Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: 'Nhát dao chém vào lòng tin'
Thứ ba - 09/06/2020 03:32
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: 'Nhát dao chém vào lòng tin' Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế-xã hội, chiều 8/6, đại biểu Thuận Hữu (Hải Phòng) bày tỏ sự “nhức nhối” trước việc dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông mãi không thể chạy, như “nhát dao” chém vào lòng tin của dân.
Mỗi ngày “mở mắt là mất con Toyota camry”
Đại biểu Thuận Hữu đề nghị Chính phủ nêu rõ các giải pháp xử lý những vấn đề tồn đọng, gây bức xúc xã hội nhiều năm mà chưa giải quyết được. Điển hình là các dự án hàng ngàn tỷ đồng đắp chiếu, trùm mền như Gang thép Thái Nguyên, Nhiệt điện Thái Bình… “Chúng ta không nhanh chóng tháo gỡ thì tiền càng đắp chiếu nằm đấy càng mất, mất cả lao động, mất cán bộ, mất rất nhiều thứ”, ông Thuận Hữu nói.
Khẳng định Chính phủ rất quyết liệt, song theo ông Thuận Hữu, hình như các bộ, ngành chưa quyết liệt cùng một hướng, dẫn đến cứ đưa việc này ra lại ách tắc việc kia. “Khi đặt vấn đề, anh quyết anh có chịu trách nhiệm không thì không ai dám quyết. Nhất là Nhiệt điện Thái Bình, đầu tư gần xong đến nơi rồi, còn một đoạn nữa thôi mà vẫn đắp chiếu nằm đấy, một đoạn nữa thôi mà không xử lý được. Tính ra thiệt hại mỗi ngày mở mắt ra là mất 1 con Toyota Camry. Gang thép Thái Nguyên cũng thế”, ông Thuận Hữu nhấn mạnh.
“Về xử lý trách nhiệm trong việc chậm trễ đường sắt Cát Linh – Hà Đông, tất cả những người liên quan đều phải xem trách nhiệm của ai, tổ chức nào, đến đâu. Nhưng dự án đã qua nhiều đời và các ông đã nghỉ hết cả rồi. Đây là câu chuyện phải đi vào vấn đề cụ thể, rất khó. Chẳng hạn, lúc đó tôi chỉ có chủ trương như thế, còn các anh triển khai khác thì đã khác ý của tôi”.
ĐBQH Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế
Đề cập đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, ông Thuận Hữu than “rất nhức nhối”. “Người dân chua chát gọi là kỳ tích thế giới, đầu tư rất nhiều, mất nhiều thời gian, nhưng không biết bao giờ khai thác được. Gần xong rồi chỉ còn chạy thử nữa thôi mà giờ mắc mớ đủ thứ, họ đòi thanh toán 50 triệu USD. Nhát dao đó chém vào lòng tin của dân”, ông Thuận Hữu nói và nhấn mạnh, nếu không xử lý nhanh thì sẽ “biến thành bảo tàng đường sắt, kêu gọi khách đến tham quan, du lịch, rất đau khổ. Dân bức xúc ghê gớm lắm. Tiền nhiều như thế, mà cứ đội vốn liên tục”. Từ đó, ông đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, vào cuộc nhịp nhàng, đồng bộ, xử lý dứt điểm cái nào ra cái đấy, không nên để kéo dài, càng kéo dài càng thiệt hại.
“Chạy được trước đại hội là một may mắn lớn”
Chia sẻ với ý kiến của đại biểu Thuận Hữu về 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, khuyết điểm là do chưa có kinh nghiệm trong đầu tư. “Chúng ta có nhiều khuyết điểm, nhất là các dự án thua lỗ. Bao nhiêu dự án ethanol, dầu khí cũ để lại không khắc phục nổi? Rồi thép Thái Nguyên, một đống sắt gỉ bây giờ thì làm sao có thể khắc phục được? Đấy là những vấn đề chậm, khó khắc phục. Cần có thời gian tiếp tục thúc đẩy giải quyết”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, gần 100 cán bộ cao cấp đã bị xử lý thời gian qua là “cái giá phải trả không ít” để cho thấy Đảng nghiêm túc, Chính phủ nhìn thẳng sự thật, Quốc hội thấy vấn đề để xử lý tốt hơn, nhanh hơn, đảm bảo hệ thống an toàn.
Đối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Thủ tướng cho biết, vấn đề quan trọng nhất là an toàn thì đến nay chưa được bàn giao hồ sơ an toàn. Vì thế, các bên đang phải tích cực thảo luận để có thể giải quyết dứt điểm, và “hy vọng dự án này có thể chạy được trước đại hội là một may mắn lớn”.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí bên lề phiên thảo luận, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội đã làm việc với Bộ GTVT, lập tổ công tác liên ngành để “gỡ” vướng dự án. Tổ công tác sẽ trình phương án tổng thể lên Bộ GTVT, việc gì liên quan tới Hà Nội thì Hà Nội sẽ giải quyết, việc gì vượt thẩm quyền sẽ trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. “Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT phấn đấu đưa dự án vào vận hành trong năm 2020. Hà Nội mong muốn dự án hoàn thành, khai thác càng sớm càng tốt, nếu trước tháng 10 thì càng tốt. Hiện tổ công tác giữa Bộ GTVT và Hà Nội chưa có báo cáo cuối cùng về tiến độ dự án”, ông Huệ cho biết.
Ông Huệ cho biết thêm, vướng mắc lớn nhất hiện nay là thiếu các chuyên gia của tổng thầu Trung Quốc tại Việt Nam do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, đây là vướng mắc không chỉ của riêng dự án này mà của tất cả các dự án có chuyên gia nước ngoài làm việc. Khi các chuyên gia sang, Hà Nội sẽ bố trí nơi cách ly tập trung theo đúng quy định, hết thời gian cách ly nếu kết quả kiểm tra dịch tễ tốt, các chuyên gia sẽ trở lại làm việc bình thường. Còn vướng mắc về cơ chế thanh toán và liên quan tới việc thực hiện kết luận kiểm toán dự án, cơ chế tài chính giao cho dự án như thế nào hiện nhiều điểm cơ quan kiểm toán vẫn chưa kết luận dứt khoát.