Trung Quốc tập trận trái phép ở Hoàng Sa

Thứ tư - 01/07/2020 09:08

Trung Quốc tập trận trái phép quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ hôm nay và kéo dài đến ngày 5/7.

111
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và biến thành một tiền đồn quân sự. Ảnh: CSIS

Cơ quan an toàn hàng hải Trung Quốc hôm 28/6 thông báo kế hoạch triển khai đợt tập trận quanh quần đảo Hoàng Sa. Theo đó, tất cả các tàu bị cấm đi vào khu vực đó. Có nguồn tin nói rằng, Trung Quốc đã đưa tàu đổ bộ Type 071 ra đảo Phú Lâm để tham gia đợt tập trận quy mô lớn lần này.

Việt Nam nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động liên quan đến 2 quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vô giá trị. Việt Nam cho rằng, các nước cần hành động có trách nhiệm, tránh làm phức tạp tình hình, đóng góp vào hòa bình và an ninh ở biển Đông.

Trung Quốc đã biến đảo Phú Lâm thành tiền đồn và cơ sở quân sự lớn nhất mà nước này lập nên ở khu vực phía bắc biển Đông. Trung Quốc gần đây cũng tiến hành hàng loạt hoạt động quân sự khác ở khu vực. Chỉ riêng trong tháng này, Không quân Trung Quốc đã đưa máy bay chiến đấu ra gần Đài Loan ít nhất 9 lần, trong đó có 2 máy bay ném bom hoạt động hôm 28/6.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng điều các máy bay tiêm kích J-10, J-11, Su-30 và máy bay do thám Y-8 ra khu vực. Trung Quốc đang tiến tới đưa những hoạt động như vậy trở thành định kỳ và để “chặn các lực lượng nước ngoài không cho vào khu vực”, chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping được dẫn lời trong bài viết của tờ Hoàn cầu thời báo hôm 28/6.

Chia sẻ mối lo lắng chung về sự hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nói chung, các nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ… gần đây triển khai hàng loạt cuộc diễn tập. Ngày 28/6, hai nhóm tàu sân bay Mỹ gồm USS Nimitz và USS Ronald Reagan tập trận trên vùng biển gần Philippines, nhằm thể hiện “những cam kết phản ứng nhanh nhạy, linh hoạt và lâu dài của Mỹ” đối với các thỏa thuận quốc phòng tương hỗ với đồng minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ thông báo. Hai nhóm tàu tiến hành tập trận đúng 1 tuần sau khi Nimitz và một tàu sâu bay khác là USS Theodore Roosevelt triển khai tập trận chung ở khu vực này. Hiếm khi 3 tàu sân bay Mỹ cùng hoạt động ở Tây Thái Bình Dương và càng hiếm khi hai đợt tập trận diễn ra gần nhau như vậy.

Trong khi đó, Nhật Bản và Ấn Độ cuối tuần tập trận chung trên Ấn Độ Dương. Hoạt động này diễn ra trong lúc quan hệ hai nước với Trung Quốc đều đang căng thẳng, với Ấn Độ là vụ đụng độ chết người trên biên giới thuộc dãy Himalaya, còn với Nhật Bản là vụ khẩu chiến về việc Tokyo quyết định thay đổi địa vị hành chính của quần đảo Senkaku mà nước này đang kiểm soát nhưng Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Giới phân tích cho rằng, các hoạt động gia tăng trên Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cho thấy sự nổi lên của Bộ Tứ - nhóm liên minh quân sự chiến lược không chính thức gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ.

“Tín hiệu rất rõ ràng, rằng Trung Quốc càng gây phiền phức ở khu vực thì các nước bị ảnh hưởng, đặc biệt là Bộ Tứ, càng xích lại gần nhau”, Japan Times dẫn lời cựu Đại sứ Ấn Độ Rajiv Bhatia. “Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ là khu vực cạnh tranh chiến lược quan trọng nhất đối với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc trong thập kỷ tới và xa hơn nữa”, ông Bhatia nói.

Bình Giang
(Theo Báo Tiền phong)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây