Công thư 1/6 và những chính sách cứng rắn

Thứ năm - 11/06/2020 10:40

Trong khi thế giới đang chật vật với khó khăn về y tế, kinh tế và xã hội do đại dịch Covid-19, thì Trung Quốc, nơi xuất phát của đại dịch toàn cầu ấy, vừa tuyên bố đã kiểm soát được viruscorona và bắt đầu đẩy mạnh việc theo đuổi lợi ích quốc gia sau khi có vẻ thoát khỏi khủng hoảng. Một trong những động thái đó là việc Bắc Kinh lên kế hoạch tuyên bố ADIZ trên Biển Đông.


Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ đã gửi công thư lên Liên Hiệp Quốc phản đối các yêu sách hàng hải bất hợp pháp trên Biển Đông của Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết trên Twitter hôm 2/6/2020 rằng: “Chúng tôi phản đối những tuyên bố bất hợp pháp và nguy hiểm này. Các quốc gia thành viên phải đoàn kết để duy trì luật pháp quốc tế và tự do hàng hải”.

Phản đối yêu sách bất hợp pháp
111
Công thư do Mỹ gửi lên LHQ để phản đối tuyên bố
chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông.


Trong tweet, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đính kèm bức công thư mà Mỹ gửi lên Liên Hiệp Quốc ngày 1/6/2020. Nội dung bức công thư do Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Kelly Craft ký tên khẳng định: “Hoa Kỳ phản đối các yêu sách hàng hải bất hợp pháp của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc”. Công thư này của Mỹ cũng bác bỏ các yêu sách hàng hải của Bắc Kinh, vì nó “không phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Luật biển 1982”. Trong công thư, Mỹ cũng nhắc lại kết quả phán quyết của tòa trọng tài thường trực tại Hague năm 2016, trong đó bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo Đại sứ – Pgs,Ts Nguyễn Hồng Thao, một chuyên gia giầu kinh nghiệm về luật biển quốc tế, công thư ngày 1/6/2020 của Trưởng Phái đoàn thường trực Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, mặc dù đề cập tương tự như nội dung công hàm ngày 28/12/2016, nhưng có nhiều điểm đáng chú ý. 

Thứ nhất, công thư thể hiện rõ sự ủng hộ và khẳng định tầm quan trọng của Phán quyết của Toà Trọng tài (vụ Philippines kiện Trung Quốc) trong khi Công hàm 2016 chủ yếu đề cập các văn kiện của Trung Quốc. Mỹ khẳng định các lập trường của mình hoàn toàn nhất quán với các quyết định của Tòa trọng tài, đồng thời nhấn mạnh theo Điều 296 của UNCLOS, Phán quyết là chung thẩm và bắt buộc với cả Philippines và Trung Quốc. Như vậy, yêu sách “quyền lịch sử của Trung Quốc” là không phù hợp với UNCLOS vì đã vượt quá các ranh giới của các vùng biển Trung Quốc có thể có theo đúng quy định của Công ước. 

Thứ hai, Mỹ mạnh mẽ yêu cầu Bắc Kinh đưa ra các yêu sách biển phải phù hợp với luật quốc tế như đã được quy định trong UNCLOS, phải tuân thủ Phán quyết và chấm dứt các hành động khiêu khích ở Biển Đông. 

Thứ ba, Mỹ nêu rõ các yêu sách của Trung Quốc can thiệp một cách bất hợp pháp các quyền tự do biển cả mà Mỹ và các nước khác được hưởng, vì vậy Mỹ phải có trách nhiệm lên tiếng phản đối chính thức. 

Thứ tư, công thư của Mỹ nhấn mạnh chỉ Điều 5 của UNCLOS mới được áp dụng cho các thực thể nổi ở Trường Sa, tức chỉ đường cơ sở thông thường mới được áp dụng. Điều này có được là do kết luận của Phán quyết: Các thực thể tại Trường Sa chỉ là đá và không phải là đảo. Đường cơ sở thẳng chỉ được áp dụng khi bờ biển đất liền (đảo) quanh co và khúc khủyu, hoặc khi có một chuỗi đảo chạy qua không cách xa bờ biển, hoặc khi có một đồng bằng châu thổ cực kỳ không ổn định. Cả ba trường hợp này đều không hiện diện đối với các đá của Trường Sa.


Thứ năm, ngoài bãi Macclesfield (Trung Quốc gọi là Trung Sa), Mỹ còn kể thêm bãi James Shoal, Mischief Reef (đá Vành Khăn) và Second Thomas Shoal (bãi Cỏ Mây) như các thực thể chìm không nổi, không phải là đối tượng yêu sách chủ quyền và không thể tạo ra bất kỳ một vùng biển yêu sách nào. Đây đều là các bãi ngầm mà Trung Quốc đã và đang định thực hiện việc cải tạo đất, xây dựng các công trình quân sự kiên cố. 

Thứ sáu, Mỹ đồng thời nhắc lại các công hàm của Philippines, Việt Nam và Indonesia trước đó. Nội dung công hàm của các nước này đều thể hiện cùng một quan điểm, đó là phản đối các yêu sách không phù hợp luật quốc tế của Trung Quốc.


Cuối cùng, Mỹ đã sử dụng hình thức công thư để yêu cầu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lưu chuyển tài liệu này không chỉ tới các nước thành viên Đại Hội đồng mà cả tới Hội đồng Bảo an. Bước đi này cho thấy Mỹ bắt đầu nhận thức rõ ràng các yêu sách của Trung Quốc là quá đáng, không phù hợp luật quốc tế, bao gồm UNCLOS. Mỹ xem các yêu sách ấy có thể đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Vì vậy, Mỹ với tư cách một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an có trách nhiệm đưa vấn đề vào chương trình nghị sự khi cần thiết.

Lý do của công thư 1/6

Công thư của Mỹ được đưa ra vào đúng thời điểm Trung Quốc có những bước đi quá khích làm nóng tình hình Biển Đông. Đây là thời điểm khá nhạy cảm khi các nước đều đang dồn sức vào chống dịch Covid-19; Malaysia vừa thay đổi Thủ tướng và nội các; Việt Nam đang bận với trọng trách Chủ tịch ASEAN và chuẩn bị Đại hội Đảng; Philippines đang có các bất ổn trong nước. Trung Quốc còn triển khai các hoạt động đâm tàu cá; thiết lập hai khu hành chính mới; đặt tên 80 thực thể ngầm trên thềm lục địa Việt Nam; cản trở hoạt động tàu khảo sát địa chấn Malaysia; cấm đánh bắt cá hay các hoạt động của các nước trong 8 lĩnh vực bao gồm cả thăm dò khai thác dầu khí; hay đe dọa sử dụng vũ lực và thiết lập vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ). Những việc này đang làm các nước lo ngại và quốc tế buộc phải liên kết để ngăn chặn những hành động thái quá, vi phạm luật quốc tế.

Căng thẳng ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) và càng làm nổi bật nhu cầu cần có một COC thực chất và hiệu quả, có tính ràng buộc pháp lí. Đàm phán COC vì vậy khó có thể đúng hạn khi các yêu cầu cơ bản của các nước nhỏ không được bảo đảm. Tình hình Biển Đông chỉ có thể được kiểm soát khi các nước kiềm chế, hợp tác giải quyết các bất đồng trên cơ sở thiện chí, tuân thủ luật quốc tế, bao gồm UNCLOS.
111
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo
Một chính sách cứng rắn

Không chỉ liên quan đến Biển Đông, quan hệ Mỹ - Trung trở nên căng thẳng bất thường sau khi Bắc Kinh thông qua đạo luật an ninh quốc gia hôm 28/5/2020 nhằm áp chế các quyền tự do của Hồng Kông. Tổng thống Donald Trump đã đọc một bài diễn văn hồi đáp ngay trong ngày hôm sau, 29/5/2020 cho thấy Nhà Trắng rốt cuộc đã tiến thêm một bước trong việc công khai hoá chính sách cứng rắn với Trung Quốc. Diễn văn mới của Trump về Trung Quốc được giới quan sát đánh giá là điểm ngoặt trong lịch sử. Thứ nhất, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ chấm dứt quan hệ với Tổ Chức Y tế Thế giới (WHO). Mỹ cho rằng, cơ quan này của Liên Hiệp Quốc không làm đúng trách nhiệm của mình trong suốt diễn tiến của trận dịch Coronavirus, từ việc không chịu báo động với thế giới về cuộc bùng phát ở Vũ Hán, đến đề cao công trạng của chính quyền Trung Quốc như một khuôn mẫu, từ đổi tên dịch bệnh Vũ Hán thành Covid-19 để loại bỏ một từ liên quan đến Trung Quốc, đến từ chối mọi yêu cầu về cải cách. Trong khi chấm dứt quan hệ với WHO, Trump cũng gửi đi lời cảnh cáo tới tất cả các tổ chức thế giới khác mà Mỹ cho rằng đã bị Trung Quốc thao túng.

Thứ hai, Hoa Kỳ sẽ hủy thị thực của một số sinh viên Trung Quốc đến từ các trung tâm nghiên cứu quân sự và các trường đại học quân sự. Lâu nay Trung Quốc đã cử nhân viên và giới chức quân sự đến Hoa Kỳ để có được sự đào tạo tốt nhất, trong khi cải trang họ thành những sinh viên bình thường hoặc học giả trao đổi. Ở Trung Quốc, không có ranh giới nào giữa việc tuyển dụng nhân viên quân sự và dân sự trong công nghệ cũng như trong các doanh nghiệp. Chính quyền dành quyền sở hữu mọi thứ và mọi người ở Trung Quốc. Hoa Kỳ rốt cuộc đã hiểu ra thực tế này, tuy hơi chậm. Đây là một bước quan trọng hướng đến ngăn chặn thất thoát tài sản trí tuệ, đặc biệt những gì liên quan đến an ninh quốc gia.

Thứ ba, Hoa Kỳ sẽ đòi hỏi sự minh bạch của các công ty Trung Quốc được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ, buộc họ phải theo cùng các tiêu chuẩn dành cho các công ty Hoa Kỳ. Có một “bí mật công khai” là các công ty Trung Quốc, bao gồm cả một số công ty quốc doanh đã phá sản, tạo ra những bản báo cáo “bóng lộn” để đi đến Phố Wall với câu nói nổi tiếng: “hốt tiền trên Phố Wall”. Và họ từ chối minh bạch sổ sách như các công ty khác có cổ phiếu được bán trên các sàn giao dịch Hoa Kỳ. Thật đáng kinh ngạc khi họ được phép làm vậy từ bao lâu nay, để rồi bao nhiêu người dân Mỹ đầu tư vào những công ty điều hành kém cỏi và thậm chí cả những công ty của quân đội Trung Quốc. Điều đó dẫn đến tình trạng người dân Mỹ một mặt đóng thuế để xây dựng quân đội Hoa Kỳ, nhưng đồng thời cũng đầu tư vào quân đội của một quốc gia khác, một quốc gia có mục tiêu rõ ràng là nhằm đánh bại quân đội Hoa Kỳ.

Thứ tư, Hoa Kỳ sẽ hủy đặc quyền thương mại tự do của Hồng Kông vì Trung Quốc đã từng sử dụng Hồng Kông như một cửa sổ để nhận đô la và công nghệ cao từ phương Tây, và Hoa Kỳ đã mất rất nhiều vì “đôi găng tay trắng” này. Đây là thời điểm thích hợp để khép lại lỗ hổng đã cho phép Trung Quốc tiếp cận miễn phí tài chính và công nghệ ở Hoa Kỳ. Với những động thái này, chính quyền Trump đang thực hiện những bước đi nghiêm chỉnh để bảo vệ tài sản và công nghệ nước nhà. Như vậy đối sách rốt cuộc đã đi theo hướng tách rời khỏi Trung Quốc!

Thứ năm, Hoa Kỳ sẽ điều chỉnh thái độ đối với các công cụ truyền thông của Trung Quốc. Đây được Tổng thông Trump coi là một cụm vấn đề rất quan trọng. Hoa Kỳ không nên cho phép các công cụ truyền thông xã hội Trung Quốc như WeChat và TikTok hoạt động trên lãnh thổ của mình một cách tự do như lâu nay. Điều này cần được thiết lập trên cơ sở có đi có lại, vì chính quyền Bắc Kinh sẽ không bao giờ cho phép truyền thông xã hội Mỹ vào Trung Quốc. Thực tế cho thấy đang có một nhóm đông đảo người Trung Quốc hoạt động trên truyền thông xã hội tại Hoa Kỳ. Họ tấn công Trump với danh nghĩa là người Mỹ cánh tả và hưởng dụng thỏa thích quyền tự do ngôn luận. Hành động này từng tạo ảnh hưởng thành công tại một cuộc bầu cử trọng yếu tại Đài Loan trước đây trong cuộc bầu cử thị trưởng ở Cao Hùng năm 2018. Giờ cũng với cách như vậy, họ đang kỳ vọng làm ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử ngay tại Hoa Kỳ và tận dụng mọi cơ hội để tấn công các giá trị Mỹ.
 
Nguồn Văn nghệ số 24/2020

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây