“Nỗi đau con ốc vít” và sản phẩm “Make in Vietnam”

Thứ bảy - 19/12/2020 22:27
111
Sản phẩm Camera AI View "Make in Vietnam" đang được lắp đặt tại trụ sở của Qualcomm ở San Diego (California, Mỹ) mới đây.
​​​​​Ảnh: Thu Hằng

Ngày 15.12 vừa qua, ông Nguyễn Tử Quảng - CEO của Bkav - đăng tải trên trang Facebook cá nhân câu hỏi: “Có ai còn nhớ câu nói kinh điển “Việt Nam không làm nổi con ốc vít không nhỉ?”. 5 năm trước, câu nói trên được cho là “ngoáy vào nỗi đau” của ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam.

Thoát khỏi… “nỗi đau con ốc vít”

Cũng trong status trên của mình ngày 15.12, ông Quảng viết: “Hôm qua tôi viết một bài tham luận tổng kết năm của Bộ Thông tin và Truyền thông và phát hiện ra lâu lắm rồi người Việt Nam không bị miệt thị bởi cụm từ nêu trên nữa. Kể từ năm 2015, chúng ta đã có thể sản xuất smartphone cao cấp Make in Việt Nam. Và từ đó không ai còn nhắc lại câu nói này”.

Trao đổi với chúng tôi về cái “tút” trên, ông Quảng cho biết: “Câu nói “Việt Nam không làm nổi con ốc vít” thực ra chỉ mang tính biểu tượng cho rằng, ngành công nghiệp CNTT Việt Nam vào thời điểm đó không tự nghiên cứu, thiết kế và sản xuất được thiết bị, sản phẩm nào đáng kể. Chứ xét về mặt sản xuất, chúng ta không nhất thiết đi làm con ốc vít vì nó quá đơn giản, ít hàm lượng chất xám, giá trị thấp, đã có nhiều nhà sản xuất số lượng lớn và chất lượng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu chúng ta có thể đặt mua. Và nó chỉ có thể là một loại linh kiện trong tổng thể một thiết bị Make in Vietnam với hàng trăm thứ linh kiện cấu thành”.

Điều ông Quảng nói không gây ra bàn cãi vì đã phản ánh đúng thực tế. Theo nhà quan sát thị trường công nghệ uy tín Phạm Hồng Phước, tại Việt Nam có 2 hướng đi để phát triển sản xuất sản phẩm công nghệ “made in Vietnam” mà tiêu biểu là smartphone.

Thứ nhất là VinSmart, với tiềm lực tài chính mạnh, ban đầu đi mua hoặc thuê mướn công nghệ, thiết kế từ nước ngoài, sau đó tiếp tục đầu tư nghiên cứu và phát triển lên. Từ đó, VinSmart hiện đã trở thành một trong những nhà sản xuất Việt lớn nhất về các sản phẩm công nghệ như điện thoại, tivi, thiết bị IoT có nền tảng. Thứ hai là Bkav, có đội ngũ kỹ sư công nghệ có bề dày nghiên cứu, từ đó tự mày mò, khám phá các công nghệ mới, tạo hướng đi riêng.

Dấu ấn các sản phẩm “Make in Vietnam”

Cũng theo nhà quan sát Phạm Hồng Phước, hướng đi của Bkav cho thấy khả năng làm chủ công nghệ. Bởi ngoài smartphone là Bphone, Bkav mới đây còn sản xuất thành công Camera AI View xuất sang Mỹ cho tập đoàn công nghệ bán dẫn hàng đầu thế giới là Qualcomm để lắp đặt tại trụ sở, đồng thời cũng xuất một lô sang Ấn Độ.

“Công nghệ camera AI là sự tiến bộ của thế giới chứ không riêng chỉ Việt Nam” - ông Phước nhấn mạnh.

Trước đó, vào tháng 5.2020, Viettel đã từng giới thiệu thiết bị mạng 5G tại Hà Nội. Cho đến cách đây vài tháng, nhà sản xuất VinSmart cũng cho ra đời chiếc smartphone công nghệ 5G đầu tiên là Vsmart Aris 5G, không muộn nhiều so với thế giới.

Ông Nguyễn Tử Quảng cho rằng, với nhiều người và nhiều doanh nghiệp, chương trình “Make in Vietnam” trước hết là sự khích lệ tinh thần.

“Tuy nhiên với Bkav, đó là phương châm, triết lý giúp chúng tôi đầu tư nghiên cứu sáng tạo để tạo dựng nền tảng làm chủ công nghệ” - ông Quảng chia sẻ.

Trong khi đó, theo ông Vũ Minh Trí - CEO VNG Cloud: “Nếu như 5 năm trước câu hỏi đặt ra là vì sao phải chuyển đổi số, thì hiện câu hỏi là chúng ta cần làm như thế nào, bắt đầu từ đâu. Nền tảng của chuyển đổi số là dữ liệu, là kết nối dữ liệu. Cho đến thời điểm này, các doanh nghiệp đám mây của Việt Nam đã làm chủ được về hạ tầng, công nghệ, có đội ngũ kỹ sư 24/7 luôn sẵn sàng hỗ trợ”.

Từ góc nhìn hoạt động trong lĩnh vực phần mềm, ông Lâm Nguyễn Hải Long - CEO của Công ty phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC, TPHCM) cho biết, 5 năm qua ngành phần mềm Việt Nam liên tục tăng trưởng, Việt Nam lọt vào Top các khu công nghiệp phần mềm Châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng quan trọng nhất là, thị trường nội địa với các chương trình chính phủ điện tử, chuyển đổi số, cách mạng Công nghiệp 4.0 đã tạo “sân chơi” sôi động và rộng lớn hơn để các doanh nghiệp CNTT Việt Nam cung cấp sản phẩm, dịch vụ, giải pháp và từ đó được kích thích nghiên cứu và sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng.

“Ngành phần mềm nay cũng không còn đứng riêng chơi riêng, mà kết hợp với các công nghệ số trụ cột như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, 5G… để tạo nên các giải pháp, tiện ích thiết thực cho cuộc sống” - ông Long nói.


Theo Thế Lâm/Lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây