Có cử tri nói rằng, có đại biểu chuyên họp chứ không phải chuyên môn cao
Thứ hai - 08/06/2020 15:54
Trăn trở về đại biểu Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Ngọc Đào - giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia đã có những chia sẻ rất tâm huyết, thẳng thắn và khoa học.
PGS.TS Đào tự ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VI,VII,VIII, IX.
Ông nói, nhìn chung các đại biểu Quốc hội phát huy được vai trò trách nhiệm của mình trước người dân, đáp ứng được nguyện vọng của người dân, xứng đáng với việc người dân đã lựa chọn, nhưng rồi có những câu hỏi nảy sinh rất nhiều...
Có những cô, cậu cả nhiệm kỳ chả thấy phát biểu gì
Thưa ông, kỳ họp thứ IX, Quốc hội khóa XIV đang đặt ra những vấn đề về vai trò, chất lượng của đại biểu Quốc hội. Trước đây đã có những câu ví von của một lãnh đạo trong Quốc hội rằng, đại biểu Quốc hội chỉ là ông bưu điện, bởi chỉ nhận đơn khiếu kiện của người dân rồi chuyển đến các cơ quan nhà nước yêu cầu trả lời. Dường như đang có nhiều rào cản cần gỡ bỏ để phát huy vai trò, nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, với tư cách là đại biểu Quốc hội hai khóa, ông nghĩ sao?
Trước hết, hoạt động của Quốc hội với ba chức năng cơ bản là lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề tối cao quan trọng của quốc gia đã càng ngày càng có chất lượng.
Điều này nhờ vào hai yếu tố, một là sự phát triển của kinh tế xã hội và những đòi hỏi của cuộc sống đương đại ngày một đa dạng hơn, phức tạp hơn đã đặt ra yêu cầu Quốc hội năng động, hành động, quyết liệt hơn. Hai là nhận thức của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội dần được nâng lên, phần nào đáp ứng được kỳ vọng của cử tri, của nhân dân, của xã hội...
Mặc nhiên còn nhiều điều cần bàn, đó là có phải đã đến lúc cần có một Quốc hội chuyên trách hay vẫn tiếp tục là Quốc hội cơ cấu. Cần tăng tốc độ chuyên môn hóa Quốc hội, tăng cường vai trò đại biểu Quốc hội chuyên trách, cả số lượng lẫn chất lượng như thế nào...
Theo quan điểm của tôi, hãy chọn những đại biểu Quốc hội chuyên trách chuyên làm luật, chuyên giám sát, có tư duy quyết định những vấn đề tối cao chứ đừng đi theo hướng bên hành pháp hết việc rồi sang lập pháp cho hết tuổi. Đã có những cử tri nói rằng, có những đại biểu chuyên họp chứ không phải nghị sĩ Quốc hội chuyên môn cao. Đại biểu Quốc hội chuyên trách phải hoàn toàn là một nhà lập pháp với đầy đủ tư chất, trình độ chuyên môn và có tâm.
Dần dần phải thu hẹp lại những thành phần trình độ yếu tham gia Quốc hội. Bởi vì những đại biểu mang nặng tính cơ cấu, yếu trình độ pháp lý, trình độ khoa học, trình độ thực tiễn vào Quốc hội chắc chắn không phát huy được khả năng.
Thậm chí có những đại biểu quá trẻ, chưa có kinh nghiệm về mặt chính trị xã hội, mặt chuyên môn nhưng lại được địa phương đưa vào cơ cấu đã không có một vai trò nào khiến cử tri rất bức xúc.
Thực tế cử tri cũng nói “cả nhiệm kỳ cô ấy, cậu ấy chả nói câu nào, chả phát biểu cái gì”. Khi đại biểu “chả nói câu nào, chả phát biểu cái gì” như thế thì người dân, cử tri đặt niềm tin vào đại diện của họ ra sao.
Tất nhiên cũng có những vấn đề đại biểu nói nhưng cử tri không nắm hết được, như sinh hoạt ở đoàn, tổ, tuy nhiên ít nhất trên diễn đàn Quốc hội, đặc biệt những lần giám sát tối cao, những phiên chất vấn thì nhân dân rất kỳ vọng đại diện của mình phải có tiếng nói.
Trong trường hợp này, nói thật là với trình độ chưa cao lắm thì tôi nghĩ rằng nhiều đại biểu không dám chất vấn. Họ sợ hỏi sai, sợ hỏi không đúng ý của ai đó, sợ hỏi không phù hợp với đoàn đại biểu của mình, không phù hợp với chỉ đạo…
Những hạn chế ấy nhãn tiền, thành thử, muốn có một Quốc hội tốt phải căn cơ suy nghĩ hiện tượng này, để đi đến một vấn đề mà yêu cầu xã hội đang cần là chuyên nghiệp hóa Quốc hội.
Căn cơ những rào cản đó là gì, thưa ông?
Quốc hội ta theo cơ cấu, mỗi một thành phần, lực lượng xã hội đều có đại diện của mình, một thực tiễn tôi cho là khó.
Phải có tiêu chí cụ thể, đặc biệt là tiêu chí về mặt am hiểu luật pháp. Vào Quốc hội thì phải biết luật, phải kiểm tra xem một đại biểu Quốc hội đọc được bao nhiêu luật, nếu chưa hiểu nội hàm của hệ thống pháp luật là sao thì làm sao lập pháp được.
Hai là về mặt khoa học, ít nhất đại biểu phải có kiến thức chung trước khi nói kiến thức chuyên sâu. Ví dụ kiến thức về bộ máy, một đại biểu Quốc hội phải biết bộ máy nhà nước như thế nào, các bộ ngành làm việc ra sao, cơ cấu tổ chức ra sao...
Dứt khoát phải suy nghĩ về quy trình lựa chọn, giới thiệu, nên nhắm vào những tiêu chí cơ bản về mặt con người, không chỉ cần cái tâm mà cần cả cái đầu, để khi vào Quốc hội có thể hiện được ba quyền cơ bản của mình là lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề tối cao.
Ví dụ, muốn tham gia quyết định xây dựng một thủy điện, sân bay, đường cao tốc thì đại biểu phải biết những vấn đề liên quan... Loay hoay vẫn những ông cùng ngành nói trên Quốc hội còn những ông khác ngồi im thì làm sao phát huy được.
Nhìn hình ảnh Quốc hội một số đọc báo, một số ngồi nhắn tin, thậm chí là ngủ gật thì chứng tỏ một là không liên quan, không biết rõ, hai là không quan tâm lắm. Thế thì không được.
Thực tiễn đòi hỏi các đại biểu phải hiểu các vấn đề nêu ra tại diễn đàn, nếu không hiểu, để những người non kém vào Quốc hội, mất thời gian của họ, mất thời gian của quốc gia, mất niềm tin của nhân dân.
Bên cạnh những hạn chế như ông nói, thực tiễn cũng cho thấy, có những đại biểu như đại biểu Nguyễn Mai Bộ từng nói là bị lãnh đạo bộ gây sức ép khi phát biểu trái ý. Mà cũng đâu chỉ riêng lãnh đạo bộ mà còn lãnh đạo địa phương, các trưởng đoàn đại biểu… Theo ông, liệu có phải những sức ép kiểu như thế khiến đại biểu Quốc hội “chùn miệng” hay không?
Đại biểu Quốc hội phải là công cụ của dân để giám sát quyền lực nhà nước. Nhân dân tin tưởng họ, lựa chọn họ để họ đi giám sát cho dân. Vậy mà có những người đại biểu là học trò của tôi nói: Em rất muốn nhưng mà lực bất tòng tâm, điều kiện để bọn em thực hiện giám sát không có, muốn đi phải có phương tiện, có thời gian, có vật chất, có vị thế, được tiếp cận thông tin... nhưng những thứ đó đang bị hạn chế.
Nhìn ra nước ngoài có thể thấy lời nói giám sát, phản biện của các nghị sĩ Quốc hội cực kỳ có trọng lượng. Nhưng ở ta có bao giờ nghĩ xem trọng lượng câu nói của đại biểu Quốc hội với chính quyền ra sao.
Dùng thẻ đại biểu để đi giám sát nhưng kết luận thế thôi chứ chính quyền có nghe không lại là vấn đề khác. Rồi chế tài để áp dụng trong trường hợp chính quyền không sửa chữa khuyết điểm khi đại biểu giám sát như thế nào. Tôi nghĩ rằng muốn có một Quốc hội mạnh, muốn có những đại biểu thực sự mang tiếng nói của dân, mang quyền lực của dân thì chắc chắn phải quy định lại vai trò trách nhiệm của họ.
Tiếng nói của họ phải được xử lý. Ví dụ một vụ tranh chấp khi đại biểu đã giám sát, kết luận thì dứt khoát chính quyền phải thực hiện nghiêm túc chứ không thể chỉ lắng nghe đại biểu Quốc hội nói.
Chúng ta có công cụ chứ không phải không có, vấn đề là xây dựng công cụ đó thế nào, pháp lý hóa chức năng của những công cụ đó ra sao.
Chúng tôi vẫn thường nói với nhau, đại biểu Quốc hội Việt Nam “làm tất ăn cả”. Một đoàn đại biểu Quốc hội may ra có vài ông thư ký, làm sao đủ điều kiện, trình độ để tập hợp tài liệu, để cùng với ông đại biểu đưa ra những sáng kiến lập pháp.
Cho nên phải nói hai chiều, có những khuyết điểm hạn chế của đại biểu Quốc hội nhưng chúng ta cũng phải quan tâm đến môi trường để họ làm việc.
Tòa nhà Quốc hội có thể rất đẹp nhưng điều kiện để đại biểu Quốc hội có thể đi giám sát thế nào, sau giám sát tiếng nói đại biểu ra sao là những vấn đề phải xem xét.
Không phải cứ đại biểu là cái gì cũng nói
Từ những vấn đề xôn xao dư luận, bức xúc trong xã hội, đã có những ý kiến đề cập đến trách nhiệm của đại biểu Quốc hội qua những vụ việc gây bức xúc trong xã hội như Đường Nhuệ, Loan cá hay những điểm nóng như Thủ Thiêm, Đà Nẵng, mới đây là vụ tử tù Hồ Duy Hải, có thể thấy rằng những ý kiến của đại biểu Quốc hội luôn nhận được sự quan tâm của dư luận, lẽ tất nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, những ý kiến của họ cũng đòi hỏi chính xác hơn, khoa học hơn, thuyết phục hơn… Ông nghĩ gì về vấn đề này?
Về lý thuyết và thực tiễn chúng ta vẫn tranh luận đại biểu Quốc hội là ai. Đó chắc chắn là đại diện của dân, của cử tri rồi.
Cứ năm năm một nhiệm kỳ người dân sáng suốt lựa chọn đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực cao nhất để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của nhân dân thông qua diễn đàn Quốc hội. Xét trên phương diện luật pháp, lý thuyết thì không ai phủ nhận đại biểu Quốc hội có vị trí rất quan trọng trong nhánh quyền lực lập pháp.
Tuy nhiên cần lưu ý, trước Hiến pháp 2013 sửa đổi, trong quy định có nói Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có quyền lập hiến, lập pháp, nhưng từ Hiến pháp 2013 thì các cơ quan đều đi theo một nguyên tắc pháp lý cao nhất, đó là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thực hiện quyền lập pháp.
Điều này có nghĩa là thực hiện quyền chứ không phải có quyền. Quốc hội thực hiện quyền lập pháp, cơ quan hành pháp thực hiện quyền hành pháp, tư pháp thực hiện quyền xét xử. Cả ba quyền ấy vẫn là của dân.
Tôi nghĩ rằng đã đến lúc các đại biểu đọc kỹ ý này, nó không chỉ là tư duy khoa học rõ ràng mà còn mang bản chất của chế độ chính trị. Quyền lực vẫn phải thuộc về nhân dân. Một khi đại diện cho quyền lực không phải của mình nhưng được nhân dân lựa chọn thì chắc chắn trách nhiệm người đại biểu rất lớn.
Lâu nay cũng hơi buồn một tý là rất nhiều những vấn đề dân sinh bức xúc, từ đất đai, vi phạm hành chính, vi phạm công tác Đảng, tham nhũng tha hóa quyền lực, tự diễn biến tự chuyển hóa, chạy chức chạy quyền, gian lận thi cử... là những vấn đề nổi cộm, nhức nhối. Người dân quan tâm, đòi hỏi những người đại diện của họ làm rõ.
Theo tôi có hai cách tiếp cận. Thứ nhất là cuộc sống xã hội càng ngày càng phức tạp hơn, chúng ta chuyển đổi từ một nền kinh tế bao cấp quan liêu tập trung sang nền kinh tế thị trường và đang đối mặt với những vấn đề thị trường sinh ra mà chưa có đủ nhận thức về mặt khoa học thực tiễn để tiếp cận nó. Cho nên người dân, với tư cách là những người không giỏi chuyên môn thì họ yêu cầu đại diện của mình là đúng.
Vấn đề là sau khi nhận diện rồi thì phải xử lý. Vướng về mặt luật pháp hay vướng về mặt quản lý nhà nước. Phải chăng đại biểu Quốc hội không đủ trình độ hoặc không đủ tâm huyết hoặc thiếu trách nhiệm để dẫn tới tình trạng như thế này.
Tôi rất quý những đại biểu Quốc hội chịu khó đi sâu vào từng vụ việc cụ thể, đi tìm câu trả lời để báo cáo trước dân. Đây là vấn đề không đơn giản. Họ biết vấn đề nhưng liệu họ có hiểu vấn đề không, có đủ khả năng để giám sát không, giám sát xong có tiếng nói gì đối với chính quyền... Nó phụ thuộc vào quyết tâm, ý chí, ý thức của người đại biểu trên cơ sở cái tâm, cái tầm của mình.
Không phải cái gì cũng nói là đại biểu Quốc hội tốt, nhiều khi sai đấy. Tôi theo dõi thấy có những đại biểu cái gì cũng nói nhưng không trọng tâm. Đừng nói nhiều để thể hiện tôi đang thực hiện chức năng, đấy là mị dân. Phải nói đúng, nói sự thật, góp phần xử lý đúng, bảo đảm lợi ích của dân chứ không phải cái gì cũng nói.
Ví dụ những băng nhóm tội phạm hoạt động dưới danh nghĩa doanh nghiệp thì trong luật hình sự đã ghi câu này chưa, cần luật hóa hiện tượng này như thế nào, đi tìm những căn nguyên để điều chỉnh ra sao... Nói phải làm và phải có căn cứ chứ không thể tôi nghe dư luận thế này thế nọ.
Ô hay, phải nói là tôi đã giám sát, tôi đã nghiên cứu thấy chỗ này chỗ kia chưa được... Phải quyết liệt thế chứ họp xong về rất phí thời gian, xót xăng của dân lắm.
Chắc chắn không thể trách dân, không thể trách những người phai nhạt niềm tin vào đại biểu của mình vì không thể tuyệt đối hóa các đại biểu đều xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Vẫn có những cá nhân không xứng đáng, đi vào Quốc hội với mục đích cá nhân của họ, của bộ ngành họ, của tập đoàn họ… Đây là câu hỏi lớn với dư luận xã hội. Thực ra thì ở các nước cũng thế thôi, không ai có thể tuyệt đối hóa các đại biểu được.
Cùng với hạn chế về vai trò của đại biểu, thực tế cũng cho thấy có những đại biểu bị “bật” khi đề cập đến những vấn đề nóng của dư luận, thậm chí là bị đề nghị xử lý, bị cho là nguy hiểm… Ngoài ra, qua nhiều vụ việc các đại biểu Quốc hội vi phạm pháp luật khiến ở một góc nào đó dư luận đặt ra những câu hỏi về “nghề” làm đại biểu Quốc hội… Theo ông, đại biểu cần làm gì để bảo vệ vai trò, chức năng nhiệm vụ, cụ thể là lời nói của mình, để “không thể để Quốc hội là cây cảnh” như lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng nói?
Tầm của đại biểu là một công dân tích cực, một công dân đủ tiêu chuẩn, một công dân có thể lĩnh hội được trách nhiệm của nhân dân để thực hiện quyền lực của họ. Tâm là vào Quốc hội rồi thì phải nhận thức được rằng quyền không phải của họ.
Cần một nhận thức rất rõ về mặt lý thuyết, thực tiễn được quy định bởi Hiến pháp và pháp luật đó là đại diện của dân chứ không phải họ mang quyền lực cao nhất cho bản thân.
Mặt còn lại, đã có những câu hỏi về tư cách đại biểu Quốc hội. Đặc biệt là qua các vụ việc có những đại biểu Quốc hội vi phạm pháp luật, rơi vào vòng lao lý, thậm chí với những cáo trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, như vụ Châu Thị Thu Nga chẳng hạn.
Rất nhiều vụ khác nữa, nó khiến hình ảnh đại biểu Quốc hội khác đi. Đấy là chưa nói đến những đại biểu có những biểu hiện hoạt động không rõ ràng về mặt chính trị quốc tế, dẫn đến tình trạng người dân đặt câu hỏi rất lớn.
Rõ ràng thực tiễn càng đòi hỏi nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, ông nghĩ gì về vấn đề tự ứng cử đại biểu Quốc hội? Làm gì để đại biểu thực sự là "hạt nhân của Quốc hội"? Thưa ông?
Tự ứng cử ở mình còn hạn chế, cái khó nhất là trình độ để thuyết phục được người dân, không chỉ bằng lời nói mà còn là hành động. Tôi không ưng những đại biểu chất vấn các Bộ trưởng với mục tiêu thế này thế kia. Chất vấn phải trên tinh thần xây dựng, phải làm sao chất vấn xong Bộ trưởng đó phải cảm ơn.
Hỏi cái gì phải xác đáng chứ hỏi theo kiểu để cử tri biết à ông này có hỏi chỉ phí thời gian. Có những vấn đề không ra diễn đàn chất vấn có thể gửi thư, hỏi trực tiếp, chúng ta có nhiều kênh, nhiều hình thức để tăng vai trò giám sát, vấn đề có tận dụng được hay không, có ý chí quyết tâm hay không.
Tức là ta đã lời được câu hỏi không phải tất cả các đại biểu Quốc hội đều tốt. Có những khuyết điểm tự thân, có những khuyết điểm do cơ chế, do hệ thống pháp luật...
Tuy nhiên tôi cho rằng hiện nay chúng ta đang rất thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực. Nhân dân họ nói chúng tôi chỉ quyền giám sát thôi, còn việc kiểm soát là từ trong bộ máy.
Một trong những chức năng cở bản của Quốc hội là giám sát, đó là công cụ rất mạnh để kiểm soát quyền lực. Nếu thực sự giám sát một cách căn cơ, đúng mực trên phương diện khoa học, minh bạch trên phương diện thực tiễn thì chắc chắn làm được.
Tổng kết của Đảng từ nhiệm kỳ khóa XII đến nay đã có hàng trăm cán bộ do Trung ương quản lý vi phạm nguyên tắc Đảng, vi phạm nguyên tắc quản lý, thậm chí là vi phạm pháp luật...
Nhân dân hiện nay đang nói một ý rất quan trọng, đó là nhờ ơn Đảng, nhờ đường lối đấu tranh phòng chống tham nhũng cương quyết như hiện nay mà chúng ta nhận diện được mặt trái của xã hội. Tìm ra nguyên nhân đó là sự tha hóa quyền lực, tư lợi, chủ nghĩa cá nhân, vây cánh, lợi ích nhóm...
Còn rất nhiều vấn đề nổi cộm, nhưng cũng lạc quan thôi. Đảng ta đã nhận diện được vai trò, nhân dân tin vào Quốc hội. Những khiếm khuyết chẳng qua chỉ là thời gian, hoàn cảnh.
Vấn đề chúng ta nhận thức được mục tiêu đi tới sẽ là gì. Chúng ta sẽ chỉ có một Quốc hội mạnh nếu chúng ta tự thân, một Quốc hội phù hợp với Việt Nam, với nhân dân, với truyền thống văn hóa, điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam.
Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước và nhà nước này luôn luôn nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mọi hoạt động đều nằm trong cơ chế tổng quát, không thể có một Quốc hội gì đấy siêu phàm, khác biệt, độc lập. Quốc hội là cơ quan đại diện nhân dân Việt Nam, tiếng nói nhân dân Việt Nam... Thế thôi.
Xin cảm ơn ông!
“Quốc hội muốn mạnh có hai vế, thứ nhất là căn cơ nghiên cứu thể chế, nghiên cứu pháp luật, để càng ngày Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân.
Thứ hai, muốn thực sự cao nhất, để nhân dân tin tưởng quyền lực của nhân dân đã được thực hiện thông qua đại diện của họ. Không thể chờ đợi mỗi năm mấy phần trăm mà có lẽ trong tổ chức Quốc hội nên có đột phá.
Tôi rất ngại và nói thật không đồng ý lắm với việc mỗi khóa lại thêm một ít phần trăm chuyên trách, cơ cấu...
Ví dụ như việc cơ cấu đại biểu nữ cao hơn chẳng hạn, để làm gì chứ. Nam nữ bình đẳng trong việc tham gia vào Quốc hội, đại diện của dân nếu đủ tiêu chuẩn thì nữ vượt trội hơn nam cũng chẳng sao, vấn đề là chất lượng”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Đào.