Vạch trần thực trạng “trồng rừng trên giấy” để hưởng lợi từ chính sách

Thứ tư - 05/01/2022 11:12
Tác phẩm truyền hình “Những dự án trồng rừng trên giấy” của nhà báo Quách Tuấn Quỳnh, Hoàng Văn Hương - Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Giang vừa đoạt giải C ở nội dung tin, phóng sự, ký sự truyền hình tại Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV năm 2020.

Phóng sự có độ dài 11 phút đã cho thấy tinh thần quyết tâm, bản lĩnh, không ngại va chạm, nêu rõ thực trạng quản lý rừng, đất đai tài nguyên ở một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn.

Làm rõ việc lạm dụng chính sách trồng rừng để trục lợi

Nhà báo Tuấn Quỳnh - đại diện nhóm tác giả chia sẻ: Trước đó, trong giai đoạn 2010 đến năm 2020 toàn tỉnh Hà Giang đã có 22 dự án trồng rừng kinh tế được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư. Các dự án đều nhằm mục tiêu tăng diện tích rừng, trồng rừng kinh tế, kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng. Tuy nhiên không có bất cứ một dự án nào trong tổng số 22 dự án trên được triển khai theo đúng quyết định đã được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt, nhiều diện tích rừng vẫn là bãi đất hoang, có một số diện tích được trồng nhưng không chăm sóc bảo vệ dẫn đến không thể thành rừng. Thậm chí nhiều doanh nghiệp sau khi nhận được dự án thì chia khoanh, bán đất mà chính quyền và các ngành không hề hay biết. Điều này không chỉ khiến cho tài nguyên bị lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước mà còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất an ninh trật tự.

Đặc biệt, trước khi thực hiện phóng sự UBND tỉnh có quyết định thanh tra 4 dự án trồng rừng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang đã tổ chức rà soát lại. Chúng tôi mở rộng thêm, tìm hiểu thêm các dự án khác. Những dự án mà đại diện cho các vùng, từ vùng thấp, vùng trung tâm thành phố Hà Giang tới vùng núi đá phía Bắc, tôi lựa chọn 3 vùng đó để đi ghi nhận thực tế” - nhà báo Tuấn Quỳnh cho biết.

111
Nhà báo Quách Tuấn Quỳnh (bên phải) - Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Giang
tác nghiệp trong phóng sự truyền hình “Những dự án trồng rừng trên giấy”.
 

Nhận thấy đề tài về rừng luôn được nhiều khán giả quan tâm, nhà báo Tuấn Quỳnh cùng đồng nghiệp đã đến các địa phương thuộc huyện Vị Xuyên, thành phố Hà Giang và huyện Yên Minh (đại diện cho huyện vùng cao) để ghi nhận. Sau khi xong 3 địa phương này, cả ê-kíp mở rộng ra các địa phương khác để có nhiều thông tin, hình ảnh một các khách quan, đầy đủ và chính xác. Cả ê-kíp đã đi tìm hiểu, phỏng vấn người dân ở thôn, xã, các ngành quản lý chuyên môn để có tư liệu và hiểu rõ hơn về thực trạng của các dự án.

Triển khai một đề tài lớn ở nhiều địa bàn khác nhau, liên quan đến nhiều cấp, ngành, kể cả các doanh nghiệp, ê-kíp đã gặp không ít khó khăn. Đặc biệt tất cả các dự án này đều được UBND tỉnh cho phép triển khai và đã triển khai từ năm 2010. Trong khi thời điểm đó chưa có ngành nào có báo cáo, kiểm tra cụ thể về các dự án này. Không chỉ đánh giá thực trạng, phóng sự “Những dự án trồng rừng trên giấy” còn xoáy sâu khai thác việc thực hiện chính sách trồng rừng, trông coi, phát triển rừng. Nhìn nhận khách quan cho thấy rõ mấu chốt nằm ở việc chúng ta đang thiếu sâu sát kiểm tra. Theo đó, từ lâu Chính phủ đã ban hành các thông tư, nghị định, hướng dẫn về việc hỗ trợ phát triển rừng, giữ rừng, bảo vệ rừng nhưng việc thực hiện ở thực tế địa phương lại không có. 

111

Tất cả các dự án này đều ở vùng sâu, vùng xa nên khi xuống địa bàn, đường đi rất khó khăn, tìm về các xã, chính quyền đã có thay đổi sau 10 năm. Nhiều cán bộ không nắm thông tin về các dự án trồng rừng này. Thậm chí có một số xã khi nhắc đến mới biết xã mình có dự án trồng rừng và có diện tích rừng đang được một đơn vị khác quản lý. Chúng tôi mất hơn 1 tháng để thu thập tài liệu, nhiều hình ảnh tư liệu ở các huyện xa chưa đủ ,chúng tôi phải quay trở lại, lấy thêm tư liệu hình ảnh”, nhà báo Tuấn Quỳnh chia sẻ.

Có thể nói, với những hình ảnh gần gũi, chân thật, phóng sự đi sâu phân tích thực tế việc cá nhân, doanh nghiệp, lạm dụng chính sách trồng rừng của Nhà nước để trục lợi. Từ đó, làm rõ trách nhiệm quản lý rừng của các ngành chức năng liên quan, nêu lên vấn đề nhức nhối khi doanh nghiệp chỉ trồng rừng trên giấy để hưởng lợi tiền hỗ trợ từ chính sách.

Công tâm khách quan, lắng nghe thông tin nhiều chiều

Phóng sự “Những dự án trồng rừng trên giấy” của Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Giang đã cho thấy tinh thần quyết tâm, bản lĩnh, không ngại va chạm, nêu rõ thực trạng quản lý rừng, đất đai tài nguyên ở một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn. Vượt qua mọi rào cản, ê-kíp đã hoàn thiện một phóng sự mà ở đó khán giả hiểu rõ hơn những bất cập, lỗ hổng trong công tác quản lý cũng như các quy định, chính sách pháp luật, đề ra những giải pháp thiết thực cho các ngành chức năng. Sau khi phóng sự được phát sóng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang đã cho thanh tra lại toàn bộ các dự án trồng rừng, chấn chỉnh tình trạng trồng rừng trên giấy, rút giấy phép đối với những đơn vị vi phạm.

111

Đối với nhà báo Tuấn Quỳnh, Giải C Giải Báo chí Quốc gia năm nay đã tiếp thêm cho anh động lực say nghề. Đó là là phần thưởng dành cho những đóng góp nỗ lực không ngừng của người làm báo ở địa phương. Chia sẻ về kinh nghiệm trong quá trình làm nghề, nhà báo Tuấn Quỳnh cho biết: Điều đầu tiên tôi nghĩ là người làm báo phải đứng trên lập trường của báo chí cách mạng, với vai trò của người làm báo cần phải vững tâm trước mọi hoàn cảnh. Xác định nhìn nhận vấn đề bằng cái tâm trong sáng, không trù dập bất cứ ai. Luôn luôn đứng ở góc độ người làm báo muốn tìm hiểu rõ vấn đề để truyền đạt lại cho dân hiểu. Trả lời cho người dân những câu hỏi mà họ còn chưa biết rõ. Trong quá trình tác nghiệp, khi đi thực tế cơ sở, người phóng viên cũng cần nghe thông tin nhiều chiều, tránh phiến diện, nóng vội, tránh việc chỉ nghe một cá nhân phản ánh về một vấn đề lớn. Những thông tin thu thập được cảm thấy chưa chắc chắn, ở cơ sở chưa nắm thì được cần làm rõ trước khi đăng tải…

111
Nhiều diện tích rừng vẫn là bãi đất hoang, có một số diện tích được trồng nhưng không chăm sóc bảo vệ

Nhà báo Tuấn Quỳnh cũng “bật mí” thêm rằng, thực tiễn sẽ phát sinh nhiều thông tin “nằm ngoài kịch bản” ban đầu, do đó cũng cần phải linh hoạt đan xen vào để phóng sự thêm phong phú và toàn diện. Bởi vậy, phóng sự này nhóm tác giả không chỉ nói về những bất cập trong chính sách, về thực trạng doanh nghiệp quản lý đất, những người dân trồng rừng trên đất mà còn xảy ra tình trạng tranh chấp đất đai, xung đột giữa người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sau khi nhận dự án, thay vì trồng cây gây rừng lại mở đường để chia lô bán đất mà chính quyền và các ngành không biết…

Có thể nói, “Những dự án trồng rừng trên giấy” cho thấy sự vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ của người làm truyền hình ở địa phương khi tiếp cận vấn đề. Phóng sự có hình ảnh đơn giản, nhưng gần gũi, dễ hiểu, mỗi thước phim đều đúng người, đúng đối tượng càng tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm.

 

Theo Lê Hiếu/NB&CL

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây