Đã 2h đêm, nhiệt độ ngoài trời hạ xuống 8 – 9 độ C. Dưới cái lạnh cắt da cắt thịt đặc trưng của mùa đông Đồng bằng Bắc Bộ, việc được chăn ấm đệm êm vào lúc này đã là một đặc ân.
Lục đục thức dậy, mặc thêm mấy chiếc áo ấm, người đàn ông nhẹ nhàng nhất có thể để không đánh thức vợ con. Ông lấy đèn, lấy vợt để đi ra đồng như thường ngày. Ruộng khoai tây sắp đến ngày thu hoạch, ông phải ra trông nom để không bị đàn chuột quấy phá.
Người nông dân cần mẫn, chăm chỉ ấy là ông Vũ Tiến Hoàn (thôn Tài Giá, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Năm 2001, sau những năm tháng phục vụ trong quân ngũ, công tác ở Đoàn nghi lễ Quân khu Thủ đô trên Hà Nội, ông trở về Thái Bình để thực hiện những đam mê của mình với đồng ruộng, với nông nghiệp.
Cùng với ông Lâm Văn Nhiệm là hàng xóm, hai người đàn ông đầu tư máy móc, người làm máy cấy, người làm máy gặt để làm dịch vụ nông nghiệp cho bà con nơi đây. Ngoài những lúc vất vả với ruộng đồng, ông Hoàn cũng túc tắc đi làm thêm thợ xây để kiếm thêm thu nhập về cho gia đình.
Đến những năm 2014, 2015, sản xuất nông nghiệp rơi vào khó khăn, người dân nơi đây bắt đầu bỏ hoang ruộng đất. Sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh những cánh đồng hoang cỏ mọc quá đầu thay cho màu xanh tươi mơn mởn của cây lúa như trước kia. Người dân địa phương bỏ đồng bỏ ruộng để đi làm thuê cho các công ty, xí nghiệp, khu công nghiệp với lí do lương đi làm một tháng bằng cả một vụ thu hoạch mà công việc cũng không vất vả như làm ruộng.
Ông Vũ Tiến Hoàn kể lại: “Ngày đó đã từng có nhiều doanh nghiệp về thuê đất của bà con để trồng trọt nhưng sau đấy bị mất mùa nên sau 1 năm đã ‘Bỏ của chạy lấy người’. Ruộng đồng lại tiếp tục bị bỏ hoang.”
Không đành lòng nhìn những cánh đồng lúa đã từng rất tốt tươi, những mảnh đất màu mỡ đang chết dần chết mòn trong sự hoang hóa và sự tàn phá của chuột bọ, từ năm 2018, ông Hoàn đã cùng ông Nhiệm đi thuyết phục bà con cho thuê lại và thu gom đất đai, cải tạo đồng ruộng, đầu tư máy cấy để quay trở lại sản xuất nông nghiệp.
Những ngày đầu tiên, hai người nông dân đã gặp phải rất nhiều những khó khăn. Trong quá trình thuyết phục bà con cho thuê lại ruộng đất để canh tác, ông Hoàn và ông Nhiệm đã không ít lần bị người khác cạnh tranh. Chưa kể đến việc trong suốt quá trình tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp người nông dân không nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ gì từ phía chính quyền địa phương.
“Mới đầu nhìn những cánh đồng bị bỏ hoang, cỏ mọc quá đầu người, nói thật tôi thấy chán nản vô cùng. Để có thể cải tạo đất đai và đưa vào canh tác như trước sẽ cần phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức cũng như tâm huyết. May mắn thay đam mê với đồng ruộng, với nông nghiệp đã trở thành động lực để hai anh em tôi bắt tay vào làm”, ông Hoàn bộc bạch.
Sau một quãng thời gian dài được cải tạo lại, đồng ruộng nơi đây lại xuất hiện màu xanh của cây lá. Như để đáp lại sự quyết tâm, lòng tâm huyết của người nông dân, đồng đất hoang hóa ngày nào đã trở thành cánh đồng tươi tốt, mỗi năm đủ điều kiện để sản xuất 2 vụ lúa và 1 vụ màu. Nhìn những cánh đồng đã tươi xanh trở lại, không chỉ ông Hoàn, ông Nhiệm mà những người dân nơi đây cũng thấy rất phấn khởi. Nhiều người đã nói với nhau rằng: “Nếu không có những người như ông Hoàn, ông Nhiệm dám nghĩ dám làm, quyết đứng ra thu gom, cải tạo đất đai để canh tác thì đồng ruộng nơi đây sẽ bị bỏ hoang mãi mà thôi.”
Cho đến thời điểm hiện tại, hai người nông dân đã tích tụ được khoảng 70 mẫu ruộng. Nếu như chỉ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ như người dân từng làm trước kia thì thu nhập sẽ rất thấp. Thay vì thế người nông dân đã thu gom đất đai về một mối, đầu tư máy móc, phân bón, thuốc sâu để giảm chi phí thuê nhân công, gia tăng thu nhập.
Thu nhập có khá hơn nhưng cuộc sống của ông Hoàn lại vất vả hơn rất nhiều. Nếu có ai muốn tìm ông thì nơi đầu tiên là chạy ra ngoài đồng. Sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh người đàn ông trung niên tay xẻng, tay cuốc trên đồng ruộng.
Ông Hoàn tâm tư: “Công việc của tôi tối ngày ở ngoài đồng. Vì vợ cũng phải đi làm nên có những hôm mải việc quên luôn cả đón con, cô giáo phải đưa cháu về nhà. Còn việc quên nấu cơm, phải nấu mì tôm ăn qua bữa là việc bình thường. Chỉ cần mải làm tí thôi là đã hết buổi rồi.”
“Có lần vợ nói với tôi là anh làm vừa thôi không ảnh hưởng sức khỏe. Tôi cứ nói vợ không phải lo nhưng tôi hay đi đêm về hôm nên vợ không yên tâm. Thôi tất cả vì công việc nên động viên nhau cố mà làm”, người nông dân tâm sự.
Khi được hỏi về khó khăn lớn nhất trong quá trình tích tụ, sản xuất ông Lâm Văn Nhiệm tâm sự: “Hiện tại chúng tôi chỉ biết tự làm, không có người hướng dẫn, không có người chỉ ra phương hướng sản xuất, không có ai đảm bảo đầu ra, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp. Nhiều người không dám làm cũng chỉ vì không có đầu ra. Phải liều lĩnh lắm mới dám đứng lên thu gọm ruộng đất. Tâm tư nguyện vọng duy nhất của tôi là mong sao sẽ nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ, tạo điều kiện để người nông dân hăng say hơn với đồng ruộng. Nếu sau này có chương trình hỗ trợ thì chúng tôi sẵn sàng mở rộng mô hình sản xuất.”
Theo Phạm Hiếu/NNVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên