Doanh nghiệp vận tải "kêu cứu"
Trong phản ánh gửi tới Báo Lao Động, ông A - Giám đốc một doanh nghiệp vận tải đã cho biết chi tiết về những ảnh hưởng của hoạt động bảo kê hàng hóa.
Cụ thể, theo ông A, trong quá trình kinh doanh vận tải trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng, doanh nghiệp của ông thường xuyên bị một số đối tượng có hành vi: Trực tiếp hoặc gọi điện đe dọa, chặn xe yêu cầu đi sau hoặc không được đón khách tại khu vực Đại lộ Thăng Long từ bến xe Yên Nghĩa đi ra.
Trường hợp lái, phụ xe không thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng này sẽ bị đe dọa, chửi bới, đánh đập.
"Điển hình vào 9h ngày 1.3, công ty chúng tôi có xe ô tô mang BKS 29B. 143xx, do lái xe P.V.T điều khiển, chạy từ bến xe Yên Nghĩa ra đến Đại lộ Thăng Long thì bị các đối tượng này chặn lại, không cho đón khách và hàng lên xe. Lái, phụ xe có hỏi lại thì các đối tượng này nhảy lên xe và hành hung nhân viên phụ xe. Và còn nhiều trường hợp lái xe bị gọi điện đe dọa, buộc phải chạy theo sự chỉ đạo của các đối tượng trên" - ông A cho biết.
Đáng chú ý, theo giám đốc doanh nghiệp vận tải, các đối tượng thực hiện hoạt động bảo kê, nếu doanh nghiệp nào hàng tháng không nộp tiền sẽ đe dọa nhân viên, các xe không được đón khách tại nơi mà nhóm này quản lý. Theo tìm hiểu của PV, con số mà các đối tượng yêu cầu doanh nghiệp nộp để được bảo kê là 140 triệu đồng/tháng.
"Các đối tượng này đã nhiều lần đến trụ sở công ty chúng tôi, đặt vấn đề bảo kê cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, do chúng tôi không đáp ứng nên những người này đã dùng các thủ đoạn chặn xe, đe dọa và hành hung" - ông A thông tin.
Theo ông A, những hành vi của các đối tượng trên đã gây thiệt hại rất lớn, không chỉ riêng với doanh nghiệp của ông. Tình trạng kéo dài khiến doanh thu sụt giảm. Nhiều lái, phụ xe lo sợ bị đe dọa và hành hung nên đã xin nghỉ việc dẫn tới hãng xe cũng phải giảm tần suất hoặc ngừng chạy.
Lái, phụ xe lo sợ, không dám lên tiếng
Anh B.V.S là phụ xe của đơn vị vận tải A.H cho biết mình cũng từng là nạn nhân bị hành hung bởi nhóm bảo kê ở khu vực Đại lộ Thăng Long. Sự việc diễn ra vào đầu tháng 3 vừa qua, khi anh S đi qua điểm đón khách nêu trên đã bị quân của Cường "trọc" không cho nhận hàng.
"Tôi có nói là từ trước đến nay, anh em phụ xe vẫn nhận hàng bình thường, sao hôm nay lại không cho nhận? Sau một lúc lời qua tiếng lại, tôi bị đội anh Cường tát và bắt ngồi một chỗ không cho nhận hàng" - anh B.V.S kể lại sự việc.
Còn theo anh T - phụ xe cho biết, sự việc diễn ra trong một thời gian dài nhưng anh em nhân viên không dám lên tiếng vì lo sợ bị trả thù.
"Nhiều trường hợp bị đánh, hành hung nhưng thực sự lái, phụ xe về cũng không dám thanh minh, không dám thắc mắc, không dám nói gì cả vì sợ. Mình vẫn còn làm ăn, đi lại trên này, nếu về mình nói với lãnh đạo công ty lúc đó lại um lên thì nó lại gây khó cho mình thôi. Vì vậy, anh em lái, phụ xe dù biết cũng chỉ ngậm ngùi, không biết nói sao được cả" - anh T chia sẻ.
Ngại va chạm, các phụ xe buộc phải tuân thủ "luật ngầm", mỗi đầu hàng hóa đều phải chi tiền "cắt phế". "Thu tiền tại chỗ luôn. Xe mình chuẩn bị ra là họ bắt đầu đi đếm hàng rồi thu tiền. Có ai phản kháng không nộp là bị đe dọa với đánh thôi. Mình đi làm cũng vì vợ vì con nên về cũng không dám báo cáo hay kêu ai" - anh T nói thêm.
Có thể thấy, suốt trong một thời gian dài, nhiều đơn vị vận tải phải "chịu trận" dưới sức ép của một nhóm đối tượng bảo kê. Những hành vi ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, quyền lợi người lao động và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên