“Lúc làm sai, làm trái thì anh nghĩ rằng mình sẽ được “nâng đỡ”, “bảo vệ”; mình sẽ trốn được cơ quan kiểm tra, giám sát, nhưng làm sao anh có thể trốn mãi được trước hệ thống pháp luật. Hệ thống pháp luật đó bắt buộc anh phải tuân thủ, anh làm sai thì sớm hay muộn cũng sẽ bị xử lý thôi”, ông Vũ Trọng Kim, Nguyên Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói như vậy khi trao đổi với Tiền Phong.
Làm trong sạch bộ máy
Nhiệm kỳ XII sắp kết thúc, song việc xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, làm trái, gây thất thoát vẫn diễn ra quyết liệt. Điển hình như mới đây, cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố bị can đối với cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến và một số cán bộ khác. Ông bình luận thế nào về xu hướng này?
Đây là xu hướng đúng. Nó cũng khẳng định, những ai tham lam, vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản của Nhà nước thì sẽ bị xử lý triệt để, không có nương tay; không có chuyện sắp đại hội thì trùng xuống, rồi “hạ cánh an toàn”. Càng gần đại hội thì càng phải xử lý đúng người, đúng tội, làm trong sạch bộ máy.
Qua những vụ việc này, đặt ra vấn đề về công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý vi phạm của cán bộ khi đương chức?
Đúng là có ý kiến nói rằng công tác kiểm tra, giám sát không kịp thời dẫn đến vi phạm xảy ra lâu rồi mới phát hiện ra.Ý kiến đó cũng có một phần đúng, song phải nhìn nhận thấy rằng, có kiểm tra, giám sát thì chúng ta mới phát hiện ra các vi phạm như thời gian vừa qua.
Qua các vụ việc cũng phải thấy rằng, những người trước đây khi vào Nhà nước cũng bình thường, không suy thoái, tham lam, tiêu cực, nhưng sau khi có vị trí, có quyền lực thì lại hư hỏng. Nếu không có chức vụ, quyền hạn thì đâu có điều kiện mà tham lam - thoái hóa, biến chất chính là ở chỗ đó. Tức là người cán bộ đó không còn tinh thần cách mạng, không còn tinh thần cống hiến, phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội mà chỉ nghĩ đến vơ vét.
“Qua các vụ việc cũng phải thấy rằng, những người trước đây khi vào Nhà nước cũng bình thường, không suy thoái, tham lam, tiêu cực, nhưng sau khi có vị trí, có quyền lực thì lại hư hỏng. Nếu không có chức vụ, quyền hạn thì đâu có điều kiện mà tham lam – thoái hóa, biến chất chính là ở chỗ đó. Tức là người cán bộ đó không còn tinh thần cách mạng, không còn tinh thần cống hiến, phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội mà chỉ nghĩ đến vơ vét”.
Ông Vũ Trọng Kim
Điều này đặt ra vấn đề gì về cơ chế kiểm soát quyền lực, thưa ông?
Điều quan trọng đầu tiên là cán bộ phải biết tự kiểm soát mình. Bác Hồ đã nói tự nguyện, tự giác, tự kiểm điểm, tự phê bình, tự giám sát mình - đó là cái quan trọng nhất. Còn anh không kiểm soát, thả nổi bản thân, rồi lại tìm cách để che đậy, ngụy trang, đến khi bị phê bình, nhắc nhở thì lại bảo “vạch lá tìm sâu” là không đúng. Bản thân ở trong con người cán bộ đó không liêm khiết, vô liêm sỉ thì sẽ làm càn. Kiểm soát quyền lực quan trọng nhất là tự kiểm soát việc làm của mình, bảo đảm thực thi đúng các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Nhưng càng có quyền lực thì sự tha hóa càng lớn nếu không được kiểm soát chặt chẽ, thưa ông?
Kiểm soát quyền lực từ bên ngoài cũng rất quan trọng. Sự kiểm soát đó chính là hệ thống thể chế, pháp luật. Hệ thống đó đến nay cũng đã có và tương đối đầy đủ cả ở bên Đảng và bên Nhà nước. Hơn nữa, anh là cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao, cán bộ diện Trung ương quản lý thì đương nhiên đều phải biết hệ thống đó đã quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của anh như thế nào trong việc thực thi công vụ?
Những việc gì anh được làm, những việc gì không được phép? Những cái đó nó đang kiểm soát anh hàng ngày, hàng giờ và tồn tại một cách khách quan. Thế nhưng anh cố tình không chấp hành và thực hiện. Lúc làm sai, làm trái anh nghĩ rằng mình sẽ được “nâng đỡ”, “bảo vệ”; mình sẽ trốn được cơ quan kiểm tra, giám sát, nhưng làm sao anh có thể trốn mãi được trước hệ thống pháp luật. Hệ thống pháp luật đó bắt buộc anh phải tuân thủ, anh làm sai thì sớm hay muộn cũng sẽ bị xử lý.
Cán bộ xấu leo cao, chui sâu vì thiếu cơ chế giám sát
Qua các vụ việc được phát hiện và xử lý thời gian qua, dư luận đặt vấn đề công tác lựa chọn, bố trí cán bộ thế nào mà để lọt nhiều nhân sự xấu như vậy?
Cái này là do thiếu cơ chế trong việc phát huy vai trò giám sát của nhân dân tthông qua Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức chính trị. Không có giám sát nên “người có vấn đề” mới leo cao, hết vị trí này đến vị trí khác. Nếu biết phát huy vai trò giám sát của nhân dân thì làm sao xảy ra chuyện
Anh “chạy chức”, “chạy quyền” thì chỉ “chạy” được một số người thôi, chứ làm sao mà “chạy” nhân dân được. Anh vi phạm, tiêu cực, suy thoái thì chỉ “che đậy” được một số người chứ làm che được tai mắt của tất cả nhân dân. Nhân dân biết, quan chức có tài sản ra sao, vợ con thế nào, sống có nêu gương không… Tất cả những điều đó nhân dân biết hết, nhân dân sẽ chỉ ra hết. Cho nên đừng có “ngại” rằng công khai sẽ gây ồn ào, khó khăn.
Đại hội Đảng đang cận kề, một trong những vấn đề nhân dân quan tâm là làm sao lựa chọn được cán bộ xứng đáng, không dính lứu đến tham nhũng, tiêu cực. Theo ông làm thế nào để thực hiện được điều đó?
Tiêu chí, tiêu chuẩn cán bộ như thế nào thì các quy định của Đảng đã nêu cả rồi. Song để tránh tình trạng “đúng quy trình” song không đúng người như tôi nói ở trên là phải lắng nghe, phát huy vai trò giám sát của nhân dân; phát huy công tác giám sát của Mặt trận tổ quốc và tổ chức, đoàn thể, khu dân cư, đoàn thể trong công tác cán bộ. Ví dụ như có thể đưa danh sách nhân sự dự kiến trình ra Đại hội XIII để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương để các tổ chức, đoàn thể giám sát, cho ý kiến. Thậm chí đối với nhân sự đặc biệt có thể để MTTQ chất vấn.
Qua chất vấn đó nhân sự đặc biệt đó sẽ thể hiện cương lĩnh tranh cử của mình. Chứ không phát huy vai trò giám sát của nhân dân, rồi để chạy chọt thăng quan, tiến chức là rất nguy hiểm. Nếu không mở ra cơ chế để nhân dân giám sát công tác cán bộ thì có thể sẽ còn nhiều tham nhũng, tiêu cực nữa và cũng còn nhiều cán bộ xấu lọt vào lãnh đạo. Không cẩn thận càng tham nhũng, càng có tiền chạy chọt, càng leo cao thì sẽ gây hại cho đất nước.
Tiêu chí, tiêu chuẩn cán bộ như thế nào thì các quy định của Đảng đã nêu cả rồi. Song để tránh tình trạng “đúng quy trình” song không đúng người như tôi nói ở trên là phải lắng nghe, phát huy vai trò giám sát của nhân dân; phát huy công tác giám sát của Mặt trận tổ quốc và tổ chức, đoàn thể, khu dân cư, đoàn thể trong công tác cán bộ. Ví dụ như có thể đưa danh sách nhân sự dự kiến trình ra Đại hội XIII để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương để các tổ chức, đoàn thể giám sát, cho ý kiến. Thậm chí đối với nhân sự đặc biệt có thể để MTTQ chất vấn.