Lính Trung Quốc dùng gậy sắt hàn đinh đánh nhau, Ấn Độ đặt gấp 2.000 áo giáp
Thứ bảy - 20/06/2020 10:51
Trong các cuộc ẩu đả gần đây, binh sĩ Trung Quốc đã sử dụng đá, gậy sắt có hàn đinh gây thương tích cho binh sĩ Ấn Độ. Các nguồn tin cho biết vụ đụng độ hôm 15-6 đã khiến 76 binh sĩ Ấn Độ bị thương, trong đó có 18 người bị thương nghiêm trọng.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 18-6 ca ngợi yoga là cách để xây dựng một “tấm chắn bảo vệ” hệ miễn dịch chống COVID-19. Ở khía cạnh quân sự, những “tấm chắn bảo vệ” khác dường như cũng đang được dựng lên ở biên giới.
Trong khi đó, trang Hindustan Times cùng ngày dẫn các nguồn tin cho hay quân đội Ấn Độ đã đặt làm trang phục chống bạo động toàn thân và dùi cui cho các binh sĩ được triển khai dọc LAC - vốn được xem là biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ - ở vùng Ladakh, để bảo vệ họ trước các cuộc tấn công của binh sĩ Trung Quốc.
Trong các cuộc ẩu đả gần đây, binh sĩ Trung Quốc đã sử dụng đá, gậy sắt có hàn đinh gây thương tích cho binh sĩ Ấn Độ. Các nguồn tin cho biết vụ đụng độ hôm 15-6 đã khiến 76 binh sĩ Ấn Độ bị thương, trong đó có 18 người bị thương nghiêm trọng.
Theo các nguồn tin, quân đội Ấn Độ đã đặt tổng cộng khoảng 2.000 bộ áo giáp như trên và dùi cui. Các binh sĩ dọc LAC sẽ sớm nhận được 500 bộ áo giáp trong lô đầu tiên.
Động thái này đáng chú ý vì theo thông tin của hai cựu quan chức cấp cao Ấn Độ nói với trang Hindustan Times, việc cung cấp trang phục chống bạo động cho binh sĩ dọc biên giới là điều không phù hợp vì vai trò của họ không giống với cảnh sát.
Trang Indian Express dẫn các nguồn tin cho biết có 10 binh sĩ Ấn Độ bị Trung Quốc bắt đã được thả hôm 18-6. Các binh sĩ sau đó được kiểm tra y tế và được xác nhận trở về "nguyên vẹn". Tờ báo này cho biết đây là lần đầu tiên các binh sĩ Ấn Độ bị phía Trung Quốc bắt giữ kể từ sau chiến tranh Trung - Ấn năm 1962.
Hãng tin Bloomberg ngày 19-6 cũng dẫn thông tin từ các quan chức Ấn Độ tiết lộ quân đội Trung Quốc đã thả 10 binh sĩ Ấn Độ bị bắt trong cuộc đụng độ chết chóc tối 15-6 ở thung lũng Galwan. Các quan chức nói rằng binh sĩ Ấn Độ được thả sau khi các chỉ huy quân đội cấp cao hai bên đàm phán.
Tuy nhiên, quân đội Ấn Độ lại không xác nhận chuyện binh sĩ nước này mất tích. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cũng nói tương tự trong cuộc họp báo ngày 19-6: "Theo như những gì tôi biết, hiện Trung Quốc không giữ bất kỳ quân nhân Ấn Độ nào". Do đó, hiện không rõ thực hư ra sao.
Trong khi đó, chuyện bên nào có lỗi trong cuộc đụng độ hôm 15-6 đến nay vẫn chưa đi tới hồi kết. Trong cuộc họp báo ngày 19-6, ông Triệu Lập Kiên tuyên bố: "Đúng sai, phải trái đã rõ và trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Ấn Độ". Tuyên bố này hoàn toàn trái ngược với phía Ấn Độ - vốn đổ lỗi cho binh sĩ Trung Quốc.
Tuy nhiên, có những thông tin mà người ta có thể tin tưởng ngay lúc này: Hai nước đang nỗ lực liên lạc để giải quyết căng thẳng và hậu quả từ cuộc đụng độ.
Như ông Triệu nói, cả Trung Quốc và Ấn Độ đang liên lạc với nhau qua các kênh ngoại giao và quân sự. "Chúng tôi hi vọng Ấn Độ có thể hợp tác với Trung Quốc bảo vệ đại cục phát triển lâu dài quan hệ hai nước" - ông Triệu nói.
Và sau những căng thẳng mới nhất, có một sự thật là người dân Ấn Độ đang kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Các quan chức Chính phủ Ấn Độ cũng cho biết họ có kế hoạch áp dụng các rào cản thương mại lớn hơn và nâng thuế nhập khẩu lên khoảng 300 sản phẩm từ Trung Quốc, theo báo Guardian.
Rộ tin Ấn mua tiêm kích Nga
Báo chí Ấn Độ ngày 19-6 cho hay không quân Ấn Độ đang xúc tiến kế hoạch đặt mua 33 tiêm kích từ Nga. Theo nhật báo The Economic Times, đề xuất này bao gồm 21 chiếc MiG-29 và 12 chiếc Su-30MKI. Thông tin được tiết lộ trong bối cảnh căng thẳng Trung - Ấn tăng cao sau vụ đụng độ chết chóc ở biên giới đầu tuần này.
Hãng thông tấn TASS của Nga cùng ngày dẫn các nguồn tin cho hay Chính phủ Ấn Độ hiện sẵn sàng xem xét đề xuất này. Không quân Ấn Độ đã trình đề xuất lên Bộ Quốc phòng nước này. Việc chuyển giao có thể sẽ bắt đầu khoảng 2 năm sau khi phía Ấn Độ ký hợp đồng với Nga.