Thời gian qua, câu chuyện về đất đai ở Bình Dương trở thành một trong những điểm “nóng” của cả nước. Trong đó, vụ chuyển nhượng hai khu đất 145 ha và 43 ha bị khởi tố và được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Với vụ án này, đã có tới 14 bị can bị khởi tố, bắt giam, bao gồm cán bộ Cục Thuế Bình Dương và lãnh đạo các doanh nghiệp liên quan.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định Tổng công ty Sản xuất-xuất nhập khẩu Bình Dương (gọi tắt là TCT Bình Dương) tiền thân là Xí nghiệp sản xuất hàng cao su 3/2 Sông Bé được thành lập vào năm 1982 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Sông Bé. Sau nhiều lần thay đổi, đến năm 2018 TCT chuyển thành công ty cổ phần, trong đó phần góp vốn của Đảng là 1.829 tỷ đồng, tương ứng trên 60% vốn điều lệ.
TCT Bình Dương được tỉnh Bình Dương giao quản lý nhiều khu đất, trong đó có khu đất 43ha và 145ha thuộc Khu liên hợp công nghiệp-đô thị-dịch vụ Bình Dương ở phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một.
Tháng 3/2005, TCT Bình Dương có đề nghị và đến tháng 4/2006 UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương giao hơn 563ha đất trong khu liên hợp công nghiệp-đô thị-dịch vụ, trong đó có 2 khu 43ha và 145ha.
Thất thoát hàng nghìn tỷ đồng
Đối với khu 43ha, xét đề nghị của TCT Bình Dương, ngày 17/8/2010 Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương có thông báo chấp thuận chủ trương cho TCT Bình Dương góp 60 tỷ đồng (tương đương 30% vốn điều lệ) để hợp tác với Công ty BĐS Âu Lạc tư nhân thành lập công ty Tân Phú đầu tư dự án Khu đô thị-dịch vụ-thương mại Tân Phú trên khu đất 43ha.
Tại thời điểm này, TCT Bình Dương giao đất năm 2012 nhưng áp giá năm 2006 nên được xác định đã gây thất thoát trên 100 tỷ đồng. Vào năm 2016, TCT Bình Dương thống nhất chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty BĐS Âu Lạc với giá hơn 250 tỷ đồng. Mặc dù, công ty Âu Lạc mới chỉ chuyển trước 140 tỷ đồng nhưng TCT Bình Dương đã bàn giao khu đất vào tháng 3/2017 để đăng ký biến động khu đất sang Công ty Tân Phú vào tháng 7/2017.
Việc chuyển nhượng khu đất tại thời điểm này không thông qua đấu giá là sai quy định pháp luật. Theo định giá lúc đó, khu đất có giá trên 552 tỷ đồng. Do đó, đã gây thất thoát tiền nhà nước 302 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng điều đáng nói là dù chưa đủ pháp lý nhưng đã có hàng trăm khách hàng giao dịch tại khu 43 ha dưới hình thức góp vốn đầu tư giữ chỗ.
Đối với khu đất 145ha, theo đề nghị của TCT Bình Dương, ngày 24/10/2007, UBND tỉnh Bình Dương có công văn chấp thuận chủ trương cho TCT Bình Dương được liên doanh, góp vối với doanh nghiệp Hàn Quốc để thành lập Công ty Tân Thành thực hiện dự án sân Golf và khu nghĩ dưỡng. Với khu 145ha giao đất năm 2013 nhưng áp giá năm 2006 gây thất thoát ngân sách trên 659 tỷ đồng.
Tháng 6/2017, TCT Bình Dương đưa khu đất 145ha góp vốn tại Công ty Tân Thành với giá 139 tỷ đồng hai bên tự thỏa thuận, không qua đấu giá vi phạm quy định, gây thất thoát 1.632 tỷ đồng. Như vậy, việc chuyển nhượng hai khi đất 43ha và 145ha đã gây thất thoát số tiền khoảng 2.700 tỷ đồng.
Đối với khu dân cư Hòa Lân bên mặt tiền đường Quốc lộ 13 thuộc phường Thuận Giao, TP Thuận An có diện tích gần 50ha. Ban đầu, Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Phú là chủ đầu tư dự án nhưng đã thế chấp để vay vốn ngân hàng. Do không có khả năng trả nợ, dự án đã bị ngân hàng bán đấu giá vào giữa năm năm 2017 cho một công ty bất động sản với số tiền 1.353 tỉ đồng. Mặc dù sau lùm xùm kiện cáo, cơ quan chức năng đã công nhận kết quả đấu giá và bàn giao khu đất cho bên trúng đấu giá. Tuy nhiên, với khu đất nhiều năm “án binh bất động”, được bàn giao giá cũ vẫn chưa triển khai dẫn đến thất thoát lớn ngân sách.
Lúc bấy giờ, ngoài thế chấp khu đất dự án Hòa Lân, Công ty Thiên Phú còn thế chấp dự án khu dân cư Cầu Đò; khu dân cư Mỹ Phước 4 (cùng thuộc TX Bến Cát) với tổng diện tích hàng trăm hecta. Cả 3 khu đất này đều chỉ do một công ty trúng đấu giá từ phía ngân hàng với số tiền hơn 1.750 tỷ đồng. Tuy nhiên, với 3 dự án này, giới chuyên gia bất động sản nhận định, tại thời điểm đấu giá có giá trị thị trường ước tính lên đến 7.000 tỷ đồng.
Đáng nói, tại dự án khu dân cư Mỹ Phước 4B có diện tích hơn 24ha, sau khi trúng đấu giá, doanh nghiệp lấy hơn 7.551m2 là phần đất công nằm ngoài dự án để gộp vào rồi chuyển nhượng cho khách hàng. Hiện, cơ quan chức năng đang tìm giải pháp gỡ rối cho doanh nghiệp bằng cách hoán đổi khu đất khác. Tuy nhiên, việc giao đất không thông qua đấu giá là trái với quy định.
Tất cả những khu đất, dự án nói trên hiện đang dang dở, không chỉ gây thất thoát ngân sách lớn cho Nhà nước còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển quy hoạch đô thị của tỉnh Bình Dương.
Đối với khu đất 145ha, các nhà đầu tư mua cổ phần của TCT Bình Dương khi doanh nghiệp này cổ phần hóa thì không trực tiếp liên quan tới những sai phạm ở giai đoạn trước. Trong quá trình điều tra sai phạm việc chuyển nhượng khu đất 145ha, nhà đầu tư trước đó mua lại cổ phần họ đồng ý chuyển nhượng lại giá gốc. Theo nhà đầu tư, lý do họ muốn “chịu thiệt” là để hỗ trợ cơ quan chức năng giải quyết vụ việc, thu hồi tài sản về cho Nhà nước.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên