Thủ tướng luôn nhấn mạnh cả bộ máy và từng cán bộ phải “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm".
Những phát ngôn và hành động của Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện quyết tâm chống lại căn bệnh trì trệ đã bén rễ, ăn sâu vào bộ máy công quyền.
Xin được mượn lời của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói nhiều lần trong năm 2020 để đặt tên khác cho căn bệnh trì trệ là “virus trì trệ”.
“Gán” cho căn bệnh trì trệ cái tên như vậy, khá phù hợp, bởi nó biến chủng khá phức tạp, lây lan rất nhanh, gây tác hại ghê gớm.
Trì trệ là một trong những nguyên nhân làm chậm quá trình phát triển của đất nước. Bởi đường lối có hay, có phù hợp đến mấy; giải pháp có tốt đến bao nhiêu…mà triển khai chậm chạp thì sẽ khó mang lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí không ít trường hợp còn biến “cơ” thành “nguy”.
Lúc này hơn lúc nào hết, nếu chưa tiêu diệt được ngay thì ít nhất phải hạn chế tối đa tác động gây hại của căn bệnh “trì trệ”.
Nếu không, ngay những công việc điều hành hàng ngày của Chính phủ, Thủ tướng, như phòng, chống đại dịch Covid 19; giải ngân nhanh vốn đầu tư công; triển khai nhanh việc cổ phần hóa DNNN… khó thành công như mong muốn.
Nếu không, rất khó lòng đạt được các mục tiêu phát triển của khát vọng 2025, 2030 và 2045 vừa được Đại hội Đảng thông qua.
Chủ đề rất rộng, rất phức tạp, tại bài viết ngắn này, tác giả chỉ xin nêu một vài khía cạnh về căn bệnh “trì trệ” đến từ đâu và thử gợi đôi điều về hướng xử lý.
Theo người viết, lâu nay chúng ta chưa “truy vết” đến tận cùng virus trì trệ, nên chữa căn bệnh này chưa đạt kết quả như mong muốn. Vấn đề ở chỗ, sự trì trệ nhiều khi được ra đời ngay trong chính sách phát triển.
Trong hơn 35 năm qua, nếu chỉ tính từ 1986, Đảng và Nhà nước đã ban hành vô số đường lối, chính sách, văn bản pháp quy… cụ thể. Đó là hệ thống công cụ tuyệt vời góp phần thúc đẩy đất nước phát triển như ngày nay.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, bên cạnh những công cụ tuyệt vời, đâu đó vẫn còn những công cụ tạo ra không ít “virus trì trệ”, hạn chế sự phát triển của đất nước, ít nhất là tăng trưởng kinh tế chậm dần. Và tính chung 20-30 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp xa so với các nước xung quanh ta. Chỉ bàn về hình thức thể hiện thì thấy ngay không ít đường lối, chính sách còn chung chung, ai hiểu thế nào cũng được và trong quá trình triển khai, phải mất quá nhiều thời gian để bàn luận.
Hầu hết các luật của ta, sau khi được Quốc hội thông qua thì có những điều còn chờ văn bản dưới luật hướng dẫn. Hệ quả là trong nhiều trường hợp có luật mà cũng như không, làm cho cả nhà nước, người dân và doanh nghiệp không biết đâu mà lần. Và đây chính là nơi trú ngụ quan trọng của không ít con “virus trì trệ” quái ác.
Sự trùng lặp, chồng chéo về nội dung giữa các văn bản pháp quy là nguồn gốc phát sinh và địa bàn lý tưởng đã níu kéo bao nhiêu bước phát triển. Vấn đề này đã, đang và sẽ còn xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Một ví dụ khác, nội hàm của cơ chế “kinh tế thị trường định hướng XHCN” hơn 30 năm bàn luận vẫn chưa đi đến sự thống nhất về nhận thức ngay trong đội ngũ cán bộ ở cấp làm chính sách. Chẳng hạn, Báo cáo kinh tế trình Đại hội 12 đánh giá sự nghiêm trọng của vấn đề này đến mức, xem đây là nguyên nhân số 1 gây ra các yếu kém trong quản trị quốc gia.
Báo cáo kinh tế trình Đại hội 12 ghi: “Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa […], chưa đủ rõ, còn khác nhau, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới về phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế…”.
Nghị quyết 11 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường năm 2017 tiếp tục nêu các yếu kém trong quản trị là chủ yếu do nguyên nhân chủ quan, đặc biệt là do: Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đủ rõ. Tư duy bao cấp còn ảnh hưởng nặng nề. Năng lực xây dựng và thực thi thể chế còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Việc quán triệt, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu thiếu quyết liệt, hiệu quả thấp và chưa nghiêm.
Và Báo cáo kinh tế trình Đại hội 13 cũng nhắc lại gần như nguyên văn nguyên nhân gây trì trệ này: “Về nhận thức: Nhận thức một số vấn đề về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa sâu sắc, thống nhất, nhất là quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, sở hữu đất đai, phân bổ nguồn lực, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tập thể, hợp tác xã, tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.”
“Nhận thức là một quá trình”. Hơn 35 năm đã trôi qua kể từ Đổi mới là một quá trình dài, và đủ cho một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản tiến lên thế giới thứ nhất, mà sao chúng ta vẫn chưa thống nhất được “nhận thức”?
Bài 2: Quy hoạch cán bộ cũng tạo ra trì trệ
Theo Hải Lộc/VietNamnet
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên