Xin đừng bắc 'những chiếc cầu kiều' lộng lẫy ngày 20/11 19/11/2021

Thứ sáu - 19/11/2021 08:03
Xin đừng bắc “những chiếc cầu kiều” lộng lẫy trong ngày 20/11 vì nhà giáo chúng tôi quen đi dép tổ ong không hợp cho lắm. Xin đừng “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” vì chúng tôi dạy cả cuộc đời của mình lận.

Đó là những tâm tư của thầy giáo Bùi Duy Phong (Trường THPT Tăng Bạt Hổ, Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Bài viết đã được chia sẻ trên trang cá nhân, xin trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Tháng 11 đã về tự khi nào trên từng cành cây, ngọn cỏ và trong cả những giọt nắng rớt vội vàng trên sân trường sau những ngày mưa mùa dai dẳng.

Những khóm cây hồng lộc cố ngoi những chồi non mơn mởn như uống lấy chút hơi ấm giữa những ngày đông giá rét, ẩm ương. Bầy chim sẻ trốn biệt ở đâu những ngày mưa giờ đã về đậu trên mái ngói ríu ra ríu rít thứ ngôn ngữ của giống loài mình.

Tháng 11 về trên những bước chân vội vàng của các cô cậu học trò cho kịp kiến thức vì những ngày nghỉ dài do dịch bệnh. Tháng 11 rớt rơi trên tà áo dài của các cô giáo trẻ đang nhè nhẹ bước giữa sân trường trong tiết trời nắng đẹp.

Với những người trải qua gần cả cuộc đời mình cùng những thăng trầm của cái ngành được cho là trồng người, họ thêm chút xuyến xao khi tháng 11 dần vơi đi trong lốc lịch treo ở trên tường để được đón một ngày dành cho riêng mình.

111
Nghề giáo gắn liền với bảng phấn. Có "những đôi bàn tay nổi sần sùi vì dị ứng với bụi phấn trong những ngày đông giá lạnh"
(ảnh có tính minh hoạ: Lê Thanh Hùng)

Tôi ngồi nghỉ hơi giữa hai tiết dạy, nhìn ra phía sân trường mà thấy một chút buồn man mác, vô cớ xâm chiếm lấy lòng mình. Mải mê với những giờ giảng cả sáng lẫn chiều cho kịp chương trình mà chẳng để ý cái ngày dành riêng cho ngành giáo dục sắp cận kề.

Ngày xưa khi mới vào ngành, cả thầy và trò ai cũng háo hức trông đợi cái ngày mà người ta gọi là “Tết thầy cô” này. Trên mọi nẻo đường khi sắp đến ngày 20/11, đâu đâu cũng thấy hoa. Hoa ngập tràn sân trường, hoa ngát hương trên từng lớp học.

Những tấm bưu thiếp chúc mừng nhận từ học trò phương xa xếp đầy trong những trang giáo án còn đang soạn dang dở. Những món quà bé con ấy lại có sức lan tỏa năng lượng hơn bất kỳ thứ vật chất cao sang nào. Nó làm ngọn lửa nhiệt huyết trong lòng mỗi thầy cô giáo ngày ấy thêm bùng cháy. Nó sưởi ấm thứ tình cảm thiêng liêng nhất dưới những mái trường, tình thầy – trò.

Những người đứng trên bục giảng giàu tri thức nhưng nghèo vật chất cảm thấy mình được tôn vinh, được an ủi phần nào trong những tháng ngày chật vật lo áo cơm.

Còn nhớ căn hộ tập thể ọp ẹp nắng rọi, mưa dột ngày ấy không đủ sức chứa bao lớp học trò nên tôi và anh bạn độc thân cùng phòng trốn biệt từ sáng sớm trong cái ngày dành cho riêng mình.

Khi về lại, chiếc bàn gỗ gãy chân kê sát cửa sổ ngập tràn hoa. Có cả những món quà “bí ẩn” kèm tờ giấy ghi chú “thầy ơi mở gấp”, “thầy ơi cẩn thận kẻo đổ”... làm chúng tôi tò mò mở ra trong hồi hộp.

Chồng bánh xèo được gói bằng miếng lá chuối hơ qua lửa còn dậy mùi thơm phức. Ly cà phê tự chế được bao bọc cẩn thận ngạt ngào hương. Mớ củ khoai mỳ luộc cùng mấy miếng dừa kèm theo tờ giấy chúc mừng có vẽ mặt cười thật dễ thương...

Chúng tôi ngồi hàn huyên nhâm nhi hàng giờ những món quà giản dị, mộc mạc mà dư vị của nó cứ còn mãi âm ỉ trong suốt những tháng ngày làm thầy. Vật chất xa hoa không thể nào đánh đổi thứ tình cảm thuần khiết ấy được.

Đang miên man trong miền ký ức của những ngày dành riêng cho nhà giáo mà mình đã trải qua trong đời, cô em cùng tổ dạy như đọc được tâm trạng của ông anh đồng nghiệp trêu vội mấy câu thơ:

“Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa”

Thương những thầy cô giáo già đã mang lấy nghiệp cống hiến thêm chút suy tư mỗi khi ngày hiến chương nhà giáo đến gần. Ngày này như một nhịp nghỉ ngắn ngủi trong bản nhạc dài mà họ phải ra rả ca trong suốt cả năm học để họ dừng bước đếm lấy số năm đứng trên bục giảng trôi qua trong cuộc đời mình.

Nhìn những đôi bàn tay nổi sần sùi vì dị ứng với bụi phấn trong những ngày đông giá lạnh của cô giáo gần 30 năm trong nghề thấy mà thương. Mân mê những ngón tay chai sần của anh bạn đồng nghiệp còn vài hôm nữa là về hưu thấy mà xót. Những đôi bàn tay góp phần nắn nên những con người có ích cho xã hội đấy. Họ sống kiếp con tằm một khi chín đỏ chỉ biết nhả những sợi tơ óng mượt cho đời rồi chờ đến một ngày hóa kiếp.

Thương thay có những nhà giáo đổ gục trên bục giảng bởi những căn bệnh quái ác vì cả một đời hít bụi và lao lực khi đích đến không còn xa. Những người thầy, người cô cứ tưởng được an nhàn sau khi “rửa tay gác phấn” lại trải qua những ngày khổ đau nơi bệnh viện để trị bệnh.

Thế mới biết có mấy ai trong số những nhà giáo đang đứng trên bục giảng cao quí kia lại muốn con mình nối nghiệp? Cũng chẳng đứa con nào muốn theo nghề khi thấy ba mình, mẹ mình thức đến tận khuya hàng đêm để soạn bài, chấm bài và làm vô vàn những thứ linh tinh khác chẳng có lấy thời gian ngơi nghỉ. 

Xin đừng bắc “những chiếc cầu kiều” lộng lẫy trong ngày 20/11 vì nhà giáo chúng tôi quen đi dép tổ ong không hợp cho lắm. Xin đừng “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” vì chúng tôi dạy cả cuộc đời của mình lận. Cũng đừng cho chúng tôi làm người lái đò cầm nắm sinh mệnh của biết bao người khi sang sông, điều mà vượt ngoài khả năng của những nhà sư phạm bình thường. Cũng xin đừng gọi chúng tôi là những người “gõ đầu trẻ” vì chẳng bao giờ dám động tay động chân đâu.

Giờ muốn phê bình, giáo dục một học trò ngỗ nghịch, ương bướng cũng không được làm trước lớp cơ đấy. Giáo viên giờ chẳng khác gì những người “thợ dạy” thực hiện những chương trình, sách giáo khoa thay đổi đến chóng cả mặt. Những nhà giáo chúng tôi cũng chẳng mong nhận những mỹ từ tốt đẹp trong ngày dành cho mình mà chỉ mong sao có được sự bình yên để cống hiến. Những chứng chỉ, thăng hạng, nâng bậc, nghiệp vụ, thanh tra đã làm chúng tôi quá kiệt sức rồi.

Sự an ủi lớn nhất trong đời đối với những người theo nghiệp cầm phấn là còn đó những đứa học trò dễ thương, đáng yêu. Chúng là những nốt nhạc vui trong bản sonate nhiều chương hồi mà người nghệ sĩ bục giảng nhìn vào đó tung tẩy để tạo ra những âm thanh tuyệt diệu.

Chính những đôi mắt tròn xoe, những khuôn mặt ngây thơ chưa vướng chút bụi trần đã giằng giữ bao người thầy, người cô trụ lại với nghề. Họ hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình mà cõng chữ lên non cao bất chấp bao gian lao.

Xin được vinh danh họ bằng những lời ca tụng tốt đẹp nhất trong ngày nhà giáo. Nhìn bao lớp học trò bên trang giấy trắng như tâm hồn, người nghệ sĩ đứng trên bục giảng cứ như được cháy hết mình.

Mai đây trên vạn nẻo đường đời, các em cũng sẽ có đôi lần nhìn lại mà nhớ về nơi mình đã tung cánh bay, nhớ về những con người hy sinh thầm lặng trong ngày đặc biệt dành cho họ. Chỉ vậy thôi cũng đủ ấm lòng rồi.

Tiếng trống trường lại vang lên trả mọi thứ đang lao xao xung quanh về với tĩnh lặng. Thầy và trò lại hối hả, miệt mài cùng sách vở. Tháng 11 năm nay cũng lặng lẽ trôi đi khi mà nhiều trường học đến giờ vẫn chưa được mở cửa trở lại. Dịch bệnh vẫn cứ rình rập chực chờ ngoài cửa lớp tìm chút sơ hở là tấn công ngay. Bao lớp học phải cách ly, bao trường học mở cửa đón học sinh rồi lại phải đóng cửa.

Sự học diễn ra cả mấy tháng rồi nhưng thầy trò nào có biết mặt nhau đâu khi khẩu trang trùm kín mặt. Chỉ có những đổi thay của đất trời làm cho ta thêm chút xao động, làm cho bao lớp học trò thêm chút luyến lưu.

Chúng ta – những người cầm phấn tự động viên nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Xin được gởi những lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả thầy cô giáo trong ngày mà xã hội dành riêng cho mình.

 

Thầy giáo Bùi Duy Phong
(Trường THPT Tăng Bạt Hổ, Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) 
Nguồn VietNamnet

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây