Liên tục hai vụ tính nhầm hóa đơn tiền điện tại Quảng Bình và Quảng Ninh khiến người dân một phen ngơ ngác.
Khách hàng tại Đồng Hới (Quảng Bình) bị tính nhầm hóa đơn hơn 58 triệu đồng, còn khách hàng tại Vân Đồn (Quảng Ninh) bị nhận hóa đơn tiền điện lên đến 89,4 triệu đồng mà thực tế chỉ sử dụng mức điện với số tiền phải trả 368,3 nghìn đồng.
Hai vụ tính nhầm hóa đơn tiền điện nói trên, quá rõ ràng và quá khủng khiếp, nên khách hàng không thể không khiếu nại. Còn lại, không ai dám chắc chắn không có vụ tính nhầm hóa đơn tiền điện khác trên khắp cả nước.
Bởi lẽ, ngành điện lực kinh doanh độc quyền, tự cung cấp dịch vụ, tự ấn định mức giá, tự ghi số tiêu dùng, tự ban hành hóa đơn… nên không có bất kỳ sự giám sát cũng như sự kiểm tra đáng tin cậy hoàn toàn.
Điện lực là một nguồn cung cấp năng lượng đặc biệt để phục vụ đời sống. Vì vậy, trừ những đối tượng còn chấp nhận môi trường hoang dã nơi hang sâu rừng thẳm, tất cả người Việt Nam đều là khách hàng của ngành điện lực.
Ưu tiên phục vụ thị trường 100 triệu khách hàng, ngành điện lực hầu như không có nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thỉnh thoảng, ngành điện lực la toáng lên về sự thua lỗ, rồi lại thản nhiên chơi theo luật chơi riêng của mình.
Chưa bao giờ ngành điện lực đặt ra câu hỏi, vì sao bao nhiêu dự án thủy điện được triển khai rầm rộ mà giá điện vẫn không giảm?
Cũng chưa bao giờ ngành điện lực đặt ra câu hỏi, vì sao không đối xử với khách hàng như Thượng đế, tương tự những loại hình dịch vụ trong xã hội văn minh? Rất đơn giản, vì vị trí độc quyền khiến họ được phép tự tung tự tác.
Hiện nay, vai trò của kinh tế tư nhân đã được phát huy rất hiệu quả, nhưng tư nhân vẫn chưa được tham gia vào ngành điện lực để cải thiện chất lượng phục vụ cộng đồng.
Ngành điện lực không chỉ có thao tác “cúp điện luân phiên” mà còn đặt ra cách tính tiền điện theo biểu giá bậc thang gồm 6 bậc.
Không còn phân biệt điện sinh hoạt và điện kinh doanh, ngành điện lực không biết dựa vào tiêu chí nào để quy định từng hộ dân muốn dùng điện giá thấp thì chỉ được loanh quanh ở hai bậc 0-50 kWh và 50-100 kWh mỗi tháng? Nghe mà buồn cười, hộ dân có 10 nhân khẩu thì làm sao tiêu thu lượng điện như hộ dân có 2 nhân khẩu?
Cách tính tiền điện theo biểu giá bậc thang đã vấp phải sự phản đối gay gắt. Đề án sửa đổi biểu giá điện cũng được công bố từ tháng 10/2019, nhưng Bộ Công thương chần chừ xây dựng biểu giá mới để trình Chính phủ và lại tiếp tục xin hoãn vì dịch Covid-19.
Trong thời gian biểu giá bậc thang tiếp tục được áp dụng, thì khách hàng ngậm ngùi đánh cược với khả năng tính nhầm hóa đơn tiền điện.
Tính nhầm vài chục triệu đồng thì dễ phát hiện, chứ tính nhầm vài chục ngàn đồng chắc chẳng mấy người để ý. Muốn chấm dứt việc tính nhầm hóa đơn tiền điện, phải chia rõ hai lĩnh vực sản xuất và kinh doanh theo một cơ chế vận hành minh bạch hơn.
Lê Hiếu Nhơn
(Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam)