Người chăn nuôi "ngấm đòn" do giá thức ăn chăn nuôi tăng "dựng đứng", hơn 1 năm tăng đến 10 lần

Thứ sáu - 18/03/2022 15:59
Giá thức ăn chăn nuôi tăng đến 10 lần chỉ trong vòng hơn 1 năm khiến người chăn nuôi “ngấm đòn”. Trong khi giá lợn hơi, gia cầm bấp bênh, từ sau Tết Nguyên đán tới nay có xu hướng giảm.

Thường xuyên duy trì quy mô 200 con nái và 600 lợn thịt, thế nhưng so với thời điểm trước Tết Nguyên Đán, thì giờ đây, ông Đỗ Xuân Nhung, ở xã Kim Quan, huyện Thạch Thất (Hà Nội) phải chi thêm 6 triệu đồng mỗi ngày cho chi phí thức ăn chăn nuôi.

Nguyên nhân là do giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng. Tháng 3/2022, nhiều công ty tiếp tục thông báo tăng giá. Tính từ cuối năm 2020 tới nay thì đây là lần tăng giá thứ 10.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi giá lợn hơi từ sau Tết đến nay chỉ loanh quanh từ 50.000 - 55.000 đồng/kg khiến ông Nhung gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất.

"Giá thức ăn chăn nuôi từ năm ngoái đến nay tăng rất cao, hiện nay đang có chiều hướng tăng mà giá thực phẩm thì hạ nên người chăn nuôi gặp rất khó khăn. Mọi khi các trại làm còn có công có lãi nhưng giá thị trường thế này đối với người chăn nuôi thì chẳng được gì, chưa nói đến việc thua lỗ", ông Nhung buồn bã chia sẻ.

111
Từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng "dựng đứng" lên lần thứ 10, người chăn nuôi gặp khó. Ảnh: M.N
 

Với những nông hộ quy mô nhỏ hơn như ông Nguyễn Văn Sáu, ở xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất (Hà Nội) gặp rất nhiều khó khăn khi mỗi kg cám đã tăng từ 200 - 300 đồng/kg.

Mỗi ngày, ông Sáu đang phải chi thêm khoảng 200.000 đồng tiền cám cho đàn lợn thịt hơn 60 con. Đây cũng là lý do ông Sáu chưa dám tái đàn sau Tết để khôi phục sản xuất.

"Nếu giá thế này chăn nuôi không có công, đấy là còn chưa kể rủi ro về dịch bệnh", ông Sáu nói. 

Hiện, cám dành cho lợn nái tiếp tục tăng khoảng 25.000 - 30.000 đồng/bao (loại 25 kg) lên 270.000 - 290.000 đồng/bao, còn cám dành cho lợn thịt ở mức 330.000 - 360.000 đồng/bao. Riêng một số loại thức ăn đậm đặc có giá lên đến 600.000 - 700.000 đồng/bao.

Sáng nay, 18/3, tại Hội nghị Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, thức ăn chăn nuôi chiếm từ 60 - 65% giá thành chăn nuôi lợn. Người chăn nuôi đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Tổng đàn lợn trong nước phục hồi trở lại, năm 2020 đạt 22 triệu con, năm 2021 là 28 triệu con. Tuy nhiên, trái ngược với đà phục hồi của tổng đàn thì giá lợn hơi từ đầu năm 2021 đến nay bấp bênh và xu hướng chủ yếu là giảm.

Cụ thể, từ tháng 1/2021 - 8/2021, giá lợn hơi xuất chuồng giảm 30 - 35%, duy trì ở mức thấp 43.000 - 49.000 đồng/kg; đến tháng 11/2021 tăng nhẹ lên 50.000 đồng/kg; tháng 12/2021 tăng lên 54.000 - 57.000 đồng/kg và duy trì đến trung tuần tháng 2/2022. 

Đến cuối tháng 2/2022 giảm xuống còn 53.000 - 56.000 đồng/kg. Sang đầu tháng 3/2022 giảm xuống còn 50.000 - 53.000 đồng/kg.

111
Công nhân đổ thức ăn chăm sóc đàn lợn nái tại trang trại của ông Phan Văn Miền (ở Yên Mô, Ninh Bình). Ảnh: HĐ

Theo Cục Chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao từ tháng 10/2020 đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt tăng mạnh từ đầu năm 2022 do hạn chế nguồn cung (căng thẳng Nga - Ukraine). Hiện Việt Nam phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu lên tới 65%.

So với cùng kỳ tháng 3/2021, giá nguyên liệu thức ăn tháng 3/2022 đều tăng, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm ngũ cốc: Ngô hạt 10.200 đồng/kg, khô dầu đậu tương 16.500 đồng/kg, DDGS (bã ngô) 10.300 đồng/kg, lúa mì 9.850 đồng/kg. Cục Chăn nuôi dự báo giá nguyên liệu vẫn duy trì và tăng đến hết năm 2022.

Do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh kéo theo giá thức ăn công nghiệp trong nước cũng tăng. So với cùng kỳ năm 2021, giá thức ăn cho lợn thịt xuất chuồng 12.500 đồng/kg; thức ăn cho gà lông màu 13.400 đồng/kg, thức ăn cho gà lông trắng 14.100 đồng/kg.

Để giảm phụ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài, theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, chúng ta cần phải phát triển các vùng trồng trọt hiệu quả thấp sang trồng cây thức ăn công nghiệp (ngô, sắn...)

Tiếp đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ xây dựng khẩu phần thức ăn công nghiệp từ nguyên liệu trong nước để hạ giá thành sản phẩm thức ăn công nghiệp.

Mặt khác, từng bước điều chỉnh cơ cấu vật nuôi theo hướng tăng chăn nuôi gia súc ăn cỏ, gia cầm. Tận dụng các loại phụ phẩm trồng trọt, ngô sinh khối, cỏ, giảm tiêu thụ ngô, khô dầu...

Tăng diện tích đất trồng thâm canh các loại cỏ, ngô sinh khối làm thức ăn công nghiệp cho gia súc ăn cỏ.
 

 

Theo Minh Ngọc/Dân Việt

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây