Dạy thêm, học thêm bản chất không xấu nhưng vẫn tồn tại một bộ phận giáo viên vì mục đích lợi nhuận mà lôi kéo, ép buộc học sinh đi học khiến dư luận bức xúc.
Dạy thêm có phải là 1 nghề hay không?
Trước khi nói đến câu chuyện đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thầy Phan Khắc Nghệ - giáo viên Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) - nhấn mạnh rằng, phải cắt nghĩa để xem liệu dạy thêm có phải 1 nghề hay không.
Về mặt đặc thù ngành nghề, bản chất, giáo dục cũng như nhóm ngành y tế. Theo quy định hiện nay, bác sĩ được mở các phòng khám tư và đây được xem là ngành nghề kinh doanh. Xét trên phương diện này, đưa dạy thêm thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện là hoàn toàn phù hợp.
Tuy nhiên, xét về yếu tố văn hóa, xã hội, con người, giáo dục hiện nay vẫn thiên về cống hiến, phúc lợi và dân sinh chứ không phải mục đích kinh doanh. Dạy thêm xuất phát từ nhu cầu thực tế của học sinh, phụ huynh.
Việc phụ huynh trả tiền chỉ mang tính chất bồi dưỡng công sức lao động của thầy cô trong quá trình truyền thụ tri thức. Vậy vấn đề lớn đặt ra là có thể cắt nghĩa, xem giáo dục là kinh doanh được hay không?
“Dạy thêm có được xem là ngành nghề kinh doanh không là câu hỏi lớn. Để trả lời câu hỏi này không thể là một cá nhân hay phạm trù của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) bởi nó liên quan đến nhiều yếu tố như văn hóa, đặc thù nghề nghiệp, vị trí của nghề giáo trong sự phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước...
Trong các phiên Quốc hội sắp tới, vấn đề này cần được tiếp tục đưa ra thảo luận, phân tích kỹ lưỡng để tìm đến câu trả lời thỏa đáng nhất” - thầy Nghệ nêu quan điểm.
Quản lý dạy thêm thế nào?
Theo thầy Nghệ, khi dạy thêm được công nhận, đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vấn đề tiếp theo cần đặt ra là quản lý như thế nào. Khi đó, trách nhiệm lại thuộc về các cơ quan quản lý, các bộ, ban ngành.
"Điều kiện về ngành nghề, lâu nay trong thông tư của bộ cũng đã đưa ra những điều kiện về nội dung dạy, giáo án dạy, kích thước phòng học so với số học sinh, người dạy phải có bằng cấp, chuyên môn, cơ sở vật chất, tuyển sinh, đảm bảo mọi tiêu chuẩn, được dạy những nội dung gì… Không thể để tình trạng giáo viên lấy mác “dạy thêm”, vì mục đích lợi nhuận mà làm trái với ý nghĩa cao đẹp vốn có của nghề giáo”.
Dù ủng hộ quan điểm xem xét đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cô Lê Thị Hằng - giáo viên tại Thanh Hóa - lại tỏ ra băn khoăn.
"Về mặt lý thuyết, đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện như bộ đang cân nhắc là hoàn toàn hợp lý. Mọi hoạt động dạy thêm, học thêm sẽ được diễn ra công khai, minh bạch thay vì thực hiện chui, lén lút như bấy lâu nay.
Trước nay, Bộ GDĐT cũng đã ban hành quy định về dạy thêm, học thêm nhưng chưa đủ mạnh để áp dụng khi đưa dạy thêm trở thành ngành nghề kinh doanh.
Chẳng hạn, ngoại trừ các trung tâm lớn, đa số các thầy cô giáo đều mở các lớp dạy thêm theo quy mô nhỏ lẻ, lớp học tại nhà với số lượng dưới 10 học sinh. Khi đó, rất khó để đáp ứng các tiêu chí về phòng học, số lượng học sinh, cơ sở vật chất, quy định về đóng thuế...
Nếu luật đưa ra chưa nghiêm, còn nhiều kẽ hở, tôi sợ rằng, tình trạng dạy chui, lén mở lớp sẽ tiếp tục diễn ra, thậm chí còn nghiêm trọng hơn trước rất nhiều. Giáo viên sẵn sàng ép buộc, lôi kéo học sinh đi học vì dạy thêm đã được hợp thức hóa thành ngành nghề kinh doanh" - cô Hằng nhấn mạnh.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên