Theo chương trình dự kiến, hôm nay (24/3), Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đây sẽ là một dịp để các cơ quan, ban ngành nhìn nhận, đánh giá lại quá trình cải cách khối DNNN thời gian qua.
Thủ tướng muốn biết: Vì sao nguồn lực lớn nhưng sức ỳ cũng lớn?
Chia sẻ với phóng viên của Nhà báo và Công luận, ông Đặng Quyết Tiến (Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính) cho biết, khi quyết định tổ chức hội nghị toàn quốc về DNNN, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tỏ rõ 2 vấn đề Thủ tướng muốn ở hội nghị này.
Thứ nhất, theo ông Tiến, tại hội nghị lần này, Thủ tướng muốn DNNN bộc bạch những khó khăn vướng mắc liên quan đến Đề án tái cơ cấu DNNN. Thứ hai, Thủ tướng muốn hỏi DNNN câu hỏi: vì sao có nguồn lực nhiều như thế, có bộ máy và con người tốt, quy định pháp lý cũng có rồi nhưng chưa hiệu quả, phát triển chưa tốt và sức ì rất lớn. Có lực cản nào không? Lực cản từ cơ quan nhà nước là thể chế chưa tốt, hay lực cản về quản lý từ cơ quan đại diện chủ sở hữu, hay lực cản là ở doanh nghiệp trong việc tổ chức, vận hành? Trong khi các thành phần kinh tế khác nguồn lực của họ ít như thế mà họ vẫn vận hành và phát triển được?
“Hội nghị này sẽ rất cởi mở, dân chủ để các DNNN nói lên và cơ quan quản lý Nhà nước lắng nghe, đề xuất những định hướng giải pháp để thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu DNNN, để DNNN phát triển, hiệu quả”, Cục trưởng Đặng Quyết Tiến nói.
Kỳ vọng ở hội nghị về DNNN lần này, theo ông Tiến là rất lớn. Đó là sau hội nghị, cỗ xe DNNN nhanh chóng lăn bánh và lăn bằng các thành phần kinh tế khác, chứ không phải lăn được một đoạn lại dừng, ông Tiến chia sẻ. Nói lên điều này, Cục trưởng Cục Tài chính DNNN chỉ ra dư địa cho cỗ xe DNNN rất lớn, nguồn lực đã nhiều, đặc biệt trong giai đoạn thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thì nguồn lực rất nhiều.
Thông điệp đưa ra tại Hội nghị này được xác định: Chính phủ sẽ đồng hành cùng DNNN, sẽ tạo thể chế tốt nhất - thể chế phục vụ để doanh nghiệp tốt hơn, chứ không phải là thể chế để quản lý doanh nghiệp. Doanh nghiệp làm ăn hiệu quả sẽ được tôn vinh. Nhưng những làm ăn sai pháp luật sẽ bị xử lý kiên quyết. Thủ tướng cũng hỏi, để DNNN tốt hơn, doanh nghiệp có dám mạnh dạn làm và chịu trách nhiệm không. Dám làm thì cần những gì, cần giải pháp gì, cần thể chế gì và gắn với trách nhiệm như thế nào…
DNNN đã bị nhìn như những đứa trẻ hư, chậm phát triển
Và một thông điệp quan trọng của hội nghị lần này, xây dựng nhận thức mới về DNNN, thổi khí thế mới vào DNNN. “Thực sự thời gian qua, tất cả chúng ta đều coi DNNN như những đứa trẻ hư, cứ nhìn DNNN là chỉ thấy thua lỗ yếu kém sai phạm vi phạm pháp luật. DNNN là những đứa trẻ chậm phát triển. Vì thế một phần tâm lý của lãnh đạo DNNN là tự ty, không muốn làm”, ông Tiến nói.. Thực tế, khu vực DNNN không phát triển được như kỳ vọng, còn nhiều tồn tại.
"Nhưng DNNN cũng đã có những đóng góp đáng kể. Những lúc đất nước khó khăn, thể hiện rõ nhất trong hai năm đại dịch Covid-19, các DNNN đã thể hiện rõ vai trò của mình. Dù sao trong DNNN vẫn còn sự trì trệ, và còn vướng về quan điểm nhận thức. Vẫn có những người sợ trách nhiệm không dám làm", ông Tiến nói thêm.
Hội nghị này là cơ hội để doanh nghiệp bày tỏ. Có rất nhiều tổng giám đốc sẽ nói “Chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm”, nhưng cũng cần có thể chế và giải pháp phù hợp. Ông Tiến cho rằng, từ các vấn đề doanh nghiệp nêu, những gì doanh nghiệp cho biết họ đang cần, đó là cơ sở để cơ quan nhà nước thiết kế thể chế. Thiết kế thể chế lần này là theo hướng mở để tạo khuôn khổ cho DNNN làm và thể chế phải làm sao để giảm bớt hình sự hóa các vấn đề kinh tế.
Lâu nay, DNNN vẫn mong được bình đẳng với các thành phần doanh nghiệp khác, mong được linh hoạt, chủ động quyết định chuyện làm ăn trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Ông Đặng Quyết Tiến cũng có quan điểm: Cơ quan chủ sở hữu chỉ cần làm đúng chức năng quản lý vốn nhà nước, không can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp. Ngay Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (UBQLVNN) tại doanh nghiệp cũng nên được xác định lại vai trò. Đó là vai trò của nhà đầu tư, là cổ đông lớn chứ không nên là một cấp trung gian thêm đầu việc. UBQLVNN chỉ giám sát vốn quản lý động đầu tư vốn.
Các vấn đề về quản trị DN, các vấn đề điều hành liên quan đến sản xuất kinh doanh để lãnh đạo DN quyết định và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Thực tế là với cơ quan chủ sở hữu vẫn quản quá nhiều việc của doanh nghiệp nên đây chính là một cản trở, không ít doanh nghiệp đã mất nhiều cơ hội làm ăn.
Động lực để DN toàn tâm toàn lực đó là lợi ích
Một vấn đề quan trọng nữa là DNNN cần động lực. Và một động lực quan trọng đó chính là cơ chế tiền lương tiền thưởng hợp lý theo cơ chế thị trường còn nếu DNNN DN làm ra trăm ngàn tỷ cũng vẫn phải áp theo bảng lương cứng cùng doanh nghiệp thua lỗ thì DNNN vẫn sẽ chỉ đi ngang. Và nếu không có được cơ chế tiền lương tiền thưởng phù hợp thì nguồn nhân lực của DNNN có nguy cơ bị “đào chân tường”.
Và như Cục trưởng Cục Tài chính doanh nói: “Một trong những động lực để DN toàn tâm toàn lực đó là lợi ích. Lợi ích quan trọng nhất là tiền lương phải tương xứng với hiệu quả công việc của họ không tương xứng họ sẽ tìm cách khác để tăng thu nhập hoặc đi tìm lợi ích ở chỗ khác”.
Doanh nghiệp làm ăn hiệu quả cần được hưởng tiền lương xứng đáng. Vấn đề này đã được đề cập đến từ lâu và Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, vừa được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 (Đề án 360) đã đề cập đến nội dung này. Việc còn lại là Bộ Lao động Thương binh và xã hội phải nghiên cứu để đưa ra cơ chế tiền lương hợp lý cho DNNN. Hướng thay đổi cơ chế tiền lương, đó là người lao động thì hưởng lương theo năng suất lao động, tiền lương tăng theo tốc độ tăng năng suất lao động. Lãnh đạo hưởng lương theo hiệu quả doanh nghiệp. Tiền lương không tương xứng, sẽ nhiều người.
Cục trưởng Đặng Quyết Tiến tin rằng, Hội nghị của Thủ tướng với DNNN lần này và Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” vừa được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 (Đề án 360) sẽ tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động của cả cơ quan quản lý, chủ sở hữu và của chính lãnh đạo DNNN.
"DNNN sẽ có một khí thế mới, tâm lý mới, động lực mới. Lãnh đạo DNNN không còn phải mang tâm lý tự ty. Lãnh đạo DNNN có không gian, có động lực để dám quyết dám làm, phát huy sức sáng tạo, nỗ lực đổi mới và tiên phong. DNNN sẽ phát triển tốt, sẽ có nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn, có thương hiệu tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế", ông Tiến nói.
Theo Hà Chi/NB&CCL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên