Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh trong bài, từ nhiều năm trước, UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao hơn 240 ha đất cho Công ty TNHH Kim Long và Công ty TNHH Nhân Nghĩa tại các phường Liên Bảo, Khai Quang, xã Định Trung thuộc Thành phố Vĩnh Yên và xã Kim Long thuộc huyện Tam Dương.
Sau một thời gian phát triển sản xuất không thực sự hiệu quả, trên diện tích đất này đã xảy ra hàng loạt những hiện tượng chiếm đất để xây dựng các công trình, chuyển nhượng trái pháp luật, sử dụng không đúng mục đích...
Điều khó hiểu là những vi phạm diễn ra suốt thời gian rất dài, ngày càng phức tạp nhưng không hiểu vì lý do gì mà các cấp chính quyền liên quan ở Vĩnh Phúc lại không xử lý triệt để?
Cụ thể, đối với diện tích đất 109,08 ha giao cho Công ty TNHH Kim Long, theo UBND Thành phố Vĩnh Yên, các trường hợp vi phạm ở đây diễn ra từ năm 2002 cho đến nay.
Điều này có nghĩa là trải qua 5 đời Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc từ nhiệm kỳ ông Trịnh Đình Dũng (2001 - 2004), ông Nguyễn Ngọc Phi (2004 - 2010), ông Phùng Quang Hùng (2010 - 2015), ông Nguyễn Văn Trì (2015 - 2020) và hiện tại là ông Lê Duy Thành thì những vi phạm trên diện tích đất giao cho Công ty TNHH Kim Long xảy ra theo chiều hướng càng ngày càng nhiều, càng ngày càng phức tạp.
Các cơ quan nhà nước đã tiến hành 4 cuộc thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của Công ty TNHH Kim Long, hàng trăm văn bản của các cấp chính quyền được ban hành xung quanh vấn đề này.
Tuy nhiên, đối tượng thanh tra là Công ty TNHH Kim Long đã không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra, không hợp tác, không giải trình các nội dung thanh tra, không làm việc và không cung cấp tài liệu theo yêu cầu của đoàn thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật. Do đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sau thanh tra chưa được cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm.
UBND Thành phố Vĩnh Yên cũng thừa nhận, các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai của Công ty TNHH Kim Long và hộ gia đình, cá nhân diễn ra trong thời gian dài nhưng chưa được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tương tự, trên diện tích đất từng giao cho Công ty TNHH Nhân Nghĩa và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong khi các trường hợp vi phạm cũ chưa được xử lý dứt điểm thì tình trạng lấn, chiếm đất, xây dựng mới phát sinh đã xảy ra thường xuyên, có tính chất phức tạp hơn.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND Thành phố Vĩnh Yên cũng liên tiếp viện dẫn Điều 208 Luật Đất đai để quy trách nhiệm đến cấp xã phường. Cụ thể, Luật Đất đai quy định: “Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm”.
Thực tế là sau khi nhận các ý kiến phê bình, chỉ đạo từ cấp trên, lãnh đạo các địa phương cấp xã phường cũng đã nhận án kỷ luật, thậm chí ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch UBND phường Liên Bảo cảm thấy áp lực quá hiện cũng đang xin nghỉ việc.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, một trong những nguyên nhân căn cốt khiến thực trạng xẻ thịt đất công ở Vĩnh Phúc “xảy ra thường xuyên, có tính chất phức tạp hơn” là do UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Thành phố Vĩnh Yên cũng chưa thực sự quyết liệt.
Bằng chứng là sau khi có quyết định thu hồi đất của Công ty TNHH Kim Long, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao cho Ban Giải phóng mặt bằng và phát triển quỹ đất tỉnh Vĩnh Phúc quản lý. Sau nhiều năm, việc thu hồi, bàn giao, quản lý vẫn chỉ là trên giấy tờ mà không hề có mốc giới, hiện trạng thực địa.
Năm 2019, UBND Thành phố Vĩnh Yên có văn bản đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo Ban Giải phóng mặt bằng và phát triển quỹ đất tỉnh Vĩnh Phúc đẩy nhanh công tác thu hồi đất để quản lý, kê khai, kiểm đếm, đo đạc nhưng vẫn chưa thực hiện được.
Trong khi hồ sơ pháp lý, hiện trạng các khu đất chưa được bàn giao rõ ràng thì UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Đề án giải thể Ban Giải phóng mặt bằng và phát triển quỹ đất tỉnh Vĩnh Phúc khiến khó khăn càng thêm chồng chất.
Điều đó có thể khẳng định, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan quản lý đất đai ở tỉnh này không thể vô can khi để cho Công ty TNHH Kim Long tự tung tự tác trên diện tích đất được nhà nước giao.
Đặc biệt, theo tài liệu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã từng có 7 quyết định thu hồi đất của Công ty TNHH Kim Long với diện tích hơn 31ha. Sau đó là quyết định thu hồi toàn bộ diện tích vào tháng 8/2018. Nhưng khi soi chiếu thực tế, 34 ha đất giao cho Công ty TNHH Kim Long bằng cách nào đó đã giảm so với hồ sơ ban đầu.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã từng thành lập đoàn liên ngành để thanh tra về việc chuyển nhượng, sử dụng đất sai mục đích diện tích 140ha giao cho Công ty TNHH Kim Long ban đầu nhưng sau đó lại không đưa ra kết luận.
Cần điều tra việc Công ty TNHH Kim Long bán đất Nhà nước giao
Một trong những khó khăn trong xử lý vi phạm xây dựng trái phép trên đất công ở Vĩnh Phúc suốt gần 20 năm qua, theo một số lãnh đạo cơ quan quản lý ở Vĩnh Phúc là do Công ty TNHH Kim Long chối bỏ hành vi mua bán, chuyển nhượng trái pháp luật.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, đã có những bằng chứng thể hiện Công ty TNHH Kim Long đã chuyển nhượng diện tích đất được nhà nước giao để phát triển sản xuất. Tài liệu tại Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, năm 2017, Công ty TNHH An Hoa (có địa chỉ trụ sở tại Khu hành chính 15, phường Liên Bảo, Thành phố Vĩnh Yên) có hồ sơ trình UBND tỉnh Vĩnh Phúc xin thuê đất thực hiện dự án trồng cây dược liệu tên diện tích 2,6 ha tại khu vực Núi Bầu, phường Liên Bảo. Theo báo cáo của Công ty An Hoa, diện tích này do gia đình ông giám đốc nhận chuyển nhượng từ Công ty TNHH Kim Long.
Theo Hoàng Anh/NNVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên