Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về câu hỏi của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan như vậy…
Xưa nông dân ta trồng rau hai luống, một không phun thuốc để ăn, một phun bừa phứa để bán. Nay thì ngược lại, cái gì ngon, an toàn nhất để xuất khẩu, còn bán trong nước chất lượng không được quan tâm mấy. Tôi rất thích ý tưởng về chuyện sẽ cấp mã số vùng trồng cho các sản phẩm tiêu thụ nội địa tương tự như sản phẩm xuất khẩu, vậy lý do gì Bộ NN-PTNT lại khởi xướng lên việc này thưa ông?
Ông Nguyễn Quý Dương: Đây là ý tưởng của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan. Hôm vừa rồi lãnh đạo Cục BVTV, mà trực tiếp là Cục trưởng Hoàng Trung lên báo cáo về việc cấp mã số vùng trồng. Trước đây, việc cấp mã số vùng trồng không phải tự Việt Nam mình nghĩ ra mà do các nước nhập khẩu họ yêu cầu, làm đầu tiên với quả thanh long xuất đi Mỹ khi đàm phán mất tới gần 7 năm để vào thị trường này.
Một trong những điều kiện mà họ đòi hỏi có nội dung quy trình sản xuất như giống, trồng trọt, chăm sóc, phòng trừ sinh vật gây hại… phải được thực hiện theo yêu cầu và được chuyên gia Mỹ sang kiểm tra, đánh giá và cấp mã số vùng trồng. Sau đó chúng ta mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản sang các thị trường khó tính khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand đều phải được cấp mã số vùng trồng.
Gần đây nhất là Trung Quốc, trước đây nông sản của ta chỉ cần được kiểm dịch thực vật, cấp chứng thư là xuất khẩu, tuy nhiên từ năm 2018 họ cũng yêu cầu phải cấp mã số vùng trồng và cấp mã số cơ sở đóng gói.
Trở lại cuộc báo cáo của Cục BVTV, khi nghe xong, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có ngay ý kiến rằng: “Tại sao mình lại chỉ cấp mã số vùng trồng hàng xuất khẩu để cho mấy ông nước ngoài ăn? Thế Việt Nam hiện xấp xỉ 100 triệu dân tại sao lại không được ăn loại nông sản biết rõ nguồn gốc? Cục BVTV về nghiên cứu và phải có chương trình cấp mã số vùng trồng cho thị trường nội địa”.
Bộ trưởng cũng nói một ý trong giải pháp thực hiện việc trên là phải ủy quyền phân cấp nhiều hơn cho địa phương để diện tích được cấp mã số nhiều hơn chứ hiện còn rất ít.
Trên cơ sở sự chỉ đạo ấy, Cục BVTV đang xây dựng dự thảo quyết định về hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản, trong đó phân công Cục sẽ có nhiệm vụ hướng dẫn chung về yêu cầu kỹ thuật, quy trình cấp, giám sát, quản lý mã số. Cục cũng trực tiếp cấp, giám sát và quản lý mã số vùng trồng với hàng xuất khẩu còn có thể ủy quyền việc đó cho địa phương.
Phía địa phương sẽ do Chi cục Trồng trọt và BVTV hoặc cơ quan chuyên ngành về BVTV cấp, giám sát, quản lý mã số vùng trồng cho hàng tiêu thụ nội địa. Nếu những mã số vùng trồng trong nước này muốn xuất khẩu thì phải gửi hồ sơ lên Cục BVTV để thẩm định và gửi cho các nước nhập khẩu để đàm phán và chấp nhận.
Tất cả mã số cấp cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa trong cả nước đều chuyển về Cục BVTV để hình thành nên một cơ sở dữ liệu, trong đó minh bạch cái nào cấp ở đâu, cho cây nào, diện tích bao nhiêu...
Các địa phương cũng có cơ sở dữ liệu tương tự về những cây trồng trên địa bàn của mình. Việc cấp mã số vùng trồng nay đã được quy định trong Luật Trồng trọt. Gần đây nhất chúng tôi cũng đã ban hành tiêu chuẩn cơ sở để cấp mã số vùng trồng cho hàng xuất khẩu.
Giám sát chặt chẽ mã số vùng trồng
"Chúng tôi vừa rồi đã tập huấn một loạt lớp cấp mã số vùng trồng cho các địa phương có nhu cầu xuất khẩu. Nhưng để làm được việc cấp mã số vùng trồng cho hàng tiêu thụ nội địa, điều quan trọng phải có cơ sở cho các địa phương cùng làm là quyết định của Bộ NN-PTNT phân công nhiệm vụ, sau đó Cục BVTV sẽ hướng dẫn, tập huấn.
Quyết định cấp, giám sát và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được áp dụng cho cả hàng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Chất lượng các mã số là tương đương, không có chuyện cho hàng xuất khẩu được quản lý chặt chẽ, tốt hơn so với hàng nội địa.
Cục BVTV sẽ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các mã số hàng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Tại địa phương, Sở NN-PTNT sẽ có trách nhiệm giám sát các mã số được cấp trên địa bàn tỉnh. Cục sẽ hướng dẫn và phối hợp với các địa phương để cấp và giám sát chặt chẽ các mã số đã được cấp, nếu không đạt thì lập tức bị rút ngay".
(Ông Nguyễn Quý Dương)
Những đối tượng cây trồng nào ta hướng tới sẽ cấp mã số vùng trồng trước và điều kiện ra sao sẽ được cấp, thưa ông?
Ông Nguyễn Quý Dương: Tất cả các cây trồng trong danh mục được phép xuất khẩu sẽ đều được cấp mã số nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Trước đây, diện tích quy định để cấp mã số vùng trồng cho xuất khẩu khoảng 10 ha nhưng hiện cũng có những cây trồng không thể tìm được 10 ha liền vùng hay trong nhà lưới cũng không thể đạt 10 ha.
Do đó trong dự thảo quyết định chúng tôi đưa ra diện tích tối thiểu là 10 ha, bên cạnh đó cũng quy định cấp mã số trong những trường hợp đặc biệt theo thực tiễn tại địa phương hoặc yêu cầu của nước nhập khẩu.
Hiện Cục BVTV đang cấp mã số vùng trồng cho một loạt cây trồng xuất khẩu nhưng không thu một khoản chi phí nào. Các mã số được cấp không quy định thời hạn vì hàng năm các mã số đã được cấp đều được giám sát.
Đến nay, Cục đã cấp 2.821 mã số vùng trồng cho 12 loại trái cây (bao gồm: thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít và chuối) cho 48 tỉnh/thành phố để xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU. Diện tích vùng trồng đã được cấp mã số là 196.226 ha, chiếm khoảng 17% tổng diện tích cây ăn quả cả nước.
Theo ông, hiểu nông nghiệp có trách nhiệm phải như thế nào?
Ông Nguyễn Quý Dương: Theo tôi, nông nghiệp có trách nhiệm trước hết là có trách nhiệm với gần 100 triệu dân Việt Nam để làm sao sản xuất minh bạch, rõ ràng, an toàn và bền vững. Thứ nữa, rộng hơn khi xuất khẩu là trách nhiệm với thế giới để khi họ nhắc đến Việt Nam là nói đến nền sản xuất an toàn, bền vững. Chúng ta không sản xuất để thu tiền về bằng mọi giá mà phải sản xuất vừa có hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ được sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
Thứ hai, sản xuất có trách nhiệm phải hiểu là trách nhiệm của rất nhiều người, không phải là trách nhiệm của riêng ngành nông nghiệp mà là của cả các bộ, ngành khác, các tổ chức chính trị, xã hội; từ trung ương đến địa phương; từ người sản xuất đến người kinh doanh buôn bán và cuối cùng là người tiêu dùng.
Ở địa phương tôi nhận thấy nếu người đứng đầu quan tâm, sâu sát chỉ đạo, đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc thì khả năng thành công rất cao. Ví dụ cho thấy những địa phương làm thành công như Sơn La, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương…đều phải nói đến vai trò của người đứng đầu.
Thứ ba, đó còn là trách nhiệm từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng không có trách nhiệm, cứ mua cái gì cũng được, không cần yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm thì chính họ vừa phải chịu thiệt thòi, vừa là nguyên nhân để người sản xuất bán cái gì cũng được.
Hiện xây dựng nông thôn mới là chương trình bao trùm trong xã hội, vậy nên chăng lồng vào đó những “tiêu chí mềm” là nông nghiệp an toàn, là những xã, huyện giảm thiểu được việc sử dụng thuốc BVTV thưa ông?
Ông Nguyễn Quý Dương: Trong xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đang có ý tưởng để có những tiêu chí mềm như áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM hay tới đây là chương trình Plant Health vào.
Phải biến điều đó trở thành phong trào ở cấp xã, huyện, tỉnh. Thứ hai theo tôi sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt là giảm thiểu các thuốc BVTV hóa học, phân bón vô cơ cũng nên là tiêu chí mềm để các địa phương phấn đấu. Mà khi giảm được những thứ đó thì hiệu quả kinh tế lại tăng lên.
Thứ ba việc cấp mã số vùng trồng cũng nên là một tiêu chí mềm bởi để cấp được mã số vùng trồng phải theo một loạt thứ như sản xuất an toàn, bền vững, giảm được vật tư đầu vào, thu gom được bao bì thuốc BVTV…
Hiện nay, một số địa phương còn có chương trình hữu cơ nông hộ tôi thấy rất hay là ở trong mỗi gia đình nông thôn đã phân loại rác, hữu cơ thì đào hố ủ thành phân, bón ngay cho cây trong vườn. Làm được như thế thì rất nên bởi giải quyết được cả vấn đề phân bón lẫn ô nhiễm.
Hay như trong bối cảnh giá phân bón tăng, nhiều vùng nông dân chỉ biết khóc ròng thì ở Tây Nguyên họ đã nghĩ ra giải pháp thu gom hết các phụ phẩm của cà phê để làm phân hữu cơ, tiết kiệm được 15-20%.
Còn ở thành phố, bên Học viện Nông nghiệp Việt nam đã có mô hình trồng cây trên nóc nhà, bón, tưới bằng rác thải hữu cơ. Bản thân nhà tôi tới đây sẽ thiết kế một hệ thống như thế.
Cục BVTV cũng sẽ đồng hành cùng với các doanh nghiệp, các địa phương để đẩy mạnh chương trình phân hữu cơ, trong đó có sản xuất tại các nông hộ để tận dụng những phụ phẩm từ nông nghiệp. Điều này cũng nên trở thành một tiêu chí mềm trong xây dựng nông thôn mới.
Nhân đà này, theo ông Cục BVTV có nên mở cuộc họp tổng kết để nhân rộng những mô hình huyện, tỉnh giảm thiểu thuốc BVTV như báo Nông nghiệp Việt Nam đã đăng không?
Ông Nguyễn Quý Dương: Tôi nghĩ rất nên làm và định làm trong hội nghị thực trạng và nâng cao giải pháp việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV cho các tỉnh ĐBSCL, lẽ ra không có dịch Covid-19 tái phát sẽ tổ chức trong tháng 7 này rồi. ĐBSCL là một trong những nơi sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học nhiều nhất trong cả nước.
Chúng tôi muốn mở hội nghị để phân tích tại sao có nhiều nơi giảm thiểu được thuốc BVTV, phân bón hóa học mà những nơi khác không làm được. Phải chỉ ra được những nguyên nhân khách quan, chủ quan là gì? Phải chăng chỉ vì tỉnh này có tiền, tỉnh kia không hay còn gì nữa?
Phải tuyên truyền, nhân rộng được những mô hình tốt như thế để các nơi học tập, thậm chí cùng là một tỉnh, thành nhưng nơi làm chưa tốt đến học tập nơi làm tốt. Cục rất khuyến khích và đánh giá cao vai trò của Báo Nông nghiệp Việt Nam qua những việc tuyên truyền như thế này.
Tôi nhớ lại cuộc thảo luận về xã 10 năm không phun thuốc BVTV (xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) mà Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tải 4 năm về trước. Hồi đó, ngay cả nhiều cán bộ trong ngành cũng bảo rằng không dùng thuốc BVTV thì làm sao có cái mà ăn.
Sau đó Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội đã làm một thống kê rất cụ thể trong 3 năm 2015, 2016, 2017 số hộ không sử dụng thuốc sâu bệnh ở Đỗ Động là 1354-1340-1350 hộ/1504 hộ, tức trên 90%. Giờ rất nhiều xã, thậm chí huyện đã có tỷ lệ cao người dân không dùng thuốc BVTV nữa. Vậy theo ông cơ sở khoa học nào của chuyện đó?
Ông Nguyễn Quý Dương: Điều anh nói là hoàn toàn chính xác. Nó dựa vào việc áp dụng chương trình IPM. Hà Nội là địa phương đầu tư lớn cho IPM đến từng nông hộ, không chỉ đạo phun thuốc BVTV cho cả huyện, cả xã mà chỉ rõ từng thửa ruộng bị nhiễm sinh vật gây hại một. Thêm vào đó là áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), dùng giống chống chịu, cấy thưa, mạ non, bón phân cân đối... đã làm giảm nhiều mức độ phát sinh gây hại của sâu bệnh.
Khi thực hiện những điều đó liên tục trong vòng nhiều vụ thì hệ sinh thái được duy trì trở lại, tạo ra sự cân bằng. Cây trồng có thể bị sâu bệnh nhưng ở ngưỡng cho phép, không ảnh hưởng gì nhiều, thành ra nông dân không cần phun thuốc BVTV.
Đối với cây lúa giai đoạn 40 ngày đầu, nếu phun thuốc sẽ tiêu diệt cả thiên địch, do đó một số sinh vật gây hại chính sẽ bùng phát ở giai đoạn sau do không bị thiên địch khống chế. Không dùng hoặc dùng ít và theo nguyên tắc 4 đúng thuốc BVTV qua rất nhiều năm, hệ sinh thái sẽ rất tốt, thiên địch nhiều sẽ khống chế được sự gây hại của sinh vật gây hại.
Trong chỉ đạo ở phía Bắc, chúng tôi sợ nhất là đạo ôn cổ bông, bởi đã bị gần như không chữa được, thế mà tôi cũng thấy lạ là những nơi không phun thuốc BVTV tại Hà Nội trong nhiều năm tỷ lệ đạo ôn cổ bông lại rất thấp.
Năng suất lúa ở những vùng này không hề thấp hơn so với cấy kiểu thông thường, gạo ngon, an toàn nên bán được giá cao hơn. Nói tóm lại ở đây người ta đã tuân thủ nghiêm ngặt 4 nguyên tắc của IPM mà nguyên tắc số một là làm sao cho cây trồng khỏe mạnh.
Cần nguồn lực và sự vào cuộc của địa phương
Cục có lường trước những khó khăn của cấp mã số vùng trồng cho thị trường nội địa không? Bởi những nơi đã được cấp mã số cho hàng xuất khẩu thì dân đã làm tương đối quen rồi?
Ông Nguyễn Quý Dương: Nếu là hàng xuất khẩu thì tiêu chuẩn nhập khẩu của các nước đã rất rõ nhưng hàng tiêu thụ trong nước, đầu tiên phải lấy theo tiêu chí nào? Trước hết yêu cầu sản xuất phải theo GAP và theo các quy định hiện hành của Việt Nam về an toàn thực phẩm. Chúng tôi cũng nhìn thấy là nếu các địa phương cứ cấp theo phong trào thì rất nguy cơ, do đó phải có lộ trình cụ thể.
Ví dụ, các vùng sản xuất có liên kết, bán có địa chỉ vào nhà hàng, siêu thị thì chúng tôi khuyến cáo các doanh nghiệp phải đưa mã số vùng trồng vào, việc này hoàn toàn có thể làm, giám sát được. Nhưng cái khó là những vùng sản xuất khác bán ở chợ truyền thống, không có địa chỉ rõ ràng thì cấp mã số như thế nào và thứ nữa họ có cần hay không? Đây chỉ là khuyến khích chứ không phải ép buộc.
Thứ nữa còn liên quan đến nguồn lực. Nếu không có nguồn lực hỗ trợ sẽ rất khó khăn cho việc cấp mã số vùng trồng cho hàng hóa nội tiêu bởi giống như chuyện IPM vừa rồi, tại sao Hà Nội làm tốt là bởi vì có nguồn lực hơn.
Do đó, trong dự thảo quyết định, chúng tôi cũng yêu cầu các địa phương phải bố trí nguồn lực cho công việc này. Vừa rồi chỉ có xuất khẩu vải đi Nhật Bản mà Cục và các địa phương đã phải căng hết nhân lực ra để thực hiện, trong đó có cả khâu giám sát sao cho đúng với yêu cầu của họ.
Còn hàng bán trong nội địa với số lượng rất lớn, các địa phương người ít, kinh phí ít thì phải giám sát các mã số vùng trồng thế nào để đảm bảo chất lượng. Sẽ là khó khăn nếu không có sự phối hợp, chung tay vào cuộc.
Cấp mã số vùng trồng nhưng giám sát họ làm đúng hay không là một việc rất quan trọng. Do đó, các địa phương cần có kế hoạch rất cụ thể về nguồn lực con người, tài chính, cơ chế kiểm tra, giám sát… để thực hiện được thực chất.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Theo Dương Đình Tường/NNVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên