Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hưng Yên phải dùng "quan hệ riêng" để xử lí  xe quá tải

Thứ sáu - 24/12/2021 11:25
Ông Phạm Đức Quang - Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên cho rằng, việc xử lý xe quá khổ, quá tải gặp nhiều khó khăn do lực lượng thanh tra “mỏng”. Trong khi đó, để có thể phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông nhằm xử lý tình trạng này, ông Quang phải dùng “quan hệ riêng”.

Như đã phản ánh, trong nhiều tháng trở lại đây, tình trạng xe quá khổ, quá tải hoạt động rầm rộ ngày đêm vận chuyển đất, cát trên các tuyến đường 378, 204, Quốc lộ 39A thuộc địa bàn huyện Khoái Châu gây bụi bẩn, đường xá xuống cấp, luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông khiến người dân vô cùng bức xúc.
111
Những chiếc xe có dấu hiệu quá khổ, quá tải vẫn hằng ngày cày xới tuyến đê 378 đoạn qua địa bàn huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên
Qua quan sát, trên những phương tiện quá khổ, chở quá tải trọng đều gắn các "lô gô vua" như: TP, PTH, AP K, 9999... dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng, lộng hành cày xới nhiều tuyến đường. Người dân cho biết, đứng sau những “lô gô vua” này là những “tay to, các phương tiện đã được “làm luật” để có thể vô tư hoạt động trên mọi ngả đường mà không bị xử lý?

Trước đó, trong quá trình ghi nhận thực tế nhiều ngày, phóng viên đã không nhận thấy bất kỳ lực lượng chức năng nào kiểm tra, xử lý. Chỉ khi nhận được đề nghị của phóng viên, Thiếu tá Lê Quang Huy - Đội trưởng Đội CSGT huyện Khoái Châu mới cho lực lượng ra dừng kiểm tra 2 phương tiện mang BKS: 89G-232.92 (đeo lô gô AP), 89C-248.33 (đeo lô gô TP). Tuy nhiên, cho đến nay, việc xử lý 2 phương tiện này đến mức độ nào vẫn đang là dấu hỏi?

Sau phản ánh của báo Nhà báo và Công luận, lãnh đạo Công an tỉnh Hưng Yên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên (Sở GTVT) đã có chỉ đạo kiểm tra, làm rõ và yêu cầu xử lý nghiêm những phương tiện quá khổ, chở quá tải trọng cho phép.
111
Những phương tiện có dấu hiệu quá khổ, quá tải cày xới tuyến đường 377 - huyện Khoái Châu khiến người dân vô cùng bức xúc.
Ảnh ghi nhận ngày 13/12
Để có thông tin khách quan, phóng viên đã liên hệ với Sở GTVT tỉnh Hưng Yên và đã có buổi làm việc với ông Phạm Đức Quang - Chánh Thanh tra Sở GTVT. Tại buổi làm việc, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Hưng Yên cho rằng, việc xử lý các phương tiện quá khổ,  quá tải gặp nhiều khó khăn do lực lượng “mỏng”, chỉ có một trạm cân mà địa bàn rộng, các phương tiện có thể chuyển đi đường khác để né trạm cân. Trong khi đó, cơ chế phối hợp giữa Thanh tra giao thông với lực lượng CSGT gần như không có.

“Đến giờ phút này, Thanh tra giao thông Hưng Yên đến tháng 10/2021 mới có 7 biên chế. Còn lại có thêm 4 đồng chí hợp đồng 6 tháng làm nhiệm vụ lái xe. Còn từ tháng 10/2021 - trở về trước, thanh tra Sở có 3 biên chế. Vì lực lượng biên chế quá mỏng như vậy nên giai đoạn đầu thanh tra rất nhiều việc, giai đoạn trước chủ yếu làm nhiệm vụ tuyên truyền,  nhắc nhở và xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông. Sau khi biên chế được 7 đồng  chí thì mới tập trung vào xử lý các phương tiện, quá khổ, quá tải và điểm chính là thông  qua các điểm cân tải trọng xe; bắt đầu từ tuyến đường 379 đoạn qua các huyện Văn Giang, Yên Mỹ, Khoái Châu”, ông Phạm Đức Quang nói.
111
Ngày 13/12, phóng viên ghi nhận các xe ben nặng từ 40 - 60 tấn chở cát vô tư vượt biển cấm (đường 206)
đoạn qua thị trấn Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên
Ông Phạm Đức Quang cho biết, trong tháng 11/2021, qua kiểm tra 60 phương tiện tại tuyến đường 379 đã phát hiện, xử lý 9 phương tiện với số tiền xử phạt 225 triệu đồng (trong đó, lực lượng Thanh tra Sở GTVT xử phạt 6 trường hợp, lập 11 biên bản vi phạm hành chính với số tiền là 196.300.000 đồng; lực lượng CSGT - Công an huyện Văn Giang xử phạt 3 trường hợp với số tiền là 28,7 triệu đồng). Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 6 trường hợp; tước quyền sử dụng phù hiệu 4 trường hợp. Lỗi chủ yếu là chở quá tải trọng, cao nhất có trường hợp lên đến 47-48% (tải trọng trục).

Theo như tài liệu Thanh tra Sở GTVT Hưng Yên cung cấp, các đơn vị vi phạm bị xử phạt, tước phù hiệu điển hình như: Hợp tác xã vận tải Vương Mai Hưng Yên, Công ty CP bê tông Sumi Vico Thủ Đô, Công ty TNHH XDTM&VT Trung Kiên, Hợp tác xã vận tải Đại Lâm, Hợp tác xã vận tải Tâm Phúc...
111
Ngày 13/12, xe ben mang BKS: 89B-204.79 có dấu hiệu quá khổ, quá tải rất rõ ràng chạy từ tuyến đê 378 qua đường 377 rồi qua tuyến 206 huyện Khoái Châu, vô tư vượt chốt CSGT huyện Yên Mỹ (đoạn 206 giao với Quốc lộ 39A - xã Minh Châu)
Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Hưng Yên cho biết, trong tháng 11/2021 chỉ xử lý được những phương tiện di chuyển trên đường 379. Với lý do "không còn người”, do đó, không có lực lượng Thanh tra giao thông tuần tra, phát hiện, xử lý các phương tiện vi phạm về quá khổ, quá tải trên các tuyến đường khác như: Quốc lộ 39A, đường 378, 377, 204, 206 đoạn qua địa bàn huyện Khoái Châu.

Trong buổi làm việc, ông Phạm Đức Quang cho rằng, địa bàn tỉnh Hưng Yên không rộng lắm, lực lượng CSGT rất là đông. Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 đội CSGT, trong đó riêng tuyến đê 378 có riêng 1 đội - từ Đội Tham mưu của Phòng CSGT. Từ đó, ông Quang đặt vấn đề: “Xử lý quá khổ, quá tải đâu độc riêng có Thanh tra giao thông, Công an người ta làm được chứ, chức năng người ta còn rộng hơn Thanh tra. Bây giờ, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch phối hợp với bên Công an để làm những ngày cuối năm và sang đầu năm  mới. Nhưng xây dựng kế hoạch sang chưa chắc người ta đã cho phối hợp...
111
Ông Phạm Đức Quang - Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Hưng Yên trong buổi làm việc với PV
Ông Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Hưng Yên cũng cho biết: “Bây giờ đi trạm cân với các đội tuần tra là phải sang (sang bên lực lượng CSGT + PV) bằng các mối quan hệ quen biết, anh em tình cảm là phải xin người ta thì người ta mới cho 1 người, mà cho là cho công an huyện, chứ không cho công an tỉnh”.

Cho rằng lực lượng CSGT là nòng cốt trong xử lý các phương tiện quá khổ, quá tải, trong khi đó lực lượng Thanh tra giao thông lại "mỏng" ông Phạm Đức Quang nêu vấn đề: "Để làm tại một trạm cân phải có 5 người (Thanh tra giao thông - PV), nếu 2 người thì không làm được. Để cưỡng chế lái xe có hành vi chống đối phải có 4-5 người, nếu 2-3 người đi thì họ không coi ra cái gì cả. Việc đuổi theo xe thì bị cấm, khi dừng xe không có lực lượng lái xe sẽ rẽ xe chạy luôn. Thế nhưng bên cạnh đó lực lượng công an rất đông. Tôi nói đơn giản nhất như một cái xe nó chạy từ đây (từ TP Hưng Yên - PV) đến Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên - PV) mà Văn Lâm mới bắt được quá tải, thì từ đây lên Văn Lâm không có Công an à? Chỗ đấy nên đặt câu hỏi như thế nào? Ở đây tôi không đổ lỗi cho lực lượng Công an. nhưng cái này nó là thay đổi cả một nền tư tưởng, cả một hệ thống. Chứ bảo bây giờ cứ bảo quá khổ, quá tải đổ cho Thanh tra thì Thanh tra cũng không làm được...

Ông Phạm Đức Quang cũng chia sẻ: “Riêng lực lượng Thanh tra thì doanh nghiệp bây giờ họ tinh lắm, nó biết lực lượng của ông ít, vừa rồi họ còn đồn Thanh tra giao thông Hưng  Yên giải thể cơ mà. Giờ lại xuất hiện hình bóng của các ông thì có những xe đấu tranh suốt một đêm cứ ì ra đấy, bản thân lái xe có cầm giấy phép, giấy tờ trên xe nhưng không xuất trình, chờ ý kiến của chủ, đấu tranh mãi mới xuất trình. Bên cạnh đó còn những mối quan hệ này khác rồi tạo điều kiện cho doanh nghiệp... "
111
Theo chúng tôi được biết, có nhiều phương tiện gắn "logo TP" nhằm mượn danh ông Lương Duy Tân - chủ một doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện Yên Mỹ để vô tư chạy qua mặt cơ quan chức năng
Liên quan đến việc nhiều phương tiện chở quá khổ, quá tải đeo các "lô gô vua”, ông Phạm Đức Quang cho biết, chức năng nhiệm vụ của Thanh tra giao thông không phải Cảnh sát điều tra để tìm hiểu việc đó, việc người dân phản ánh là việc của họ. Tuy nhiên, trong quá trình đi làm có hỏi lái xe tại sao treo biển (biển gắn lô gô - PV) đó thì họ lại gỡ xuống. 'Ở Hưng Yên có nhiều chủ doanh nghiệp mối quan hệ tương đối tốt, làm ăn có phong cách, có thái độ chuẩn chỉ. Bên cạnh đó là uy tín người ta với thị trường, lãnh đạo là có,nhiều   khi là người ta có một cái biển nào đó. Nhưng cũng có rất nhiều ông ăn theo, cắt cái biển đó dán vào xe..., ông Quang nói.

Qua những nội dung trả lời báo chí từ ông Phạm Đức Quang - Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Hưng Yên thì có thể thấy rằng, việc phối hợp xử lý những phương tiện quá khổ, quá tải giữa hai lực lượng Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông gặp nhiều khó khăn. Trong khí đó, với lý do lực lượng "mỏng" thì rõ ràng để phát hiện, xử lý một cách quyết liệt các phương tiện quá khổ, quá tải đang ngày đêm cày xới nhiều tuyến đường dường như là điều "bất khả thi" đối với lực lượng này.


 
Theo Quốc Trần /NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây