Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ghi nhớ lời dạy của Người để làm báo được tốt hơn
Thứ sáu - 15/05/2020 16:54
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng là một nhà báo vĩ đại. Năm 1922, Nguyễn Ái Quốc là một trong những người sáng lập tờ Le Paria(Người cùng khổ) tại Pháp. Thời gian này, Nguyễn Ái Quốc là chủ bút, là họa sỹ và kiêm cả công việc bán báo. Vào 21/6/1925, Nguyễn Ái Quốc sáng lập tờ Thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc) để làm công cụ tuyên truyền cho Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Người là cây bút chính của báo Thanh niên...
Sau này, khi Cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên giáo dục báo chí cách mạng hoạt động sao cho hiệu quả để góp phần xây dựng đất nước. Trong rất nhiều lời căn dặn giành cho báo chí, thì nội dung bức thư Bác Hồ gửi lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng năm 1949 và Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ 3 của Hội Nhà báo Việt Nam năm 1960 vẫn như là lời nhắc nhủ mang tính thời sự cho báo chí nước nhà.“MỘT TỜ BÁO KHÔNG ĐƯỢC ĐẠI ĐA SỐ DÂN CHÚNG HAM CHUỘNG THÌ KHÔNG XỨNG ĐÁNG LÀ MỘT TỜ BÁO”
Đó là lời dạy của Người khi lớp học viết báo mang tên nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng được tổ chức tại một khu rừng thuộc xã Tân Thái huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên. Trong thư, Bác đại ý nói rằng: Chưa có điều kiện đến thăm lớp học, rằng tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết nhân dân và cổ vũ cho phong trào thi đua yêu nước.
Bác dạy: “ Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. MỘT TỜ BÁO KHÔNG ĐƯỢC ĐAI ĐA SỐ DÂN CHÚNG HAM CHUỘNG THÌ KHÔNG XỨNG ĐÁNG LÀ MỘT TỜ BÁO.” ( Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 625, NXB Sự Thật, tháng 5- 2000) Bác dặn muốn được dân chúng ham chuộng thì phải sửa chữa một số khuyết điểm của báo chí lúc đó gồm: Đưa tin chậm, cái quan trọng lại đưa ngắn, cái không quan trọng lại đưa dài, chính trị suông quá nhiều, tờ báo “không vui vẻ”.
Sau gần 70 năm, lời dạy của Người vẫn mang tính thời sự khi một bộ phận không nhỏ nhân dân ít đọc báo và ít nghe đài cũng như ít xem truyền hình, nhất là đối với đài, báo địa phương. Tin tức trên hệ thống đài báo địa phương dường như vẫn nặng về hiếu hỷ lễ tân, nội dung không được đông đảo nhân dân đón nhận...Một số bài dài, nội dung không gây được chú ý... “THƯỜNG NÓI MỘT CHIỀU VÀ ĐÔI KHI THỔI PHỒNG THÀNH TÍCH”
Tại Đại hội lần thứ 3 Hội Nhà báo Việt Nam năm 1960, Bác Hồ đã đến nói chuyện. Sau khi biểu dương thành tích của báo giới, Bác dặn những đơn vị cơ quan được báo chí phê bình: “Những người (bất kỳ địa vị nào) và những cơ quan được phê bình phải có thái độ thật thà, khiêm tốn. Phê bình đúng thì phải đăng báo nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10 trang 614, NXB Sự Thật, tháng 5-2000)
Và Bác nêu một số khuyết điểm của báo chí, trong đó có: “THƯỜNG NÓI MỘT CHIỀU VÀ ĐÔI KHI THỔI PHỒNG CÁC THÀNH TÍCH, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta”.
Nhắc lại lời dạy của Người để đội ngũ những người làm báo “khắc cốt ghi tâm”. Có như vậy mới phản ánh đầy đủ, chính xác tình hình, nhờ vậy bài báo mới có tác dụng. Nếu chỉ viết thành tích một chiều, vô tình nhà báo đã biến mình thành kẻ giả dối trong mắt người đọc.
Quen một nếp viết như vậy, vừa hủy hoại thanh danh của bản thân, vừa làm hại cho bản báo của mình.