Trong khi truyền đạt thông tin, đành rằng việc sử dụng từ ngữ như thế nào là quyền của mỗi cá nhân nhưng nó phản ánh trình độ và ý thức văn hoá của người sử dụng. Trong thời hội nhập, thông tin đa chiều mà tốc độ như hiện nay thì việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
Thứ nhất là văn hoá đặt tên. Ông cha ta ngày xưa thường cân nhắc rất cẩn thận khi đặt tên cho con cháu của mình, đặc biệt là tránh những cái tên của các bậc tiền nhân trong dòng họ hoặc tránh tên các vua chúa, các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hoá. Những danh từ đó luôn là niềm tự hào và kính trọng của cả dòng họ hay của cả dân tộc. Nhưng bây giờ các bậc cha mẹ đặt tên cho con cái mà chẳng mấy khi kiêng kị điều này. Họ cứ bê nguyên si danh tính của bậc danh nhân nào đó mà đặt tên cho con cháu mình để có “khẩu khí” và “dáng dấp” của người nổi tiếng. Điều này sẽ là bình thường và đáng trân trọng nếu không nảy sinh những trường hợp sau: Mọi người đều cảm thấy giật mình rồi xót xa khi nghe trong buổi lễ chào cờ đầu tuần ở một trường có những tin “Em Trần Quốc Toản đánh nhau trong lớp”, “em Nguyễn Quang Trung bị đuổi học vì mắc nhiều khuyết điểm không sửa chữa”… Hay như chợt thấy xuất hiện trên mặt báo những dòng: “tên Lê Quý Đôn và tên Lương Thế Vinh bị kết án tử hình vì tội giết người”… Rõ ràng khi nghe hoặc đọc thấy thế mọi người Việt Nam đều cảm thấy bị xúc phạm. Các bậc tiền nhân ấy từ lâu đã yên nghỉ trong đền đài hương khói, yên nghỉ trong tâm hồn dân tộc Việt. Thế mà bây giờ tên các bậc khả kính đó lại bị gán cho những chuyện chẳng tốt đẹp gì. Thế chẳng phải con cháu đang phạm thượng hay sao? Đành rằng việc đặt tên là quyền của các bậc cha mẹ nhưng ai chẳng có niềm tự tôn dân tộc! Chúng ta cần phải hiểu đầy đủ ý nghĩa của những cái tên khi đặt để thể hiện niềm tôn kính với ông cha! Rồi lại có những cái tên là kết quả của sự lạm dụng từ ngữ như lắp ghép tuỳ tiện, khập khiễng các từ Hán Việt hay tạo ra những danh từ dài lê thê đến những 5, 6 âm tiết. Những cái tên mà người nghe vừa cảm thấy buồn cười vừa tức anh ách.
Thứ hai là việc sử dụng từ ngữ có nguồn gốc nước ngoài. Trong kho tàng tiếng Việt, từ mượn chiếm vị trí rất quan trọng, nó góp phần làm phong phú vốn từ của dân tộc. Bộ phận này được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, nhiều tình huống giao tiếp và có vai trò tích cực trong việc truyền tải thông tin đến người đọc, người nghe. Trong nhiều trường hợp, từ mượn trở nên đắc dụng khi tiếng Việt chưa có từ thay thế hoặc chưa diễn đạt một cách chính xác đầy đủ, gợi cảm về một nội dung nào đó. Tuy nhiên tâm lý “sính chữ, sính ngoại” trong việc dùng từ đang trở thành phổ biến hiện nay. Nhiều người lầm tưởng rằng như thế là “văn minh”, “sành điệu”; nhưng vô tình đang làm nghèo nàn vốn từ của bản thân mình, của dân tộc mình. Việc lạm dụng từ mượn quá mức đã tạo ra những câu văn rối rắm, pha tạp và gây phản cảm cho người đọc, người nghe. Có rất nhiều từ nước ngoài chưa được Việt hoá song lại được sử dụng trong mọi tình huống, mọi đối tượng giao tiếp. Lại có những trường hợp trong khi tiếng Việt đã có từ ngữ hay hơn, chính xác hơn nhưng người sử dụng vẫn dùng từ mượn vừa thiếu khoa học, vừa thiếu biểu cảm. Chúng ta có thể gặp nhiều tình huống dùng từ thiếu trong sáng như thế này: Một người mẹ nói với con mình “Con hêlô ông bà chưa?” hay “Con baibai cô chú đi”, hoặc là “Mẹ cho baby măm măm nhé”… Các cô cậu học trò thích dùng từ ngữ thời in-tơ-nét như: “Làm bài thi dở quá, tớ bị ao rồi! Sao lên nét mà không meo cho tớ”… Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của việc lên mạng “chát” quá nhiều mà một số học sinh khi làm văn đã sử dụng những từ ngữ chẳng ra ta cũng chẳng ra Tây, rất khó hiểu, thậm chí là quái đản. Đó là “ngôn ngữ chát” – thứ ngôn ngữ được nói nhịu, nói chệch, nói trại, nói trộn… của những “cư dân mạng”, đang được một bộ phận lớp trẻ đua đòi sử dụng. Đây là một câu văn trong bài nghị luận của một cô bé học sinh lớp 7: “Dù sao ngun ngữ kũg hôg fản ánh đc kảm xúc kủa kon ng bằg hìn ảnh, và hôg hìn ảnh nào fản ánh kảm xúc kủa kon ng nh mụt gơg mặt…” (Dù sao ngôn ngữ cũng không phản ánh được cảm xúc của con người bằng hình ảnh, và không hình ảnh nào phản ánh cảm xúc của con người như một gương mặt…)
Thứ ba là việc sử dụng từ địa phương, thuật ngữ. Nước ta với 54 dân tộc anh em sống trải khắp các vùng miền từ Bắc đến Nam. Mỗi dân tộc có những nét độc đáo về văn hoá tạo nên vẻ đẹp nhiều màu sắc của bản đồ văn hoá Việt Nam. Ngôn ngữ của địa phương (hay dân tộc) góp phần tạo nên bản sắc của vùng miền đó. Từ địa phương chỉ thực sự hay và đẹp trong hoàn cảnh giao tiếp phải có mối quan hệ nào đó với địa phương ấy. Ngày nay việc giao lưu giữa các vùng miền dễ dàng hơn nên có lẽ, cũng vì thế mà từ địa phương được sử dụng rất tràn lan một cách vô thức làm mờ đi bản sắc dân tộc trong khi hàng ngày chúng ta kêu gọi phải giữ gìn và phát huy nó. Thật là khó chịu khi nghe người dân đồng bằng Bắc Bộ nói với nhau những từ như: “Giàng ơi, nóng quá”, “Nhà xây xong nhưng tớ không ưng cái bụng lắm”, “Việc chi mà chạy dữ vậy”… Việc sử dụng từ ngữ địa phương một cách tuỳ tiện cộng với cách dùng các thuật ngữ không đúng lĩnh vực, sử dụng tiếng lóng tràn lan hiện nay không những làm giảm tính hiệu quả, tính thẩm mỹ trong giao tiếp mà còn làm nghèo nàn vốn từ ngữ của dân tộc.
Học sinh là đối tượng rất dễ tiếp nhận những điều hay cũng như thói xấu. Vì vậy mỗi bậc phụ huynh, mỗi thầy giáo, cô giáo chúng ta cần phải rèn luyện cho con em mình thói quen lựa chọn từ ngữ khi sử dụng sao cho phù hợp, trong sáng. Muốn thế người lớn cần có thái độ trân trọng yêu quý tiếng nói của dân tộc và ý thức sử dụng từ ngữ chuẩn mực trong mọi tình huống, mọi đối tượng. Đó là cách giữ gìn sự trong sáng và làm phong phú thêm vốn từ ngữ của Tiếng Việt, một tài sản vô cùng quý báu của dân tộc ta.
Trần Văn Lợi
(Giáo viên THCS) Khu 7 - Rạng Đông - Nghĩa Hưng - Nam Định.
Nguồn Văn nghệ số 28/2020