Ông Nguyễn Văn Hồng ở xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) là một trong những người làm phân cá từ IMO gốc để bón cho vườn bưởi đặc sản Tân Triều.
Ông Phong kể, công thức làm phân của ông khá đơn giản. Với 10kg cá tạp, ông trộn 10kg khóm, 60 lít IMO gốc để tạo thành 100 lít IMO phân đạm cá phun xịt cây bưởi.
Không chỉ ông Hồng, ông Ngô Văn Sơn (xã Tân Bình), một trong những nhà vườn bưởi Tân Triều có uy tín ở Đồng Nai, cũng tự sản xuất IMO để làm thuốc trừ sâu.
"Giải pháp IMO có nguồn gốc thực vật nên tiết kiệm và an toàn hơn rất nhiều so với dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trước đây", ông Sơn nói.
Giải pháp IMO là một trong những nghiên cứu nổi bật của Trung tâm Khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ Việt Nam với Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.
Ông Hoàng Sơn Công - Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ Việt Nam cho biết, nông nghiệp hữu cơ trong nước chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu. Hầu hết các mô hình đang dừng ở mức định hướng hữu cơ.
Vì thế, thay vì tìm kiếm một giải pháp hoàn hảo để đạt chuẩn cơ, quan điểm của Trung tâm là sử dụng sản phẩm có nguồn gốc thực vật; với 4 phương châm: tự sản xuất, an toàn, chi phí thấp và hiệu quả cao.
Nguyên tắc của giải pháp IMO là phải loại trừ hóa chất độc hại, sau đó loại trừ hóa chất tổng hợp; và ưu tiên sử dụng tối đa nguồn tài nguyên bản địa.
"Điều kiện khí hậu môi trường ở Vĩnh Cửu, cũng như Đồng Nai rất đa dạng. Nền tảng nông nghiệp ở đây là nông nghiệp quy mô lớn nên tính ứng dụng mẫu, và nhân bản mẫu rất nhanh", ông Công đánh giá.
Cuối năm 2018, từ việc chuyển giao công nghệ của Trung tâm Khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ Việt Nam, huyện Vĩnh Cửu là địa phương tiên phong trong cả nước triển khai mô hình sử dụng men vi sinh bản địa IMO.
Đến nay, toàn bộ 12 xã thị trấn của huyện Vĩnh Cửu đã triển khai mô hình, bước đầu tạo nền tảng cho nền nông nghiệp sạch thân thiện với môi trường.
Trước đây, ông Nguyễn Văn Lãm (xã Vĩnh Tân) phải tốn nhiều tiền để mua thuốc trừ sâu và phân bón hóa học để chăm sóc hơn 5ha hoa màu của mình.
Đó là chưa nói đến nỗi lo sức khỏe bị ảnh hưởng, nông sản làm ra không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Nỗi lo này chỉ chấm dứt khi ông được Hội Nông dân xã Vĩnh Tân hướng dẫn công thức làm men vi sinh. Bây giờ ông đã thành thạo công thức làm phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học từ IMO.
Chế phẩm sinh học này giúp tiết kiệm được khoảng 70% kinh phí so với dùng phân và thuốc hóa học.
Với phân hữu cơ IMO, ông tự làm bằng cách dùng nước men vi sinh ủ với bả đậu phộng (bánh dầu) và nhiều rác hữu cơ khác làm phân bón. IMO giúp bảo vệ thiên địch và sức khỏe của nông dân. Năng suất vườn cây vẫn đạt bình thường.
Theo UBND huyện Vĩnh Cửu, IMO là giải pháp được huyện chọn triển khai trong đề án nông nghiệp hữu cơ, và minh bạch nguồn gốc sản phẩm sinh học giai đoạn 2020-2025.
Trong các năm tiếp theo, huyện Vĩnh Cửu sẽ giới thiệu IMO đến 121 xã nông thôn toàn tỉnh Đồng Nai, tạo điều kiện cho nhiều nông dân cả nước tham qua thực tế mô hình.
Hiện tại xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom, Đồng Nai), ông Trương Hùng Dũng nuôi 450 con bò chỉ để lấy phân ủ làm phân bón.
Ông Trương Hùng Dũng, xã Trung Hoà (huyện Trảng Bom) vốn là nông dân trồng mía, mấy năm gần đây, vì giá mía thấp, ông phải chuyển 30ha mía sang trồng thanh long, bưởi, mít.
Để trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ, ông phải bỏ ra rất nhiều tiều mua phân bò về cải tạo đất.
Thế nhưng, phân bò không phải lúc nào cũng có sẵn. Nhiều khi có tiền, ông Dũng cũng không tìm mua được. Thế là, ông xây dựng hẳn 1 trại nuôi bò để lấy phân chuồng.
Lúc đầu, ông chỉ nuôi 50 con, chủ yếu là giống bò Úc, Mỹ. Sau nhiều năm tự nhân đàn, hiện đàn bò của ông Dũng đã có hơn 450 con.
Mỗi ngày đàn bò cho hơn 4 tấn phân chuồng. Nhờ nguồn phân bò này, ông Dũng hoàn toàn chủ động nguồn phân chuồng hữu cơ để bón cây.
Thời gian gần đây, giá phân bón liên tục tăng cao càng khiến ông Dũng tự tin về tính hiệu quả của mô hình. Ông Dũng nhẩm tính, mỗi ngày ông tiết kiệm được hơn 2 triệu đồng tiền mua phân bón. Tính ra, mỗi năm, ông tiết kiệm được gần 750 triệu đồng.
Từ khi ông Dũng chủ động được nguồn phân bò, vườn cây ăn trái phát triển tốt, năng suất và hiệu quả kinh tế cũng cao hơn. Nếu tính luôn cả lợi nhuận từ vườn thanh long và bưởi da xanh, ông lời gần 1 tỷ đồng/năm.
Theo bà Phạm Thị Thuỷ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Hoà (huyện Trảng Bom), chăn nuôi bò kết hợp với trồng trọt là cách làm mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình của ông Dũng còn tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương đang làm việc tại trang trại.
Để có phân chuồng ủ làm phân bón, ông Trần Văn Dũng, thành viên HTX Minh Thắng (huyện Chơn Thành, Bình Phước) đã nuôi dơi.
Hiện, 2 chuồng dơi của ông Dũng đang cho khoảng 1 tấn phân/năm. Hiện, giá phân dơi dao động 50.000-70.000 đồng/kg. Mức giá này có thể giúp nông dân tiết kiệm hàng chục triệu đồng tiền phân bón/vụ trái cây.
Theo ông Tài, giá trị dinh dưỡng cao của phân dơi không chỉ giúp cây trồng phát triển bền vững mà còn làm đất đai tơi xốp, tạo tính đa dạng cho hệ sinh thái của cây trồng.
Ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, ứng dụng IMO không những giúp giảm chi phí đầu tư mà còn giúp nông dân hình thành thói quen sản xuất tốt hơn, bền vững.
Theo Trần Khánh/Dân Việt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên