Vụ án Hồ Duy Hải: Sai sót trong điều tra có vi phạm tố tụng?
Chủ nhật - 10/05/2020 09:15
Ngày 8/5/2020, Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND tối cao đã công bố quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, qua đó tuyên bác toàn bộ kháng nghị của Viện KSND tối cao.
Đáng chú ý trong quyết định trên, HĐTP cho rằng cơ quan điều tra "có sai sót trong hoạt động điều tra nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án". Sau phán quyết trên, dư luận đặt nhiều câu hỏi băn khoăn về nhận định trên của HĐTP.
Một tiền lệ đáng lo ngại
Theo luật sư Trần Minh Hải (Đoàn luật sư TP Hà Nội), hẳn HĐTP phải biết những sai sót trong quá trình điều tra trên có được xem xét là đúng pháp luật hay không?
Thứ nhất, sai sót trong khám nghiệm hiện trường về thu giữ vật chứng: vụ án giết người bằng dao nhưng không thu vật chứng dao, đập bằng thớt nhưng không thu giữ thớt, đánh người bằng ghế nhưng thu giữ nhầm chiếc ghế. Đối chiếu sai sót này với điều 75 Bộ luật tố tụng hình sự (TTHS) 2003 (áp dụng thời điểm xảy ra vụ án) về thu thập và bảo quản vật chứng: "Vật chứng cần được thu thập kịp thời, đầy đủ, được mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án.
Trong trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh và có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản; vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn và hư hỏng...".
Thứ hai, về việc chậm trưng cầu giám định các vết máu khả nghi tại hiện trường (hơn 4 tháng), khi máu đã bị phân hủy khiến không xác định được kết quả. Sai sót này hoàn toàn trái quy định tại điều 155 Bộ luật TTHS về trưng cầu giám định.
Sai sót khác về biên bản hỏi cung sửa chữa mà không có chữ ký xác nhận của người khai, biên bản nhận dạng không có người chứng kiến... Trong khi Bộ luật TTHS quy định rất cụ thể, mà nếu tuân thủ thì không được phép có các loại sai sót này.
Theo ông Hải, đối chiếu với các quy định của Bộ luật TTHS 2003, nếu cho rằng những sai sót trên là sai pháp luật thì HĐTP chắc chắn không có quyền bác kháng nghị.
"Bởi điều 389 Bộ luật TTHS chỉ cho phép bác kháng nghị khi HĐTP không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị khi xét thấy bản án, quyết định đó có căn cứ và đúng pháp luật", ông Hải nói.
Ngược lại, nếu HĐTP cho rằng những sai sót trên là đúng pháp luật thì đây là một tiền lệ suy luận áp dụng cực kỳ đáng lo ngại cho Bộ luật TTHS hiện hành.
Rồi đây, hệ thống quy định về nhiệm vụ, hiệu lực cho tới hàng loạt nguyên tắc tối cao về suy đoán vô tội, bảo đảm quyền bình đẳng, xác định sự thật vụ án... tại 510 điều của bộ luật rồi sẽ ra sao?
Cùng ý kiến, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích: "Những vi phạm về tố tụng, tức xảy ra trong quá trình điều tra, xét xử đã được Viện KSND tối cao chỉ ra trong bản kháng nghị được HĐTP thừa nhận là những vi phạm nghiêm trọng về pháp luật hình thức.
Khi pháp luật hình thức không đảm bảo thì tác động trở lại pháp luật nội dung và làm cho nó không còn đảm bảo tính khách quan, toàn diện nữa. Khi một vụ án được xem xét, đánh giá trong không gian chứng cứ thiếu khách quan, toàn diện thì khó có thể mang lại kết quả xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật". Ông Hưng dẫn chứng: tuy lời khai (dù có rất nhiều mâu thuẫn) là Hồ Duy Hải nhận tội, nhưng những chứng cứ vật chất, thuộc trách nhiệm chứng minh của các cơ quan tiến hành tố tụng, lại không có.
Điển hình như: hung khí gây án không thu thập được (phải thay thế), dấu vết tội phạm là dấu vân tay, vết máu không thu thập kịp thời lại không trùng với dấu vết của người bị cáo buộc, nên việc buộc tội bằng lời khai và các chứng cứ gián tiếp khác là không đảm bảo thủ tục, trình tự của pháp luật, không đảm bảo nguyên tắc "suy đoán vô tội" quy định tại Bộ luật TTHS. Chưa nói những sự phù hợp về lời khai và chứng cứ gián tiếp đó liệu có khách quan?
Khả năng oan sai, dù rất nhỏ, không có nghĩa là nó không xảy ra. Kháng nghị của Viện KSND tối cao ngoài việc phòng chống khả năng oan sai thì còn có ý nghĩa để đảm bảo truy tố, xét xử đúng người, đúng tội đối với bị án Hồ Duy Hải một cách thuyết phục hơn.
Vi phạm tố tụng hay sai sót tố tụng?
Một chuyên gia tố tụng (đề nghị không nêu tên) cho rằng nếu vai trò của viện kiểm sát chỉ là bảo vệ sự đúng đắn của pháp luật thì vai trò của cơ quan xét xử ngoài bảo vệ sự đúng đắn của pháp luật còn phải bảo vệ công lý. Do đó, với những sai sót mà Viện KSND tối cao chỉ ra trong quyết định kháng nghị cho thấy có vi phạm nghiêm trọng tố tụng.
Một số điểm này chỉ được HĐTP thừa nhận là sai sót, tuy nhiên theo thông tin tường thuật từ phiên tòa thì HĐTP đã hỏi đại diện viện kiểm sát câu hỏi "Những sai sót này điều tra lại thì có thu được kết quả không?", và HĐTP lập luận rằng khi điều tra không ra được kết quả thì không cần phải điều tra lại. Đây là nhận định chủ quan, bởi chưa điều tra lại thì không thể xác định được kết quả sẽ thế nào.
Ví dụ như dấu vân tay thu được tại hiện trường vụ án vẫn chưa xác định được đó là vân tay của ai, trong khi kết quả giám định đó không phải là vân tay của Hồ Duy Hải thì việc truy xem dấu vân tay đó của ai, liên quan gì đến vụ án là cần thiết.
Ngoài ra, theo nguyên tắc đánh giá hồ sơ thì có hai nguồn tài liệu: một là tài liệu buộc tội, hai là tài liệu gỡ tội. Bởi vậy, cần đánh giá các tài liệu này dựa trên nguyên tắc suy đoán vô tội.
Cũng theo vị này, việc HĐTP bác kháng nghị của Viện KSND tối cao tuy thuộc thẩm quyền của HĐTP nhưng chưa phù hợp với pháp luật. Điều 389 Bộ luật TTHS cho phép HĐTP bác kháng nghị khi xét thấy bản án đã có hiệu lực "có căn cứ và đúng pháp luật". Một bản án được xem là có căn cứ và đúng pháp luật phải đảm bảo cả pháp luật nội dung lẫn hình thức. Pháp luật nội dung và pháp luật hình thức là hai mặt của một vấn đề và có mối quan hệ biện chứng với nhau.
"Như đã phân tích ở trên, những vi phạm mà kháng nghị của Viện KSND tối cao chỉ ra là những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, chứ không thể gọi là 'sai sót trong điều tra' được. Vi phạm nghiêm trọng về tố tụng thì dẫn đến làm mất đi tính khách quan, toàn diện của vụ án. Đó cũng là một trong những căn cứ mà Bộ luật TTHS quy định là phải hủy án để điều tra, xét xử lại", vị chuyên gia này nêu ý kiến.
Thẩm phán chịu trách nhiệm về biểu quyết của mình
Một số thẩm phán hiện đang làm việc tại các tòa khi trao đổi với Tuổi Trẻ (đều yêu cầu không nêu tên) đều cho rằng HĐTP đã rất dũng cảm, không bị tác động bởi dư luận để đưa ra phán quyết như trên.
Theo các vị này, đó là bản lĩnh của các thẩm phán và họ chịu trách nhiệm về lá phiếu biểu quyết của mình.