Báo chí Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích xã hội
Thứ hai - 27/04/2020 09:31
Việc Tổ chức phóng viên không biên giới tự cho phép xếp hạng tự do báo chí của một quốc gia theo những tiêu chí riêng của họ mà không thực sự hiểu rõ về hoàn cảnh, điều kiện của mỗi quốc gia khiến những đánh giá, nhận định của tổ chức này không có độ tin cậy, thuyết phục. Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng đã khẳng định như vậy trong cuộc họp báo thường kỳ trực tuyến chiều 23/4.
Báo cáo của Tổ chức Phóng viên không biên giới không có độ tin cậy, thuyết phục
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Tổ chức Phóng viên không biên giới ra Báo cáo về tự do báo chí năm 2019, trong đó xếp Việt Nam đứng thứ 176/180 nước về tự do báo chí, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng cho biết, đây không phải lần đầu tiên Tổ chức Phóng viên không biên giới đưa ra những báo cáo dựa trên những thông tin sai sự thật, không có cơ sở và có dụng ý xấu. Việc Tổ chức Phóng viên không biên giới tự cho phép xếp hạng tự do báo chí của một quốc gia theo những tiêu chí riêng của họ mà không thực sự hiểu rõ về hoàn cảnh, điều kiện của mỗi quốc gia khiến những đánh giá, nhận định của tổ chức này không có độ tin cậy, thuyết phục.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng khẳng định, tại Việt Nam, quyền tự do ngôn luận nói chung và quyền tự do báo chí nói riêng được quy định cụ thể trong Hiến pháp năm 2013 và nhiều văn bản luật liên quan. “Báo chí Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích xã hội, các quyền tự do của nhân dân, đóng góp cho công tác kiểm tra, thực thi chính sách và pháp luật của nhà nước. Trong thời gian qua, báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện, đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực cũng như truyền đạt thông tin công khai, minh bạch kịp thời về những vấn đề nóng của đất nước mà tiêu biểu hiện nay chính là đảm bảo thông tin chính xác về dịch Covid-19 đến được người dân và tạo đồng thuận trong xã hội về phòng, chống dịch. Người dân cũng được tạo điều kiện thuận lợi để tận dụng hiệu quả các kênh báo chí truyền thông để thực hiện các quyền của mình, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính sách pháp luật của nhà nước.
Trong những năm vừa qua, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam được thể hiện rất rõ thông qua sự phát triển mạnh mẽ của báo chí về số lượng, sự đa dạng về loại hình. Hiện nay trên cả nước có gần 1.000 cơ quan báo in và báo điện tử, hơn 90 kênh phát thanh và gần 200 kênh truyền hình cùng với sự tham gia của các hội viên Hội nhà báo đang tác nghiệp trên tất cả các loại hình báo chí và tích cực sử dụng công nghệ làm báo tiên tiến giúp đưa thông tin đầy đủ và kịp thời tới người dân Việt Nam.
Các phóng viên, nhà báo tại Việt Nam luôn được tạo điều kiện tham gia tích cực vào việc phản ánh sâu rộng, toàn diện mọi khía cạnh đời sống của cả nước. Các nhà báo tại Việt Nam cũng được luật pháp bảo vệ và đồng thời hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, đóng góp có trách nhiệm vào lợi ích chung của người dân và xã hội”, Phó phát ngôn viên Ngô Toàn Thắng khẳng định.
Việt Nam bác bỏ cáo buộc hậu thuẫn nhóm tin tặc APT32
Cũng tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam trước báo cáo của tổ chức an ninh mạng FireEye cho rằng Chính phủ Việt Nam hỗ trợ nhóm hacker APT32, nhóm được cho là đã nhiều lần tấn công mạng vào các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp trên thế giới, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng khẳng định: “Việt Nam nghiêm cấm các hành vi tấn công mạng nhằm vào các tổ chức hay cá nhân dưới bất kỳ hình thức nào. Các hành vi tấn công, đe dọa an ninh mạng cần bị lên án và trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Năm 2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng và hiện đang hoàn thiện các văn bản pháp quy để thực thi pháp luật, ngăn chặn các hành vi tấn công mạng. Việt Nam sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế trong đấu tranh phòng và chống các hành vi tấn công mạng dưới mọi hình thức”.
Việt Nam đủ bằng chứng khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 23/4, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan tới vấn đề Biển Đông, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng nêu rõ:
“Việt Nam nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời có quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Mọi hành vi xâm hại chủ quyền Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối".