Hậu trường Giải Báo chí Quốc gia:Bóc trần đường dây làm Giấy phép Lái xe Giả

Thứ ba - 23/06/2020 18:57
Tác phẩm “Thâm nhập đường dây làm giả bằng lái xe” của nhóm tác giả Báo Giao thông được Hội đồng Chung khảo GBCQG lần thứ XIV - năm 2019 đánh giá cao.

Đằng sau tác phẩm ấy là sự dấn thân, vào cuộc quyết liệt của người làm báo. Nhóm phóng viên đã vào vai những người có nhu cầu mua bằng lái xe giả, tiếp cận được nhiều đối tượng rao bán bằng giả trên mạng. Và từ đây, nhiều sự thật về đường dây làm giấy phép lái xe (GPLX) giả dần được hé lộ…
 

Động lực phanh phui đường dây làm GPLX giả

 
Là hai phóng viên chuyên trách theo dõi trực tiếp mảng an toàn giao thông của Báo Giao thông, phóng viên Nguyễn Đức Thắng và Trần Duy đã không ngừng tìm tòi đề tài và phản ánh các vấn đề nóng về giao thông. Khoảng thời gian đầu năm 2019, trong quá trình tác nghiệp, phóng viên đã tiếp cận được nguồn thông tin về tình trạng mua bán giấy phép lái xe (GPLX) giả rao bán tràn lan công khai trên mạng xã hội, nhóm phóng viên đã quyết tâm tìm tòi, phanh phui thực trạng về vấn đề này.
111
Phóng viên nhận GPLX giả sau khi “vào vai” người mua.
Đây là một đề tài không quá mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ, đặc biệt trong thời gian gần đây vấn nạn này rộ lên ở các trang mạng xã hội cũng như ngoài thực tế. Rao bán GPLX trên mạng diễn ra công khai và nhộn nhịp không khác gì “rau” ở chợ với đủ chiêu trò, thủ đoạn tinh vi. Việc này không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, tính mạng của người tham gia giao thông… Chính từ những vụ việc nhức nhối như thế đã thôi thúc nhóm phóng viên tìm tòi vào cuộc tìm ra sự thật, bóc trần các đường dây làm GPLX giả, với mong muốn góp phần ngăn chặn hậu họa cho xã hội và người tham gia giao thông.
 

Khi phóng viên “vào vai” người mua GPLX giả

 
Là một đề tài khá “nhạy cảm”, các đối tượng lại rất tinh vi và cẩn thận trong việc mua bán GPLX, nhóm phóng viên đã không ngại ngần thâm nhập vào thực tế để có những tư liệu đắt giá. Xác định đây là vấn đề khó vì các đối tượng bán GPLX giả hoạt động chủ yếu trên môi trường mạng nên nhóm phóng viên thực hiện đã phải tìm hiểu, tham vấn từ nhiều đơn vị chuyên gia, có cách thức triển khai hợp lý. Quá trình tác nghiệp đã được sự hỗ trợ, chỉ đạo chặt chẽ Ban Biên tập Báo Giao thông.

Trong vai khách hàng ở Hà Nội có nhu cầu mua GPLX hạng B2, liên hệ qua số hotline trên mạng, nhóm phóng viên đã tiếp cận được một cơ sở làm GPLX giả với đủ các hạng bằng và mức giá. Để làm rõ hơn thủ đoạn của đội ngũ làm GPLX giả này, phóng viên đã liên tục đưa ra những yêu cầu khá khó khăn, như thay đổi nơi cấp bằng, thương lượng giá cả để làm thêm cho nhiều người, xem bằng lái mẫu,… Nhưng hầu như những người giao dịch đều đáp ứng được, muốn mua bao nhiêu cũng có, và các đối tượng bán luôn cam kết đảm bảo tính an toàn của những chiếc GPLX giả… Nhóm phóng viên đã liên hệ nhiều nguồn rao bán GPLX giả trên mạng để nắm được những thông tin thực tế xây dựng vào loạt bài của mình. Và một thực tế đang diễn ra hiện nay, mua bằng lái xe rởm dễ hơn mua “rau” ở chợ…
111
Phóng viên báo Giao thông tìm đến Tổng cục Đường bộ VN để xác minh những chiếc GPLX giả.
Hành trình tác nghiệp không hề là đơn giản, khi nhóm phóng viên phải liên tục vào vai những người mua, thăm dò thông tin… trong khi những đối tượng làm GPLX giả rất tinh vi, khó để lộ ra sơ hở. Kể cả khi phóng viên đề nghị được gặp trực tiếp để nhận bằng và giao tiền cho yên tâm, các đối tượng cũng rất đề phòng không đồng ý mà chỉ khước từ với lý do làm không lấy cọc nên chỉ cần trao đổi qua Zalo. Các đối tượng còn cam kết cũng chỉ nhận thông tin của khách hàng rồi về soạn lại đưa từng Sở GTVT. Bằng làm xong sẽ có một người đi giao riêng, khách kiểm tra thấy hài lòng, giao tiền là được. Sau khi hoàn thiện, người mua sẽ tiến hành giao dịch, lấy bằng lái xe rởm được các đối tượng gửi qua một đơn vị làm dịch vụ chuyển phát nhanh. Quá trình trao đổi thông tin chỉ cần phóng viên sơ hở là lập tức họ sẽ cắt đứt liên lạc nhằm tránh “bứt dây động rừng”.

Sau khi thu thập được những thông tin về thực trạng làm GPLX giả rao bán tràn lan trên mạng xã hội, vào vai người mua những chiếc GPLX giả, nhóm phóng viên báo Giao thông đã tìm đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam - đơn vị quản lý hệ thống GPLX trên toàn quốc để xác minh. Từ những biện pháp nghiệp vụ của lãnh đạo Tổng cục, những thủ đoạn tinh vi để làm giả chiếc GPLX đã được bóc mẽ, nếu nhận biết bằng mắt thường rất khó nhận ra. Phóng viên Báo Giao thông đã mang tới cho người đọc những thông tin cụ thể về thực trạng này thông qua loạt 3 kỳ: “Thâm nhập đường dây làm giả bằng lái xe” được đăng tải trên báo Giao thông.
 

Dư luận bàng hoàng trước “chợ” mua bán GPLX giả

 
Ngay sau khi loạt bài viết nói trên được đăng tải trên Báo Giao thông, dư luận không khỏi bàng hoàng trước thực tế đường dây mua bán GPLX nhiều thủ đoạn tinh vi đang tràn lan trên mạng hiện nay. Nhiều bạn đọc bày tỏ sự đồng tình cần làm rõ và xử nghiêm các đối tượng mua và bán GPLX giả để tránh gây nguy hiểm cho xã hội. Đặc biệt, sau khi loạt bài đăng tải, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử nghiêm các đối tượng này. Hiện Bộ Công an đang xác lập chuyên án để điều tra làm rõ.

Trải qua thời gian dài “vào vai” thâm nhập đường dây mua bán GPLX giả, nhóm phóng viên Báo Giao thông: phóng viên Nguyễn Đức Thắng và Trần Duy đã không ngừng tìm tòi và tác nghiệp, mang đến cho dư luận và các cơ quan chức năng những thông tin đắt giá, bóc trần sự thật về việc mua bán GPLX giả tràn lan trên mạng internet. Hành trình tác nghiệp của phóng viên đầy gian nan, nhưng đã hái được quả ngọt… Quả ngọt là sự thật, là niềm tin của công chúng về những vấn đề tệ nạn, sai trái sẽ được phanh phui và gỡ bỏ…
Kim Anh
(Báo Nhà báo và Công luận)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây