“Cây thẳng bóng ngay” là tập sách thứ 9 của nhà báo, nhà thơ Hải Đường do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật ấn hành cuối năm 2021. Ông là nhà báo đa tài: Viết báo sâu sắc với đủ các thể loại; nhà thơ trữ tình thế sự; sành sỏi thẩm định tác phẩm, cho nên những cuộc thi báo chí, văn học tầm cỡ luôn được trân trọng mời tham gia từ Sơ khảo đến Chung khảo...
“Cây thẳng bóng ngay” là tập sách thuộc thể bình luận. Sách tập hợp chọn lọc từ hàng trăm bài viết của ông đăng trên các Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Tuyên giáo và nhiều báo khác, trong nhiều năm qua, chuốt lại chỉ 60 bài vào tập với gần 300 trang in.
Chỉ tên sách, mượn lời tục ngữ dân gian đã thành điểm nhấn khiến người đọc mỗi khi tiếp cận phải suy ngẫm. “Cây thẳng bóng ngay” là lẽ đương nhiên. Và cũng đương nhiên cây cong thì bóng vẹo. Chuyện cây mà hóa chuyện đời, chuyện người. Ông khéo vận cây với bóng để gửi gắm bề trên, từ mỗi gia đình, họ hàng, làng xã tới các quan chức lớn, nhỏ hãy ở ăn cho ngay thẳng để người đời mến nể, noi theo. Người trên ăn ở không chính trực thì kẻ dưới cũng dễ hư hỏng. Đó là chủ đích, là cốt lõi tư tưởng của tập sách. Nhưng cái hay, cái tài là tư tưởng ấy được giấu kín, qua cách diễn đạt mạch lạc, bình luận sắc sảo, nhẹ nhàng mà thấu thiết trong từng bài viết, là sự hàm chứa đa vấn đề trong một chủ đích... Trùm lên tất cả “Cây thẳng bóng ngay” là sự tiếp lửa, là niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.
“Không để Nghị quyết trên mây, trên giấy” là bài mở đầu tập sách. Hải Đường đề cao ý thức về việc quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng, triển khai thực hiện Nghị quyết, đưa Nghị quyết vào cuộc sống; về việc cần khắc phục tình trạng Nghị quyết đúng, hay, nhưng ở bên lề cuộc sống, thậm chí nói không đi đôi với làm.
Bài viết chỉ rõ nguyên do của tình trạng yếu kém cả khách quan và chủ quan. Ông khẳng định căn nguyên của tình trạng yếu kém chính là do chưa làm tốt công tác cán bộ, là lãnh đạo không có kiểm tra: “Chừng nào còn những cán bộ cơ hội, kém tài, kém đức thì không thể sáng tạo được bất cứ điều gì trong việc triển khai và thực hiện Nghị quyết...”! (trang 24).
Ông nói rõ muốn Nghị quyết của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống thì cần nhận thức đúng: “Đảng lãnh đạo thông qua bộ máy Nhà nước, các tổ chức quần chúng. Cho nên điều quan trọng nhất là cụ thể hóa Nghị quyết vào hoàn cảnh, điều kiện thực tế của mỗi địa phương, đơn vị. Và điều thứ hai là chọn đúng cán bộ, đào tạo cán bộ tại chỗ, phân công đúng người thực hiện, nhất là người đứng đầu”! (trang 21).
Công tác cán bộ là “gốc” của “gốc”. Cụ Hồ từng dạy: “Dụng nhân như dụng mộc”, “Cán bộ nào, phong trào ấy”, thế nhưng buồn nỗi ở nơi này nơi kia có tình trạng đề bạt, bổ nhiệm cán bộ là cái cách để người ta “trả ơn thế hệ”. Rồi thì theo kiểu “mạ nhờ nước, nước nhờ đất, đất nhờ... trời. Đến lượt các cháu nó nên tấm nên đẫn, các cô, các chú lại gửi gắm nó...”! (trang 91).
Nhẹ nhàng mà sâu cay! Ấy là cái tạng văn và báo của Hải Đường. Ông không đao to búa lớn, lời ngọt nhưng lọt tới xương. Trong các bài viết ông thường mượn tục ngữ, thành ngữ, lời hay ý đẹp để chuyển tải luận điểm của mình tới đối tượng cần thông tin. Ông không lên giọng chửi đổng như ai đó mà nhẹ nhàng dẫn dụ, luận bàn rồi mở hướng.
Ví như bài “Lỗi không phải tại quy trình” (trang 31). Lâu nay cụm từ “Đúng quy trình” trở thành câu cửa miệng đàm tiếu, châm chọc, kình bẩy, chửi đổng của không ít người mỗi khi có sự vụ, sự việc không hay xảy ra, nhất là việc đề bạt cán bộ. Tác giả thẳng thắn nói lại: “Lỗi không phải tại quy trình”, ông giải thích “Quy trình cũng như cơ chế, vốn không có lỗi. Có quy trình là để hướng tới sự chuyên nghiệp hóa trong bộ máy Nhà nước, để thực hiện một cách bài bản, khoa học, tạo sự dân chủ, khách quan, công bằng cho mọi người. Bởi vậy, làm đúng quy trình là chuyện rất nên”! Thế nhưng, lẽ đời lại đáng buồn, có quá nhiều cái “đúng quy trình” nhưng lại chỉ là ngụy biện, ví như việc cất nhắc cán bộ siêu tốc nơi này nơi kia, thủ tục “đúng trình tự” nhưng “sao nhân vật được đưa vào “ghế” siêu tốc thế” thì lại bỏ qua, khiến người dân mất lòng tin vào Đảng, vào bộ máy công quyền.
Hoặc như: “Lâu nay ta vẫn nói cải cách thủ tục hành chính, thực hiện “một cửa, một dấu”. Nhưng, một cửa mà còn “quá nhiều khóa”! Mọi sự nhanh chóng, mắc mứu, chậm trễ... phần nhiều do sự sách nhiễu của người làm công vụ, họ cần “lại quả”, cần phí “bôi trơn”. “Người dân gọi cái “quy trình” ấy bằng cái tên... “Lắt léo”. Tác giả chốt lại: Đây là cái mất về lòng tin, do cán bộ thực thi gây ra, “cái mất này là mất lớn nhất”.
Nói hay, làm dở là căn bệnh trầm kha của không ít cán bộ bị thẳng thừng bóc mẽ trong bài “Nói như quả núi, làm như hòn cuội” (trang 60). Nói rồng nói phượng, nói như sông như núi thường là mấy vị ghế cao, ấy là việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW về việc tinh giản biên chế bộ máy Nhà nước.
Ông viết: “Chúng ta đều thấy rõ căn bệnh nan y lâu nay, càng hô giảm, thì biên chế càng phình to. Từ cuối thế kỷ XX người ta đã nói một cách khôi hài “giảm biên chế tăng ghế nhà ăn”. Bây giờ thì ông lãnh đạo nào cũng hô giảm, giảm thật mạnh biên chế, nhưng là giảm ở chỗ khác, đừng đụng đến cơ quan tôi, con cháu tôi, họ hàng tôi”.
Tác giả dẫn nhận xét của một tổ chức quốc tế về vấn đề này, là nguyên do nhưng cũng là hướng để sửa: “Ở Việt Nam, việc ban hành các luật, nghị định, các chính sách cụ thể thuộc loại hàng đầu thế giới, nhưng việc thực thi thì lại ở hàng cuối. Nói như quả núi, làm như hòn cuội, là do trong tất cả các khâu của quy trình xây dựng chính sách, yếu nhất vẫn là khâu triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát và đánh giá tác động” (trang 61).
Kết tập sách, tác giả nhấn nhá, cần thực hiện nghiêm cẩn Nghị quyết của Đảng bằng cách khắc phục cho được căn bệnh sáo mòn, hình thức trong triển khai thực hiện nghị quyết, đưa nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống. Muốn vậy phải có Chương trình hành động cụ thể, có đề án và kế hoạch, như thế sẽ khắc phục được tình trạng nói hay, làm dở, nói nhiều làm ít.
Ông viện dẫn cách làm hay của Huyện ủy Đông Anh: “Khi xây dựng đề án, kế hoạch phải thực hiện năm rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ hiệu quả”. Tác giả như reo lên: “Đúng rồi, thế này thì những ông nào quen đánh võng, quen hát nhép trong dàn đồng ca làm sao mà trốn được”! (trang 283 – Bài “Chương trình hành động không phải “Nghị quyết thứ hai”).
Đọc 60 bài viết trong tập “Cây thẳng bóng ngay”, tôi nhận thêm ra Hải Đường thật sự là nhà báo - chiến sĩ đúng nghĩa. Là một trong những tài năng báo chí về thể chính luận của báo giới nước nhà. Ông luôn đứng nơi đầu nguồn sự kiện của Đảng, của Nhà nước, luôn gắn bó mật thiết với cuộc sống thường nhật của nhân dân; và theo đó ông cũng giỏi tổng quát, khái quát, tổng hợp vấn đề, sự kiện, sự vụ, lại giỏi chọn chi tiết để minh chứng cho luận điểm, để phân tích, cắt nghĩa, lý giải vấn đề có ngọn có ngành nên thuyết phục được cả những người khắt khe, khó tính trong các bài viết. Là nhà báo tinh thông nghề nên tác giả luôn nhìn nhận đúng bản chất sự thật của sự kiện, sự vụ và xu hướng diễn tiến của sự kiện một cách sắc sảo...
Trong nghề báo, ai cũng hiểu, bình luận là thể loại trụ cột, thể hiện tầm vóc của cơ quan ngôn luận, tăng thêm sức hấp dẫn của tờ báo. Bởi bình và luận thật sự là thông tin lý lẽ. Bình là nhận xét, phân tích, thẩm định, đánh giá các góc cạnh của sự kiện, vấn đề có liên quan đến vấn đề nêu lên trong bài viết. Luận là suy luận, bàn bạc mở rộng để đi đến những nhận định có tính khái quát, đồng thời dự báo chiều hướng biến đổi phát triển của tình hình. Đủ thấy thông tin trong các bài viết của tập “Cây thẳng bóng ngay” là thông tin lý lẽ, khá khác biệt với các thể loại báo chí khác. Nó là dạng lao động khám phá, sáng tạo, suy đoán khoa học, văn hóa; là ngón nghề giàu tính cách cá nhân.
Cái “duyên” trong cuốn sách này là tác giả viết bằng tư duy sắc bén của nhà báo và cảm xúc, hình tượng của nhà thơ, dùng lăng kính văn hóa của một công dân giàu lòng trách nhiệm với Dân với Đảng để soi rọi, mổ xẻ, phân tích, đúc kết triết lý nhân sinh để bình, bàn, đặng góp phần thắp sáng niềm tin với Đảng, khát khao hướng đến xây dựng đất nước Việt Nam phát triển bền vững và phồn vinh. Hải Đường xứng danh là nhà báo say nghề, dấn thân.
Hà Nội, ngày cuối năm 2021
Theo Nguyễn Uyển/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên