Có thể nói, tích tụ ruộng đất đã trở thành xu thế tất yếu, nhằm tạo ra những vùng chuyên canh mang tính thương mại, giảm giá thành và tăng chất lượng sản phẩm...
Ngày 8/7/2020, liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức diễn đàn khuyến nghị một số nội dung trọng tâm cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Đất đai năm 2013, trong đó, vấn đề tích tụ đất đai đã được các đại biểu đặc biệt quan tâm.
Quá trình hội nhập đã chỉ ra, cần có những diện tích đất nông nghiệp đủ lớn để đầu tư, đưa công nghiệp và công nghệ cao vào canh tác, làm giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm.
Chỉ có thế, nông sản của ta mới đủ sức cạnh tranh với các quốc gia khác về giá cả và chất lượng. Nếu không, để có sức cạnh tranh, khó thoát cảnh phải ép giá nông dân, đẩy người nông dân vào cảnh bần cùng.
Trong cuốn tự truyện “Đối thoại với cánh đồng”, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Thaibinh Seed, đã kể hai câu chuyện.
Thứ nhất là khi sang Đan Mạch, ông gặp một chị nông dân sở hữu 250ha đất. Chị thuê một anh thợ cơ khí và 1 chị kế toán. Toàn bộ công việc từ gieo cấy đến chăm bón, thu hoạch, phơi sấy... đều do một mình anh thợ cơ khí làm. Thế nhưng vẫn thừa thời gian. Những lúc nông nhàn, anh vẫn vào thành phố kiếm việc làm thêm.
Thứ hai, trong buổi giao lưu giữa những người trồng ngô của Việt Nam và của Mỹ tại Việt Nam, ông nông dân trồng ngô Mỹ hỏi ông nông dân trồng ngô Việt Nam “ông trồng bao nhiêu ha ?”.
Ông nông dân Việt Nam tự hào “tôi trồng 2 mẫu (7.200m2), mỗi năm tôi lãi 20 triệu VND”. Ông nông dân Mỹ cười “tôi trồng 750ha (trên 2.000 mẫu), mỗi năm tôi lãi 900.000 USD (trên 20 tỷ VND) sau thuế”. “Thế ông phải thuê bao nhiêu người làm ?” “Không, một mình tôi làm hết”.
250ha và 750ha ở Việt Nam, là diện tích của hàng trăm hộ nông dân. Câu chuyện đó lý giải vì sao các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi của ta nhất định chỉ nhập ngô ngoại làm nguyên liệu, trong khi ngô trong nước thì thừa. Bởi ngô nhập rẻ hơn và chất lượng cao hơn.
Có thể nói, tích tụ ruộng đất đã trở thành xu thế tất yếu, nhằm tạo ra những vùng chuyên canh mang tính thương mại, giảm giá thành và tăng chất lượng sản phẩm, đồng thời tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phân công lại lao động trong nông nghiệp.
Thế nhưng theo PGS.TS Nguyễn Thị Nga, trưởng bộ môn Luật đất đai (ĐH luật Hà Nội ), thì pháp luật hiện hành về tích tụ ruộng đất của ta tuy đã được quy định, nhưng chưa rõ ràng, thiếu những quy định cụ thể, dẫn đến thực tế là thời gian qua, mỗi địa phương thực hiện tích tụ ruộng đất một cách khác nhau, với cơ chế quản lý và kiểm soát khác nhau. Việc thực hiện đó chỉ mang tính thử nghiệm chứ chưa trở thành hoạt động chính quy, bài bản.
Vì vậy việc tích tụ ruộng đất ở một số địa phương chưa hiệu quả, gặp nhiều rủi ro, không biết trách nhiệm thuộc về ai, và cuối cùng người chịu thiệt thòi nhất vẫn là nông dân.
Muốn việc tích tụ ruộng đất trở nên hiệu quả, giúp đưa nông sản Việt trở thành thế mạnh, thì nhà nước cần sớm có những chính sách rõ ràng.