Tiền điện tăng đột biến và những điều cần nói

Thứ tư - 01/07/2020 23:22
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có ngày cuối tháng 6 do nắng nóng, tổng công suất tiêu thụ điện toàn quốc đã đạt mức kỷ lục 38.300 MW, trong đó miềm Bắc tiêu thụ 19.000 MW, Hà Nội 4435 MW. Đợt nắng nóng kéo dài liên tục khiến cho tiền điện của khách hàng tăng cao đột biến. Tháng 5 có hơn 3 triệu khách hàng tăng từ 30% đến 300%; tháng 6 đã có hơn 7 triệu khách hàng phải trả tiền điện tăng từ gấp rưỡi đến gấp ba lần, trong đó có hơn 4 triệu hộ tăng gấp đôi. Các chuyên gia cho biết, thông thường khi nhiệt độ tăng thêm 1 độ C thì tiêu thụ điện tăng từ 2-3%, tăng 5 độ tiền điện sẽ tăng 10%... tuy nhiên, thực tế lại tăng rất khủng khiếp, vì sao? Trước hết cần phải nói đến sự bất hợp lý trong cách tính giá điện của nước ta hiện nay bao gồm từ biểu giá điện đã quá lỗi thời đến hạch toán giá thành sản xuất, truyền tải và mua bán điện vẫn rất “độc quyền”.
111
Cho dù đã qua lâu rồi cái thời “nhất điện nhì trời” thì điện vẫn là loại hàng hóa duy nhất có một nơi được bán cho toàn dân. Điện mặt trời, điện gió, điện than… hay bất cứ ai làm ra điện cũng phải bán lại cho EVN với “giá hợp lý”. Giá điện sinh hoạt từ năm 2014 đến nay có 6 bậc: bậc 1- từ dưới 50Kwh giá 1549đ/1kwh; bậc 2- từ 51-100 kwh, giá 1600đ/1kwh; bậc 3- từ 101-200 kwh giá 1860đ/1kwh; bậc 4- từ 201-300 kwh giá 2340đ/1kwh; bậc 5- từ 301-400 kwh giá 2615đ/1kwh; bậc 6- từ 401 kwh trở lên giá 2701đ/1kwh. Ngày nay khi đời sống toàn dân đã nâng cao, tiện nghi sinh hoạt ngày càng hiện đại, công nghệ 4.0 đã vào tận phòng ngủ, hầu hết mọi nhà đều có ti vi, tủ lạnh, bình nóng lạnh, quạt điện, điều hòa… nhiều người lao động ở trọ còn dùng đến hai điều hòa, sao còn lấy mức khởi  điểm 50 số và bậc cuối là trên 400 số giá gần gấp đôi? Đây chính là nguồn gốc tiền điện tăng đột biến trong tháng 5, tháng 6 vì hầu như nhà nào cũng phải chạy điều hòa liên tục thì phải trả tiền điện lên bậc 6 trên 400 kwh giá 2701 đ/1kwh. Có nhà phải trả gần 2 triệu tiền điện trong tháng 6.

Có chuyên gia ngành điện đăng đàn phán rằng giá điện của nước ta là rẻ nhất thế giới. Vậy xin hỏi thu nhập của dân ta có thuộc vào diện cao hay thấp nhất? và tỷ lệ chi phí tiền điện của người dân nước ta chiếm bao nhiêu phần trăm thu nhập bình quân? 10%-30%? Thực ra mọi sự so sánh đều vô nghĩa khi mà sự điều tiết XHCN không thể khống chế được sự độc quyền đối với lĩnh vực này, gây bất bình trong nhân dân.

Không thể phủ nhận những nỗ lực to lớn của ngành điện sau 45 năm thống nhất đất nước đã phát triển hệ thống phát điện, truyền tải điện tăng gấp hàng chục lần, đưa điện cao, hạ thế đến khắp mọi miền quê, ra tận hải đảo, góp phần quan trọng cho đất nước tăng trưởng kinh tế nhanh, cải thiện đời sống toàn dân, luôn bảo đảm đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng, nhất là trong những ngày nắng nóng toàn dân vẫn được cung cấp đủ điện sử dụng cho sinh hoạt, rất đáng tri ân. Nhớ lại những năm tháng khó khăn, mỗi tuần phải thay phiên cúp điện tiêu dùng bốn năm lần; Miền Trung cả năm điện bình quân 28 số/người; Các doanh nghiệp miền Nam liên tục bị thiếu điện sản xuất phải van lạy, đút lót cũng không thể có điện dùng mới thấy hết ý nghĩa của Công cuộc đổi mới đã giúp cho Ngành Điện tăng tốc, xóa bỏ sự trì trệ với hệ thống đường dây 500kv Bắc - Nam và hàng loạt công trình thủy điện, nhiệt điện, khí điện lớn, đáp ứng nhu cầu điện khí hóa toàn quốc. EVN là ngành có hệ thống quản lý điều hành giàu kinh nghiệm, liên tục được bổ sung trang thiết bị hiện đại khắp các địa phương, ngành được Nhà nước đầu tư lớn nhất hàng chục năm qua, cần coi cái lãi lớn nhất là có đủ điện cho dân dùng và phải xem xét lại mọi chi phí tính giá thành và giá bán điện hợp lý với thu nhập bình quân của người Việt Nam hiện nay.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, EVN đã và đang thực hiện giảm 10% tiền điện 3 tháng do đại dịch Covid-19 (tính vào các tháng 5,6,7) với tổng số tiền lên đến 11.000 tỷ đồng, và đang phúc tra tiền điện của những hộ tăng trên 30%. Bên cạnh đó EVN cũng đã xử lý kỷ luật những người liên quan trong các vụ “ghi nhầm” hóa đơn tiền điện lên nhiều lần khiến dư luận bức xúc trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo, Ngành Điện Việt Nam vẫn bộc lộ tính cửa quyền rất cao, nhất là trong việc đầu tư xây dựng các công trình lớn; hạch toán cả những đầu tư ngoài ngành, ngoài sản xuất vào giá thành điện; và không loại trừ cả những khoản ăn chia, “bôi trơn”, kể cả việc mua điện của những đơn vị sản xuất trong và ngoài nước… cũng được tính vào giá bán điện để “bổ” vào đầu người sử dụng. Cách tính điện như hiện nay ai cũng biết là bất hợp lý từ lâu rồi, Chính phủ, Quốc hội cũng đã có ý kiến, nhưng theo EVN thì phải trong quý 3/2020 tới đây mới có thể xây dựng xong biểu giá mới. Nhưng có lẽ dù là biểu giá mới được tính thế nào đi nữa thì cũng rất khó hạ được giá điện, và quan điểm dùng càng nhiều điện thì tiền điện càng lũy tiến cao lên gấp bội vẫn tiếp diễn. Công tơ điện tử để trên cột điện, dù chính xác cao nhưng người đi ghi dùng cây dơ lên chụp lại, mưa nắng, nóng hầm hập tủ đựng công tơ trên cột điện lên đến 60-70 độ, hay ẩm ướt rất dễ bị sai lệch, nhất là bo mạch do Trung Quốc sản xuất không chịu nổi độ ẩm cao, nhiệt độ cao, sai cũng là điều dễ. Sai quá nhiều thì phải kêu, sai ít thì tặc lưỡi mà nộp cho nhanh, không lại bị nhắc nhở, cắt điện. Tâm lý của người dân vẫn thế. Cái cơ chế “độc quyền” vẫn thế. EVN cần nghiêm túc thay đổi quan niệm cửa quyền, đào tạo, giáo dục lại hệ thống điều hành quản lý, có thái độ phục vụ, kiến tạo vì hạnh phúc nhân dân như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đầu tư công sức nhiều hơn, khoa học hơn cho hệ thống  chăm sóc khách hàng. Cần sớm xây dựng những phần mềm điện tử để liên kết hệ thống công tơ tiêu dùng điện các khu vực để cho khách hàng được tự kiểm tra lượng điện tiêu dùng.

Điều mà EVN có thể và cần phải làm để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân, bảo đảm đạo đức kinh doanh là nên có cách tính thích hợp đối với việc cung ứng điện, phân biệt rõ điện sản xuất với sinh hoạt. Đối với những nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài, sản xuất hàng xuất khẩu, lãi rất lớn, thì cần phải trả tiền điện cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp trong nước để có thêm nguồn góp hạ giá điện sinh hoạt cho dân. Đúng ra các nhà máy của các tập đoàn lớn xuyên quốc gia phải tự lo nguồn điện cho dây chuyền sản xuất của họ, như nhà máy giấy Bãi Bằng trước đây của Thụy Điển đã cho xây phân xưởng phát điện riêng, không chỉ lo cho sản xuất mà còn phục vụ cả nhân dân trong vùng. Chúng ta đang trở thành công xưởng của cả thế giới, sao cứ phải ưu tiên cả đất cả điện cho “nhà giàu” để dân nghèo phải khổ! Trong khi chưa thể tăng lương, nên chăng Chính phủ cần có sự chỉ đạo, điều tiết để có cách tính giá điện hợp lý cho dân, ít ra là trong những tháng nắng nóng chưa từng thấy này ở Việt Nam.
Tác giả: Võ Khắc Nghiêm
Nguồn Văn nghệ số 27/2020

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây