"Phần thưởng" của Bác Hồ thưởng nhà báo

Thứ ba - 19/05/2020 17:17
Đó là lời của nhà văn Hà Bình Nhưỡng nói lên cảm xúc khi ông được tin Bác Hồ đọc một bài báo nói về gương tốt, việc tốt của tiểu đội trưởng cùng đồng đội đã vượt qua sấm sét cứu các em nhỏ bị sét đánh cách đây 53 năm.
111
Bác Hồ và nhân cách của một nhà báo cách mạng (ảnh TTXVN)
Nhà báo Hà Bình Nhưỡng kể lại rằng trong cuộc đời làm báo của mình, ông đã viết 8 bài báo nêu 8 gương tốt đăng trên báo Quân đội nhân dân, quân khu, báo Phòng không không quân (nơi ông công tác) cả 8 gươg đó đều được Bác Hồ đọc và trao 8 huy hiệu cho 8 cán bộ, chiến sĩ. Nhà báo Bình Nhưỡng cho đó là vinh dự lớn nhất của đời ông. Ông cho đó cũng là phần thưởng của Bác Hồ tặng cho chính ông, vì bài viết của mình đã được Bác Hồ đọc. Nhà báo Hà Bình Nhưỡng nhớ lại: Năm 1958, khi ông là cán bộ tiểu đoàn 391, trung đoàn 52 sư 320 (Còn gọi là đại đoàn Đồng Bằng) viết bài "Thà chịu cháy người không để cháy kho" nêu gương chiến sĩ coi kho: Vũ Văn Chất đăng trên báo Quân đội nhân dân, được Bác đọc và thưởng huy hiệu cho đồng chí Chất. Tiếp đó 2 năm sau là một bài ký với đầu đề: "Vượt qua sấm sét dũng cảm cứu dân" đăng trang nhất  với khổ chữ lớn báo QĐND ra tháng 9/1960. Buổi sáng, báo vừa phát hành ở Hà Nội, ít phút thì Bộ tư lệnh đại Đoàn nhận được điện của đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng hỏi về cụ thể sự vụ, chủ yếu về tính chân thực được nêu trong bài báo. Cũng rất may, trước khi gửi đi, nhà báo Hà Bình Nhưỡng đã đọc cho đồng chí Lương Tuấn Khang lúc đó là chính uỷ đại đoàn nghe xong, đồng chí Lương Tuấn Khang bảo Hà Bình Nhưỡng gửi đi. Thời gian này Hà Bình Nhưỡng lại đang phụ trách tờ tin "Lính đồng bằng" của Đại Đoàn - nên trước khi viết ông đã về tại chỗ "Mục sở thị" - Chính uỷ Lương Tuấn Khang đã cho xe con của ông - chở Hà Bình Nhưỡng về hiện trường chỗ sét đánh học sinh tại thôn Kha Lâm, xã Nam Hà, tỉnh Kiến An (nay quận Kiến An, TP Hải Phòng).

Cũng ngay buổi sáng hôm ấy, Bác đã đọc kỹ bài ký trên, Bác điện nay sang Bộ Tổng tham mưu - cơ quan phụ trách tác chiến và huấn luyện quân đội, yêu cầu điều tra về diễn biến nguyên nhân sự vụ đó đúng như bài báo viết không? Bác hỏi kỹ tiểu đội thông tin vào trú mưa trong đình làng - nơi có một lớp học mà các cháu học sinh đang phải nghỉ học vì mưa giông quá lớn, có đúng là thông tin đường dây hay thông tin vô tuyến để hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến sét đánh? Bác Hồ e ngại có thể do sơ xuất của bộ đội ta khi tập luyện nên đã là "ngòi nổ" để các cháu bị nạn, khi được báo cáo: Đúng là bộ đội thông tin đường dây có trú mưa ở đình làng thôn Kha Lâm, xã Nam Hà, huyện An Lão, tỉnh Kiến An (nay là quận Kiến An), nhưng do góc đình xụt lở vôi vữa để trơ cốt sắt nên cả bộ đội trú mưa và các em học sinh trong đình đã bị sét đánh - Bác rất cảm động trước hành động của 12 chiến sĩ trong tiểu đội thông tin, thuộc Đại đội 32, tiểu đoàn 16 thông tin, Sư 320 do đồng chí Lê Thanh Uy làm tiểu đội trưởng, mặc dù bị thương nhưng gượng dậy lần lượt lê mình cõng các em học sinh ra khỏi đường làng ra tỉnh lộ để vẫy xe tải chở các em đi cấp cứu tại bệnh viện thị xã Kiến An (Nay quận Kiến An, Hải Phòng). Sáu chiến sĩ ở lại chăm sóc các em, trong đó có tiểu đội trưởng Lê Thanh Uy được Sư đoàn và tư lệnh quân khu tặng bằng khen và tuyên dương báo công về địa phương.

Nhà báo Hà Bình Nhưỡng được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam năm 1997 - mất năm 2006 tại thành phố Hồ Chí Minh, ông sinh ngày 24/4/1934 tại Tiền Hải, Thái Bình, nhập ngũ 1952 lúc nghỉ hưu là đại tá. Từng làm y tá, cán bộ chính trị, đi học đào tạo phi công ở Nga, viết báo, viết văn, trưởng phòng biên tập ký sự, lịch sử phòng không - không quân. Hà Bình Nhưỡng đã xuất bản 10 tác phẩm, gồm ký sự, phóng sự, tiểu thuyết, ghi chép, truyện. Sau khi nghỉ hưu, Hà Bình Nhưỡng tham gia công tác ở Hội nhà báo thành phố Hồ Chí Minh.

Còn nhân vật tiểu đội trưởng Lê Thanh Uy trong bài báo của Hà Bình Nhưỡng năm nay đã 78 tuổi, ông về hưu từ năm 1983. Hiện sống tại đội 11 khu phố Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, nay ông cũng là CTV báo QĐND và báo địa phương. Ông Uy vẫn thường nhắc tới nhà báo Hà Bình Nhưỡng - nhờ có bài báo ấy, ông Uy được kết nạp Đảng, đơn vị cho ông đi học lớp đào tạo sĩ quan.

Như vậy, cả người viết báo và nhân vật trong bài báo đều đã được Bác Hồ tặng phần thưởng. Người được Bác thưởng huy hiệu, người viết cũng được phần thưởng... là được Bác đọc bài báo của mình.
 
Lê Hồng Bảo Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây