Tổ chức, cá nhân có phương tiện giao thông có thể nộp tiền bảo lãnh để lấy phương tiện vi phạm về để tự bảo quản.
Số tiền bảo lãnh phải tương đương với số tiền phạt của tất cả các lỗi ghi trong biên bản. Sau khi lấy phương tiện về, người có phương tiện vi phạm không được dùng phương tiện đó tham gia giao thông cho đến khi nộp phạt xong...
Đó là những điểm cơ bản nhất trong Nghị định 35/2020/NĐ-CP của chính phủ, có hiệu lực từ 1/5/2020. Nghị định này nhằm giảm tải cho các bãi giữ xe vi phạm đang càng ngày càng quá tải.
Thế nhưng sau hai tháng có hiệu lực, theo thông tin từ cục CSGT, thì hầu như chỉ lác đác có người đến làm thủ tục bảo lãnh. Vì sao như vậy?
Nguyên nhân thứ nhất là thủ tục rườm rà, mất rất nhiều thời gian. Người có phương tiện vi phạm bị tạm giữ muốn bảo lãnh, trước hết phải làm đơn. Chờ đến khi đơn được duyệt rồi thì mới làm các thủ tục tiếp theo để nộp tiền vào kho bạc.
Sau khi nộp tiền xong, quay lại bãi giữ xe, mới được lấy xe về. Nếu một phương tiện vi phạm bị tạm giữ 7 ngày chẳng hạn, mà muốn bảo lãnh, thì làm xong các thủ tục, có khi mất đến ba, bốn ngày.
Rồi đến khi nhận quyết định xử phạt lại phải đến kho bạc để nộp tiền một lần nữa. Nộp tiền xong, lại mất cả ngày làm thủ tục để nhận lại tiền bảo lãnh. Chính vì thế mà mọi người thà chờ đến hết thời gian bị tạm giữ, nộp phạt một lần cho xong.
Thứ hai, là nếu như trước đây người vi phạm bị lập biên bản và chỉ bị tạm giữ giấy tờ xe, còn phương tiện thì vẫn được tham gia giao thông.
CSGT có hỏi, chỉ cần đưa cái biên bản xử phạt vi phạm ra để trình bày lí do thiếu giấy tờ, và nếu không phạm lỗi mới, thì CSGT vẫn cho đi. Nay lại bị giữ cả xe, nếu có nộp tiền bảo lãnh để lấy được xe ra, thì vẫn không được dùng xe đó để tham gia giao thông. Vậy thì bảo lãnh để làm gì?
Chỉ qua hai sự việc trên, cũng đủ thấy đây đích thực là một văn bản quy phạm pháp luật được soạn thảo trong phòng lạnh, hành hạ người vi phạm, và hậu quả nhãn tiền là bị người vi phạm quay lưng, các bãi giữ xe vi phạm đã quá tải càng thêm quá tải.
Tại sao không giữ nguyên tình trạng cũ là chỉ giữ giấy tờ của những phương tiện vi phạm, và nếu sau khi chủ phương tiện nộp phạt xong thì được lấy giấy tờ xe về, tiện cho cả người vi phạm lẫn cơ quan xử lý vi phạm. Hoặc giao luôn quyền thu tiền bảo lãnh cho CSGT.
Một khi có người vi phạm, CSGT lập biên bản xong, ghi rõ số ngày sẽ bị giữ phương tiện và hỏi luôn có đồng ý nộp tiền bảo lãnh không? Nếu chủ phương tiện đồng ý thì thu tiền và viết hóa đơn trả cho người vi phạm. Điều đó sẽ làm cho người có phương tiện vi phạm tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức đi lại.
Còn nếu làm theo quy định của Nghị định 35/2020/NĐ-CP, thì nói như dân gian, chẳng khác gì “lợn lành chữa thành lợn què”.
Vũ Hữu Sự
(Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam)