Éric-Emmanul Schmitt “Sách có quyền lực rất lớn đối với con người”

Thứ sáu - 10/07/2020 15:52
Nhà văn, nhà viết kịch, triết gia, diễn viên Pháp-Bỉ Éric-Emmanuel Schmitt là tác giả của hơn 17 vở kịch và 21 cuốn tiểu thuyết, ông đoạt gần 40 giải thưởng văn học của nhiều nước khác nhau. Mới đây, nhân dịp vở kịch nổi tiếng của ông Khúc biến tấu bí ẩn được dàn dựng tại nhà hát Thanh niên ở Saint-Petersburg, Liên bang Nga, phóng viên báo Tin tức, Yury Kovalenko, đã có cuộc trò chuyện với nhà văn. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
111
Nhà văn, nhà viết kịch, triết gia, diễn viên Pháp-Bỉ Éric-Emmanuel Schmitt 
* Hiện nay, kịch của ông đang được trình diễn ở các thành phố khác nhau của Nga. Ông thấy diễn viên của chúng tôi như thế nào? Họ có thể hiện hết chủ ý nghệ thuật của ông không?

- Các vở kịch của tôi được dàn dựng tốt nhất ở Nga. Tôi nghĩ, có được điều này là do trình độ sân khấu cao, trường phái diễn xuất tuyệt vời và, tất nhiên, khán giả Nga rất đồng cảm cùng trải nghiệm những cảm xúc mạnh mẽ, suy tưởng. Kết quả là đã ra đời những vở diễn tuyệt vời. Khi xem kịch của mình tại các nhà hát Nga, thật ngạc nhiên, tôi phát hiện ra mình có tâm hồn Slav. (Cười)

* Ông tham gia một số vai trong các vở kịch của mình vì ông diễn tốt hơn những người khác phải không? Sau Molière, các tác giả hiếm khi hóa thân thành nhân vật của mình.

- Có lẽ, tôi không phải là diễn viên giỏi nhất thế giới, nhưng cũng không phải kém nhất. (Cười). Là tác giả vở kịch, tôi diễn như tôi hình dung về nhân vật của mình. Tôi lên sân khấu một cách tình cờ. Có lần, một diễn viên tham gia vở kịch của tôi Ngài Ibrahim và hoa của Coran từ chối vai diễn này, thế là ngay lập tức tôi thay thế anh ta. Khán giả tỏ ra ưu ái với tôi. Đạo diễn cũng thích, và tôi quyết định tiếp tục. Tôi đã sắm vai này hơn hai trăm lần. Hiện nay, tôi diễn tại các khán phòng lớn với hai ngàn chỗ ngồi và thậm chí đi lưu diễn ở hải ngoại. Gần đây, tôi bắt đầu sắm vai trong vở kịch khác của mình - Bà Pilinska và những bí mật của Chopin. Trên sân khấu, tôi cảm thấy mình gắn kết hơn với công chúng và đoàn kịch.

* Khi sáng tác một vở kịch, ông có thấy mình trong vai một nhân vật nào đó không?

- Bên bàn viết, tôi khóc, cười, đồng cảm với các nhân vật của mình, lo lắng vì sợ hãi và sốt ruột, đặt ra những câu hỏi. Liệu tôi có điên không? Ngoài tôi ra có ai quan tâm điều này nữa không? Trên sân khấu, tôi hoàn tất hình tượng của mình, “hồi sinh” nó.

* Ông không chỉ là “nghệ sĩ ngôn từ” - nhà văn, nhà viết kịch, diễn viên, mà còn là một nhạc công, nhà soạn nhạc. Với ông có sự phân cấp nào trong lĩnh vực nghệ thuật không?

- Bản thân tôi rất thích âm nhạc và trước hết là nhạc opera. Trong nghệ thuật, không có loại hình nào cao hơn loại hình nào, tất cả đều tạo ra những cảm xúc khác nhau, bổ sung cho nhau. Do đó, tôi chọn các thể loại khác nhau để thể hiện bản thân. Nhưng ngôn từ là ma túy chính của tôi. Nó giúp vượt qua nỗi cô đơn mà không nhà văn nào tránh khỏi.

* Trong kịch và tiểu thuyết, ông trò chuyện tâm tình với độc giả và khán giả hay dạy họ cách sống?

- Dường như tôi gieo những hạt giống xuống đất và hy vọng chúng nảy mầm. Điều này khác xa với sự răn dạy và giáo huấn. Tôi không áp đặt bất cứ điều gì. Tôi từng dạy triết 5 năm tại trường đại học và định cống hiến cuộc đời cho công việc này. Nhưng thành công văn học đến rất sớm đã ngăn cản tôi. Tôi nói với sinh viên của mình: đừng lặp lại những gì tôi nói, đừng nghĩ như tôi, mà hãy suy ngẫm về những gì tôi nói. Tôi cho sinh viên hoàn toàn tự do, không ép buộc họ bất cứ điều gì.

* Ở nước Nga, các nhà văn lớn thường đóng vai  người cầm lái, lãnh tụ tinh thần. Ông có thái độ khác đối với sáng tạo văn học không?

- Tôi cung cấp cho sinh viên của mình một hộp đồ nghề, với sự trợ giúp của chúng các em có thể tạo ra cái gì đó của mình, tìm ra con đường riêng. Trong văn học tôi cũng có cách tiếp cận tương tự. Đôi khi tôi cố gắng vạch  phương hướng để đạt mục đích, giúp tìm kiếm. Nhưng tôi hoàn toàn không phải là một đạo sĩ bắt mọi người phải suy nghĩ và làm theo ý mình. Bằng cách này hay cách khác, sách giúp chúng ta sống - đặc biệt là trong thời đại đầy thử thách.

* Theo ông, hiện nay văn học có đóng vai trò xã hội gì không?

- Không một cuốn sách nào thay đổi được xã hội, nhưng nó có thể biến đổi con người. Nghĩa là, nó có quyền lực rất lớn đối với con người, nhưng không phải đối với toàn xã hội. Thế nhưng, đây có thể là quyền lực đặc biệt và vô đối.

* Nhà văn đích thực hiện nay có còn là nhà tiên tri như trong quá khứ nữa không?

- Nhà văn là nhà tiên tri nhưng anh ta thường không nhận ra điều đó. Càng thấu hiểu con người, anh ta càng tiên tri chính xác.

* Nhà thơ Nga Aleksandr Blok nói rằng Lev Tolstoy đã ngăn cản ông viết văn, ý nói: ông không thể vươn tới tầm cao mà tác giả của Anna Karenina đã đạt được. Những nhà văn nào “ngăn cản” ông sáng tác?

- Tôi suýt nữa bỏ viết vì Proust và Dostoyevsky - họ làm tôi kinh ngạc và thực sự "ngăn cản" tôi nhiều năm. Họ là những "sát thủ" thực sự của nghề viết. (Cười.) Khi đọc họ, tôi muốn đặt bút xuống và nói: “Đừng phí sức làm gì”. Nhờ những người khổng lồ này, tôi nhận ra văn học thực sự vĩ đại như thế nào. Lúc bấy giờ tôi tự nhủ rằng sẽ không bao giờ viết tiểu thuyết nữa, chỉ viết kịch. Nhưng rồi tôi đã tìm thấy chỗ đứng của mình trong văn xuôi.

* Trong số các nhà văn cổ điển Nga, ông muốn trò chuyện với ai nhất?

- Chekhov, đối với tôi ông là người khó nắm bắt, bí ẩn, hấp dẫn và đồng thời bay bổng nhất trong số các thiên tài văn học. Giá được trò chuyện với ông bên tách trà hoặc ly rượu, tôi có thể khám phá bí mật của ông.

* Những nhân vật văn học nào có nhiều điểm tương đồng nhất với ông?

- Không một ai. Tôi có nhược điểm và đức hạnh riêng của tôi. Tôi luôn muốn là chính mình. Hơn nữa, phép thuật văn học giúp bạn biến thành các nhân vật khác nhau, xuất hiện trong những vỏ bọc khác nhau.

* Nếu không trở thành nhà văn, ông muốn làm nghề gì?

- Giống như Chekhov, tôi muốn làm bác sĩ. Tôi cảm thấy giữa y học và văn học có một điểm chung, cụ thể là sự quan tâm đối với con người và bệnh tật của anh ta. Nhà văn điều trị bệnh tâm hồn. Khi người ta nói với tôi “sách của ông đã giúp tôi trong những lúc khó khăn”, thì đó là lời khen thích nhất đối với tôi.

* Ông còn được trời phú cho tài năng âm nhạc, là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ piano. Ông nói đùa rằng ông “thở bằng tai”, và đã viết một số cuốn sách về các nhạc sĩ như: Đời tôi với Mozart. Một nhà tâm lý học nói rằng Mozart không tự sinh ra, mà phải trở thành. Có đúng vậy không?

Không nên lãng phí thời gian để trở thành thiên tài. Trên thế giới có những điều kỳ diệu mà người ta chỉ nên ngưỡng mộ. Trong cuốn sách về Chopin, tôi viết rằng có những bí mật lớn mà chúng ta cần ngưỡng mộ, chứ không phải tìm cách giải mã chúng. Thiên tài nâng chúng ta lên, bên cạnh họ chúng ta trở nên hoàn thiện hơn. Tôi cảm thấy như vậy khi chơi nhạc Mozart hay Chopin. Nhân tiện xin nói, Mozart là một trong những nhạc sĩ có học vấn cao nhất trong thời đại của mình.

* Là một triết gia, nhà văn và công dân, ông có lo lắng về những gì đang xảy ra trên thế giới hiện nay: dịch  Covid-19, khí hậu nóng lên, bão lụt, xung đột quân sự và các tai họa khác? Phải chăng ngày tận thế đang đến gần?

- Trong suốt lịch sử của mình, con người luôn luôn sợ hãi ngày tận thế - đây là kết quả của trí tưởng tượng của chúng ta. Đôi khi tôi cũng lo lắng, nhưng tôi kịp kiềm chế trí tưởng tượng của mình và bình tĩnh lại, khi nhớ rằng con người đã từng sống sót trong những điều kiện hiểm nghèo nhất, đã vượt qua mọi thảm họa. Vì vậy tôi lại tin vào một kết thúc có hậu. Người lạc quan và người bi quan đều cho rằng thế giới đang trải qua những thử thách khó khăn. Nhưng nếu người lạc quan không mất hy vọng, lao vào cuộc chiến và  tin vào chiến thắng, thì người bi quan buông tay và than thở rằng ngày mai sẽ còn tồi tệ hơn.

* Theo ông, tính giải trí có làm mất giá trị của văn hóa không?

- Tính giải trí không có gì chung với nghệ thuật đích thực. Nó là sự áp đặt của bọn con buôn đối với chúng ta. Sự cao quý và cao thượng của văn học, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh là ở chỗ chúng đem đến cho chúng ta những tư tưởng, tình cảm mới. Hãy để các thương gia làm công việc giải trí. Molière nói: “Sân khấu là nghệ thuật làm được lòng”. Được lòng nghĩa là quan tâm, nắm tay con người hoặc khán giả và dẫn anh ta tới nơi anh ta không đi một mình, để lôi cuốn anh ta, khơi gợi niềm đam mê, khai sáng anh ta.

* Năm nay, ông tròn 60 tuổi - đối với một nhà văn đây chưa phải là nhiều. Ông đã kỷ niệm ngày sinh của mình với cảm xúc gì?

- Tôi cảm thấy mình còn trẻ, mặc dù không hiểu sao mọi người xung quanh không nhận ra điều đó. (Cười). Tôi cảm thấy, về nhiều mặt, tôi vẫn là người mới với những chân trời rộng mở phía trước. Vẫn như xưa, tôi quan tâm tất cả mọi thứ trên đời - lịch sử các nền văn minh và tôn giáo, thần bí học và siêu hình học. Hiện nay, tôi làm được nhiều việc hơn 30 năm trước. Có lẽ, bởi tôi hiểu: cần phải làm tất cả mọi thứ với niềm vui, điều mà triết gia Spinoza cho rằng nó nhân sức mạnh của chúng ta lên nhiều lần. Dù sao, tôi không nhìn thấy hoàng hôn đang đến gần và sống mỗi ngày như ngày đầu tiên, chứ không phải ngày cuối cùng.
 
Trần Hậu (Theo iz.ru)
Nguồn Văn nghệ số 28/2020

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây