Sự căng thẳng rồi sẽ đi đến đâu?

Thứ năm - 25/06/2020 18:02
Chiến tranh lạnh lan rộng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ là mối lo ngại ngày càng lớn đối với thế giới, thậm chí còn nguy hiểm hơn so với virus Corona, theo Jeffrey Sachs, nhà kinh tế học có tầm ảnh hưởng. Thế giới đang hướng đến một thời kỳ “gián đoạn lớn mà không có sự dẫn dắt nào” sau Covid-19.
111
Cái bắt tay khác biệt của ông Trump với ông Tập Cận Bình
Ngày 19/6/2020, phát biểu tại một diễn đàn ở Đan Mạch thông qua một cuộc gọi trực tuyến, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng châu Âu sẽ đánh mất giá trị cốt lõi nếu xích lại gần với Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi Trung Quốc là nhân tố bất hảo và kêu gọi châu Âu cảnh giác với mọi nguồn đầu tư từ Bắc Kinh. Ông Pompeo kêu gọi các nước châu Âu tránh xa hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc và cho rằng đây là công cụ giám sát của nhà nước Trung Quốc. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang trắng trợn tấn công chủ quyền của châu Âu thông qua các nguồn đầu tư vào Hy Lạp và Tây Ban Nha. “Chúng ta phải tháo ‘miếng da nạm vàng dùng để che mắt ngựa’ trong các mối quan hệ kinh tế để thấy thách thức của Trung Quốc không chỉ ở trước cửa mà đã ở trong mọi nguồn vốn. Mọi đầu tư từ doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đều cần được dò xét với sự hoài nghi chính đáng”, ông Pompeo nói.

Còn nguy hiểm hơn cả Covid-19

Bình luận gay gắt nói trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông Pompeo có cuộc gặp hơn 6 giờ đồng hồ với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hawaii hôm 17/6/2020 để bàn về mối quan hệ hai nước. Trong bài phát biểu ngày 19/6, Ngoại trưởng Pompeo cho thấy rằng cuộc gặp không gây ảnh hưởng nhiều đến cách nhìn của ông về Trung Quốc, bị ông coi là nhân tố bất hảo trên trường quốc tế. Trong một phát biểu được coi là phản ứng của Liên minh châu Âu (EU) đối với phát biểu của Ngoại trưởng Pompeo, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại củaEU, ông Josep Borrell cho biết EU sẽ không đứng về phe nào trong mâu thuẫn Mỹ - Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng cách tiếp cận ngoại giao của châu Âu tập trung vào đa phương và hợp tác.

Chiến tranh lạnh lan rộng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ là mối lo ngại lớn hơn đối với thế giới, thậm chí còn nguy hiểm hơn so với virus Corona, theo Jeffrey Sachs, nhà kinh tế học có tầm ảnh hưởng. Thế giới đang hướng đến một thời kỳ “gián đoạn lớn mà không có sự dẫn dắt nào” sau hậu đại dịch, ông nói với BBC. Tuần qua, Tổng thống Trump đã ký luật mở đường cho các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm đàn áp người Hồi giáo ở tỉnh Tân Cương. Trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Phố Wall, ông Trump nói ông tin rằng Trung Quốc có thể đã khuyến khích sự lây lan của virus trên phạm vi quốc tế như một cách để gây bất ổn cho các nền kinh tế cạnh tranh. Chính quyền Trump cũng đã nhắm vào các công ty Trung Quốc, đặc biệt là hãng viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc, công ty mà Washington nói đang được sử dụng để giúp Bắc Kinh theo dõi khách hàng của mình. Trung Quốc phủ nhận điều này, Huawei cũng vậy. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, lập trường cứng rắn này của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc và Huawei có thể là một phần của mưu đồ chính trị để được bầu lại - ít nhất là theo một cuốn sách mới của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, John Bolton.

Hoa Kỳ không phải là nước duy nhất mà Trung Quốc bị vướng mắc vào mâu thuẫn. Căng thẳng tuần này đã bùng lên ở biên giới Trung Ấn với ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong một số vụ bạo lực tồi tệ nhất đã xảy ra trong gần 50 năm qua. Trong khi đó, Trung Quốc đã tích cực tài trợ cho các dự án kinh tế ở Pakistan, Myanmar, Sri Lanka và Nepal - những nước láng giềng gần nhất của Ấn Độ - và hoạt động này đã gây lo ngại ở Delhi rằng Bắc Kinh đang cố gắng cắt đứt ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực. Sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối quan tâm của các nước láng giềng ở châu Á - đặc biệt là nếu Bắc Kinh không làm gì nhiều hơn để xoa dịu sự lo sợ rằng họ đang đã không đi theo con đường của hòa bình và hợp tác. Nhà kinh tế học Jeffrey Sachs h vọng: “Tôi có tin rằng Trung Quốc có thể làm nhiều hơn để giảm bớt nỗi lo sợ rất thật không? Tôi tin là có... Thực ra, sự lựa chọn lớn nằm trong tay Trung Quốc. Nếu Trung Quốc hợp tác, nếu nước này tham gia vào ngoại giao, hợp tác khu vực và đa phương, hay nói cách khác là họ đi theo con đường sức mạnh mềm… thì tôi nghĩ rằng châu Á có một tương lai tươi sáng.”

Lời đe dọa “cắt đứt quan hệ”

Tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn dọa dẫm sẽ cắt đứt quan hệ với nền kinh tế hơn tỉ dân này, dù Trung Quốc đã cam kết theo đuổi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ. “Mỹ chắc chắn vẫn giữ sự lựa chọn chính sách, dưới các điều kiện khác nhau để hoàn toàn tách rời khỏi Trung Quốc”, ông Trump nhấn mạnh trên Twitter ngày 18/6. Tuyên bố của Tổng thống Mỹ nhằm “sửa lưng” Đại diện Thương mại Robert Lighthizer trước đó trả lời trước Quốc hội Mỹ bác bỏ khả năng tách rời kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump nói về vấn đề này. Tháng trước, ông cũng từng nói rằng không muốn nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và có thể cắt đứt bang giao với Bắc Kinh. Quan hệ Mỹ - Trung xấu đi nhiều mặt trong năm qua, bao gồm tranh cãi về việc xử lý dịch Covid-19 và kế hoạch của Bắc Kinh nhằm áp luật an ninh lên Hong Kong.

Khác với ông Trump, trong một cuộc điều trần ngày 17/6/2020, ông Lighthizer nói rằng việc tách rời với Trung Quốc là một vấn đề phức tạp và dù sao Bắc Kinh cũng đã cam kết với các điều kiện trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nhằm giải quyết xung đột. “Đó có thể là một lựa chọn chính sách nhiều năm trước, nhưng tôi không nghĩ đó là một chính sách hay một lựa chọn chính sách hợp lý ở thời điểm này”, Hãng tin AFP dẫn lời ông Lighthizer nói. Đại diện thương mại Mỹ đánh giá chuỗi cung ứng sẽ chuyển dịch sang Mỹ nhiều hơn trong thời gian tới do các thay đổi về quy định và chính sách, nhưng ông cho rằng thỏa thuận thương mại sẽ dẫn đến những thay đổi tích cực và Trung Quốc sẽ mua nhiều hàng hóa của Mỹ hơn.

Trong cuộc đàm phán mới nhất giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và nhà ngoại giao hàng đầu, ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hawaii trước đó, phía Trung Quốc cũng nhắc lại cam kết đối với thỏa thuận giai đoạn 1 được ký kết vào 1/2020. Theo thỏa thuận, Bắc Kinh sẽ tăng cường mua hàng của Mỹ. Dù mô tả cuộc gặp giữa ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là “mang tính xây dựng”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói ông Dương đã đề nghị Mỹ ngưng can thiệp các vấn đề như Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 30/5/2020, tại cuộc họp báo được chờ đợi, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hàng loạt biện pháp điều chỉnh chính sách nhằm vào Trung Quốc, giữa bối cảnh căng thẳng hai nước leo thang. Báo Trung Quốc chỉ trích ngoại trưởng Mỹ ngạo mạn khi nói về Hong Kong. Trong khi đó, Tổng thống Trump đã phê phán Trung Quốc đã hoàn toàn kiểm soát WHO bất kể họ chỉ trả 40 triệu USD mỗi năm, so với những gì Mỹ đang đóng góp, khoảng 450 triệu USD một năm. Các biện pháp này gồm 3 điểm nóng đáng chú ý: Mỹ sẽ cắt đứt quan hệ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sẽ tiến hành các bước tước bỏ quy chế đối xử đặc biệt dành cho Hong Kong và ngừng cấp thị thực cho học viên/ nhà nghiên cứu Trung Quốc nghi phục vụ chính quyền Trung Quốc.

Bước ngoặt quan trọng

WHO là tâm điểm trong màn khẩu chiến Mỹ - Trung về dịch bệnh Covid-19 suốt nhiều tháng nay. Tại buổi họp báo nói trên, Tổng thống Trump một lần nữa cáo buộc WHO “là con rối” của Trung Quốc. Nhưng diễn biến đáng chú ý hơn là việc người đứng đầu Nhà Trắng xác nhận chính quyền Mỹ sẽ tiến hành các bước tước quy chế đặc biệt dành cho Hong Kong. Đây là diễn biến xuất phát từ sự kiện Trung Quốc thông qua nghị quyết mở đường soạn thảo dự luật an ninh Hong Kong. Tuyên bố này của ông Trump đánh vào nỗi bất an cho giới đầu tư ở Hong Kong. Một số phân tích sơ bộ ít nhất cho thấy nếu Hong Kong bị tước quy chế đặc biệt, điều này đồng nghĩa Hong Kong sẽ không được miễn trừ thuế nhập khẩu tăng cao mà Mỹ đang áp lên hàng hóa Trung Quốc. Thực tế, thương mại chỉ là một mảng nhỏ trong mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Hong Kong. Nhiều ý kiến cũng cho rằng tác động từ tuyên bố của ông Trump tới tình hình Hong Kong là câu chuyện đường dài. Nhưng theo đánh giá của CNBC, cách phản ứng của ông Trump với Hong Kong, cụ thể khả năng chấm dứt quy chế đặc biệt, là kịch bản tệ nhất cho giới đầu tư. Những tuyên bố như vậy tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Mỹ - Trung, đánh dấu việc chấm dứt cách tiếp cận thận trọng của ông Trump với Trung Quốc.

Trong một hiện tượng đi ngược lại với suy đoán của nhiều người, sau cuộc họp báo của ông Trump, chứng khoán Mỹ tăng điểm khi chốt phiên giao dịch ngày thứ sáu (29/5, giờ địa phương), đảo ngược các phiên giảm trước đó. Điều này phản ánh một thực tế rằng bất chấp một số thông tin giật gân trên mặt báo, giới đầu tư đã thở phào nhẹ nhõm khi hóa ra ông Trump không mang tới bất ngờ nào gây chấn động như lo ngại. Cụ thể, điều giới đầu tư lo âu nhất chính là khả năng Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” với Trung Quốc hoặc thậm chí áp lệnh trừng phạt mới. Cả hai điều này đã không xảy ra. Trên thực tế, cả 3 vấn đề WHO, sinh viên Trung Quốc ở Mỹ hay Hong Kong đều là các chủ đề được nhấn nhá trước đó nhiều ngày. Vì vậy, nó hoàn toàn nằm trong dự đoán của cả Trung Quốc lẫn Hong Kong. Chưa kể, báo chí Mỹ cũng chuẩn bị sẵn các bài phân tích về khả năng thực hiện trong các tuyên bố của ông Trump. Một số cho biết ông Trump có quyền rút Mỹ ra khỏi bất kỳ hiệp ước nào, tuy nhiên về mặt luật quốc tế, WHO lại không có điều khoản... cho phép rút. Vì vậy, có khả năng ông Trump bị đòi hỏi phải thông báo trước 12 tháng tính tới khi Mỹ chính thức rút. Tương tự, để hủy cơ chế đặc biệt của Hong Kong, nội bộ Mỹ sẽ còn xem xét nhiều yếu tố từ pháp lý cho tới lợi ích kinh tế.

Vấn đề quan trọng là tại sao ông Trump lại chọn thời điểm này để ra tuyên bố. Đề cập điều này, dư luận có phần nghiêng về khả năng ông Trump chuyển sự chú ý sang Trung Quốc để phục vụ lợi ích chính trị. Về ngắn hạn, yếu tố Trung Quốc có thể giúp khỏa lấp phần nào vụ bạo động sau khi cảnh sát làm chết người da màu ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota. Minnesota là nơi ông Trump đang có tỉ lệ ủng hộ thấp hơn một chút so với ứng viên tranh cử tổng thống 2020 Joe Biden bên Dân chủ. Hiện nay, thỏa thuận thương mại với Trung Quốc vẫn là một trong những lời hứa tranh cử quan trọng của ông Trump, nên rất nhiều khả năng xung đột Mỹ - Trung sẽ không đi tới mức độ “cạn tàu ráo máng”. Nhưng ngược lại, ông Trump được cho là đang khai thác tối đa tâm lý chống Trung Quốc nơi cử tri Mỹ. Điều này đặc biệt quan trọng và thậm chí có phần thực dụng, khi đối thủ Biden đang chịu áp lực không nhỏ từ các cáo buộc nói ông này thân thiện với Trung Quốc. Tóm lại, có khả năng chính quyền ông Trump sẽ không lùi bước trước Trung Quốc, nhưng nếu tiến lên cũng sẽ chừng mực.
 
Tác giả: Hàn Diệu My
Nguồn Văn nghệ số 26/2020

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây