TS Nguyễn Đình Cung: Tôi rất mong các tập đoàn nhà nước ngừng than vãn và ngừng đi xin tiền
Thứ hai - 27/04/2020 15:14
"Bão" Covid-19 "đổ bộ" vào Việt Nam khoảng 3 tháng qua, đã gây thiệt hại nặng nề cho toàn bộ nền kinh tế. Nhìn vào thực tế đã xảy ra, lúc này, điều gì khiến ông cảm thấy lo lắng nhất cho các doanh nghiệp trong nước?
TS Nguyễn Đình Cung: Doanh nghiệp nước ta, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, thường là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có khả năng linh hoạt tốt, nhưng sức chống chịu lại rất yếu. Về mặt tài chính, họ không có dự trữ. Khi xảy ra dịch bệnh, nhiều công ty không còn dòng tiền, không có thu nhập. Vì bị lệ thuộc, chứ chưa đứng được ở vị trí chi phối thị trường, nên khi một mắt xích nào đó trong chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thì ngay lập tức, họ chịu tác động mạnh.
Người lao động nước ta chủ yếu làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều lao động chính thức hoặc phi chính thức sống theo kiểu: "Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ". Vì thế, khi mất việc, họ sẽ mất luôn kế sinh nhai. Từ đó, gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế.
Nhưng thực tế không chỉ có doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó, mà hồi đầu tháng 4, bảy tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã báo lỗ hơn 3.700 tỷ đồng, trong đó, Vietnam Airlines thiệt hại nặng nhất, với số lỗ hơn 2.000 tỷ đồng, cần nhà nước hỗ trợ 12.000 tỷ, vì đã cạn kiệt 3.500 tỷ đồng dự trữ. Ông có đánh giá gì về điều này?
TS Nguyễn Đình Cung: Lúc này, không chỉ có doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp tư nhân; doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp ở nước ngoài… đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Dịch bệnh không phân biệt thành phần kinh tế, quốc gia, dân tộc, nó rất bình đẳng trong việc gây tác động.
Ngoại trừ một số doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin… có thể chịu ảnh hưởng xấu thấp hơn, thì một số ngành đang phải hứng chịu tác động trực tiếp, rất mạnh và ngay lập tức, điển hình là lĩnh vực dịch vụ, bao gồm cả vận chuyển hàng không.
Tuy nhiên, nếu nói về thua lỗ thì ngoài Vietnam Airlines, VietJet Air hay Bamboo Airway cũng bị đều ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng VNA có thể đang chịu ảnh hưởng nặng, khó khắc phục hơn hai doanh nghiệp còn lại, vì công ty này chỉ kinh doanh duy nhất dịch vụ vận chuyển hàng không. VJA, BBA là những đơn vị kinh doanh đa ngành. Một số ngành khác của họ có thể chịu tác động ít hơn, cho nên sức chống chịu của VJA hay BBA có lẽ sẽ tốt hơn VNA.
Việc VNA thua lỗ và khó khăn như vậy là có thật! Nhưng tôi lại không thấy lo lắng nhiều cho doanh nghiệp này, vì Covid-19 chỉ là giai đoạn tạm thời, chứ không phải là mãi mãi. Hơn nữa, doanh nghiệp có sự tích lũy đóng góp trong nhiều năm, nên nhà nước chắc chắn sẽ có những chính sách phù hợp, giúp doanh nghiệp chống chịu qua đại dịch. Nhà nước sẽ lo đến các vấn đề tổng thể vì toàn bộ nền kinh tế là một chỉnh thể thống nhất. Cứu doanh nghiệp, chẳng qua cũng là để cứu cả nền kinh tế.
Không lo cho Vietnam Airlines, nhưng trong số 6 tập đoàn lớn còn lại (Tập đoàn Dầu khí quốc gia; Xăng dầu Việt Nam; Hoá chất Việt Nam; Tổng công ty Cảng hàng không; Hàng hải Việt Nam; Đường sắt Việt Nam; Lương thực miền Nam; Cà phê Việt Nam) cùng đang bị thua lỗ nặng, không cân đối được thu chi, thì liệu có tập đoàn nào khiến ông cảm thấy lo lắng?
TS Nguyễn Đình Cung: Tôi không lo ngại cho tập đoàn nào cả! Tôi cũng rất mong, các tập đoàn này đừng than vãn và đi xin tiền nhà nước. Lúc này, nhà nước đang dốc sức hỗ trợ toàn quốc gia gồng mình chống dịch, mà còn phải đi hỗ trợ tập đoàn nhà nước thì có lẽ sẽ là điều hơi phản cảm.
Dịch bệnh tuy gây ra nhiều khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để các tập đoàn kinh tế nhà nước chủ động bứt phá. Thay vì xin tiền, các tập đoàn này nên xin cơ chế phù hợp, làm sao để doanh nghiệp năng động, linh hoạt, sáng tạo hơn, từ đó có thể khai thác có hiệu quả khối tài sản lớn và biến nó thành sức mạnh dân tộc, làm được như thế mới là điều đáng làm!