của miền Nam, chị lần về phương Bắc và đã đến giữa trái tim của Tổ quốc: Thủ đô Hà Nội.

Chị được giường êm, nệm ấm và hoa tươi.

Hoa nói gì với chị?
***
Tặng hoa cho chị Nhâm là tặng cho chị Nhâm và cho cả miền Nam đang quằn quại và đấu với ách Mỹ - Diệm. Trao một bó hoa là trao cả tâm tình, ý chí, nguyện vọng của chúng ta trước vết thương trên người chị Nhâm và trên một nửa Tổ quốc thân yêu.

Anh chị em văn nghệ miền Bắc gửi thêm một bó hoa ngày hôm nay tặng chị, tặng miền Nam. Bó hoa thật ra còn nhỏ quá! Vì bao nhiêu bông hoa nữa đang nở ra trong lao động thực tế của nhiều bạn văn nghệ chưa kịp về. Nhưng hẵng kết tạm thành bó hoa sau đây để nói lên một lòng thiết tha với quê hương, đất nước miền Nam yêu quý:

Anh nhớ sông Thu Bồn
Nhớ rừng thông Cửa Đại

Chị đẹp như quê mình
Tỉnh Quảng Nam anh dũng

Một niềm tự hào với nửa Tổ quốc anh hùng, xứng đáng với mọi lòng tin.

Đang vùng lên, giập biến những chiều khói lửa

Một ngọn lửa căm thù đang hừng hực cháy trước vết thương đau của miền Nam.

Cả Bắc – Nam, bao mắt người ánh lửa
Nhìn thẳng quân thù đất nước hôm nay

Một quyết tâm, một ý chí.

Tôi sẽ biến lời thơ thành vũ khí

Một đức tin vững chắc ở tương lai.

Cả chế độ miền Nam bay sụp xuống
Khi Thành đồng đã đến lúc vươn vai…

Chị Nhâm ơi, miền Nam ơi, trong cuộc đấu tranh này chị đã thắng miền Nam sẽ thắng, tất cả chúng ta sẽ thắng vì cả nước một lòng.

Em đã sống, vì em đã thắng
Cả nước bên em, quanh giường nệm trắng

Vì thế giới đứng bên ta.

Đứng bên chị giờ đây
Khắp thế giới hôm nay, những người yêu chân lý.

Vì vậy,

Chị Lý ơi! Xin chị nằm dưỡng nghỉ
Chúc mau lành, cả miền Bắc trông nom…
***
Bó hoa hôm nay không chỉ nói những lời trên đây. Nó còn nói lên một lời tố cáo. Tố cáo chế độ độc tài, phát xít của Mỹ - Diệm trước tòa án dư luận trong nước, ngoài nước.

Phải vạch, phải vạch cho rõ cái bộ mặt bọn quỷ sứ, khốn nạn, gian ác, vô đạo, dã man, bạo tàn của chúng!

Để nung nấu thêm căm thù, rèn thêm chí phấn đấu nỗ lực thêm những hành động thiết thực cụ thể hơn nữa với bao nhiêu việc làm trước mắt.

Cho đất nước Việt Nam nghìn năm yêu dấu này, mãi mãi không còn thấy một chị Nhâm đầy mình thương tích.
Hà Nội, ngày 15 – 12- 1958
Sách Người con gái Việt Nam
Nhiều tác giả, Nxb Văn học, Hà Nội, 1958
  1. Những câu thơ trong bài này đều trích ở các bài đã đăng trên các báo.

Nguồn tin: Trích từ tập: Lưu Quý Kỳ - Sông núi còn đây:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây