"Đây là tiếng nói Việt Nam…" - Tùy bút của nhà báo Lưu Quý Kỳ

Thứ năm - 28/02/2019 08:29
Là thế hệ đàn anh của báo chí cách mạng Việt Nam, nhà báo Lưu Quý Kỳ có nhiều bài chính luận, bút kỳ, tùy bút nổi tiếng. Ông là bậc thầy về thể loại Tùy bút, Bút ký, Chính luận. Ban biên tập Người làm báo Hưng Yên trân trọng gửi tới bạn đọc một số tác phẩm của ông. Trong số này BBT xin giới thiệu tùy bút "Đây là tiếng nói Việt Nam..." của ông. Các bài viết khác của ông mời các bạn tìm đọc trong chuyên mục: Những bài báo hay tại trang website này của Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên (nguoilambaohungyen.vn). Các tác phẩm được trích trong cuốn: Lưu Quý Kỳ - Sông núi còn đây của Nhà xuất bản trẻ.
Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ...
Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ...
“Đây là Tiếng nói Việt Nam...” Tiếng nói trang nghiêm nhưng ấm áp, hiền hòa mà vẫn dõng dạc, có ý lại có tình, có chiều cao lẫn chiều sâu, tuy lanh lảnh vang lên nhưng êm dịu như một lời tâm sự.

Tiếng nói ấy cất lên mỗi khi một ngày mới bắt đầu, khi trưa lên, chiều xuống, khi đêm khuya lắng đọng. Từ giữa trái tim của Tổ quốc, nó bay đến núi rừng Việt Bắc, dọc theo lưu vực sông Hồng, lan khắp đồng bằng trung du Bắc bộ, vào tuyến lửa khu Tư. Nó vượt sông Bến Hải, băng qua dải Trường Sơn, bay vào Thừa Thiên, Tây Nguyên, miền Nam Trung bộ, đến Sài Gòn, Đồng Tháp Mười, xuống mũi Cà Mau và ra tận Hòn Khoai, Côn Đảo.
Ôi! Tiếng nói sao mà thân yêu, trìu mến! Nó mang theo lời Cha, tình Mẹ, nghĩa bè bạn anh em. Nó truyền đi ánh sáng soi đường của Đảng tiền phong. Nó đem tin vui đến cho mọi gia đình, cho mỗi đồng bào, đồng chí. Tiếng nói thân yêu, ấm áp ấy làm rộn rã lòng người trên ruộng đồng trong nhà máy trên các tuyến đường trên từng mâm pháo. Nó làm ấm lòng người nơi biên cương, hải đảo, khắp các chiến trường. Nó sưởi ấm niềm tin cho bà con vùng dịch hậu luồn vào những hầm bí mật sâu trong lòng đất của thôn xóm, thị thành miền Nam. Nó mang đến gia đình kiều bào nơi đất khách quê người sự gắn bó thiêng liêng với Tổ quốc. Tiếng nói thân yêu ấy đã hòa trong hơi thở, trong cuộc sống của gần bốn mươi triệu đồng bào quyết sống với Độc lập, Tự do, quyết xây dựng con người mới, xã hội mới.

Tiếng nói thân yêu ấy còn là niềm tự hào của nhân dân ta đối với thế giới bên ngoài. Nó nêu cao tinh thần đấu trang bất khuất, cách mạng tiến công đối với kẻ thù. Nó tỏa ra mối tình thủy chung đoàn kết của ta với bạn bè bốn biển năm châu. Nó giới thiệu ra bên ngoài Chính nghĩa, Đạo lý và Nhân phẩm của những con người dạn dày bốn nghìn năm lịch sử.
Tiếng nói thân yêu ấy đột nhiên nghẹn lại lúc 4 giờ 51 phút sáng ngày 19-12-1972, khi đang phát ra những bản nhạc theo yêu cầu của đồng bào miền Nam.
Điều gì đã xảy ra?
Từ 19 giờ 30 đêm ấy, hàng đàn quạ đen khổng lồ mang nhãn hiệu B.52 Hoa Kỳ đã ào ạt bay vào bầu trời Hà Nội. Bom đạn trút xuống như mưa. Tiếng nổ chát chúa làm rung chuyền cả thành phố. Cả nước hướng về Tiếng nói Việt Nam, đón nghe tin tức. Toàn thế giới chờ nghe sự thật phát ra từ Thủ đô nước Việt.
Tiếng nói ấy nghẹn lời rồi!
Một phút. Hai phút. Ba phút.
Điều gì đã xảy ra?
Bao nhiêu người hồi hộp. Trái tim của đồng bào ta đã quen đập theo nhịp tim của Tổ quốc.
Hà Nội ra sao rồi?
Đúng chín phút sau, giọng dịu hiền, trang nghiêm, trầm tĩnh, thân yêu lại phát ra:
“Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội...”
Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Sung sướng biết bao nhiêu, vẻ vang biết bao nhiêu cho chúng ta. Tiếng nói Việt Nam, tiếng nói kiên cường, bất khuất! Tiếng nói không gì dập tắt nổi! Tiếng nói mãi mãi vang dội khắp non sông...

***

“Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội...”
Tôi đi giữa khu vực cơ sở đầu tiên của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, nằm trong thành phố Thủ đô ta. Chính là nơi đây, khi cướp chính quyền trong tay Nhật – Pháp năm 1945, ta đoạt tay cơ sở này (khi ấy chỉ là một cơ sở thông tin vô tuyến điện), lập ra Đài phát thanh và truyền đi lần đầu tiên Tiếng nói của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Hàng trăm anh chị em cán bộ, công nhân, văn nghệ sĩ góp phần ra Tiếng nói của dân tộc ta đang ở đây khi những quả bom tấn của bọn côn đồ Yankee ào ạt trút xuống, trưa ngày 19 tháng 12 năm 1972.
Phải chăng là bước đi của bọn xâm lược đã giẫm vào vết chân nhau? Đúng ngày này, 26 năm trước, thực dân Pháp gây hấn ở Thủ đô Hà Nội, và cũng chính tại đây tối 19 tháng 12 năm 1946, phát ra lời thông báo lịch sử:
“Giặc Pháp đã gây hấn ở Hà Nội! Cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu”.
Phát xong lời thông báo đó, tập thể của Đài Phát thanh rời địa điểm, rút ra khỏi Hà Nội, để rồi sau đó:
“Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh gần Hà Nội...”
Và năm năm sau, ngày 10 tháng 10 năm 1954, tập thể kiên cường đó đã theo dòng người chiến thắng trở về Thủ đô, cũng trở lại nơi đây, và:
“Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội...”
Trước mắt tôi, hố bom chen hố bom, ngói gạch chen lên gạch ngói. Không một ngôi nhà nào còn nguyên vẹn. Báo chí cháy sém nằm vung vãi bên cạnh một tủ sách bị lật tung ra. Bản ráp của những bản nhạc đang sáng tác dở nằm cạnh một chiếc guitar vỡ mặt, đứt dây. Mấy mâm cơm còn bị tung tóe, bát còn dính cọng rau và thức ăn. Ở đây, kẻ thù không phải chỉ đánh vào máy móc, phương tiện. Nó muốn nghiền nát những con người. Bọn chúng cũng hiểu rằng chỉ khi nào mất con người thì mới thật sự mất tiếng nói. Bọn chúng chọn đúng cái lúc mọi người về nhà, ăn hoặc nghỉ ngơi để chúng có thể giáng một đòn “diệt trọn”. Nhưng con người Việt Nam đâu phải dễ dàng để cho bom đạn Mỹ đè bẹp! Cuộc chiến đấu đã diễn ra gần 1 tiếng đồng hồ giữa những gái trai tự vệ vũ trang của tập thể này với giặc cướp trời Mỹ. Mấy chục quả bom Mỹ, gồm cả bom tấn, trút xuống nơi đây, có thể làm sụp đổ nhà cửa, tan tành máy móc, đốt cháy hết quần áo, đồ dùng của con người nhưng không giết hại được ai. Tổ chức phòng không, phân tán, cách thức trực ban, những nhà hầm bố trí một cách thông minh và sự bình tĩnh, gan dạ của con người đã giảm tổn thất về sinh mạng đến mức thấp nhất: hai người bị thương trong tổng số mấy trăm người có mặt tại chỗ.
Đứng cạnh nhà chữa máy phát đổ sập, đồng chí phụ trách Đài nói với tôi:
- Nơi đây đã truyền đi lời Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945, kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946, báo cáo tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 năm 1954.
Tôi nhớ lại rồi. Trước khi Hiệp nghị Genève 1954 được ký kết, ở Nam bộ, tôi được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi lời Bác:
“Hiện nay, đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân thế giới và nó đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Đông Dương, cho nên mọi việc của ta đều nhằm chống đế quốc Mỹ.
(Hồ Chủ tịch, ngày 15 tháng 7 năm 1954)
Tiếp theo chín năm kiên cường kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hơn 18 năm trời nay. Tiếng nói Việt Nam là tiếng nói kiên trì, dũng cảm và không khoan nhượng chống tên đầu sỏ đế quốc, kẻ thù số 1 của loài người. 18 năm nay. Tiếng nói Việt Nam là tiếng nói đanh thép, cao cả của dân tộc ít người, ít của nhưng biết quý Độc lập Tự do, biết tự trọng, biết bảo vệ nhân phẩm, đã dám đánh, dám cổ vũ mọi người đánh, quyết đánh và biết đánh thắng tên xâm lược tàn bạo nhất của thời đại.

18 năm nay, Tiếng nói Việt Nam cũng là tiếng nói xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta, tiếng nói xây dựng con người mới, xã hội mới.
Nixon muốn tiêu diệt những con người đã làm nên tiếng nói kiên cường vạch tội Mỹ chăng?
Vô ích. Dù cho nhà tan cửa nát, mất hết tài sản, chỉ còn bộ quần áo đang mặc trên người, hàng trăm anh chị em của Đài vẫn tiếp tục công tác ngay sau trận bom. Các kỹ sư và công nhân vẫn bám máy ở một nơi nào đó để không ngừng tung ra những làn sóng điện diệu kỳ. Các phóng viên của Đài vẫn có mặt ngay tại trận địa để thu vào máy ghi âm và máy quay phim những hình ảnh hừng hực căm thù và khí phách của Thủ đô oanh liệt. Đêm 25 tháng 12, cuốn phim thời sự Hà Nội: cuộc đọ sức 5 ngày đã dựng xong, sẵn sàng lên màn ảnh vô tuyến.
Đêm 26 tháng 12, trận bom tấn tàn phá khu phố Khâm Thiên và chiến công oanh liệt của Hà Nội hạ thêm tám máy bay B.52 đã làm bật ra bài hát Hà Nội những đêm không ngủ và nhiều bản hùng ca khác...
Các buổi phát thanh, tiết mục thời sự, chính trị, kinh tế văn nghệ của Đài không hề giảm đi. Diễn viên của Đài vừa thu nhanh vừa chia nhau đi phục vụ ngay bên các ụ pháo.
 Tiếng nói Việt Nam, sau trận bom, vẫn cất cao giọng hát lời ca của Hà Nội – Việt Nam đại thắng!

***

Tôi nhìn đồng chí phụ trách Đài. Bạn gần nhau mấy chục năm trời, nhưng hôm nay tôi nhìn anh như một người xa nhau lâu ngày mới gặp lại.
Hơn một phần tư thế kỷ qua, Đài vẫn một người phụ trách trong Hội nghị quốc tế của giám đốc Đài Phát thanh các nước trên thế giới, giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam được xếp vào hàng thâm niên nhất, tuy anh chưa hề có một sợi tóc bạc đau khổ của Ngũ Tử Tư. Mà có phải riêng gì anh. Hàng trăm anh chị em khác, từ người thợ máy, cán bộ kỹ thuật, phóng viên biên tập, văn nghệ sĩ đến các đồng chí cán bộ quản lý, cấp dưỡng, lái xe... 27 năm trời nay vẫn trẻ trung, sôi nổi, vẫn bám lấy công tác của Đài, hiến dâng đời mình cho sự nghiệp phát ra tiếng nói chính nghĩa của Đảng ta, của nhân dân ta. Có những anh chị em miền Bắc, anh chị em miền Nam, một số bè bạn nước ngoài, sát cánh kề vai, bảo đảm cho Tiếng nói Việt Nam mãi mãi vang lên qua làn sóng điện.

Đứng ở đây mà tôi mường tượng những bước đi của Đài qua hai cuộc chiến tranh. Ra đời và lớn lên giữa Thủ đô Hà Nội chỉ được hơn một năm, Đài đã phải ra đi theo con đường đầy chông gai của cuộc trường kỳ kháng chiến. Trong những năm chống Pháp, Đài phải hai mươi lượt chuyển đi, từ Hà Nội, qua Hà Đông, lên Phú Thọ, Tuyên Quang, sang Bắc Giang, Bắc Cạn, rồi trở về Hà Nội với miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Trên mảnh đất xã hội chủ nghĩa, Đài lớn lên, mở rộng ra, ngày càng thêm mạnh. Từ giọng nói như tỉ tê, thỏ thẻ, với công suất 400w năm 1945, 1kw năm 1954, đến tiếng nói sang sảng ngày nay với sức mạnh hàng trăm kw, lan truyền ra khắp châu Á đến tận châu Phi và châu Âu. Từ chỗ mỗi ngày nói được một tiếng đồng hồ qua một hệ thống chương trình, ngày nay Đài có thể phát ra mỗi ngày trên một trăm tiếng, qua chín hệ thống, bằng mười thứ ngữ nước ngoài, sáu thứ ngữ dân tộc. Mỗi bước trưởng thành của Đài là bao chắt bóp của nền kinh tế quốc dân, là bao mồ hội lao động của anh chị em cán bộ kỹ thuật, biên tập, diễn viên, quản lý...
Kẻ thù đánh phá miền Bắc. Khắp nơi và ngày đêm bom đạn Mỹ không chừa một mục tiêu nào. Thời chiến tranh phá hoại của Johnson. Đài đã năm lần bị đánh. Với quyết tâm giữ vững cho tiếng nói của ta mãi mãi ngân vang. Đài lại tự chia năm, xẻ bảy, phân tán ra nhiều nơi, biến mình thành một lực sĩ thiên thần, mất tay này bày ra tay kia, đầu này bị chặt, mọc ngay đầu khác, mãi mãi sinh tồn, mãi mãi chiến đấu, mãi mãi chiến thắng...

***

“Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội...”
Từ Hà Nội, nhìn về phía ngoại ô, tôi đã có thể thấy hai trụ dây ăngten cao, từ đó lọt ra Tiếng nói Việt Nam, bay đi theo những tần số nhất định. Giữa cánh đồng rộng nhô lên những đống bê tông và sắt thép đổ nát, chen chúc các hố bom, hai trụ dây ăngten vẫn hiên ngang đứng vững, vút lên trời cao như hiện thân của sự kiêu hãnh trước quân thù và niềm tự hào của dân tộc. Tám quả bom lớn đã rơi sát bốn góc chân trụ và bao nhiêu sức ép của hàng loạt bom từ máy bay B.52 tung xuống vẫn không đánh ngã nổi hai trụ cao ngất giữa trời xanh.
Đây là một cơ sở nữa của Đài Tiếng nói Việt Nam, là nơi mà Neron của thế kỷ 20 – hay là Hitler của những năm 1970 – quyết san bằng ngay ngày đầu tiên của đợt tiến công tàn bạo nhất vào Hà Nội cuối năm 1972. Cái đểu cáng của tên sát nhân đẫm máu đang nằm trong Nhà Trắng là vừa ra sức đánh, vừa ra sức bịt mồm người bị đánh, không cho người ấy kêu la. Đó là kiểu du côn, vừa tra tấn vừa nhét giẻ vào mồm con mồi của hắn, sợ bị hàng xóm láng giềng kéo đến bao vây.

Trên khoảnh đất chừng một phần tư ki – lô – mét vuông, gần bảy mươi lần chiếc máy bay B.52 và F.4 kéo đến bốn đợt trong ba ngày đêm liền, trút hàng nghìn tấn bom xuống, đào nát khắp vùng. Đây là chưa kể hai vệt bom tải thảm, kéo dài hai ki – lô – mét từ cổng Đài phát sóng đến tận thôn xóm đằng xã. Nhưng, ba ngày đêm liền, cán bộ và công nhân kỹ thuật vẫn bám trụ ở đây cùng với anh chị em tự vệ chiến đấu. Từ hầm chiến đấu cá nhân, đồng chí Thành – công nhân máy nổ vọt lên định quật một F.111. Đồng chí đã hy sinh, góp dòng máu nóng của mình vào sự nghiệp bảo vệ tiếng nói của Tổ quốc.
Bom giội xuống, các bệ máy rung chuyển nhanh, làn sóng phát đi chập chờn lúc được lúc mất. Các anh chị phụ trách kỹ thuật ngồi hầm bên cạnh, lên xuống vận hành và điều chỉnh máy hết lượt này đến lượt khác giữa trận bom. Vào lúc 4 giờ 51 phút sáng ngày 19 tháng 12, một loạt bom tấn đánh sập nhà máy phát và vùi hầm cá nhân của ba chị công nhân đang phụ trách “ca ba đảm đang” dưới đống gạch vụn. Đó là lúc Tiếng nói Việt Nam nghẹn lại. Nixon hẳn là hí hửng. Nhưng chỉ 9 phút sau...
“Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội...”
Kẻ thù không bịt được miệng chúng ta. Tiếng nói Việt Nam mãi mãi không bao giờ bị dập tắt. Tiếng nói Việt Nam vẫn tiếp tục truyền đi tin chiến thắng của Hà Nội, của Việt Nam; tiếp tục vạch tội ác giặc Mỹ, tiếp tục truyền đi sự phẫn nộ chưa từng có của lương tri loài người.
Và diệu kỳ thay, cả ba cô gái “ba đảm đang” chỉ hai mươi phút sau đã được moi ra khỏi hầm cá nhân vẹn toàn, bình tĩnh.
Bêtông và sắt thép có thể sụp đổ dưới bom đạn. Nhưng ý chí của một dân tộc biết quý Độc lập, Tự do tất cả lại vững chắc hơn mọi sắt thép trên đời. Máy phát này, máy phát kia có thể ngưng vận hành, nhưng Tiếng nói Việt Nam không thể nào, không bao giờ ngưng được!

***

Tôi nghĩ đến Tiếng nói của đồng bào miền Nam yêu quý. Cùng với Tiếng nói Việt Nam, 27 năm nay Tiếng nói kiên cường của nhân dân miền Nam anh hùng vẫn liên tục phát ra qua “Tiếng nói miền Nam kháng chiến”, “Tiếng nói Nam bộ kháng chiến”, “Tiếng nói Sài Gòn – Chợ lớn tự do”, “Tiếng nói của Đài Phát thanh Giải phóng”...
Giữa cao nguyên miền trung Trung bộ, giữa Đồng Tháp Mười, rừng U Minh, ở ngay bên rìa Sài Gòn – Chợ Lớn, hoặc ở vùng đất đỏ Tây Ninh. Tiếng nói trung dũng, bất khuất, sôi nổi, nhiệt tình yêu nước của 17 triệu đồng bào ruột thịt miền Nam vẫn là ý chí, niềm tin và hy vọng của dân tộc và của loài người tiến bộ. Cũng hàng mấy chục lần di chuyển, cũng bị địch truy lùng, ném bom, bắn phá. Tiếng nói miền Nam vẫn cất cao giọng nói, tiếng hát, lời ca của quyết tâm sắt đá giải phóng miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà.
“Đây là Tiếng nói Việt Nam...”, tiếng nói làm vẻ vang dân tộc, rạng rỡ non sông. Tiếng nói đầy sức mạnh của chính nghĩa, của đạo lý, của nhân phẩm.
Kẻ nào hòng dập tắt tiếng nói ấy chỉ chuốc lấy sự nguyền rủa của lương tri toàn thế giới. Và trên thực tế, không có một loại bom nào, một thủ đoạn dã man, tàn ác nào có thể dập tắt nó được.
Tiếng nói Việt Nam mãi mãi phát ra, đều đều như hơi thở của một con người. Mà dân tộc ta thì sống mãi.
Một số hình ảnh của lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Đài Tiếng nói Việt Nam hôm nay:

 
4121.jpg
 
4122.jpg
 
4126.jpg
 
4124.jpg
 
4129.jpg
Nhãn

Sách Hà Nội tháng chạp
Nhiều tác giả, NXB Quân đội Nhân Dân
Hà Nội, 1973




 

Nguồn tin: Lưu Quý Kỳ - Sông núi còn đây

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây