Căng thẳng cuộc chiến giá phân bón trong nước (bài 5): Dùng phân bón “nhà làm” giảm ngay 30% chi phí

Thứ năm - 24/03/2022 06:25
Giá vật tư tăng cao đặt ra yêu cầu giảm lượng phân, thuốc trên cây trồng; song cũng là cơ hội để người trồng sử dụng phân bón hữu cơ nhiều hơn. Thực tế cho thấy, đã có nhiều mô hình trồng tiêu sạch; hạn chế phân bón và thuốc hóa học.

Dùng phân dê, đạm cá thay thế phân bón hóa học

Từ cuối năm 2007, tỉnh Bình Phước khởi động dự án phát triển chuỗi cung ứng hồ tiêu bền vững. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 2.400 nông hộ trồng tiêu tham gia phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững này.

HTX hồ tiêu Lộc Quang (huyện Lộc Ninh) với 29ha đang được các thành viên canh tác theo hướng hữu cơ bền vững.

Ông Phạm Thanh Chung - Giám đốc HTX cho biết, ngày trước, vì muốn thu được lợi nhuận lớn, nhiều nông dân lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để tăng năng suất.

111
Vườn hồ tiêu canh tác theo hướng hữu cơ của HTX hồ tiêu Lộc Quang (huyện Lộc Ninh, Bình Phước). Ảnh: Trần Khánh

Quá trình lạm dụng này khiến đất đai thoái hóa, sâu bệnh kháng thuốc. Để vườn tiêu sinh trưởng tốt, HTX Lộc Quang ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học để tạo hữu cơ có lợi, giúp cây tiêu tăng cường khả năng kháng bệnh và sinh trưởng tốt.

Phế phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương HTX tận dụng, chế biến thành công các loại phân bón hữu cơ như dịch trứng gà lên men, dịch đạm cá, đậu nành ngâm ủ. 

Nguồn phân hữu cơ này có hàm lượng dinh dưỡng cao, không thua kém các loại phân bón hóa học.

Các thành viên của HTX  còn trồng cây cỏ lạc tiên ngay trong vườn tiêu. Lớp cỏ lạc tiên này vừa bổ sung mùn hữu cơ cho vườn tiêu vừa làm thức ăn để nuôi dê. Nguồn phân thải từ chuồng dê lại được ủ hoai mục để bón ngược lại cho vườn tiêu.

Ông Chung cho biết, 1 bao phân dê hiện có giá 60.000 đồng (30-35 kg) và có thể bón được cho hơn 10 trụ tiêu.

Mỗi năm, 1ha hồ tiêu cần dùng 200-250 bao phân dê, tốn khoảng 12-15 triệu đồng. Trong khi đó, 1 đợt bón phân bón hóa học tốn khoảng 15-18 triệu đồng.

Tính tổng cộng, việc tự làm phân hữu cơ hiệu quả hơn rất nhiều.

"Chi phí cho phân bón hữu cơ cho 1 vụ tiêu khoảng 35-40 triệu đồng/ha; giảm khoảng 30% chi phí so với mua phân bón hóa học đang tăng cao như hiện nay", ông Chung nhận xét.

111
Thành viên HTX hồ tiêu Lộc Quang (huyện Lộc Ninh, Bình Phước) bón dung dịch hữu cơ ngâm ủ cho vườn tiêu. Ảnh: Trần Khánh

Ông Đặng Dương Minh Hoàng, chủ nông trang Thiên Nông cũng đang trồng hồ tiêu theo hướng hữu cơ ở xã Phú Văn (huyện Bù Gia Mập). Vườn tiêu của ông rộng 8ha, nằm giữa vùng đệm bao bọc là rừng cao su hơn 15 năm tuổi.

Để đảm bảo hạt tiêu đạt chuẩn hữu cơ, toàn bộ cỏ dại quá lứa trong vườn tiêu được cắt, phát đi chứ không phun thuốc diệt cỏ. Ông Hoàng còn thu mua nguồn cá tạp ở lòng hồ thủy điện Thác Mơ để ủ làm phân bón thay cho phân hóa học. 

Toàn bộ vườn tiêu của ông cho sản lượng 6 tấn. Tính ra, năng suất bình quân chưa đạt tới 1 tấn/ha. Tuy nhiên, sản phẩm tiêu hữu cơ của ông vẫn được các công ty thu mua với giá cao hơn thị trường. 

Ông Hoàng khẳng định cách làm của mình là chấp nhận năng suất thấp để đảm bảo chất lượng nông sản.

"Lợi nhuận được bù lại từ việc tiết giảm chi phí vật tư đầu vào; giá bán và đầu ra ổn định", ông Hoàng nói.

Dùng phân bón hữu cơ để tạo ra sản phẩm sạch

Sau khi được tập huấn, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), đã sử dụng men vi sinh IMO để sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho vườn tiêu của mình.

Theo tính toán của người trồng tiêu, nếu làm phân bón với khối lượng hơn 1 tấn cá tạp có thể bón cho 1ha/năm. Mỗi năm, nông dân tiết kiệm được khoảng 50-60 triệu đồng/ha chi phí phân bón.

Ông Lê Văn Chính trồng tiêu ở xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) đã tự lên men vi sinh IMO rồi ủ đạm cá làm phân bón hồ tiêu.

Ông Chính kể, phân đạm IMO từ 200kg cá tạp có tác dụng tương đương 500kg phân urê. Phân urê có tác dụng nhanh những dễ làm chai đất. Trong khi đạm cá hữu cơ cho hiệu quả lâu bền.

"Làm phân bón từ IMO không chỉ hạn chế tồn dư chất hóa học trong các sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường tại các vùng sản xuất hồ tiêu chuyên canh như xã Lâm San", ông Chính nói.

111
Tiêu sạch của nông dân xã Lâm San được HTX Hồ tiêu Lâm San (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) thu mua chế biến để xuất khẩu.
Ảnh: Trần Khánh

Ông Trương Đình Bá – Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San cũng là người trồng tiêu ở địa phương. Sau 3 lần phun xịt chế phẩm IMO bảo vệ thực vật, sâu bệnh trên vườn tiêu của ông Bá giảm rõ. 

Ông Bá kể, nhiều năm trước, khi chưa có chế phẩm bảo vệ thực vật hỗ trợ, người dân thường sử dụng các nguyên liệu tự nhiên để làm phân bón và thuốc trừ sâu.

Tuy nhiên do cách làm tự phát và cũng không dựa trên nghiên cứu khoa học nào nên hiệu quả mang lại không cao. Người dân lại tiếp tục lạm dụng chế phẩm hóa học.

"Hiện nay, với giải pháp IMO, cách sản xuất nông nghiệp truyền thống được áp dụng một cách chính thống, minh bạch và hiệu quả hơn", ông Bá nói.

Theo ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, việc giảm phân bón hóa học bằng cách tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cũng là cách cân bằng lại hệ sinh thái, dinh dưỡng và hệ sinh vật đất cho vườn tiêu.

Sản xuất của nông dân phải hướng đến tính chất bền vững. Lợi ích từ IMO hay các giải pháp hữu cơ sinh học khác là giảm tối đa chi phí phân, thuốc bảo vệ thực vật, chủ động nguồn đầu tư để tạo ra sản phẩm sạch.

"Thị trường xuất khẩu hồ tiêu vẫn rất lớn, nhất là tiêu sạch. Nông dân phải thay đổi nhận thức, thay đổi thói quen canh tác để tạo ra sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính", ông Phi chia sẻ.

 

Theo Trần Khánh/Dân Việt

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây