Đồng chí Tô Hiệu, người dìu dắt tôi trong buổi đầu hoạt động cách mạng
Thứ năm - 03/03/2022 09:49
NGUYỄN THANH BÌNH
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị,
Thường trực Ban Bi thư Trung ương Đảng
Đồng chí Tô Hiệu là người đã bồi dưỡng và tổ chức tôi vào Đảng ở chi bộ khu vực ciment Hải Phòng. Hồi ấy, sau khi học xong trường Kỹ nghệ trở thành công nhân kỹ thuật cơ khí, tôi đến làm việc ở xưởng đúc kẽm Quảng Yên, cùng với anh Trần Danh Tuyên và một số bạn học cùng lớp. Sau sáu tháng thì mất việc, thất nghiệp, tôi vác đơn xin việc khắp nơi, từ Hòn Gai, Uông Bí, Tràng Bạch, Mạo Khê đều không được, đành về Hải Phòng ở nhà ông chú đang làm việc ở Sở Dầu, rồi tôi cũng xin được việc làm ở Sở này. Tại đây, tôi làm quen với một số công nhân, như các anh Bùi Đình Đổng, Phúc Thổ Thần, Ngô Minh Loan... đều là thợ ciment; anh Dương Đình Thắng là cán bộ hóa nghiệm trong xí nghiệp phốt-phát cũng ở trong nhóm thợ quen biết của chúng tôi. Mới quen, nhưng có một điều gì đó làm chúng tôi dễ gần gũi và thân thiết với nhau. Những cuộc trò chuyện, bàn luận về tình hình đời sống, chuyện thế sự, tình hình xã hội là những vấn đề chúng tôi quan tâm và thường trao đổi to nhỏ, tỷ tê với nhau. Những lần gặp gỡ trò chuyện như thế, tôi cảm nhận được hình như các anh ấy có liên kết với nhau trong một tổ chức chặt chẽ cùng chí hướng. Nhiều lần các anh thường nhắc đến một người, có lẽ là phụ trách, lãnh đạo, nhưng đều không nói rõ tên, lúc thì gọi là anh Ba, lúc thì gọi là anh Hai gì đó. Tôi đoán đó là một đồng chí quan trọng, cấp trên. Thấy tôi hay tham gia các cuộc nói chuyện thời sự, dự kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5, ngày chống chiến tranh 1-8, bàn luận về các loại truyền đơn chống ách đô hộ của thực dân Pháp, một hôm đồng chí Bùi Đình Đổng, Ngô Minh Loan, Phúc Thổ Thần rủ tôi tới dự một cuộc nói chuyện về Cách mạng tháng Mười. Tôi theo các anh ấy đến dự và cảm thấy rất thú vị bởi người nói chuyện hôm ấy diễn đạt rất lý thú về tính chất cuộc đại Cách mạng Nga 1917, chính quyền Xô Viết và tình hình đời sống của nhân dân Liên Xô. Người nói chuyện còn liên hệ với tình hình khổ cực của nhân dân An Nam bị thực dân phong kiến áp bức, bóc lột và nói rõ nhiệm vụ phải làm gì để lật đổ ách đô hộ, áp bức, giải phóng đất nước, giành chính quyền, đem lại độc lập tự do, cơm no áo ấm cho nhân dân, thợ thuyền, dân cày.
Diễn giả phân tích rất dễ hiểu, có căn cứ, dẫn chứng rõ ràng, khoa học, có phương pháp sư phạm hấp dẫn, sáng ý. Ngay ở buổi đầu tiếp xúc và nghe nói chuyện, tôi đã cảm nhận đó là một cán bộ có hiểu biết sâu nhưng khiêm tốn và chân thành, Anh trầm tính và rất giản dị, dễ mến, Hình như anh cảm thấy tôi dễ gần, muốn tìm hiểu sâu một số vấn đề ngoài những vấn đề nêu trong buổi nói chuyện (hồi đó hoạt động bí mật cho nên nói chuyện phải ngắn gọn, không thể kéo dài thời gian), anh Ba đến bắt tay tôi, hỏi thăm hoàn cảnh của gia đình tôi, nơi ăn ở, làm việc; anh hỏi kỹ nơi ở của tôi và tỏ ý muốn đến thăm tôi. Anh quý vì tôi là một công nhân cơ khí, có học hành hiểu biết, muốn qua tôi để xây dựng cơ sở ở khu vực các sở dầu Thượng Lý (lúc đó có 3 sở dầu riêng rẽ).
Mấy hôm sau nhân ngày chủ nhật anh Ba lại đến chơi với tôi. Chúng tôi trở nên thân thiết, nhưng tôi vẫn chưa biết tên đích thực của anh, chỉ gọi chung chung là “ông Ba”, “ông Hai” mà thôi. Tuy vậy, sự cách biệt giữa chúng tôi không còn nữa. Chúng tôi tin tưởng nhau, trò chuyện với nhau hơn hai tiếng đồng hồ. Qua lần gặp này, tôi hiểu thêm tình hình đất nước, nỗi khổ mất nước của nhân dân ta và nhiệm vụ giai cấp công nhân phải làm gì để đánh đuổi thực dân Pháp và bọn phong kiến, quan lại... Lúc bấy giờ phát xít Nhật đã nhòm ngó và lăm le xâm chiếm nước ta, cho nên anh Ba còn phân tích cho tôi nghe nhiệm vụ cần kíp của giai cấp công nhân là phải cùng nhân dân đánh đổ thực dân Pháp và phát xít Nhật. Sứ mệnh của giai cấp công nhân là phải lãnh đạo các tầng lớp nhân dân cùng đứng lên đấu tranh. Những người có hiểu biết phải tập hợp nhau lại để hướng dẫn, lãnh đạo nhân dân cùng làm mới giành được thắng lợi hoàn toàn. Tôi rất tâm đắc về những lời phân tích của anh, nói rõ tại sao các phong trào Cần Vương, Văn Thân, Yên Bái và những bậc chí sĩ như Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh không thành công. Chúng tôi cùng rút kinh nghiệm về các thất bại của những cuộc đấu tranh trước đó. Tuy chỉ hơn hai giờ đồng hồ nhưng tôi hiểu biết thêm được nhiều, tự thấy phải tham gia cuộc đấu tranh chống chính quyền thực dân phong kiến. Sau buổi nói chuyện thân thiết ấy, tôi mời anh Ba đi ăn cơm quán kiểu như “cơm bụi” ngày nay ở Hà Nội vậy. Trước khi chia tay anh đặn dò, nhấn mạnh vị trí của sở dầu và đội ngũ công nhân ở đó. Anh dặn tôi cần nhanh chóng gây cảm tình với những công nhân tốt, nhất là những công nhân trẻ. Trách nhiệm cụ thể sẽ có dịp trao đổi sau.
Sau lần gặp này, tôi được các đồng chí Bùi Đình Đổng, Phúc Thổ Thần, Ngô Minh Loan giao nhiều việc như đi rải truyền đơn, đọc sách báo để tổng hợp tình hình diễn giải cho anh em công nhân nghe. Rồi tại một cuộc họp vào khoảng tháng 5 năm 1939 mà sau này tôi mới rõ đó là cuộc họp Chi bộ, các anh Trần Kiên (sau này là Bí thư Thành ủy Hải Phòng), Bùi Đình Đổng giới thiệu tôi vào Đảng. Tại buổi kết nạp ấy có anh Ba cũng đến dự và tuyên bố kết nạp tôi vào Đảng. Lúc đó anh Ba là ủy viên thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư khu B và trực tiếp làm Bí thư thành ủy Hải Phòng. Theo điều lệ Đảng lúc bấy giờ, là công nhân cơ khí, tôi làm đảng viên dự bị ba tháng. Thời gian dự bị, tôi được thử thách nhiều việc như rải truyền đơn chống chủ Pháp bóc lột công nhân, đòi giảm giờ làm, cải thiện dân sinh, tổ chức kỷ niệm ngày chống chiến tranh, treo cờ ở khu vực nhà máy xi măng v.v... Chỉ 2 tháng sau, tôi được tuyên bố là đảng viên chính thức, được rút ngắn thời gian dự bị một tháng. Sau khi trở thành đảng viên tôi chính thức được phân công của Chi bộ phụ trách phong trào của sở dầu, khu Thượng Lý. Thật tình cho đến lúc bấy giờ, tuy có mối quan hệ chặt chẽ, gần gũi hơn với đồng chí Tô Hiệu nhưng tôi vẫn chưa hay biết đích thực tên tuổi của đồng chí, chỉ giao tiếp qua tên “anh Ba” như một đồng chí cấp trên mà thôi. Anh Ba đã trực tiếp giao nhiệm vụ cụ thể cho tôi. Một hôm, anh hỏi tôi có điều kiện dành thời gian đi chơi Uông Bí không? chẳng là anh biết tôi có nhiều bạn bè làm công nhân cơ khí cùng học trường Kỹ nghệ ra, và đang làm việc tại các cơ sở ở Quảng Yên, Uông Bí, Cẩm Phả, Hòn Gai. Hồi đó tôi là công nhân cơ khí sở dầu Hải Phòng, có tiền lương kha khá, cho nên đi đâu xa đã sẵn đồng tiền chi tiêu trên đường. Tôi nhận lời “đi chơi” với anh Ba. Hai chúng tôi thủng thẳng đạp xe đạp cọc cạch đi Uông Bí. Đi chơi nhưng tôi ý thức được như là bảo vệ một đồng chí quan trọng của tổ chức. Trên đường dài, chúng tôi có địp tâm tình với nhau nhiều chuyện nhưng ngẫm lại mới thấy trong chuyến đi ấy, anh Tô Hiệu có chủ đích rõ ràng nhằm bồi dưỡng cho tôi những kiến thức cơ bản về hoạt động Cách mạng. Còn nhớ suốt dọc đường anh nói chuyện về những kinh nghiệm tìm hiểu con người để tập hợp quần chúng trung kiên cho Đảng và cách mạng, tình hình chung của các tầng lớp công nhân, nông dân, trí thức, tiểu tư sản, học sinh, quần chúng lao động nhất là những quần chúng mới tham gia Cách mạng. Đặc biệt anh Ba căn đặn tôi phải rất cẩn trọng giữ nguyên tắc bí mật cho tổ chức Đảng và các hoạt động Cách mạng. Anh nêu lên những trường hợp cán bộ không trung kiên Cách mạng, thiếu kiên định, cơ hội chủ nghĩa. Dường như lường trước được mọi hiểm nguy trên đường hoạt động, anh dặn dò rất kỹ về giữ gìn phẩm chất và khí tiết Cách mạng. Trước quân thù phải rất khôn khéo, nhưng trước hết cần phải giữ vững lý tưởng và ý chí Cách mạng, dù tổ chức Đảng có thể tạm thời bị tan vỡ hoặc các đồng chí chung quanh, kể cả cán bộ cấp trên bị bắt, thậm chí khi họ đầu hàng, phản bội. Những lúc đó, đòi hỏi ở người đảng viên cộng sản không mất ý chí phương hướng, không để phai mờ lý tưởng cách mạng.
Trong chuyến đi Uông Bí, tôi đã đưa anh Ba đến nhiều cơ sở có bạn hữu của tôi. Anh rất thích vì để anh có thể tiếp cận một số đối tượng mới có khả năng phát triển tổ chức. Chuyến đi đó đối với tôi là một lớp huấn luyện về công tác vận động quần chúng, công tác bảo vệ bí mật cách mạng, công tác tổ chức và lãnh đạo đấu tranh của quần chúng, đặc biệt là sự phân tích về tính cách của các tầng lớp quần chúng khác nhau đối với cách mạng, giúp tôi rất nhiều trong việc tổ chức và vận động quần chúng sau này.
Khi chia tay nhau sau chuyến đi này, anh thân mật dặn thêm tôi những điều về trau dồi phẩm chất và chí khí đấu tranh của người cán bộ cách mạng.
Khoảng hơn một tháng sau, tôi nhận được tin báo nhà anh Bùi Đình Đổng bị khám, cả hai vợ chồng đều bị bắt. Các anh Tô Hiệu và Ngô Minh Loan đều bị bắt tại đây.
Chỉ sau ít ngày, anh Thành Ngọc Quản tức Đào Văn Trường bắt liên lạc với tôi và giao trách nhiệm cho tôi tổ chức lại cơ quan của thành ủy mới. Tôi đã thuê một căn hộ trong khu nhà Ánh Sáng của Hội Kiến trúc sư Hải Phòng và nhóm Tự Lực Văn Đoàn mới được xây dựng để làm nơi liên lạc và là trụ sở của thành ủy. Anh Thành Ngọc Quản lúc đó là khu ủy viên khu B, yêu cầu tôi cùng về ở cơ quan của thành ủy cho được tự nhiên như một hộ bình thường, gồm các đồng chí Thành Ngọc Quản, Trần Quang Huy, Huấn (tức Lê Liêm), chị Trương Thị Mỹ làm nội trợ, chú Lộc bé con làm liên lạc cùng với tôi và em tôi tức Nguyễn Văn Nghị. Chúng tôi hàng ngày đi làm. Anh Hoàng Văn Nọn người Cao Bằng thường xuyên lui tới đây để chỉ đạo.
Thành ủy giao trách nhiệm cho tôi bảo đảm việc ăn ở cho cơ quan thành ủy, vì lúc đó chỉ có một mình tôi là người đi làm có đồng lương, còn lại đều là cán bộ chuyên nghiệp hoạt động cách mạng. Được mấy tháng thì chúng tôi cảm thấy bọn cẩm của bốt Ciment đã nhòm ngó, chú ý, vì chúng tôi ở chỉ cách đồn của chúng chừng 100 mét đường chim bay. Từ đó cơ quan thành ủy phải phân tán, tôi và em tôi về khu vực sở dầu thuê nhà ở. Mọi việc của Đảng bộ Hải Phòng do một số đảng viên còn lại đảm nhận. Anh Trần Quang Huy là Bí thư Thành ủy thay anh Tô Hiệu. Đồng chí Thành Ngọc Quản ở với chúng tôi được một thời gian thì được điều đi phụ trách nơi khác - Anh Trần Quang Huy làm Bí thư được một thời gian lại được điều lên khu phụ trách Quảng Yên, Uông Bí, Hòn Gai, Cẩm Phả và Hải Phòng.
Thay mặt khu ủy, Thành ủy lâm thời Hải Phòng chỉ định tôi tham gia khóa Thành ủy này vào khoảng đầu năm 1940. Nhưng khóa thành ủy này tồn tại không lâu, được mấy tháng, lại bị vỡ. Hầu hết thành ủy viên đều bị bắt. Khóa thành ủy tiếp theo do đồng chí Lương Khánh Thiện chủ trì cũng lại bị vỡ sau đó mấy tháng. Chúng tôi bị giam ở Hải Phòng hơn 7 tháng, chúng mới xử án. Rồi chúng tôi bị chúng đưa lên Hà Nội xử phúc thẩm tại tòa thượng thẩm. Một tháng sau, chúng đưa chúng tôi lên Sơn La. “Công voa” này đông lắm, gồm tù chính trị Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định trong đó có các anh Mai Chí Thọ, Bùi Lâm, Bùi Quang Tạo, Hoàng Tùng... Tại nhà tù Sơn La, tôi gặp lại anh Tô Hiệu. Anh bị lao nặng và bị nhốt riêng cho nên tôi ít có quan hệ trực tiếp trong công tác với anh Tô Hiệu. Nhưng ở đây, tôi lại gián tiếp nhận được ảnh hưởng rất sâu sắc của anh. Ảnh hưởng đó đã tiếp sức cho tôi vững vàng qua các giai đoạn đấu tranh giành chính quyền, xây dựng chính quyền cách mạng buổi ban đầu và đấu tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Có thể nói, thời kỳ ở Sơn La tôi đã học tập được nhiều điều bổ ích trong hoạt động cách mạng và những bài học kinh nghiệm ấy được bổ sung, nâng cao qua các thời kỳ đấu tranh, giúp tôi làm tròn trách nhiệm qua các cương vị công tác, và cho tới ngày nay, tôi có thể tự hào nói rằng: “Tôi đã làm tròn trách nhiệm người đảng viên cộng sản” trong sự nghiệp đấu tranh xây dựng và bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Những bài học kinh nghiệm đó thì nhiều vô kể nhưng nhân kỷ niệm 54 năm ngày hy sinh của đồng chí Tô Hiệu, tôi muốn nói về một bài học tổng hợp mà theo ý tôi là lớn nhất, bổ ích nhất, đó là “Nghệ thuật đấu tranh xây dựng một chính quyền cách mạng tự trị dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Đảng cộng sản trong một thể chế thống trị hà khắc, rất khốc liệt của đế quốc phát xít hóa”.
Chúng ta đều biết rằng các tù nhân chính trị theo xu hướng cộng sản chỉ có bàn tay trắng, khối óc và ý chí kiên cường. Còn đế quốc có đủ thứ, nào trại giam với tường cao, đầy lính canh giữ chung quanh. Tù nhân đi khỏi nhà tù một bước thì lính bồng súng đi theo, một người tù đi cũng có một lính kèm sát, ba người đi cũng vậy, có lính của chúng áp giải; năm tù nhân thì hai lính hoặc cai lính; mười người đi ít ra một cai, hai lính. Bên cạnh nhà tù một tiểu đoàn lính khố xanh dưới sự chỉ huy của một giám binh và một lô sĩ quan, hạ sĩ quan của chúng nó. Còn một kíp tù nhân đi làm thường lại có phó quản chỉ huy và một lô đội, cai chưa kể bọn lính bao vây chung quanh. Để quản lý nhà tù còn có một số giám ngục và phó xếp ngục người Tây, giúp việc còn có hàng chục “cặp rằng” luôn luôn tay cầm dùi cui và đeo súng lục. Hơn thế nữa, trong cuộc sống của tù nhân, không một lúc nào, không một nơi nào là bọn thống trị và tay chân của chúng không nhòm ngó, xét nét tù nhân. Ấy là chưa kể cấp trên của bọn chúng còn tăng cường một đại hội lính Lê đương (Légionnaire) phòng khi bất trắc. Còn ý đồ của bọn thống trị thì sao? Chúng định đưa người cộng sản cứng đầu, cứng cổ lên Sơn La để dưới chế độ thống trị hà khắc và với khí hậu “ma thiêng nước độc” sẽ bị tiêu diệt dần mòn, ai còn sống trở về cũng trở nên thân tàn ma dại.
Vậy mà những người Cộng sản đã sáng suốt, kiên cường vận dụng linh hoạt đường lối, sách lược đấu tranh phá tan mọi ý đồ dã man của quân thù. Đó là cuộc vận động thành lập chính quyền cách mạng tự trị trong nhà tù.
Chính quyền đó được tổ chức ngay trong số tù nhân có khoảng trên 400 người chia ra ở trong 5 trại. Mỗi trại có trên dưới 100 tù nhân tùy theo trại lớn nhỏ. Riêng trại Căng là nhỏ nhất chỉ chứa hơn một chục người vì ở “căng” này chúng nhốt các anh em bị đầy đi an trí như anh Xuân Thủy...
Chi bộ nhà tù đã lãnh đạo tổ chức Đại hội đại biểu toàn nhà tù bao gồm đại biểu các trại bầu lên. Đây là cơ quan cao nhất trong việc tự quản của tù nhân tương ứng như Quốc hội ngày nay vậy. Đại hội này thành lập cơ quan điều hành, thực hiện nghị quyết của Đại hội là ủy ban nhà tù. Đại hội tù nhân đã thảo luận chủ trương đấu tranh với bọn thống trị như chánh sứ, giám binh, xếp ngục, binh lính và viên chức của bọn cai trị.
Đại hội còn bàn công tác vận động quần chúng và binh lính địch, bàn việc xây dựng đời sống nhà tù cả về chính trị, văn hóa, đời sống, vật chất.
Sau khi được đại hội bầu ra, ủy ban nhà tù đã tổ chức ra các ban giúp việc như Ban kinh tế, Ban cứu tế, Ban văn hóa — giáo dục, Ban trật tự trong, Ban trật tự ngoài, báo Suối Reo...
Do tổ chức được cơ quan tự quản, vận dụng thực hiện đúng quy chế chung của bọn thống trị đòi hỏi ở các tù nhân, chúng ta đã giành được quyền tự quản trong nhà tù, chủ động quan hệ với thống trị các cấp từ cao nhất là chánh sứ cho đến giám binh, xếp ngục, cai cẩm, binh lính. Bọn chúng muốn liên hệ với tù nhân đều phải thông qua đại biểu của ủy ban nhà tù. Tù nhân không chấp nhận sự chỉ huy vượt qua đầu đại biểu của họ. Nhờ đó mà ngăn cản được tác động của quy chế hà khắc của chế độ quản lý nhà tù đế quốc, đồng thời thực hiện được chế độ dân chủ tự quản rộng rãi trong đời sống chính trị của nhà tù, khai thác đạt hiệu quả cao nhất các điều kiện vật chất eo hẹp của nhà tù để tổ chức đời sống vật chất tốt cho anh em tù nhân tới mức sĩ quan, binh lính của chúng khi canh gác cũng phải thốt lên “Các ông đàng hoàng, ăn uống trật tự, vệ sinh, còn chúng tôi thì không bảo được nhau, tranh cướp, bóp mồm bóp miệng nhau, thành thử điều kiện của chúng tôi hơn các ông mà chúng tôi lại khổ quá”. Còn anh em tù của chúng ta lại nói đùa với nhau rằng: “Hàng ngày thì cơm thịt, cơm cá, rau cao cấp; hàng tuần thì tiệc nhỏ; hàng tháng thì tiệc lớn”. Về đời sống tinh thần anh em tù nhân được đọc sách báo hàng ngày, đọc báo Suối Reo, được học tập văn hóa, chính trị, ngoại ngữ... không còn thì giờ để trầm tư nhớ nhà, nhớ vợ con. Mỗi khi ốm đau, nhất là bị sốt rét lại được anh em y tá của mình chăm sóc chu đáo. Thuốc của nhà tù có hạn, đã có quỹ thuốc của tập thể tù nhân bổ sung, hỗ trợ thêm. Mỗi lần ai đau ốm còn có anh em Hồng thập tự xoa bóp ngày đêm, lo nước nôi, cơm cháo tận tình.
Các trại giam chật hẹp, tù nhân đông, cửa nhỏ lại ken đầy song sắt. Chúng sợ tù nhân trốn, hành hạ tù nhân nằm chen chúc trên bục xi măng chật chội. Mỗi trại chỉ được cấp một thùng nước nhỏ vừa uống, vừa rửa mặt. Vậy mà chúng tôi vẫn giữ trật tự, vệ sinh hơn hẳn trại tù thường phạm ở bên cạnh. Những tù nhân thường phạm đó tuy điều kiện vật chất cũng như chúng tôi nhưng họ sống rất bẩn thỉu, hôi hám, cuộc sống của họ thật cực nhục. Đế quốc đã hành hạ họ, họ lại hành hạ lẫn nhau, điêu đứng trăm phần.
Sau cuộc đấu tranh thất bại ngày 13-5-1941 (thực chất đồng chí Tô Hiệu và chi ủy nhà tù đã sáng suốt vận dụng chiến thuật một bước lùi, hai bước tiến), chúng ta đã từng bước không chỉ giành lại những quyền lợi đã bị bọn thống trị tước đoạt mà chế độ nhà tù còn được cải thiện hơn trước. Đặc biệt thể hiện tổng hợp nhất, cao nhất là kết quả việc tổ chức ngày hội tết năm 1941, một cái tết có quy mô bề thế nhất từ trước đến năm ấy ở nhà tù Sơn La. Tết ấy cũng là ngày hội lớn mà địa phương chưa hề có trước đó. Nếu kể lại cũng phải một bài báo dài, nhưng tôi chỉ nêu lên đây mấy điểm nổi bật.
Tất cả các cấp quan đầu tỉnh, trừ chánh xứ ra còn giám binh, quan hai lê dương, quan một, sếp và phó sếp ngục cho tới các sĩ quan và hạ sĩ quan đều lần lượt đến xem và tham gia những trò chơi do chính nhà tù tổ chức như: Gánh hàng xuân, cây nêu, ném còn, tổ tôm điếm, tam cúc điểm và nhiều trò chơi khác. Ai vào chơi đều phải đổi tiền Ngân hàng lấy tiền nhà tù mới tiêu được. Trước khi về, ai còn tiền thì đổi lại để lấy tiền Ngân hàng. Qua dịch vụ mua vào, bán ra của đồng tiền nhà tù, Ban tổ chức thu lợi được cũng không ít, cộng với tiền lệ phí tham gia các trò chơi khác. Tổng cộng sau dịp tết, hạch toán lại mặc dầu ta chỉ phí rất lớn về ăn uống, giải trí, trang trí nhà tù trong dịp tết nhưng vẫn không hụt với số tiền trước tết là bao. Điều đáng chú ý là mấy ông “quan Tây” thường ngày nghiêm trang cách biệt với tù nhân nay cũng hòa vào trong các trò chơi, lại còn có vẻ thích thú.
Tôi ở nhà tù Sơn La được một thời gian lại bị chúng đưa về nhà tù Hòa Bình. Mặc dù lúc ở Sơn La, tuy được thử thách như vậy, làm trưởng ban trật tự trong, lo việc nội bộ cho ủy ban nhà tù, nhưng vẫn chưa được kết nạp lại. Hầu hết anh em tù chính trị dù khi hoạt động là đảng viên, là cấp ủy hẳn hoi, nhưng vào tù đều không được coi là đảng viên. Sau đó, chi bộ thử thách và xem xét kỹ mới để trở lại làm đảng viên. Về nhà tù Hòa Bình, chúng tôi rút kinh nghiệm ở nhà tù Sơn La, cho tổ chức và quản lý nhà tù Hòa Bình kiểu mô hình như nhà tù Sơn La. Tuy khó mà đạt được một tổ chức vững mạnh, có nề nếp cao như ở Sơn La, nhưng thành công ở cuộc đấu tranh tại nhà tù Hòa Bình đã làm cho chánh sứ và bọn thống trị nhà tù Hòa Bình kính nể. Tết năm 1943, chúng tôi cũng tổ chức buổi liên hoan có tiếng vang rất lớn, dâln lũ lượt đòi vào xem, chánh xứ và cai ngục sợ không dám cho vào. Nhân dân địa phương rất trọng thị gọi tù nhân là ông nhà quê mà không gọi là người tù.
Buổi đầu tham gia hoạt động tôi may mắn được gặp đồng chí Tô Hiệu, được đồng chí ấy dìu dắt từ những bước đi ban đầu. Khi vào tù lại được đồng chí Tô Hiệu lãnh đạo, tiếp tục huấn luyện làm quen với việc hoạt động quản lý chính quyền. Nhờ thế mà năm 1945 khi ra tù, Cách mạng Tháng 8 thành công, tôi về làm Chủ tịch ủy ban Cách mạng tỉnh Bắc Giang không còn bị bỡ ngỡ, đã xây dựng và bảo vệ được chính quyền cách mạng non trẻ của một tỉnh.
Sau này những gì mà đồng chí Tô Hiệu bồi dưỡng, dìu dắt, huấn luyện cho tôi đã theo tôi suốt cả quá trình hoạt động cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Mối quan hệ của tôi và đồng chí Tô Hiệu diễn ra gần 60 năm nay rồi, tôi không còn nhớ lại được tỉ mỉ và đầy đủ nữa nhưng hình ảnh Anh và tình cảm của tôi đối với Anh không bao giờ có thể phai mờ. Nhân kỷ niệm 54 năm ngày hy sinh của đồng chí Tô Hiệu, tôi xin kể lại một số việc mà tôi biết nhằm bày tỏ lòng mến phục, kính trọng và tưởng nhớ đến công lao to lớn của một cán bộ tiền bối cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Trích từ cuốn: Tinh thần Tô Hiệu
Do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xuất bản