Báo chí phải là lực lượng xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng

Chủ nhật - 14/06/2020 10:26
Đó là nhấn mạnh của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tại Hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu” nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam được tổ chức ngày 13/6 tại Hà Nội.
111
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Sơn Hải
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi tới tình cảm thân thiết và lời chào mừng nồng nhiệt tới người làm báo cả nước.

Trong giai đoạn hiện nay, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng lưu ý với những người làm báo và cơ quan báo chí: Mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo, hãy học và noi gương Bác Hồ – một nhà báo lớn về phong cách và đạo đức làm báo. Phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” và “Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng”.

Với lực lượng báo chí lớn mạnh (850 cơ quan báo chí các loại hình, trên 41.000 người làm báo), báo chí phải là lực lượng xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với những quan điểm sai trái trên Internet, mạng xã hội. Báo chí cần kịp thời phát hiện, cổ vũ, giới thiệu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, góp phần xây dựng, củng cố, vun đắp bản lĩnh, trí tuệ, văn hóa, đạo đức, tinh thần, ý chí và khí phách con người Việt Nam.

Các nhà báo cần không ngừng học, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển không ngừng; thực hiện nghiêm 10 quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng phản ánh thông tin thiếu khách quan, trung thực; xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp một bộ phận người làm báo, cùng với những sai sót về tư tưởng chính trị, lịch sử trong ấn phẩm, ảnh hưởng tới niềm tin, gây tâm lý băn khoăn, hoài nghi về đội ngũ người làm báo trong xã hội…
111
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan
trưng bày 95 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ảnh Sơn Hải
Đồng chí Trần Quốc Vượng cũng bày tỏ tin tưởng, đội ngũ nhà báo hôm nay bằng tình cảm, lương tâm, trách nhiệm với sự nghiệp báo chí cách mạng, nghĩa vụ công dân và trách nhiệm xã hội, sẽ tiếp nối được truyền thống của các thế hệ đi trước, góp phần quan trọng vào phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Các nhà báo lão thành tiếp tục cống hiến, trao truyền kinh nghiệm, nhiệt huyết nghề báo cho đội ngũ làm báo hôm nay.
111
Nhà báo Hà Đăng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương phát biểu tại buổi giao lưu.
Ảnh Sơn Hải
Cũng tại Hội nghị các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống báo chí cách mạng, cùng nhìn lại những chặng đường 95 năm hình thành và phát triển. Điểm nhấn của Hội nghị là việc giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa những người làm báo nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, tiếp tục thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới.

Theo đó, phần giao lưu tọa đàm, các đại biểu được chia sẻ kinh nghiệm với nhà báo Hà Đăng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương; Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân; Nhà báo Phạm Thị Thanh Phương, Trưởng phòng thời sự Đài PT-TH và báo Bình Phước.

Những ý kiến trong buổi giao lưu đã nêu tổng quan về sự phát triển của Báo chí cách mạng, cùng nhau chia sẻ về những đóng góp, niềm tự hào nhưng cũng không ít những khó khăn, thậm chí là nguy hiểm của nghề báo. Trong đó, nhà báo lão thành Hà Đăng cũng chia sẻ những thành tựu đáng tự hào của nền báo chí nước nhà. Nêu bật những điều trăn trở, những vấn đề nẩy sinh làm xấu đi hình ảnh và uy tín của báo chí hiện nay...

Theo nhà báo lão thành Hà Đăng trong thời gian làm báo, ông ấn tượng sâu sắc đến lời dạy của Bác Hồ rằng “Báo chí là một mặt trận. Cán bộ báo chí là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ; bài báo là tờ hịch cách mạng...”. Ông cho hay: Nếu ta đang chủ trương chống lại những hành vi tiêu cực trong xã hội mà nhà báo muốn làm việc đó thì trước tiên chính mình phải chống tiêu cực trong bản thân mình.

Nhà báo Đỗ Phú Thọ - Phó Tổng biên tập báo QĐND nhắc lại kỷ niệm lần đi tác nghiệp về lũ lụt tại Nghệ An năm 2007 với nhiều nguy hiểm. Ông cũng chia sẻ trong quá trình công tác đã nhiều lần bị các đối tượng gạ gẫm, mua chuộc nhưng ông vẫn giữ được bản chất của mình và nghĩ rằng lời từ chối đó hoàn toàn đúng.
111
Nhãn
Bên cạnh đó, Hội nghị đã được nghe ba ý kiến của ba đại biểu đến từ Đài truyền hình Việt Nam, Báo Lạng Sơn, báo Tây Ninh. Nhà báo Vi Thuý Hường, báo Lạng Sơn chia sẻ, trong quá trình công tác, chị luôn có ý thức học hỏi, trau dồi, nâng cao nghiệp vụ. Với sự quan tâm của lãnh đạo báo, của đồng nghiệp, nỗ lực bản thân chị đã khẳng định mình qua từng tác phẩm báo chí.

Những lần tác nghiệp gặp không ít khó khăn, nguy hiểm, những lần băng rừng lội suối để đến với đồng bào vùng sâu vùng xa, có lần bị chửi bởi, đe doạ khi đi tìm hiểu nhưng không làm nữ nhà báo của Lạng Sơn lùi bước. Trải qua các vị trí công tác, nhà báo Vi Thuý Hường luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc.
111
Nhà báo Vi Thuý Hường, báo Lạng Sơn chia sẻ tại hội nghị.
Tham luận tại hội nghị, nhà báo Dương Đại Dương, Báo Tây Ninh cho biết: Báo Tây Ninh ra đời rất sớm, từ tháng 10.1946, Tây Ninh đã xuất bản tờ Báo Dân Quyền - tiền thân của Báo Tây Ninh hiện nay - đánh dấu sự hình thành báo chí cách mạng của tỉnh. Đến nay ở Tây Ninh, cũng ban hành Nghị quyết Báo Tây Ninh và Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh chuẩn bị trở thành “người một nhà”. Trong khi Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh chưa hợp nhất thì báo Tây Ninh phải tự mình thay đổi từ nội dung đến hình thức để đáp ứng nhu cầu độc giả...
111
Bà Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương tuyên dương người làm tiêu biểu tại hội nghị.
Trình bày tham luận tại Hội nghị, nhà báo Phan Ý Linh công tác tại VTV7 chia sẻ trong đợt dịch bệnh Covid-19, với vai trò là người làm phim tài liệu, chị và các cộng sự của mình hiểu rằng việc ghi lại toàn bộ quá trình mà chúng ta đối diện và xử lý dịch bệnh là điều vô cùng cần thiết. Đây sẽ là một dữ liệu lịch sử quan trọng cho quốc gia và thế hệ sau này, cho thấy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết của mọi người dân Việt Nam; những nỗ lực, phát minh sáng chế của các nhà khoa học Việt Nam trong việc chung tay với thế giới đẩy lùi dịch bệnh.

Cũng tại Hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu” nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam”, thay mặt Ban tổ chức, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã trao biểu trưng để tri ân những nhà báo lão thành đã có nhiều cống hiến, đóng góp cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Đồng thời, Ban tổ chức cũng trao tặng Bằng khen của Ban Tuyên giao Trung ương cho những người làm báo tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam...
 
Lê Tâm
(Báo Nhà báo và Công luận)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây