Tại cuộc họp bàn giải pháp bình ổn giá phân bón khi giá sản phẩm này tăng mạnh trong nhiều tháng qua, do Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức ngày
11-8, hầu như không có giải pháp khả thi nào được đưa ra ngoài lời kêu gọi hạn chế xuất khẩu, dành phân bón cho nhu cầu nội địa. Và theo ghi nhận riêng của chúng tôi, trong khi nông dân khóc ròng trên ruộng, các nhà máy sản xuất phân bón đang có lợi nhuận khủng.
Trăm dâu đổ đầu nông dân
Phát biểu tại hội nghị, một đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn An Giang cho biết nhiều loại phân bón đã tăng giá bất thường trong thời gian qua, có thời điểm tăng giá hơn 50%, gây rất nhiều khó khăn cho nông dân dù không có tình trạng đầu cơ hay thiếu nguồn cung tại nhiều địa phương.
Trong khi đó, với giá lúa bán ra chỉ được khoảng từ 5.000 - 5.300 đồng/kg, thậm chí thấp hơn nên nông dân chỉ đạt lợi nhuận vài trăm đồng/kg lúa, không đảm bảo được lợi nhuận 30% cho người trồng lúa theo quy định. "Vấn đề là làm sao giảm được chi phí đầu vào, chúng tôi rất cần câu trả lời của doanh nghiệp và các đơn vị lưu thông phân phối mặt hàng này" - vị này đặt câu hỏi.
Ông Trần Thái Nghiêm - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cần Thơ - cho biết thêm chi phí sử dụng phân bón trong sản xuất lúa chiếm 22%, cây ăn trái và rau màu là 20 - 30%. Vì vậy, việc giá phân bón tăng từ 15 - 45% tùy loại tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp.
Do phân bón là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, ông Nghiêm đề nghị cần có rà soát chuỗi cung ứng phân bón, xác định điểm đứt nghẽn, tác nhân đẩy giá phân bón tăng. "Giá nông sản đang giảm mạnh, nếu không kiểm soát giá vật tư đầu vào sẽ ảnh hưởng tâm lý bà con trong việc tái sản xuất, tái đầu tư" - ông Nghiêm cảnh báo.
Ngoài ra, chi phí vận chuyển và các khâu trung gian khác bị đội lên cũng tăng thêm gánh nặng với nông dân. Theo ông Đào Hữu Huyền - tổng giám đốc Tập đoàn hóa chất Đức Giang, dù sản phẩm super lân Đức Giang có giá gốc là 2.000 - 2.100 đồng/kg, đến nhà phân phối là 2.400 đồng/kg nhưng ra thị trường là 3.200 - 3.300 đồng/kg, tăng 30% so với giá gốc.
Ông Phan Văn Tâm - giám đốc truyền thông Công ty CP phân bón Bình Điền - cũng cảnh báo vụ đông xuân có nguy cơ bị đứt gãy nguồn cung phân bón, đẩy giá tăng do vận chuyển gặp khó khăn. Chẳng hạn, giá bán phân DAP tại TP.HCM là 16,4 - 16,8 triệu đồng/tấn nhưng về đến ĐBSCL tăng lên tới 18,1 triệu đồng/tấn do các chi phí như vận chuyển bị đội lên, nhất là chi phí nhân công và test COVID-19.
Nhà sản xuất phân bón đổ lỗi "khách quan"
Cũng tại hội nghị, ông Hoàng Trung - cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNông nghiệp và phát triển nông thôn) - cho biết nhu cầu sử dụng phân bón năm 2021 không tăng, thậm chí còn giảm ở một số địa phương do thực hiện tái cơ cấu, với nhu cầu phân bón hơn 10 triệu tấn (70% là phân vô cơ).
Trong khi đó, công suất của các nhà máy phân bón trong nước đạt tới gần 30 triệu tấn, gấp 3 lần nhu cầu. Do vậy, theo ông Trung, không có chuyện đứt gãy cung cầu, nhưng giá phân bón tăng vì "lý do khách quan, không thể khác được"(!?) khi giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, chi phí vận chuyển, logistics... đều tăng.
Ông Nguyễn Văn Thanh - cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) - cũng cho biết ngoại trừ phân kali và SA, sản xuất phân bón trong nước hoàn toàn đáp ứng được 80% nhu cầu với urê, NPK, phân DAP, MAP... Tuy nhiên, giá nguyên liệu tăng mạnh như lưu huỳnh tăng 133%, amoniac tăng 105%, axit sulfuric tăng 132%... khiến giá thành sản xuất phân bón bị đẩy lên, chưa kể chi phí vận chuyển.
Theo ông Văn Tiến Thanh - tổng giám đốc Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau, dù phân vô cơ sản xuất trong nước trên 7 triệu tấn nhưng năng lực sản xuất thực sự của các doanh nghiệp chỉ được 3,6 triệu tấn, còn lại phải nhập ngoại hoàn toàn kali, SA và phân vô cơ khác.
Và theo ông Thanh, giá cả do thị trường quyết định, giá phân bón trong nước cũng "không thể khác được" khi giá phân bón thế giới tăng. Do đó, ông Thanh cho rằng để giảm giá phân bón cần có các giải pháp từ chính sách của Nhà nước như sửa đổi chính sách thuế VAT, tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển hàng hóa...
Ngoài việc yêu cầu các nhà sản xuất tiết giảm tối đa chi phí, không xuất khẩu mà ưu tiên phân bón cho nhu cầu trong nước, ông Trần Quốc Khánh - thứ trưởng Bộ Công thương - cho biết sẽ rà soát biện pháp tự vệ với phân DAP, MAP cho phù hợp với tình hình thị trường. "Bộ Công thương cũng sẽ kiến nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét sửa đổi Luật thuế liên quan đến thuế GTGT với phân bón, đề xuất chính sách để tháo gỡ khó khăn trong phân phối lưu thông, giảm chi phí..." - ông Khánh nói.
Giá phân bón tăng sốc, giá lúa ngày càng lao dốc
Nhiều nông dân trồng lúa cho biết đang bị lỗ nặng do giá nguyên liệu vật tư đầu vào, đặc biệt là phân bón tăng cao, trong khi giá lúa giảm sâu và khó tiêu thụ. Theo ông Nguyễn Văn Dũng (xã Phú An, huyện Phú Tân, An Giang), giá phân đạm Cà Mau đang ở mức 630.000 đồng/bao, cao hơn 2 lần so với mức giá 300.000 đồng/bao vào đầu vụ.
Tương tự, phân NPK Việt Nhật cũng tăng từ 450.000 đồng/bao lên 530.000 đồng/bao, phân ĐP từ 550.000 đồng/bao lên 750.000 đồng/bao... "Giá phân bón liên tục "nhảy múa" theo chiều hướng tăng lên, còn giá lúa, nếp lại liên tục giảm khiến nông dân trồng lúa lỗ nặng" - ông Dũng than. Theo ông Trần Thanh Hiệp - chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang, giá phân bón tăng cao đã đẩy chi phí sản xuất của người nông dân tăng mạnh, ảnh hưởng nặng đến hiệu quả sản xuất của nông dân, nhất là nông dân trồng lúa vốn gặp khó khăn trong tiêu thụ lúa và giá lúa xuống thấp như hiện nay.
BỬU ĐẤU
6 tháng, lợi nhuận vượt kế hoạch cả năm
Nhu cầu cao, giá phân bón tăng mạnh đã giúp nhiều nhà máy phân bón trong nước lãi lớn, thậm chí có doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm chỉ sau... 6 tháng.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ) tăng 26%, lên 4.876 tỉ đồng, với lãi sau thuế hơn 872 tỉ đồng, gấp đôi cùng kỳ 2020, đạt gần 140% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tương tự, doanh thu thuần của Đạm Cà Mau đạt 4.236 tỉ đồng, tăng 29,3% so với cùng kỳ 2020, với lợi nhuận sau thuế đạt gần 430 tỉ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ 2020, vượt 117% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Báo cáo tài chính quý 2-2021 của Công ty DAP Đình Vũ cũng cho thấy lợi nhuận sau thuế đạt trên 54,6 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái công ty lỗ trên 27 tỉ đồng.
TR.MẠNH
Ông Vũ Duy Hải (tổng giám đốc Tập đoàn Vinacam):
Thiếu chính sách điều hành thị trường hợp lý
Nhu cầu phân bón trong nước thường tăng cao trong 4 tháng của vụ đông xuân và hè thu, nếu không chuẩn bị nguồn hàng trước sẽ xuất hiện tình trạng thiếu phân bón và giá tăng cao. Trong khi đó, sản lượng mỗi tháng của các nhà máy sản xuất urê trong nước (Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc) gần như không thay đổi, vì phải sản xuất theo công suất.
Điều này dẫn đến tình trạng lúc thiếu phân bón (vào vụ đông xuân và hè thu) khiến giá tăng cao, lúc thừa phân bón phải xuất khẩu với giá rẻ. Nếu có chính sách điều tiết hợp lý, như hạn chế xuất khẩu trong 1-2 tháng trước khi vào vụ đông xuân và hè thu, dành nguồn hàng cho nhu cầu trong nước. Điều này sẽ không vi phạm quy định của WTO nếu sử dụng hợp lý các hàng rào kỹ thuật.
Với phân bón vẫn phải nhập khẩu do trong nước không đủ cung cấp như DAP, MAP, kali... cũng có những công cụ để làm giảm đà tăng giá. Chẳng hạn, trong những thời điểm giá phân bón tăng liên tục nên linh động tạm ngưng áp thuế tự vệ (khoảng 1 triệu đồng/tấn DAP và MAP nhập khẩu), giảm thuế nhập khẩu (6%) và thuế VAT để bảo vệ quyền lợi cho người dân, thay vì chỉ chăm chăm thu thuế hay "bảo vệ" cho nhà sản xuất trong nước.
Như vậy, vấn đề của thị trường phân bón VN thời gian qua là thiếu một chính sách điều tiết hợp lý, có thể nói là đang được thả nổi, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân, nhất là trong bối cảnh giá nông sản thấp, tiêu thụ khó khăn do dịch bệnh.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới):Đừng bỏ mặc nông dân
Dù chỉ sử dụng nguyên liệu nội địa, không bị ảnh hưởng nhiều bởi giá nguyên liệu thế giới nhưng các nhà máy phân bón trong nước cũng đua nhau tăng giá theo giá thế giới cách nay 3-4 tháng. Đây cũng là lý do giúp các nhà máy phân bón trong nước đạt lợi nhuận khủng trong nửa đầu năm nay.
Dù các dự án phân bón được triển khai với nhiều chính sách ưu đãi nhằm đảm bảo an ninh phân bón và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trong nước, nhưng thực tế cho thấy nông dân đang bị bỏ mặc, không được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi đầu tư ngành phân bón, khi các nhà máy phân bón được tự do đưa ra giá bán.
TRẦN MẠNH
Theo Ngọc An/Tuổi trẻ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên